Ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2008

Ngọn đuốc thiêng Olympic 2008 vẫn trên đường đi khắp năm châu. Sau những khó khăn xảy ra ở Châu Âu và Hoa Kỳ, ngọn đuốc biểu tượng cho làng thể thao hoàn vũ giờ đã có mặt ở Châu Á Thái Bình Dương, trước khi đến Hồng Kông vào đầu tháng Năm và sau đó, về Hoa Lục để kết thúc chặng đường dài 137,000 cây số.

Mức đến quan trọng nhất vẫn là buổi tối ngày mùng 8 tháng Tám, khi ngọn đuốc tiến vào vận động trường Bắc Kinh trong buổi lễ khai mạc Olympic 2008.

Chuyến đi của ngọn đuốc thiêng vẫn tiếp tục được cả thế giới chú ý đến, vì diễn ra chẳng bao lâu sau ngày chính quyền Trung Quốc sử dụng võ lực để đàn áp người dân Tây Tạng, đồng thời cũng diễn ra vào đúng thời điểm các bản phúc trình do những tổ chức bảo vệ quyền làm người lên án Hoa Lục không tôn trọng nhân quyền.

Một yếu tố khác nữa cũng cần phải nói đến là vào ngày thứ Ba tới đây, ngọn đuốc sẽ có mặt ở Việt Nam lúc người dân Việt trong cũng như ngoài nước vẫn chưa quên –và sẽ không bao giờ quên- sự kiện Trung Quốc tự nhận Hoàng Sa và Trường Sa là hai vùng đảo chủ quyền thuộc về họ.

Ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 là đề tài được Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn để gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự tuần này. Tạp chí hôm nay do Nguyễn Khanh đọc, được thực hiện với sự cộng tác của Thiện Giao, Đỗ Hiếu, Trà My ở Washington, và Hiền Vy ở Houston, Texas.

Khó khăn và trở ngại

Có thể nói không sai, chưa bao giờ ngọn đuốc thiêng biểu tượng cho hòa bình, đoàn kết và tinh thần thể thao thế giới lại gặp khó khăn như lần này. Khó khăn không chỉ đến với những chương trình rước đuốc diễn ra ở Châu Âu hay Hoa Kỳ, mà ở ngay tại Châu Á, nới cách đây mới 7 năm trời mọi người đều có chung một niềm hãnh diện khi Ủy Ban Olympic Quốc Tế loan báo quyết định trao cho Bắc Kinh tổ chức cuộc tranh tài thể thao lớn nhất thế giới, diễn ra mỗi 4 năm một lần.

Ngọn đuốc đã về đến Châu Á, hôm nay đang có mặt tại Nhật Bản. Trước đó, đuốc thiêng Olympic đã đi qua nhiều quốc gia, từ Ấn Độ đến Nepal, sang Indonesia và Úc. Tất cả những nơi ngọn đuốc hiện diện đều có những cuộc biểu tình chống đối. Phải nói rõ là không một ai phản đối chương trình rước đuốc, nhưng không ai hài lòng với việc Bắc Kinh muốn chính trị hóa cuộc tranh tài thể thao của thế giới, khi vẫn đàn áp những cuộc biểu trình ôn hòa của nhân dân Tây Tạng, bỏ tù những người lên tiếng tranh đấu cho tự do, dân chủ. Đã từng có người ví các hoạt động Trung Quốc đang làm chẳng khác gì những điều nhà độc tài Hitler đã lợi dụng ngọn đuốc thiêng và chương trình rước đuốc để phô trương hình ảnh của Đức Quốc Xã.

Bảy ngày qua khi ngọn đuốc có mặt ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương, những chuyện gì đã xảy ra? Theo yêu cầu của Bắc Kinh, ngọn đuốc chỉ chạy trong sân vận động quốc gia Indonesia, không xuất hiện trên đường phố thủ đô Jakarta, tại An Độ, hàng trăm người tham gia biểu tình bị bắt, những vụ càn quét được thực hiện tại Bangladesh và chắc chắn không ai có thể quên được những quyết định gay gắt mà chính phủ Nepal đưa ra, trong đó bao gồm có cả quyết định sẽ nổ súng nếu những người tham gia trong các đoàn biểu tình không tôn trọng luật pháp.

Những quyết định vừa nêu, những việc làm đã được các quốc gia Nam Á cho thực hiện chỉ chứng tỏ một điều: áp lực của Trung Quốc đang đè nặng trên các nước này, và cũng chính vì áp lực đó, các nhà lãnh đạo phải tìm đủ mọi cách ngăn chận, không để xáo trộn xảy ra. Nói một cách khác, không ai muốn bị rắc rối với Trung Quốc, không ai muốn làm phật lòng Bắc Kinh, cho dù trong thâm tâm, có lẽ nhiều người hiểu rằng những gì Trung Quốc đang làm với người dân Hoa Lục và với các nước khác là những điều không thể chấp nhận được.

Không chỉ làm áp lực chính trị với những nước trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, mới hôm qua, Trung Quốc thình lình gây thêm trở ngại khiến nhiều phóng viên quốc tế không theo kịp sự kiện rước đuốc thế vận lên đỉnh núi Everest. Mục đích của Bắc Kinh là không muốn báo chí quốc tế đi qua vùng đất Tây tạng được cả thế giới chú ý vì những vụ đàn áp, mà Trung Quốc tuyên bố đã trở lại sinh hoạt bình thường.

Theo dự trù, ngọn đuốc thế vận sẽ lên tới đỉnh núi Everest vào tháng 5. Nhưng ban tổ chức bất ngờ loan báo phóng viên phải đi qua lãnh thổ Tây tạng trong một chuyến đi gấp rút bằng đường bộ trong ba ngày, bị canh giữ chặt chẽ, để tới trại báo chí ở độ cao trên 5 ngàn mét dưới chân núi Himalaya.

Sự thay đổi đột ngột này bị giới báo chí phản đối. Cũng cần nói thêm là lịch trình trước đây ấn định phóng viên đến Lhasa ngày 22 để chuẩn bị đi Everest, nhưng đã bị hoãn lại, rồi Trung Quốc ra thêm những thời hạn gấp rút khiến giới truyền thơng không thể đáp ứng.

Đến Việt Nam

Olympic-LeTrungThanh-Protest-250.jpg
Sinh viên Lê Trung Thành từ Đài Loan sang Bangkok tham gia biểu tình lên án Trung Quốc hôm 19-4, khi đuốc Olympic Bắc Kinh được rước qua thủ đô Thái Lan. (RFA photo)

Đối với người Việt trong và ngoài nước, chuyến du hành khắp năm châu của ngọn đuốc thiêng Olympic được chú ý đến vì hai lý do. Thứ nhất là ngọn đuốc sẽ đến thành phố Sài Gòn vào ngày thứ Ba tới đây, và thứ nhì là sự hiện diện của ngọn đuốc sẽ khơi lại sự kiện người Việt không thể nào quên, đó là việc mới đây thôi, Trung Quốc đã có hành vi nhấn mạnh sự xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Câu hỏi đang được đặt ra khắp mọi nơi là khi ngọn đuốc thiêng đến Sài Gòn, người dân Việt Nam nên tỏ thái độ như thế nào? Nói chuyện với Ban Việt Ngữ chúng tôi, một du sinh Việt Nam nói rằng theo anh nghĩ, đương nhiên không ngưới Việt nào có thể bày tỏ sự hân hoan khi nhìn thấy ngọn đuốc Olmpics Bắc Kinh hiện diện trên lãnh thổ của mình. Chính vì thế anh sinh viên Việt Nam đang có mặt tại bang California đã tham gia cuộc biểu tình chống đối khi ngọn đuốc đến thành phố San Francisco.

Tư duy của anh du sinh Việt Nam cũng là tư duy của những người trẻ trong nước mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Một sinh viên đang có mặt ngay tại Sài Gòn cho rằng lên tiếng phản đối là điều đúng, mà tất cả những người trẻ cần làm.

Không phải chỉ có những người trẻ, mà ngay chính ông Nguyễn Viện, một nhà nghiên cứu tên tuổi của Việt Nam cũng bày tỏ đồng tình, qua phát biểu nói rằng tiếng nói phản kháng là tiếng nói cần phải có khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh hiện diện ngay trên lãnh thổ của Việt Nam.

Nhưng câu hỏi cần được đặt ra ngay ở đây là ngọn đuốc sẽ được rước trên tuyến đường nào của thành phố Sài Gòn? Nhà thơ Lý Đợi kể lại rằng theo ông hiểu, tuyến đường đã được báo chí đăng tải chưa hẳn đã là tuyến đường đúng. Ông nói rõ hơn là cũng như chuyện đã từng xảy ra ở nhiều nước khác, lộ trình rước đuốc thiêng Olympic tại Việt Nam cũng sẽ thay đổi, và nhà nước không cho dân chúng biết trước.

Không những thế, mới hồi đầu tuần Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đưa ra chỉ thị, nói rằng “dứt khoát” không để cho xáo trộn xảy ra khi ngọn đuốc đến Việt Nam. Chính điều này khiến mọi người phải thắc mắc, không hiểu tại sao chính phủ lại ngăn cản, không cho người dân bày tỏ thái độ của họ? Với câu hỏi này, nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ có được một phần câu trả lời.

Dù thế nào đi chăng nữa, ngọn đuốc cũng sẽ đến Việt Nam vào ngày thứ Ba tuần tới. Người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ coi đây là cơ hội bằng vàng để thể hiện tinh thần yêu nước của họ, trong khi tin tức khắp nơi đều nói phía chính quyền cũng đã sẵn sàng để dập tắt tất cả những hành động mà nhà nước gọi là cố ý gây rối. Trên thực tế công an Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt để ngăn chặn trước mọi sự bày tỏ ý kiến đang được chuẩn bị tiến hành. Đã có một vài người đứng trong nhóm vận động biểu tình chống đối Trung Quốc bị bắt giữ và truy tố, kết án với những tội danh khác nhau.

Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới. Người ta chỉ biết ngọn đuốc thiêng Olympic 2008 đã đi qua nhiều quốc gia, đã có hàng trăm người bị bắt, nhưng vẫn không ngăn cản được những cuộc biểu tình chống đối sẽ diễn ra bất kỳ ở đâu, cho dù các chính quyền địa phương có ngăn chặn hay không.