Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính của Hoa Kỳ

Cam kết Tổng Thống Bush đưa ra trước các nguyên thủ những nước thành viên Liên Hiệp Quốc về kế hoạch hành động đã giúp mọi người an tâm hơn, trước những trở ngại đang xảy đến ở cả hai thị trường tài chánh và chứng khoán Hoa Kỳ.

0:00 / 0:00

Thứ Ba vừa rồi trong phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cam kết chính phủ Hoa Kỳ sẽ thực hiện những kế hoạch cần thiết để giải quyết tình trạng khó khăn kinh tế của nước Mỹ, cũng như để đảm bảo ổn định cho nền kinh tế và mức phát triển toàn cầu.

Trước đó, Tổng Thống Bush cũng đã tuyên bố với nhân dân Mỹ rằng ông hiểu người dân “bắt đầu nghi ngờ vào hệ thống tài chánh của quốc gia, bắt đầu mất niềm tin” và trách nhiệm của lãnh đạo trước một vấn đề quan trọng như vậy là “phải tạo được niềm tin từ nhân dân”.

<i>Chính phủ chúng tôi sẽ thực hiện những bước vững chắc để ngăn chận những hậu quả bất lợi xảy đến với nền kinh tế của nước Mỹ và những ảnh hưởng xấu có thể gây nên đối với nền kinh tế ở mọi nơi trên toàn thế giới.</i>

<i> TT.Bush<br/> </i>

Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính của Hoa Kỳ là đề tài Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn để gửi đến quý thính giả trong Tạp Chí Câu Chuyện Thợi Sự Hàng Tuần .

Có rất nhiều từ đang được sử dụng để nói về sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử tài chính của Hoa Kỳ, chẳng hạn như “một sự kiện lịch sử”, “một sự kiện chưa từng xảy ra” hay “sự kiện sẽ làm thay đổi cả hệ thống tư bản của nước Mỹ”.

Bất kể từ ngữ nào được sử dụng, bất kể chuyện các nhà kinh tế và các chuyên gia ngân hàng chưa đồng thuận với nhau về những giải pháp cần làm để nền kinh tế nước Mỹ không sụp đổ, cả thế giới hiện đang theo dõi rất sát kế hoạch giải cứu thị trường đầy rối ren mà đích thân ông chủ Nhà Trắng loan báo trong bài diễn văn đọc tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc

Chính phủ chúng tôi sẽ thực hiện những bước vững chắc để ngăn chận những hậu quả bất lợi xảy đến với nền kinh tế của nước Mỹ và những ảnh hưởng xấu có thể gây nên đối với nền kinh tế ở mọi nơi trên toàn thế giới.

700 tỷ dollars để cứu vãn tình hình

Những bước vững chắc hay kế hoạch ông Bush nói đến được ghi trong đề nghị dưới dạng một dự thảo luật dài không đầy 3 trang đánh máy gửi Quốc Hội, yêu cầu cấp ngân khoản 700 tỷ dollars để dùng vào các việc mua các khoản nợ xấu ở thị trường bất động sản, cho các định chế tài chánh đang gặp khó khăn vay thêm vốn để hoạt động.

Dù là một cường quốc như Hoa Kỳ, số tiền 700 tỷ dollars không phải là khoản tiền nhỏ và việc xin Quốc Hội chuẩn thuận cũng không phải là điều dễ làm. Số tiền này tương đương với 5% GDP, làm tăng số nợ của chính phủ từ 10,600 tỷ lên thành 11,300 tỷ dollars, và đừng quên trước khi xin cấp khoản tiền khổng lồ này, chính phủ liên bang đã bỏ ra hàng trăm tỷ dollars cho vay khẩn cấp để giúp bình ổn thị trường nhưng vẫn không đem lại được kết quả như mong muốn.

Chính vì vậy, theo lời ông Henry Paulson, Tổng Trưởng Tài Chính Mỹ, Quốc Hội phải thông qua đề nghị này trong thời hạn thật sớm, nếu không muốn thấy ảnh hưởng bất lợi ngày một lan rộng hơn ngay trong nước Mỹ, và sớm muộn gì cũng sẽ gây xáo trộn kinh tế toàn cầu.

Hệ thống tài chính Hoa Kỳ cầu cứu Quốc Hội

Chúng ta phải hành động ngay, phải hành động cứu nguy thật nhanh.

Quốc Hội phải thông qua đề nghị này trong thời hạn thật sớm, nếu không muốn thấy ảnh hưởng bất lợi ngày một lan rộng hơn ngay trong nước Mỹ, và sớm muộn gì cũng sẽ gây xáo trộn kinh tế toàn cầu.

TT.Tài Chánh Henry Paulson

Ông Thống Ðốc Ben Bernanke của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang cũng đưa ra cái nhìn bi quan nếu kế hoạch cứu nguy thị trường tài chánh không được quốc hội chấp thuận.

Ông nói rõ rằng tình trạng sẽ tệ hại hơn bây giờ rất nhiều, khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra và số tiền bỏ ra để vực lại cả một nền kinh tế sẽ cao gấp nhiều lần con số 700 tỷ được yêu cầu lúc này

Số người mất việc làm sẽ tăng, tỷ lệ người thất nghiệp sẽ tăng, số người mất nhà vì không có tiền trả nợ cũng tăng, và GDP đương nhiên phải giảm.

Lời kêu cứu của những người đang điều khiển hệ thống tài chánh của nước Mỹ vẫn chưa thật sự được các vị dân cử Cộng Hòa và Dân Chủ lắng nghe. Thượng Nghị Sĩ Charles Schumer cho rằng không thể chối cãi thị trường tài chính quốc gia đang gặp nhiều khó khăn, và ủng hộ một giải pháp cứu nguy là điều mọi người nên làm, cần làm. Nhưng vị Nghị Sĩ Dân Chủ này cũng nói rõ:

Chúng ta vẫn phải đặt quyền lợi của người đóng thuế lên trên hết.

Quyền lợi của người đóng thuế phải đặt lên trên hết.

Điều Nghị Sĩ Schumer vừa nêu hàm chứa hai ý nghĩa. Thứ nhất, số tiền Nhà Trắng yêu cầu Quốc Hội chuẩn chi chính là tiền thuế người dân đóng góp và không có gì đảm bảo đây là yêu cầu cuối cùng bên hành pháp đưa ra để cứu nguy thị trường. Ðiểm thứ nhì là nếu bỏ phiếu chấp thuận yêu cầu của Nhà Trắng, các vị dân cử cần phải nhớ rằng lá phiếu của họ đi ngược lại những quy định căn bản của một nền kinh tế thị trường.

Quy định đó được Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Jim Bunning nhấn mạnh:

Tôi giật nẩy cả người lên, đến độ gần như hoảng sợ khi nghe quý vị trình bày vấn đề. Theo tôi hiểu thì quy định căn bản của thị trường tự do là lời ăn, lỗ chịu. Giới đầu tư hưởng lợi nhuận cao nếu họ đem tiền bỏ vào những chỗ mạo hiểm, và đương nhiên họ cũng có thể bị thua lỗ nặng nề.

<i>Ðằng này, kế hoạch của chính phủ đi ngược hẳn với những quy định căn bản đó, tức là có lời thì giới đầu tư hưởng, còn thua lỗ thì chính phủ lấy tiền thuế của người dân ra để cứu nguy. Như thế nếu chúng ta thông qua đề nghị này, thì tất cả những ý hướng và mục tiêu của thị trường tự do ở Mỹ đã chết.</i>

TNS.Jim Bunning

Không chỉ gặp khó khăn về khoản tiền 700 tỷ dollars cần có, hành pháp còn đang phải đương đầu với ngôn từ trong dự luật gửi sang Quốc Hội.

Dự luật có câu "công tác thi hành được trao toàn quyền cho vị tổng trưởng tài chánh, tất cả mọi quyết định không ai được quyền duyệt xét lại, không bị chi phối bởi bất cứ điều luật nào và không bị điều tra bởi bất kỳ một cơ quan nào".

“Cuộc chuyển quyền từ lập pháp sang hành pháp lớn nhất trong lịch sử”

Trả lời phỏng vấn của đài phát thanh NPR, Giáo Sư Jon Macey, Phụ Tá Khoa Trưởng Luật Khoa đại học Yale cho rằng nếu dự luật được thông qua thì đây sẽ là “cuộc chuyển quyền từ lập pháp sang cho hành pháp lớn nhất”mà ông thấy được trong lịch sử của nước Mỹ.

Ông giải thích thêm rằng hiến pháp Hoa Kỳ đã quy định rõ hành pháp, lập pháp và tư pháp có những trách nhiệm riêng, và một trong trách nhiệm được biết đến chính là kiểm soát lẫn nhau, để không bên nào có thể làm điều sai trái với luật định.

Cứ thử nghĩ mà xem. Thử tưởng tượng bên hành pháp sang bảo với lập pháp là trong 200 năm, 250 năm qua chúng ta đã làm việc chung với nhau, bây giờ không có chuyện ai sa thải ai, các ông vẫn được làm những gì phải làm, vẫn được gọi là Quốc Hội Liên Bang, nhưng các ông không có quyền hạn gì nữa, chúng tôi muốn làm gì thì làm, bên Quốc Hội không được quyền thắc mắc..

Giáo sư Macey nói thêm rằng ông không đồng ý với ngôn từ được viết trong dự luật mà Nhà Trắng đưa sang Quốc Hội. Ông bảo thêm:

Tôi không đồng ý được với điều khoản được viết trong dự luật vì cho ông tổng trưởng tài chánh, hay nói đúng hơn là bên hành pháp có nhiều quyền quá, và ngay cả bên tư pháp cũng không được quyền xem xét coi việc làm này có hợp hiến hay không.

Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Richard Shelby, Phó Chủ Tịch Ủy Ban Ngân Hàng Thượng Viện Hoa Kỳ cũng chia sẻ quan điểm của Giáo Sư Macey. Nghị Sĩ Shelby nói với báo chí rằng ông và các đồng viện biết phải làm một điều gì đó để có thể cữu vãn tình thế khó khăn đang xảy ra cho thị trường tài chánh quốc gia hiện giờ, nhưng điều đó không có nghĩa là các vị dân cử Mỹ sẽ nhắm mắt bỏ phiếu.

Tôi tin các động viện của tôi sẽ bỏ phiếu thông qua một đề nghị nào đó, nhưng tôi không nghĩ là cứ gật đầu thông qua giải pháp dài 3 trang bên Nhà Trắng gửi sang, trong đó cho ông Tổng Trưởng Tài Chánh quá nhiều quyền hạn.

Thời hạn Nhà Trắng đưa ra là mong muốn thấy nội trong tuần này Quốc Hội sẽ bỏ phiếu thông qua kế hoạch 700 tỷ cứu nguy thị trường tài chánh. Cho đến bây giờ cuộc thương thuyết giữa hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ vẫn đang tiếp diễn, không thể biết đến bao giờ mới hoàn tất dù cả hai bên đều nói sẽ cố gắng đi đến một giải pháp dung hòa.

Trong thời gian này, Nghị Sĩ Shelby vừa đưa đề nghị mới, cho rằng Nhà Trắng và Quốc Hội nên ngồi với nhau để xem liệu có kế hoạch nào hay hơn kế hoạch đang được bàn thảo hay không.