Rửa tiền và sửa thống kê
2019.09.18
Theo Tổ chức Liêm chính Toàn cầu, Việt Nam nhận được dòng tiền phi pháp lớn nhất trên thế giới vào năm 2015, với con số bất ngờ là 22 tỷ 456 triệu đô la Mỹ. Năm 2015 cũng là khi Thủ tướng Hà Nội có quyết định rà soát lại số thống kê khiến đầu Tháng Chín, Tổng cục Thống kê đã nâng Tổng sản lượng GDP thêm hơn 25%. Vấn đề không chỉ có vậy vì theo báo cáo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đứng dưới mức trung bình toàn cầu về tự do kinh tế và tự do cá nhân nhưng có hạng mục cao về tham nhũng. Diễn đàn kinh tế sẽ tìm hiểu mấy chuyện này….
Tổ chức Liêm chính Toàn cầu
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Hoa Kỳ có một tổ chức bất vụ lợi tên là Global Financial Integrity mà ta có thể dịch là “Tổ chức Liêm chính Toàn cầu”, từ năm 2008 đã khảo sát dòng tiền ra vào các nước đang phát triển để phát giác nghiệp vụ chuyển tiền phi pháp. Sau khi khảo sát tình hình của 148 nước đang phát triển trong giai đoạn 10 năm, từ 2006 tới 2015, họ ngạc nhiên về trường hợp Việt Nam, là nước đứng đầu thế giới về dòng tiền phi pháp vào năm 2015 với ngạch số là gần 22 tỷ rưỡi, tính bằng đô la. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin phép nhìn rộng ra ngoài trước khi nói chuyện đó. Quốc tế có nhiều tổ chức vẫn khảo sát tình hình kinh tế xã hội của các nước, như mức độ tự do kinh tế, dân chủ chính trị và sự thanh liêm của các nước, v.v…. Sở dĩ như vậy vì người ta thấy ra mối quan hệ giữa mức sống của người dân với các quyền tự do kinh tế, dân chủ chính trị hay sự liêm chính, ít bị tham nhũng của bộ máy nhà nước. Tôi lấy thí dụ là Viện Cato, Sáng viện The Heritage Foundation và tờ Wall Street Journal tại Hoa Kỳ hay Transparency International tại Đức mà ta có thể dịch là Tổ chức Minh bạch Quốc tế.
Lãnh đạo Hà Nội đừng nên mặc cảm và nói phét với dân về chủ nghĩa Mác-Lênin vớ vẩn mà kiểm lại 12 tiêu chuẩn củaThe Heritage Foundation để tiến hành cải cách thì khỏi tụt hậu so với các nước láng giềng.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Ở đây, tôi nghiệm thấy ba chuyện. Thứ nhất, các tổ chức ấy xuất hiện từ khá lâu tại các nước công nghiệp hóa, nhưng lại nhắm vào mục đích thăng tiến về kinh tế và pháp chế cho người dân tại các nước đang phát triển nên họ áp dụng và cải tiến kỹ thuật thăm dò để phản ảnh thực tế cho chính xác với nội dung cảnh báo.
- Thứ hai, các nước độc tài thì chẳng thể nào có được loại tổ chức thiện chí như vậy và rất phản cảm với các công trình khảo sát ấy. Thứ ba, sau khi đổi mới kinh tế và giao tiếp với bên ngoài, Việt Nam cũng đã được khảo sát, nhưng vẫn ở mức quá thấp về tự do kinh tế, tự do chính trị mà lại quá cao về tham nhũng, như ở hạng 117 trong 180 nước được Tổ chức Minh bạch Quốc tế khảo sát năm 2018.
Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ, vì sao các nước giàu lại lập ra những tổ chức như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi trở thành giàu có, các quốc gia đó cũng là loại chậm tiến, lạc hậu, nghèo đói và gặp nạn bất công xã hội, thậm chí cách mạng và tàn sát. Nhưng sau nhiều thế kỷ canh tân, họ dần dần tìm ra chìa khóa của phát triển để thành quốc gia tiên tiến. Rồi họ nghĩ rộng ra ngoài và chia sẻ kinh nghiệm với các nước nghèo khả dĩ thế giới hợp tác với nhau trong điều kiện tôi xin gọi là “tối hảo” là tốt đẹp cho mọi người. Các nước đi sau đã tiến khá nhanh về kinh tế nhờ kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến. Nhưng đấy mới chỉ là lượng, chưa có phẩm, nếu thiếu cơ chế luật lệ nhằm phát huy quyền tự do kinh tế, chính trị, sự công bằng trong một xã hội không bị tham nhũng hay ô nhiễm môi sinh đục khoét. Cũng theo chiều hướng này, Liên Hiệp Quốc đã lập ra “Chỉ số Phát triển Nhân loại” hay Phát triển Con người là Human Development Index để bao gồm các yếu tố ngoài lợi tức, như tỷ lệ biết chữ hay tuổi thọ, v.v…
- Trong các nước đã phát triển, loại tổ chức vô vụ lợi như chúng ta vừa nói được lập ra và hoạt động nhờ đóng góp tài chính tự nguyện của người khác nên có thể tuyển mộ chuyên viên có khả năng thực hiện các công trình nghiên cứu và khảo sát. Các tổ chức ấy không kiếm lời nhờ hoạt động thiện nguyện. Cái lời nếu có là về uy tín nhờ giá trị chuyên môn của việc nghiên cứu và về lý tưởng tự do, công bằng mà họ ấp ủ và muốn chia sẻ cho người khác.
Vì sao Việt Nam vẫn nghèo?
Nguyên Lam: Theo như Nguyên Lam hiểu thì mức thành công về kinh tế của các nước tùy thuộc vào quyền tự do chọn lựa và giao dịch của người dân trong một khuôn khổ công khai, minh bạch và bình đẳng. Phải chăng đấy là ý nghĩa của tiêu chuẩn “tự do kinh tế” và thưa ông, Việt Nam đứng hạng quá thấp về tiêu chuẩn này nên vẫn là một nước nghèo?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chỉ số này do The Heritage Foundation lập ra từ 25 năm qua gồm 12 tiêu chuẩn như quyền tư hữu, khả năng của hệ thống tư pháp, sự liêm khiết của bộ máy công quyền, gánh nặng thuế khóa và quyền tự do lao động, v.v… Từng nước có thay đổi theo thời gian và Việt Nam đã khá hơn so với 20 năm trước. Nhưng theo không gian thì Việt Nam dưới mức trung bình toàn cầu, thậm chí còn dưới Trung Quốc và điều ấy cũng phần nào giải thích vì sao dân Việt vẫn còn nghèo nếu so sánh với các nước nghèo đã trở thành tiên tiến như Nam Hàn hay Đài Loan.
- Tôi nghĩ lãnh đạo Hà Nội đừng nên mặc cảm và nói phét với dân về chủ nghĩa Mác-Lênin vớ vẩn mà kiểm lại 12 tiêu chuẩn này để tiến hành cải cách thì khỏi tụt hậu so với các nước láng giềng.
Nguyên Lam: Trở lại báo cáo của tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu, theo đó Việt Nam đã có dòng tài chính phi pháp lên tới hơn 22 tỷ đô la khi sản lượng kinh tế vào thời đó mới chỉ ở khoảng hơn 200 tỳ, ông có những nhận xét gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tai hại vô cùng vì cho thấy bộ máy hành chính công quyền bất lực và có quá nhiều viên chức bất lương nên mới để xảy ra chuyện đó.
- Kẻ gian trục lợi bất chính có nhiều lý do, kể cả rửa tiền và nhất là rửa tiền của Trung Quốc chảy vào Việt Nam. Nhưng hiện tượng ấy đã có từ lâu, nay sẽ gia tăng vì trận thương chiến giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Ngoài ra, kẻ gian còn có thể chuyển tiền từ Việt Nam ra ngoài rồi sau khi rửa sạch thì đầu tư ngược vào trong nước để nhà nước có những thống kê khoe khoang.
- Hậu quả chung là những con số không đáng tin về Tổng sản lượng GDP, là nạn bất công xã hội vì nhà nước bị thất thâu về thuế nên mắc nợ, thiếu ngân sách cho các mục chi xã hội như giáo dục và y tế, hoặc các dự án xây dựng hạ tầng trong khi các đại gia tỷ phú ở trong và ngoài đảng mặc sức phe phẩy tung hoành. Giữa các chỉ số tồi tệ về kinh tế và xã hội Việt Nam, việc Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu GFI công bố kết quả khảo sát vào đầu năm nay phải làm Hoa Kỳ chú ý và nên làm các viên chức của Hà Nội tỉnh giấc mộng du về chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thống kê Việt Nam: một chút lạc quan!
Nguyên Lam: Trong nhiều chương trình trước đây, ông đã nói về hiện tượng thiếu khả tín, không đáng tin, của thống kê Trung Quốc. Theo như ông nghĩ, liệu rằng Việt Nam có thoát khỏi tình trạng đó hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Lần đầu tiên tôi hơi lạc quan một chút về Việt Nam!
- Thống kê của Trung Quốc không đáng tin vì bị bảy bệnh ung thư. Thứ nhất, quốc tế thiếu am hiểu địa dư hình thể xứ này nên không thấy họ có ba nền kinh tế khác biệt trên một lãnh thổ rộng lớn bằng lãnh thổ Hoa Kỳ, chứ không chỉ có vùng duyên hải là nơi các doanh nghiệp quốc tế đầu tư để kiếm tiền. Quốc tế không nhìn ra thực tế nghèo nàn lạc hậu của một khu vực bát ngát bên trong.
So với nước láng giềng hung hiểm tại phương Bắc thì bệnh thống kê sai lạc của Việt Nam vẫn chưa đến nỗi nào và còn có thể sửa được, nếu lãnh đạo Hà Nội muốn sửa. Việc cần sửa đầu tiên là nên học cách nói thật, cho chính mình biết được tật bệnh ở đâu!
-Nguyễn Xuân Nghĩa
- Thứ hai, quốc tế đánh giá sai mâu thuẫn rất lớn và thật ra rất cổ điển giữa trung ương và địa phương tại Trung Quốc nên không thấy rằng vì lý do chính trị cải cách là điều khó. Quốc tế cho rằng chế độ độc đảng toàn trị có ưu điểm là muốn làm gì cũng được là điều ông Tập Cận Bình đang thấy là sai vì có nhiều điều mốn làm mà chưa được!
- Bệnh ung thư thứ ba, nhiều doanh nghiệp đầu tư che giấu sự thất bại của họ mà cố quảng cáo về triển vọng Trung Quốc với các thân chủ ủy thác tiền đầu tư vào xứ này. Loại gian ý như vậy không phải là hiếm nếu chúng ta nhớ lại vụ khủng hoảng tài chánh sau khi thị trường gia cư Hoa Kỳ bị bể bóng cách nay 12 năm.
- Thứ tư, nhiều trung tâm nghiên cứu hay think tanks không dám nói thẳng về sự thật vì sợ phản ứng của lãnh đạo Bắc Kinh khiến họ khó ra vào Trung Quốc để trở thành “chuyên gia về Trung Quốc” về nhà lỏe bịp người khác.
- Thứ năm, trong số này, không thiếu gì người thực tin vào lý luận tuyên truyền của Bắc Kinh, vì vậy, số liệu giả tạo của Trung Quốc cứ được họ loan truyền mà khỏi kiểm chứng. Và truyền thông nông cạn lại tin vào “sự khách quan” của họ.
- Thứ sáu, khá chuyên môn, giới học giả Hoa Kỳ và Âu Châu thiếu kiến thức về kinh doanh và kế toán nên chẳng thấy nạn sản xuất dư thừa không là tăng sản lượng mà chỉ là chất lên tồn kho ế ẩm được tài trợ bằng một núi nợ. Họ không tin Trung Quốc mắc nợ nhiều như vậy khi vẫn sản xuất từng núi hàng vô dụng, có các trung tâm thương mại vắng khách, nhiều khu vực gia cư sụt giá từ mấy năm nay.
- Bệnh ung thư sau cùng là nhiều trí thức thiên tả Tây phương luôn luôn tin vào vai trò của nhà nước. Họ tưởng là vì nhà nước Bắc Kinh có toàn quyền nên có khả năng quản trị cao hơn nhà nước Tây phương. Những vụ khủng hoảng tài chánh tại Âu Châu hay tranh luận chính trị tại Hoa Kỳ ngày nay càng củng cố lập luận sai lầm ấy của giới trí thức khuynh tả. Đa số truyền thông cũng thiên tả nên có sự đánh giá thiên lệch mà không biết!
- So với nước láng giềng hung hiểm tại phương Bắc thì bệnh thống kê sai lạc của Việt Nam vẫn chưa đến nỗi nào và còn có thể sửa được, nếu lãnh đạo Hà Nội muốn sửa. Việc cần sửa đầu tiên là nên học cách nói thật, cho chính mình biết được tật bệnh ở đâu!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích của tuần này.