
Chương trình “Sức khoẻ và Đời sống” tuần này xin gởi đến quý thính giả câu chuyện nuôi con bằng sữa mẹ.
Giàu dinh dưỡng
Từ trước đến nay các chuyên gia dinh dưỡng đều đồng ý rằng sữa mẹ chính là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng và đầy đủ nhất đối với trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời của bé.
Sữa mẹ là sữa được người mẹ tạo thành sau khi có thai, và bắt đầu có nhiều từ khoảng 24 đến 48 tiếng sau khi sinh. Sữa mẹ được xem như là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ sơ sinh, trước khi trẻ có thể tiêu hóa các loại thực phẩm khác.
Sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng như chất béo, tinh bột, chất đạm, và các loại vitamin.
Casein – là một chất đạm đặc biệt trong sữa mẹ giúp ngăn chặn bịnh tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp, viêm tai, và dị ứng.
Sữa mẹ có đủ chất sắt cho bé. Tuy sữa bò, sữa bột có nhiều lượng sắt hơn sữa mẹ, chất sắt của sữa mẹ dễ cho bé thu nhận hơn. Ngoài ra sữa mẹ có nhiều chất lactose, và vitamin C, giúp cơ thể bé thu nhận chất sắt. Chất lactose còn giúp phát triển não bộ và thần kinh và điều hòa sinh khuẩn trong ruột.
DHA - Docosahexaenoic acid giúp phát triển não và mắt.
Bú sữa mẹ, bên cạnh nguồn dinh dưỡng quý giá, trí tuệ và thể chất của bé cũng sẽ phát triển tốt hơn khi trẻ đươc hưởng sự ôm ấp yêu thương của mẹ.
BS Tuyết Mai.
Đặc biệt là các men giúp tiêu hoá: men Lipase giúp em bé tiêu hóa và thu nhận các chất mỡ; men Lactase giúp thu nhận đường lactose trong sữa mẹ; men Amylase giúp tiêu hóa các chất tinh bột.
Nếu so với sữa bò, sữa mẹ ưu việt hơn nhiều. Sữa mẹ cho năng lượng cao hơn sữa bò. Sữa bò có lượng protein cao gấp 3 lần sữa mẹ, do đó không thích hợp cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh không tiêu hóa được. Chất đường trong sữa mẹ có nhiều lactose gấp 2 lần sữa bò, cần thiết cho sự phát triển của thần kinh và giúp các vi khuẩn có ích trong đường ruột phát triển.
Chất bột, đường là nguồn cung cấp năng lượng, nên trẻ bú sữa mẹ tăng cân nhanh hơn bú sữa bò. Chất béo cao hơn trong sữa mẹ có vai trò là chất chuyên chở những vitamin tan trong chất béo như vitamin A và D, cùng với acid béo thiết yếu là acid linoleic, đóng vai trò sống còn cho sự phát triển của hệ thần kinh cũng như chức năng mô.
Vitamin A ở sữa mẹ cao gấp 2 lần sữa bò nên bú mẹ không bao giờ bị thiếu vitamin A. Ngoài ra, trong sữa mẹ còn có các kháng thể IgA phòng bệnh cho người, các thực bào, bạch cầu kháng khuẩn, interferon kháng virus...
Giáo sư Hoàng Trọng Kim, Phó chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam cho biết: "Trong giai đoạn đầu đời, não bộ và hệ miễn dịch ở trẻ chưa phát triển toàn diện. Yêu cầu lớn nhất trong giai đoạn này là trẻ cần được cung cấp đầy đủ và cân đối các dưỡng chất thiết yếu như đạm, chất béo, đường, sinh tố, khoáng chất, đặc biệt là các axít béo không no (DHA, ARA...) với hàm lượng thích hợp, đạt mức khuyến cáo để giúp trẻ phát triển tốt về thể chất, có hệ miễn dịch khoẻ mạnh, đồng thời phát triển tốt về trí não."
B ảo vệ trẻ sơ sinh
Từ lâu giới y học đã nhận thấy trẻ bú sữa mẹ ít bị bệnh nhiễm trùng hơn trẻ bú sữa bình. Cho đến gần đây, họ vẫn cho lý do là vì sữa mẹ không có vi trùng trong khi bình sữa có thể bị nhiễm khuẩn. Nhưng ngay cả sau khi khử trùng tối đa, số trẻ em bú sữa bình bị viêm màng óc, viêm ruột, viêm tai, viêm đường hô hấp vẫn nhiều hơn trẻ bú sữa mẹ. Thật ra, các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ. Những chất này có tác dụng trực tiếp bảo vệ trẻ sơ sinh phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn qua nhiều cách khác nhau, nhất là trong những tháng đầu khi hệ miễn nhiễm của bé còn yếu ớt chưa đủ khả năng chống lại các loại vi khuẩn ở môi trường bên ngoài. Do đó cả UNICEF lẫn Tổ chức Y tế Thế giới đều khuyến khích người mẹ cho con bú sữa mẹ cho đến khi em bé hơn hai tuổi, mặc dù vì lý do cá nhân hay xã hội, một số bà mẹ không làm được thế.
Mặc dầu trẻ sơ sinh có sẵn một ít kháng thể được nhau truyền qua khi còn trong bụng mẹ, những kháng thể này sẽ được tiêu từ từ, và sữa mẹ chính là nguồn cung cấp kháng thể cho đến khi hệ miễn nhiễm của bé được hoàn thiện. Hệ miễn nhiễm của con người từ lúc mới sinh tiếp tục phát triển cho đến sau 5 năm mới hoàn tất.
Sở dĩ trẻ bú mẹ ít bị nhiễm bịnh là nhờ sữa non (Colostrum). Loại sữa này được sản xuất trong vài ngày đầu tiên sau khi bé được sinh ra. Loại sữa này rất cô đặc, giàu chất đạm và những kháng thể. Sữa non lót ruột của trẻ sơ sinh và bảo vệ trẻ chống lại những vi khuẩn có hại. Nó dần dần giảm bớt khi sữa của người mẹ tiết ra vào những ngày kế tiếp. Do vậy bác sĩ thường khuyên các bà mẹ nên cho trẻ bú trong những ngày đầu tiên.
Nói về đặc tính của sữa mẹ đối với bé, Bác sĩ Tuyết Mai, một chuyên gia về Dinh Dưỡng hiện đang làm việc tại một bệnh viện lớn ở Thành phố Hồ chí Minh cho biết:
“Sữa mẹ bao giờ cũng là nguồn thực phẩm quý giá nhất đối với trẻ em. Bú sữa mẹ, bên cạnh nguồn dinh dưỡng quý giá, trí tuệ và thể chất của bé cũng sẽ phát triển tốt hơn khi trẻ đươc hưởng sự ôm ấp yêu thương của mẹ.”
Quỳnh Như có trao đổi với Bác sĩ Tuyết Mai để nhờ giải đáp về một số vấn đề các bà mẹ quan tâm. Mời quý vị theo dõi:
Quỳnh Như: Thưa bác sĩ đến giai đoạn nào trẻ sơ sinh cần ăn giặm thêm ngoài nguồn sữa mẹ?
BS Tuyết Mai: Khi trẻ tròn 4 tháng tuổi mẹ có thể cho bé uống một ít nước ép trái cây, khoảng một đến hai muỗng café mỗi ngày. Khi trẻ tròn 6 tháng mẹ nên cho trẻ ăn giặm thêm một đến hai bữa mỗi ngày. Đầu tiên là ăn bột đến khi cháu không chịu ăn bột nữa mới đổi sang cháo. Thường là khoảng 9 tháng đến 18 tháng tuổi bé bắt đầu mọc răng tiền hàm là bé có thể nhai được thì mới có thể cho bé ăn cơm tán nhuyễn. Và đến 2 tuổi thì mói cho bé ăn cơm chung với gia đình.
Quỳnh Như: Khi nào thì Mẹ có thể cai sữa đối với bé?
BS Tuyết Mai: Mẹ nên cố gắng cho bé bú đến 2 tuổi, nếu không thể thì tối thiểu cũng phải cho bé bú đến 6 tháng.
Quỳnh Như: Trong trường hợp nào thì bà mẹ không nên cho con bú?
BS Tuyết Mai: Có hai trường hợp, một trường hợp là tuyệt đối và một trường hợp là tương đối. Khi người mẹ bị nhiễm HIV thì trẻ hoàn toàn không được bú mẹ, nhưng khi mẹ bị viêm gan siêu vi B thì tạm thời mẹ không cho bé bú trong một đến hai tháng đầu, chờ chắc chắc đã có vắc-xin có thể bảo vệ bé chống được nguy cơ nhiễm bệnh mới cho bé bú. Để bảo đảm được điều này thì mẹ cần chích ngừa cho bé trong vòng 24 giờ sau khi sanh hai loại vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B – một loại thụ động và một loại chủ động. Và sau khi xét nghiệm kiểm tra máu vào tháng thứ nhất và tháng thứ hai, khi chắc chắn bé đã tạo được miễn dịch thì mẹ có thể cho bé bú. Trong thời gian chờ bé tạo miễn dịch để có thể cho bú mẹ được, thì mẹ nên nặn sữa mỗi ngày bỏ sữa đi để bảo đảm không mất nguồn sữa mẹ."
Nếu không thể cho con bú bằng sữa mẹ, thì bà mẹ nên chọn loại sữa có hàm lượng DHA cao, và nguồn sữa có gốc đạm gần với sữa mẹ, và sẽ giảm nguy cơ dị ứng với đạm sữa và phù hợp với tiêu hóa của trẻ.
BS Tuyết Mai.
Quỳnh Như: Theo Bác sĩ bà mẹ cần phải có một chế độ dinh dưỡng như thế nào để nguồn sữa đủ các chất dinh dưỡng cho bé?
BS Tuyết Mai: "Bà mẹ tuyệt đối không nên ăn uống kiêng khem. Ăn nhiều, ăn tự do và ăn nhiều rau và trái cây. Ăn đủ 4 nhóm ví dụ như nhóm giàu đạm là thịt, cá, trứng, sữa. Nhóm nguồn rau xanh, rồi trái cây, và nên uống thêm 3 ly sữa nóng mỗi ngày, và uống nhiều nước để có đủ sữa cho bé bú.
Sữa bột cho trẻ
Trong thực tế có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa bột. Các nhà sản xuất dựa theo tiêu chuẩn sữa mẹ để chế ra sữa bột, cố gắng tạo sữa bột theo công thức bao gồm các thành phần chất đạm, chất béo, tinh bột, các vitamin, chất khoáng và nước. Các nguyên liệu chính phần lớn lấy từ sữa bò, nhưng cũng có thể từ đậu nành hay các nguồn thực phẩm khác. Những nguyên liệu này được kết hợp để tạo ra sữa bột có chất dinh dưỡng với tỉ lệ gần giống sữa mẹ. Tuy nhiên, sữa bột không được khuyến khích dùng thay cho sữa mẹ và ở Việt Nam trên tất cả các hộp sữa bột đều có khuyến cáo: "Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ."
Quỳnh Như:
Trong những trường hợp bất khả kháng, nếu bà mẹ không thể nuôi con bằng sữa mẹ thì Bác sĩ có lời khuyên hay hướng dẫn gì thêm cho họ không?
BS Tuyết Mai: "Nếu không thể cho con bú bằng sữa mẹ, thì bà mẹ nên chọn loại sữa có hàm lượng DHA cao, và nguồn sữa có gốc đạm gần với sữa mẹ, và sẽ giảm nguy cơ dị ứng với đạm sữa và phù hợp với tiêu hóa của trẻ."
Do vậy nếu vì một lý do nào đó, nếu trẻ không được bú sữa mẹ hoặc người mẹ cung cấp không đủ nguồn dinh dưỡng cho con thì các bà mẹ nên chọn nguồn sữa với công thức có “chiều sâu” hơn là đơn thuần chỉ vì chiều cao và cân nặng.
Gần đây mọi người có xu hướng quan tâm quá mức đến sự phát triển thể chất và vô tình không để ý đến việc muốn trẻ phát triển tốt hơn trong tương lai qua nhiều giai đoạn thì rất cần nguồn dinh dưỡng lâu dài đến từ việc tạo tiền đề hệ miễn dịch hoàn hảo chống bệnh tật để trẻ khỏe mạnh đồng thời với tăng trưởng thể trạng bên ngoài là sự phát triển của trí não để trẻ học tập và sáng tạo.
Ngoài ra, theo báo cáo của Bác sĩ Giske Ursin, chuyên gia nghiên cứu về dịch tễ học của Đại học Nam California (University of Southern California), trình bày tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa kỳ (American Association for Cancer Research) thì các bà mẹ cho con bú có thể giảm rất nhiều khả năng mắc bệnh ung thư vú, cho dù họ ở độ tuổi nào đi nữa. Bà đã tiến hành khảo sát đối với gần 9.000 phụ nữ, và rút ra nhận xét trên.
Chương trình Sức khoẻ và Đời sống tuần này xin dừng ở đây. Cám ơn quý vị và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào tuần tới.