Những Biện pháp Kích cầu

Trong vụ Tổng suy trầm vừa qua của kinh tế thế giới, các quốc gia đều cố gắng áp dụng một số biện pháp kích thích thuộc loại kinh điển, như hạ lãi suất, bơm tín dụng, giảm thuế hay tăng chi ngân sách.
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2012.03.08
000_Par6816838-305.jpg Bộ trưởng thương mại các nước tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos hôm 28/1/2012 với chủ đề "After Doha: The future of global trade".
AFP photo

Bốn năm sau, hình như những biện pháp trên vẫn chưa đạt kết quả, ngay cả với trường hợp Trung Quốc là một xứ đã tăng chi và bơm tín dụng tới mức kỷ lục lên đến 40% Tổng sản lượng. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu sự kiện đó qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế của đài Á châu tự do là chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa.

Hậu quả bất lường

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, đầu năm 2008, khi kinh tế Hoa Kỳ trước tiên suy trầm và một số ngân hàng đầu tư bị chấn động, Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush cùng Ngân hàng Trung ương đã lập tức ban hành biện pháp kích thích kinh tế. Rồi khi suy trầm lan rộng trong mấy năm kế tiếp và trở thành nạn Tổng suy trầm toàn cầu, các quốc gia khác cũng ứng phó bằng nhiều phương thức được coi là kinh điển. Nhưng cho đến nay thì tình hình chung có vẻ như chưa sáng sủa mà nhiều xứ còn gặp vấn đề khác nên người ta tranh luận khá nhiều về sự hữu hiệu của các biện pháp này. Tiết mục chuyên đề của chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu về hiện tượng đó, ông nghĩ thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng với chiều dài thời gian là bốn năm, chúng ta có thể và cũng nên nhìn lại để tìm hiểu vì sao mà nhiều biện pháp kinh tế lại không đạt kết quả như dự tính. Đã vậy, dường như là ta còn gặp hiện tượng gọi là "hậu quả bất lường" là khi áp dụng giải pháp này thì lại gây vấn đề bất ngờ khác mà trước đó người ta chưa thấy ra.

Vũ Hoàng: Như vậy, trước hết xin đề nghị ông trình bày cho một danh mục của các biện pháp ứng phó rồi mình mới tìm hiểu về sự hữu hiệu của các biện pháp này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, tôi trộm nghĩ là ta hãy nói về định nghĩa để xác định bối cảnh và nội dung vấn đề. Người ta nghiệm thấy là trong sinh hoạt kinh tế, sự thăng trầm của sản xuất có thể là hiện tượng chu kỳ, tức là sáu bảy năm lại xảy ra một lần. Khi sản lượng giảm liền trong hai quý, với đà tăng trưởng chậm hơn, thì ta có nạn "suy trầm", hay recession, mà tôi cho rằng người ta gọi sai là "suy thoái", hay depression. Xin tạm nhớ rằng trầm là chìm mà thoái là lùi. Suy trầm là tăng trưởng chậm lại, suy thoái là không tăng trưởng dù thấp hơn mà còn thụt lùi. Nếu suy trầm kéo dài và lan rộng ra nhiều khu vực kinh tế thì mới có nạn suy thoái và nếu suy thoái lây lan qua mọi sinh hoạt lẫn các quốc gia khác thì ta có nạn khủng hoảng hay crisis. Việc gọi tên như vậy cũng có tầm quan trọng vì nó chi phối nhận thức và phản ứng của chúng ta.

Vũ Hoàng: Ông vừa nói đến một hiện tượng gọi là chu kỳ là cứ lâu lâu lại xảy ra một lần. Nguyên nhân là vì sao vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Về nguyên nhân thì người ta phân biệt hai trường hợp. Một là "nội sinh", hai là "ngoại nhập". Nội sinh là tự xảy ra trong nền kinh tế vì cái trớn của sản xuất và tiêu thụ. Ngoại nhập là khi có yếu tố tác động từ ngoài vào, thí dụ như chiến tranh, thiên tai động đất hoặc giá cả nhập lượng như xăng dầu hay nông sản bất ngờ gia tăng trên thế giới và gieo họa cho nền kinh tế quốc dân ở bên trong.

Một cách phổ biến thì khi kinh tế bị suy trầm, người ta thường cho rằng đó là vì tổng số cầu trên thị trường sút giảm sau giai đoạn tăng trưởng mạnh nên nhất thời hàng họ bị ế ẩm, tồn kho bị đọng, nhịp độ sản xuất chậm lại và thất nghiệp tăng. Gặp trường hợp đó, ta có loại biện pháp gọi là "phản chu kỳ", là chủ động đảo ngược chu kỳ đình đọng. Cụ thể là kích thích số cầu, hay "kích cầu", nhằm nâng mức sản xuất, giảm đà thất nghiệp hoặc bơm lợi tức cho dân chúng thêm cơ hội tiêu xài. Chuỗi biện pháp ấy gồm có hạ lãi suất để vay tiền rẻ hơn, bơm tín dụng là cho vay để tiền tệ lưu thông dễ dàng hơn, giảm thuế để hạ bớt chi phí sản xuất và cho dân thêm tiền xài, hoặc tăng chi để tạo thêm nguồn tiền cho tiêu thụ và sản xuất, v.v. Tùy hoàn cảnh của từng loại suy trầm lẫn chủ trương của lãnh đạo kinh tế từng nước mà người ta thiên về giải pháp tiền tệ như lãi suất và tín dụng hoặc giải pháp ngân sách là tăng chi hay giảm thuế.

Vũ Hoàng: Bây giờ, ta nói đến kết quả. Thưa ông, trong giai đoạn Tổng suy trầm vừa qua, một số quốc gia đã áp dụng biện pháp tiền tệ rất mạnh qua việc ào ạt bơm thêm tín dụng và quả nhiên là tình hình sản xuất dù có giảm sút chút đỉnh so với trước đây hoặc so với nước khác.

Đó là trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng dù sao vẫn khá cao trong các nền kinh tế gọi là đang phát triển.
Nhưng ngược lại, cũng biện pháp đó lại gây ra lạm phát hoặc thậm chí bong bóng đầu tư. Kết cuộc thì người ta phải tăng lãi suất hoặc nâng mức dự trữ pháp định của các ngân hàng để hút bớt lượng tiền lưu hành trong kinh tế hầu đẩy lui lạm phát. Ta còn nhớ rằng đã có lúc lãi suất tại Việt Nam lên tới 18-20% khiến doanh nghiệp khó đi vay và không khí làm ăn trở thành ảm đạm giữa cơn Tổng suy trầm. Vì sao người ta lại gặp trường hợp lạ kỳ đó?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta có hiện tượng gọi là hậu quả bất lường hoặc lượng không là phẩm.
Khi hai xứ này liên tục bơm tín dụng quá mạnh, bình quân là tăng từ 30 đến 40% một năm, thì kinh tế không hút nổi lượng tiền quá lớn đó và gây lạm phát. Thứ hai, hệ thống ngân hàng non yếu khiến cho nhiều nơi dư tiền và xài không đúng mục tiêu kích thích sản xuất mà đẩy tiền qua đầu cơ. Y như một mạng lưới các ống dẫn nước trong việc tiêu tưới vào mùa hạn hán, hệ thống dẫn nước này khiến nhiều nơi bị úng thủy trong khi các khu vực khác vẫn bị hạn hán, doanh nghiệp vẫn không tìm ra tiền để sản xuất.

Biện pháp ngân sách

000_DV1076362-250.jpg
Tổng thống Obama nói chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk (P) tại Hội nghị thượng đỉnh tại Honolulu hôm 12/11/2011. AFP
Tổng thống Obama nói chuyện với Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk (P) tại Hội nghị thượng đỉnh tại Honolulu hôm 12/11/2011. AFP
Vũ Hoàng: Ngoài biện pháp tiền tệ về tín dụng với hậu quả bất lường như vừa nói, các nước cũng áp dụng biện pháp ngân sách, ví dụ như tăng chi. Vẫn về trường hợp kinh tế Trung Quốc và Việt Nam, dường như biện pháp tăng chi này có gây ra bội chi ngân sách và thật ra đã trở thành những khoản đầu tư rất tốn kém nếu so sánh với kết quả. Vì sao lại có chuyện như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta trở lại câu chuyện về phẩm chất của cơ chế kinh tế và hiệu năng của chính sách vĩ mô.
Từ Tháng 11 năm 2008, Trung Quốc tăng chi ngân sách qua ngạch số tương đương với gần 600 tỷ đô la và bơm thêm một lượng tín dụng chừng 1.400 tỷ, tổng cộng là gần 2.000 tỷ đô la cho một nền kinh tế một năm chỉ sản xuất có khoảng 5.000 tỷ. Đây là ta chưa nói đến một lượng tiền rất lớn mà chưa ai tính ra nổi, kể cả lãnh đạo ở trung ương, là số tiền các chính quyền địa phương đi vay của các ngân hàng nhà nước ở địa phương để thi đua kích cầu.

Rốt cuộc thì họ đẩy ra một lượng rất lớn mà lại không biến ra phẩm vì những yếu kém lệch lạc trong cơ chế sản xuất. Yếu tố cần chú ý ở đây là "hiệu suất đầu tư", nôm na là phải đầu tư mấy đồng thì tăng sản lượng được một đồng. Khi mới cải cách, mấy chục năm trước, xứ này đầu tư chừng hai đồng thì nâng được một đồng sản lượng. Trong bốn năm qua, họ phải đầu tư bảy tám đồng thì mới có thêm một đồng sản lượng, nghĩa là bị hao phí sức lực để đạt kết quả nghèo nàn, chưa nói dến những hậu quả bất lường mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều sẽ gặp sau này.

Vũ Hoàng: Nói lại cho dễ hiểu thì áp dụng một chính sách vĩ mô tưởng là thích hợp nhưng cho một cơ chế kinh tế tài chính yếu kém thì dù có kết quả, kết quả ấy vẫn là nghèo nàn và còn gây ra hậu quả mà ông gọi là bất lường. Thưa ông, những hậu quả ấy là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng quan trọng và nguy ngập hơn cả thì có hai vấn đề sau này sẽ gieo họa cho kinh tế.
Thứ nhất là về xuất xứ của nguồn tiền vì mọi đồng bạc đều có hai mặt. Ngay trong phạm trù gọi là tăng chi quá nguồn thu của ngân sách, tức là gây bội chi hoặc thiếu hụt ngân sách, người ta thực tế phải đi vay. Ví dụ như khi số thu ngân sách chỉ có trăm đồng mà muốn xài một trăm hai thì phải vay tiền hay in thêm hai chục bạc. Mà đã vay thì sẽ có ngày phải trả, dưới dạng này hay dạng khác.

Nếu phải xả lượng tồn kho ế ẩm này ra ngoài để cứu các doanh nghiệp nhà nước khỏi phá sản thì Trung Quốc sẽ gieo họa cho thế giới. Cho nên, từ biện pháp kích cầu nhất thời người ta lại có thể gây hậu quả suy trầm, hay suy thoái!

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Cái dạng phổ biến nhất chính là lạm phát, một sắc thuế mù quáng đồng hạng đánh vào túi tiền của mọi người và người nghèo hay thành phần có đồng lương cố định là bị thiệt nhất.

Một dạng khác là lãi suất hay tiền lãi. Chính quyền mà tăng chi quá nguồn thu thì phải đi vay, thí dụ như phát hành trái phiếu, và phải trả tiền lời, tức là lại nâng thêm một khoản chi khác. Khi đi vay như vậy thì người ta thu hút một số tài nguyên trên thị trường làm cho thị trường có ít tiền hơn và lãi suất vì vậy cũng sẽ tăng, nghĩa là dẫn tới kết quả ngược với mục tiêu kích cầu.

Thứ hai, khi vay tiền như mua nước để bơm vào chỗ bị úng thủy, là trường hợp điển hình của Trung Quốc, người ta gây ra hiện tượng sản xuất thừa trong một số khu vực. Chuyện kinh hoàng của Trung Quốc là xứ này đã vì biện pháp kích thích kinh tế mà sản xuất quá nhu cầu trong các lĩnh vực như sắt, thép, kim loại, xi măng, hoá chất, lọc dầu, v.v... Vì kích thước quá lớn của kinh tế xứ này, lượng hàng hóa dư thừa đó lên tới con số khổng lồ, thí dụ như khối thép ế của họ nay đã cao bằng sản lượng thép của cả Liên hiệp Âu châu.

Nếu phải xả lượng tồn kho ế ẩm này ra ngoài để cứu các doanh nghiệp nhà nước khỏi phá sản thì Trung Quốc sẽ gieo họa cho thế giới. Cho nên, từ biện pháp kích cầu nhất thời người ta lại có thể gây hậu quả suy trầm, hay suy thoái!

Tình hình chưa khả quan

000_136142964-250.jpg
Bán hàng giảm giá vào dịp lễ Thanksgiving 2011 ở Mỹ, ảnh minh họa. AFP
Bán hàng giảm giá vào dịp lễ Thanksgiving 2011 ở Mỹ, ảnh minh họa. AFP
Vũ Hoàng: Thưa ông, chúng ta thấy ra trái đất hình tròn khi cách ứng phó của xứ này có thể gây hậu quả bất lường ở bên trong mà cũng còn tác động vào tình hình kinh tế của xứ khác ở bên ngoài. Có lẽ vì vậy mà người ta không chỉ quan tâm đến việc ứng phó của từng nước mà còn phải nhìn vào hậu quả chung cho các xức khác.

Trở lại chuyện Hoa Kỳ, thưa ông, vì sao qua hai kế hoạch kích cầu của hai chính quyền nối tiếp, trị giá 150 tỷ rồi gần 800 tỷ đô la, và qua các biện pháp như Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất tới số không và hai lần in bạc bơm tiền, mà tình hình chưa khả quan? Trong khi ấy, người Mỹ vẫn ráo riết tranh luận về giải pháp khiến nhiều người hoài nghi khả năng ứng phó của Hoa Kỳ và như ông có nói trên diễn đàn này là Mỹ cũng bị khủng hoảng về niềm tin?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Với có đủ thời gian để nhìn lại, tôi cho rằng Hoa Kỳ không chỉ bị suy trầm theo chu kỳ thông thường mà thật ra nạn suy trầm mở bung các nhược điểm tích lũy từ lâu là đã tiêu thụ và vay tiền quá khả năng nên đến lúc phải trả nợ. Khi vừa trả nợ, tức là phải thu vén chi tiêu, mà cũng phải kích thích kinh tế thì người ta gặp mâu thuẫn về mục tiêu và mâu thuẫn đó mới gây ra tranh luận về các giải pháp. Cũng xin nói thêm rằng đây là loại vấn đề vài ba thế hệ hay sáu bảy chục năm mới gặp một lần mà nếu thiếu trí nhớ thì ai cũng có thể tưởng là chưa hề có bao giờ nên rất dễ tuyệt vọng, hoặc mất niềm tin.

Sau cùng, cái nạn vay mượn quá sức này không là một đặc thù của Mỹ mà còn là hiện tượng chung của các nền kinh tế đã tiến lên trình độ hậu công nghiệp, là trường hợp của Nhật Bản, Âu Châu và Hoa Kỳ. Nhiều xứ khác dù chưa lên tới đó thì cũng đã gặp tình trạng nợ nần quá sức này, kể cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, nên ta càng phải chú ý về chuyện đó.

Vũ Hoàng: Vì thời lượng có hạn của chương trình chúng ta, xin ông tóm lược về nội dung tranh luận hiện nay. Cụ thể là Hoa Kỳ nên nhắm vào những giải pháp nào cho vấn đề suy trầm ngắn hạn và bài toán nợ nần lưu cữu từ đã lâu?

Tôi cho rằng Hoa Kỳ không chỉ bị suy trầm theo chu kỳ thông thường mà thật ra nạn suy trầm mở bung các nhược điểm tích lũy từ lâu là đã tiêu thụ và vay tiền quá khả năng nên đến lúc phải trả nợ.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa rằng ngần ấy vấn đề đều có thể quy vào một giải pháp là phải đạt tăng trưởng cao hơn để giảm thất nghiệp, nâng lợi tức lẫn nguồn thu thuế khoá và đẩy lui bội chi. Người ta sở dĩ tranh luận vì tùy quan điểm lập trường mà chú trọng đến yếu tố này hơn yếu tố kia, thí dụ như phải tăng thuế để giảm bội chi và giảm thuế để kích thích sản xuất. Trong khi họ cũng không thể quên khối dân nghèo trong cộng đồng quốc gia mà yêu cầu cứu trợ có thể lại gây thêm bội chi. Bản thân tôi và ý thức được sự hạn hẹp tất yếu, tôi cho rằng Hoa Kỳ phải một lúc nhằm vào ngần ấy mục tiêu và chọn lựa trong thùng đồ nghề chữa chạy của mình những khí cụ nào có thể đáp ứng được nhiều kết quả nhất.

Một cách cụ thể thì Hoa Kỳ chưa thể giảm chi ngay nhưng phải điều hướng việc công chi tới cả ngàn tỷ đô la một năm vào sản xuất hay cải thiện hạ tầng cơ sở đã bị lão hóa hơn là tái phân lợi tức để cứu người nghèo mà những người có khả năng đầu tư sản xuất lại bị trở ngại. Đó là một khía cạnh của vụ tranh luận về giàu nghèo, về công bằng xã hội hay phát triển kinh tế.

Việc thứ hai và tôi sẽ lại nói ngược: Hoa Kỳ phải cải tổ hệ thống thuế vụ để tránh mất thuế và khai báo quá rắc rối nhưng sửa đổi chế độ thuế khoá theo hai hướng là tăng thuế tiêu thụ để tiết giảm việc tiêu xài và vay mượn nhưng giảm thuế đầu tư sản xuất để kích thích số cung hơn là chỉ nhắm vào số cầu như hiện nay. Tất nhiên là khi tăng thuế tiêu thụ thì vẫn phải có biện pháp miễn giảm cho đa số người nghèo. Câu chuyện này khá phức tạp chứ không dễ nhưng tôi tin rằng thể nào dân Mỹ cũng có lúc phải lấy những quyết định cần thiết cho tương lai xứ này.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Video: Những con số trong tuần 06-03-2012

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.