Barack Obama, một năm nhìn lại

Một năm trước đây ông Barack Obama giơ tay tuyên thệ nhậm chức, trở thành vị Tổng Thống thứ 44 và cũng là vị Tổng Thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.
Nguyễn Khanh, Biên tập viên RFA
2010.01.14

Trong 12 tháng qua, ông Obama đã làm được những gì? Có đáp ứng được hy vọng của người dân Hoa Kỳ và Thế giới hay không?

Giáo Sư Simon Reich, Giám Đốc Chương Trình Nghiên Cứu Quan hệ Toàn Cầu
Giáo Sư tiến sĩ Simon Reich, Giám Đốc Chương Trình Nghiên Cứu Quan hệ Toàn Cầu của Viện Đại Học Rutgers.Photo courtesy, Division of Global-Affairs
Photo courtesy, Division of Global-Affairs
Đó là những câu hỏi mà Ban Việt Ngữ chúng tôi đặt ra với Giáo Sư Simon Reich, Giám Đốc Chương Trình Nghiên Cứu Quan hệ Toàn Cầu của Viện Đại Học Rutgers.

Giáo Sư Reich cũng từng là thành viên Hội Đồng Quan hệ Đối Ngoại Mỹ và từng là Giám Đốc đặc trách nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế Hoàng Gia Anh. Cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện.

Nhiều kỳ vọng

Nguyễn Khanh: Cám ơn giáo sư đã dành nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Một năm trước đây, hy vọng mọi người đặt vào ông Obama rất cao. Bây giờ có còn cao như trước hay không?

GS Simon Reich: Tôi nghĩ là ông nói rất đúng. Mười hai tháng trước đây, hy vọng mọi người đặt ở ông Obama rất cao. Điều chúng ta thấy được là người dân khắp nơi dành cho ông Obama cảm tình thật nồng hậu, và có lẽ sẽ tiếp tục như thế trong thời gian tới. Nhưng ông cũng phải nhớ là làm Tổng Thống Mỹ không phải là dễ, và rõ ràng thế giới phân biệt rất rõ: một ông Obama mà họ yêu mến và một ông Obama làm Tổng Thống Hoa Kỳ.

Nếu nhìn vào những cuộc thăm dò thì ông thấy ngay điều mà tôi vừa mới trình bày. Tôi xin đơn cử cuộc thăm dò được thực hiện ngay ở Đức, người dân Đức cho biết họ rất mến ông Obama, nhưng họ không tin vào chính phủ Mỹ. Họ phân biệt rất rõ hai điều đó. Vì thế nên khi đánh giá ông Obama, chúng ta cũng phải phân biệt rõ là dù ông có được cảm tình của dân chúng đi chăng nữa, điều đó không có nghĩa là ông có thể làm tất cả những gì ông muốn làm. Điều đó thể hiện rất rõ ở Mỹ cũng như ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Làm Tổng Thống Mỹ không phải là dễ, và rõ ràng thế giới phân biệt rất rõ: một ông Obama mà họ yêu mến và một ông Obama làm Tổng Thống Hoa Kỳ.

GS Simon Reich.

Nguyễn Khanh: Ông vừa nói đến các cuộc thăm dò. Tôi có cảm tưởng là dân chúng thế giới thích ông Obama hơn dân chúng Mỹ. Muốn hỏi giáo sư là điều đó có đúng không và tại sao lại như vậy?

GS Simon Reich: Câu hỏi của ông là một câu hỏi lý thú. Tôi nghĩ rằng khó có thể biết hư thực như thế nào. Ông cũng biết là những cuộc thăm dò ở Mỹ được thực hiện mỗi ngày, nên kết quả cũng thay đổi mỗi ngày. Phần nào tôi đồng ý với nhận xét của ông, vì rõ ràng ông Obama nổi danh khắp thế giới chẳng khác gì một siêu sao nhạc rock.

Sáu tháng sau ngày ông ta nhậm chứng, dân chúng 13 trong 19 nước bảo là họ tin tưởng rất sâu đậm vào ông Obama, nhưng mặt khác họ không tin chính phủ sẽ hợp tác với thế giới để giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, như vấn đề chiến tranh hay giải quyết tình trạng mặt đất ấm dần. Vì thế, đã từng có nhà phân tích bảo rằng dù được cảm tình của mọi người nhưng ông Obama vẫn không thể dùng lợi thế đó để kêu gọi thế giới làm việc chung với Mỹ, và đó chính là trở ngại.

Thí dụ gần nhất với chúng ta là ở Thượng Đỉnh Khí Hậu Copenhagen hồi cuối năm ngoái. Dù Hoa Kỳ đã bày tỏ thiện chí rõ rệt, nhưng chính phủ của ông Obama và ngay cá nhân ông Obama vẫn không có được sự hợp tác của những nước khác.

Nguyễn Khanh: Trở lại với nước Mỹ, thưa Giáo Sư, tất cả những gì ông Obama làm thì một nửa nước Mỹ ủng hộ, một nửa không đồng ý. Tại sao vậy?

GS Simon Reich: Nếu nhìn vào bàn cờ chính trị của nước Mỹ trong những thập niên qua, ông sẽ thấy rõ các cuộc bầu cử ở Mỹ hầu như không thay đổi, tức là cử tri Cộng Hòa bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa, cử tri Dân Chủ bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ. Tình trạng này xảy ra vì nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố xã hội mà hai đảng đề ra, chẳng hạn như chuyện cho người đồng tính được lập gia đình, bên này ủng hộ, bên kia chống đối. Có thể đó chỉ là một chuyện nhỏ nhưng được các đảng phái chính trị sử dụng một cách khéo léo để lôi cuốn cử tri. Thành thử không dễ cho ông Obama thu hút được ủng hộ của cử tri Cộng Hòa, đặc biệt hơn nữa là sau ngày cuộc bầu cử Tổng Thống kết thúc, đảng Cộng Hòa lại cực hữu hơn trước, nên ông Obama lại càng khó tìm đươc sự ủng hộ.

Thành quả

Nguyễn Khanh: Theo Giáo Sư thì trong 12 tháng qua, ông Obama đã đạt được những thành quả chính trị nào?

GS Simon Reich: Câu hỏi của ông thật lý thú. Rất khó để đánh giá những thành quả ông Obama đã đạt được. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên chia vấn

Obama
Tổng thống Barack Obama.
AFP PHOTO/Jewel SAMAD
đề thành 2 phần, một là thành quả về chính sách và phần thứ nhì là giọng điệu, phương cách mà ông Obama cho thực hiện khi thảo luận, làm việc với các nước khác. Ở điểm này thì theo tôi ông Obama đã thành công, ngôn từ ông sử dụng khéo léo hơn, tạo thuận lợi hơn cho nước Mỹ.

Nhưng tôi cũng cho là không công bằng nếu đánh giá ông ta về mặt chính sách chỉ sau có 12 tháng làm tổng thống. Nếu hỏi rằng ông ta đã làm được gì chưa thì câu trả lời là có chứ!!! Ông Obama có tiến hành giải quyết hòa bình Trung Đông không? Câu trả lời là có. Thành quả thế nào? Chậm, nhưng không phải là không tiến.

Ông Obama có xây dựng quan hệ tốt hơn với Trung Quốc không? Câu trả lời là có. Ông ta có xây dựng được quan hệ tốt hơn với Nhật Bản không? Câu trả lời là không, nhưng trở ngại xảy ra không phải vì ông Obama, mà vì những thay đổi chính trị ngay trong nước Nhật. Ông ta có cải tiến quan hệ với Đông Nam Á không? Theo tôi thì có, đặc biệt là quan hệ với Indonesia.

Về vấn đề Afghanistan, ông ta có được thêm sự ủng hộ của đồng minh so với thời George W. Bush không? Câu trả lời là chắc chắn có. Ngay cả cách giải quyết cuộc chiến Iraq cũng thế. Từ thái độ chần chừ cho đến quyết định rút quân ra khỏi Iraq và đặt thời hạn hoàn tất chương trình rút quân, theo tôi đó là thành công của ông Obama.

Nguyễn Khanh: Có những điểm nào Giáo Sư nghĩ rằng ông Obama có thể làm hơn, làm hay hơn?

GS Simon Reich: Một trong những điều ông Obama đã sai là chuyện ông nghĩ các nước đồng minh sẽ hết lòng với nước Mỹ. Tôi không dám bảo là ông Obama đã ngây thơ khi nghĩ như thế, nhưng rõ ràng đã có lúc ông ta tin rằng ý kiến nào của Hoa Kỳ đưa ra cũng đều được sự ủng hộ của các đồng minh thân cận Châu Âu.

Có lý do để giải thích tại sao ông Obama lại nghĩ như vậy. Ông nhậm chức trong giai đoạn đầy khó khăn, kinh tế thì suy thoái, hai cuộc chiến chưa giải quyết được, nên ông tin là lãnh đạo các nước đồng minh như Tổng Thống Pháp Nicholas Sarkozy, Thủ Tướng Đức Angela Meerkel sẽ hợp tác với ông để cùng giải quyết vấn đề. Rất tiếc điều ông mong đã không đến.

Không công bằng nếu đánh giá ông ta về mặt chính sách chỉ sau có 12 tháng làm tổng thống. Nếu hỏi rằng ông ta đã làm được gì chưa thì câu trả lời là có chứ!

GS Simon Reich.

Mục tiêu

Nguyễn Khanh: Như vậy theo Giáo Sư trong năm 2010, ông Obama phải làm gì?

GS Simon Reich: Rõ ràng điều ông cần phải làm là xây dựng dân chủ ở Pakistan, giải quyết tranh chấp chính trị Yemen, xây dựng hòa bình ở Trung Đông. Ông cũng phải thấy những biến chuyển đang xảy ra ở Nam Á, quân Taliban đang mở rộng địa bàn hoạt động từ Afghanistan, và đang gây căng thẳng toàn vùng. Theo tôi đó là mục tiêu hàng đầu mà ông Obama phải giải quyết.

Ngoài ra, không cần phải là một chuyên gia thì ai cũng thấy được là căng thẳng về Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào, và cũng chẳng khó khăn gì đê dự đoán là các lực lượng dân quân Hồi Giáo quá khích sẽ tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Indonesia.

Tôi không vội dự đoán làn trong 12 tháng tới Hoa Kỳ sẽ thành công ở chiến trường Afghanistan, nhưng tôi tin chiến lược mà Hoa Kỳ thực hiện ở cuộc chiến này là phải chận đứng được hoạt động của Taliban và Al-qaeda.

Nguyễn Khanh: Liệu có phải là quá sớm để hỏi Giáo Sư rằng ông Obama sẽ là Tổng Thống một nhiệm kỳ hay ông ta sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ hai?

GS Simon Reich: Tôi có thể trả lời ông như thế này. Trước hết là số người làm Tổng Thống Mỹ chỉ một nhiệm kỳ chẳng có mấy, thứ hai là phải nói đến lợi thế rất lớn của vị tổng thống đương nhiệm khi ra tranh cử nhiệm kỳ thứ nhì. Vì thế người ta có thể đoán là ông Obama có nhiều triển vọng sẽ làm tổng thống hai nhiệm kỳ.

Một điểm khác nữa là trong lịch sử Mỹ, hầu như chẳng có mấy người lên làm tổng thống trong lúc quốc gia đang ở trong tình trạng đầy khó khăn như ông Obama và ngay lúc này không thấy có một chính trị gia nào của đảng Dân Chủ sẽ ra tranh cử đối đầu với ông Obama cả.

Bên đảng Cộng Hòa thì cũng đang có những khó khăn, khó là làm sao tìm được một ứng viên đại diện cho đảng có thể vừa làm hài lòng thành phần bảo thủ lại vừa thu hút được khối cử tri độc lập.

Trong số những người đã dự cuộc tranh cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa cách đây 2 năm thì chưa ai nói sẽ ra tranh cử trở lại, hiện chỉ có bà Sarah Palin được nhiều người đoán là có thể sẽ ra tranh chức Tổng Thống.

Bà Palin được một số cử tri Cộng Hòa ủng hộ và khối này chẳng bao giờ bỏ phiếu cho bên Dân Chủ cả, thành ra sự xuất hiện của bà Palin không ảnh hưởng gì đến ông Obama.

Lịch sử cho thấy ông Obama có nhiều cơ hội làm Tổng Thống 2 nhiệm kỳ, nhưng trong chính trị thì mọi chuyện đều có thể xảy ra.

Nguyễn Khanh: Xin cám ơn Giáo Sư Simon Reich.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.