Tức khắc, quyết định của nhà lãnh đạo nước Mỹ tức khắc tạo thành một cuộc tranh luận với kẻ binh, người chống, và Ban Việt Ngữ chúng tôi chọn làm đề tài gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần do Nguyễn Khanh phụ trách.
Ông cho công bố những tài liệu mật được trao đổi giữa các viên chức cao cấp Mỹ làm việc dưới thời Tổng Thống George W. Bush liên quan đến các biện pháp hay hình thức đã làm khi thẩm vấn những tù nhân bị bắt giữ về tội khủng bố hoặc tình nghi khủng bố, đồng thời hứa sẽ phổ biến thêm những hình ảnh
Vì an ninh quốc gia và an toàn cho các binh sĩ
Có thể nói quyết định Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa đưa ra là một quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên. Mới ba tuần trước đây, ông cho công bố những tài liệu mật được trao đổi giữa các viên chức cao cấp Mỹ làm việc dưới thời Tổng Thống George W. Bush liên quan đến các biện pháp hay hình thức đã làm khi thẩm vấn những tù nhân bị bắt giữ về tội khủng bố hoặc tình nghi khủng bố, đồng thời hứa sẽ phổ biến thêm những hình ảnh liên quan tới vấn đề này, coi đó là một một phần của “kỷ nguyên minh bạch mới” mà ông cam kết với cử tri khi còn vận động tranh cử. Thứ Tư vừa rồi, ông Obama thay đổi quyết định, nói rằng vì an ninh quốc gia và để bảo vệ an toàn cho các binh sĩ đang phục vụ ở chiến trường, ông không thể công bố thêm hình ảnh binh sĩ Hoa Kỳ ngược đãi tù nhân ở Afghanistan và Iraq.
Quyết định của Tổng Thống Hoa Kỳ khiến mọi người nhớ lại những bức ảnh từng được phổ biến hồi năm 2004, trong đó ghi lại cảnh tù nhân trại giam Abu Ghraib ở Iraq bị trùm kín đầu đứng trên một cái hộp tựa như cảnh tội nhân sắp sửa bị xử tử, hoặc hình ảnh tù nhân bị cột cổ lôi đi chẳng khác gì lôi một con thú. Gần hơn nữa, những tài liệu được chính ông Obama cho phép công bố cách đây vài tuần ghi lại cảnh tù nhân bị ép không cho ngủ cả chục ngày, có người bị trấn nước cả trăm lần, hay bị hành hạ tinh thần bằng những hình thức khác nhau.
Những hình ảnh và bằng chứng đó đã tạo phẫn nộ khắp nơi, tạo nên một làn sóng chống đối nước Mỹ, đặt câu hỏi về vai trò của quân đội Mỹ ở Iraq, coi đó là bằng chứng xâm lăng của Hoa Kỳ. Đương nhiên, làn sóng chống đối mạnh mẽ nhất đến từ thế giới Hồi Giáo và Al-queda không quên lợi dụng những bức ảnh này để tuyển mộ những tên khủng bố mới hoạt động cho chúng. Ngay chính người dân Mỹ cũng coi đó là một vết nhơ, gây hoen ố cho hình ảnh một nước Mỹ tôn trọng quyền làm người.
Thứ Tư vừa rồi, ông Obama thay đổi quyết định, nói rằng vì an ninh quốc gia và để bảo vệ an toàn cho các binh sĩ đang phục vụ ở chiến trường, ông không thể công bố thêm hình ảnh binh sĩ Hoa Kỳ ngược đãi tù nhân ở Afghanistan và Iraq.<br/>
Thông cáo của Nhà Trắng cho thấy trong một phiên họp được triệu tập hồi tuần trước, Tổng Thống Obama cho các cố vấn luật pháp của ông biết rằng ông “không an tâm nếu công bố những tấm ảnh này” nên không thể tuân theo phán quyết mà Toà Liên Bang đã đưa ra khi xét xử theo đơn kiện của Liên Minh Tự Do Dân Quyền Mỹ ACLU.
Công bố hình ảnh theo phán quyết của Toà?
Phán quyết đề ngày 23 tháng Tư của Toà buộc đến ngày 28 tháng này, chính phủ phải công bố thêm hình ảnh về những đối xử ngược đãi với tù nhân, và luật sư đại diện cho chính quyền đã thông báo cho Toà biết sẽ thi hành. Thông cáo cũng nói thêm sau khi tham khảo với các luật sư cũng như với các tướng lãnh đang điều khiển chiến trường Iraq và Afghanistan, Obama đã đích thân xem kỹ từng bức hình một trước khi đưa ra quyết định mà một số nhà quan sát gọi là quyết định “thay đổi 180 độ”.
Tại sao ông Obama lại thay đổi quyết định? Câu trả lời đến từ chính nhà lãnh đạo nước Mỹ là chính phủ thời George W. Bush đã cho điều tra những ai từng ngược đãi tù nhân và các biện pháp kỷ luật -kể cả đưa những kẻ phạm pháp ra toà lãnh án- cũng đã được thi hành nghiêm chỉnh. Ông Obama nói tiếp:
Phán quyết đề ngày 23 tháng Tư của Toà buộc đến ngày 28 tháng này, chính phủ phải công bố thêm hình ảnh về những đối xử ngược đãi với tù nhân, và luật sư đại diện cho chính quyền đã thông báo cho Toà biết sẽ thi hành.<br/>
Chính vì thế, tôi tin rằng công bố thêm những tấm hình này chẳng có lợi gì thêm cho việc tìm hiểu xem những gì một vài cá nhân đã làm trong quá khứ, mà ngược lại, tôi tin là công bố những tấm ảnh này sẽ gây nên những ảnh hưởng bất lợi, chỉ tạo thêm những dư luận chống đối Hoa Kỳ và tạo thêm nguy hiểm cho binh sĩ của chúng ta.
Ông Obama cũng khẳng định:
Tôi muốn nhấn mạnh là những tấm hình mà Toà đòi phải công bố không phải là những tấm hình sẽ gây náo động dư luận, đặc biệt nếu đem so với những hình ảnh từng gây tổn thương mà chúng ta đã thấy ở trại giam Abu Ghraib. Tất cả mọi hành động ngược đãi tù nhân đều không được chấp nhận. Việc làm đó đi ngược lại giá trị của nước Mỹ. Việc làm đó gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sẽ không được tha thứ.
Chính vì thế, tôi tin rằng công bố thêm những tấm hình này chẳng có lợi gì thêm cho việc tìm hiểu xem những gì một vài cá nhân đã làm trong quá khứ, mà ngược lại, tôi tin là công bố những tấm ảnh này sẽ gây nên những ảnh hưởng bất lợi, chỉ tạo thêm những dư luận chống đối Hoa Kỳ và tạo thêm nguy hiểm cho binh sĩ
TT. Barack Obama
Trước khi Tổng Thống Hoa Kỳ trình bày lý do, những nguồn tin khác nhau xuất phát từ Nhà Trắng đều nói vị Tổng Tư Lệnh Quân Đội Mỹ thay đổi quyết định sau khi chính Đại Tướng David McKiernan, Tư Lệnh Chiến Trường Afghanistan và Đại Tướng Tư Lệnh Chiến Trường Iraq Ray Odierno lên tiếng bày tỏ quan tâm về những điểm bất lợi có thể xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của các binh sĩ, đặc biệt vào đúng thời điểm Washington đang cố gắng tạo ổn định ở Iraq để thực hiện kế hoạch rút quân và gia tăng hoạt động ngăn chận sự phá hoại do Taliban và Al-queda gây nên ở Afghanistan.
Khi ra điều trần trước Quốc Hội Liên Bang Mỹ, chính ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Robert Gates trình bày cùng các vị dân cử rằng từng có lúc ông nghĩ cách hay nhất là “nên cho công bố một lần cho xong” để tránh các phiền phức, các vụ kiện tụng có thể xảy ra sau này. Nhưng cuối cùng ông -và cả Tổng Thống Obama- đều thay đổi ý kiến.
Các vị tư lệnh, cả tướng McKiernan và Tướng Odierno đều bày tỏ mối lo âu thật sâu xa của họ về chuyện công bố thêm hình ảnh, cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của các binh sĩ đang phục vụ ở chiến trường. Với tôi, chỉ điều đó thôi cũng đã quá đủ.
Bà Singh cho rằng không chỉ mình cá nhân bà hay ACLU, mà ngay chính những tổ chức tranh đấu, bảo vệ quyền làm người khác cũng không hài lòng, xem đó là bằng chứng cho thấy ông Obama đã không thực hiện đúng lời cam kết thực hiện một kỷ nguyên minh bạch mới mà ông đề ra khi kêu gọi lá phiếu của cử tri<br/>
Mặc dù đưa ra lý do đặt quốc gia lên trên hết, nhưng lời giải thích của giới lãnh đạo Mỹ không hẳn đã làm hài lòng mọi người, đặc biệt là những nhà tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền, cho rằng ông Obama đang đi theo con đường chuyện gì cũng phải giữ bí mật mà chính phủ George W. Bush từng áp dụng trong suốt 8 năm trời ông Bush làm chủ Nhà Trắng.
Một trong những người lên tiếng bày tỏ ý kiến không hài lòng với quyết định của Tổng Thống Obama là ông Kenneth Roth, Giám Đốc Điều Hành Human Rights Watch. Ông Roth cho hay “rất thất vọng” khi được tin Tổng Thống Hoa Kỳ thay đổi quyết định, nói thêm rằng “ngay cả chuyện những tấm ảnh sẽ gây nên dư luận chống đối thì cách hay nhất để đánh tan dư luận đó chính là cho công bố các bức hình và đưa những người chịu trách nhiệm ra xét xử trước pháp luật”.
Obama sẽ không thực hiện đúng lời cam kết?
Bà Amrit Singh, luật sư đại diện cho Liên Minh Tự Do Dân Quyền Mỹ ACLU cho biết sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, ý muốn nói nếu cần sẽ đưa lên tới Tối Cao Pháp Viện nhờ phân xử. Khi được hỏi về cảm nghĩ trước quyết định không tuân thủ đòi hỏi của Toà mà Tổng Thống Obama mới đưa ra, bà Singh cho rằng không chỉ mình cá nhân bà hay ACLU, mà ngay chính những tổ chức tranh đấu, bảo vệ quyền làm người khác cũng không hài lòng, xem đó là bằng chứng cho thấy ông Obama đã không thực hiện đúng lời cam kết thực hiện một kỷ nguyên minh bạch mới mà ông đề ra khi kêu gọi lá phiếu của cử tri.
Quyết định của Tổng Thống Obama là quyết định đúng. Nhưng cũng giống như mọi quyết định khác, Tổng Thống luôn luôn ở trong tình trạng khó xử, phải chấp nhận những lời chỉ trích. Điều hành chính phủ không phải dễ, được lòng người này thì mất lòng người khác.
Ô.Richard Haas, Chủ Tịch Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại
Tất cả những tổ chức từng vận động đòi hỏi chính phủ công bố những tin tức, bằng chứng về các vụ ngược đãi tù nhân đã xảy ra dưới thời George W. Bush đều hết sức thất vọng trước việc Tổng Thống Obama không thực hiện đúng lời hứa xây dựng một chính quyền minh bạch, trong sáng và trách nhiệm.
Nhưng ông Richard Haas, Chủ Tịch Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Mỹ lại ủng hộ việc làm của Tổng Thống Obama. Ông Haas bảo rằng trong cương vị của một nhà lãnh đạo và trước quyền lợi của tổ quốc, an ninh của quốc gia, ông Obama “đã làm điều cần phải làm” và đương nhiên, bị chỉ trích là điều không ngạc nhiên.
Quyết định của Tổng Thống Obama là quyết định đúng. Nhưng cũng giống như mọi quyết định khác, Tổng Thống luôn luôn ở trong tình trạng khó xử, phải chấp nhận những lời chỉ trích. Điều hành chính phủ không phải dễ, được lòng người này thì mất lòng người khác.Ông Obama sẽ bị chê bai là không trong sáng, không minh bạch. Đây là điều khó khăn, nhưng quyết định của ông Obama là quyết định hoàn toàn đúng.
Cương vị của một nhà lãnh đạo và trước quyền lợi của tổ quốc, an ninh của quốc gia, ông Obama "đã làm điều cần phải làm" và đương nhiên, bị chỉ trích là điều không ngạc nhiên.<br/>
Trong lúc cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, các viên chức cao cấp hành pháp cho hay đã sẵn sàng để đối phó với những khó khăn trước mặt, kể cả chuyện vấn đề sẽ được đưa trở lại toà để phân giải. Trong những cuộc phỏng vấn được giới truyền thông Hoa Kỳ thực hiện, các chuyên gia tư pháp hàng đầu của nước Mỹ đều cho rằng lý do phải bảo vệ an ninh quốc gia mà chính ông Obama đã đưa ra là lý do không được ổn, vì đó là điều chính phủ của Tổng Thống George W. Bush đã đưa ra trước Toà Liên Bang và bị toà bác bỏ.
Chứng minh được nói đến là phán quyết của Toà Liên Bang hồi tháng Chín năm ngoái, trong đó có đoạn viết rằng “điều hiển nhiên là không có đủ chứng cớ để nói rằng những tài liệu nếu được công bố có thể sẽ tạo rất nhiều nguy hiểm cho quân đội Hoa Kỳ, cho các lực lượng đa quốc và cho thường dân ở Iraq và Afghanistan”.