Tìm hiểu về bệnh gai cột sống

Một trong những bệnh rất hay gặp ở độ tuổi trung và cao niên là đau lưng, một căn bệnh có rất nhiều căn nguyên, trong đó gai cột sống là một nguyên nhân được nói đến khá phổ biến.

SpinalCord200.png
Xương cột sống. (Photo courtesy: Wikipedia.org)

Được sự cộng tác của Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, chuyên môn lão khoa, từ Bang Texas (Hoa Kỳ), bắt đầu từ tuần này, chuyên mục "Sức Khoẻ và Đời Sống" sẽ gửi đến quý vị những điều cần biết về căn bệnh gai cột sống.

Bài mở đầu hôm nay, mời quý vị cũng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách phân biệt giữa bệnh gai cột sống với các bệnh gây đau lưng khác. Nhưng, trước tiên, thế nào là bệnh gai cột sống? Xin nhường lời cho Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.

Sự hoá già của xương

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Gai cột sống là một bệnh mà trong đó có sự phát triển không mong muốn của xương hoặc các phần sụn đã bị thoái hoá. Bình thường thì gai ở trên cột sống nằm ở xung quanh khớp xương và trong đĩa liên sống.

Ngoài ra, gai cũng có thể xuất hiện ở khắp các bộ phận cơ thể, thí dụ như duới bàn chân và trên đầu gối là những nơi chịu nhiều sức nặng của cơ thể. Nhiều người than phiền rằng bị gai cột sống và họ cho là gai gây ra đau, nhưng mà thực chất thì gai chỉ là chỉ dấu của sự hoá già của xương và của sụn. Bình thường thì gai không gây ra đau.

Trà Mi: Dạ. Bác Sĩ nói gai là sự hoá già của xương thì chắc có lẽ là những người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh này nhứt là những người cao tuổi, phải không Bác Sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Dạ vâng. Đúng như cô nói, người cao tuổi là những người hay bị gai xương sống và chính những người này có gai mà không biết và nhiều khi tình cờ khi chụp hình cơ thể để điều trị một bệnh nào đó thì mới thấy bị gai cột sống mà thôi.

Trà Mi: Dạ. Thế xin được hỏi Bác Sĩ là vì sao cột sống lại mọc gai? Nguyên nhân nào dẫn tới căn bệnh này?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Sự thành hình của gai cột sống thì nó cũng hơi phức tạp, tuy nhiên, hiện thời bây giờ người ta đã nếu ra 3 nguyên nhân giải thích sự hiện diện của gai cột sống.

Thứ nhất là gai xương nói chung có thể là kết quả của việc xương tự tu bổ sau khi xương bị liên tục chấn thương, thí dụ như bị sức ép hoặc bị va chạm, hoặc bị cọ xát. Chẳng hạn những người làm nghề khuân vác nặng, hoặc những người quá ký, hoặc có những người vận động cơ thể mạnh quá, thì có những áp lực liên tục lên khớp xương, do đó đưa tới chấn thương, và những chấn thương đó có thể làm cho xương bị huỷ hoại, nhất là trong trường hợp những đĩa liên hợp bị suy yếu.

Điểm thứ hai nữa là khi đĩa liên hợp bị suy yếu thì nó bị xệp xuống và những dây chằng ở hai bên cạnh đốt xương sống đó để duy trì đốt xương sống đó ngay thẳng thì nó sẽ bị chùng ra và khớp xương bị chuyển động nhiều hơn. Để tránh trường hợp này, phản ứng tự nhiên của cơ thể là làm sao cho dây chằng đó dày lên để giữ vững cột sống.

Với thời gian lâu ngày calcium sẽ tụ lại trên dây chằng đó và tạo thành những cái gai và ngững gai đó có thể đâm vào những dây thần kinh hoặc tuỷ sống nằm trong cột sống và nó gây ra một số dấu hiệu mà người bệnh cảm thấy. Hoặc là trường hợp thường thấy tức là sự diễn tiến của sự hoá già, và trong trường hợp này thì đĩa sụn và xương bị thoái hoá, bị hao mòn đi thì mặt xương bị gồ ghề, và từ đó mà gai sẽ mọc ra. Vì thế cho nên chúng ta thấy rằng gai cột sống có nhiều ở trong những bệnh như là viêm xương khớp và đặc biệt là ở những người cao tuổi.

Nói chung, có thể nói rằng các yếu tố di truyền hay là kém dinh dưỡng, hoặc các nếp sống không lành mạnh, hoặc chúng ta có những dáng đi - ngồi - đứng không được đúng đắn, hoặc những chấn thương liên tục, hoặc những trường hợp tai nạn xe cộ, thì đây cũng là những rủi ro đưa tới thoái hoá xương khớp và từ đó nó tạo ra những cái gai.

Triệu chứng

Trà Mi: Dạ. Hồi nãy Bác Sĩ có nói là gai cột sống có khi người bệnh cũng không nhận biết được, thế thì bệnh không có triệu chứng nào biểu hiện ra bên ngoài để mình phát hiện ra bệnh hay sao, thưa Bác Sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Dạ vâng. Bình thường mà nói thì cái gai mọc ra ở cái xương đó thì nó chỉ nằm ở phần đó mà thôi, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai, mình gọi là gai nhưng thực ra những cái chồi đó, tức là cái gai đó, nó trơn tru chứ nó không có nhọn cho lắm.

Thế thì cái gai đó nó chỉ gây ra dấu hiệu khi nào nó cọ xát với lại xương hoặc các phần mềm ở chung quanh cái trụ như là trên dây chằng hoặc rễ dây thần kinh thì bấy giờ bệnh nhân mới cảm thấy đau. Và thường thường thì những cơn đau đó có thể xuất hiện ở cổ hoặc ở lưng, và đặc biệt là khi người bệnh đứng lên ngồi xuống hoặc là đi lại, và nếu mà cái gai đó nó nằm trên cột sống cổ thì nó sẽ đưa tới nhức đầu, nhức vai. Hoặc nếu gai nằm ở cột sống lưng thì nó có thể đưa tới cơn đau xuống đến bàn chân, hoặc dưới hai chân.

Và chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng những cơn đau này chỉ xảy ra khi chúng ta cử động và nó giảm khi chúng ta nghỉ ngơi. Và vì lý do đó mà nó sẽ giới hạn những hoạt động của người bị bệnh gai cột sống. Khi dây thần kinh bị gai cột sống đè vào hoặc cọ xát vào thì nó sẽ đưa ra một số những dấu hiệu, thì dụ như là bệnh nhân sẽ cảm thấy bị rôí loạn đại tiểu tiện hoặc là mất cảm giác.

Những cơn đau này chỉ xảy ra khi chúng ta cử động và nó giảm khi chúng ta nghỉ ngơi. Và vì lý do đó mà nó sẽ giới hạn những hoạt động của người bị bệnh gai cột sống. Khi dây thần kinh bị gai cột sống đè vào hoặc cọ xát vào thì nó sẽ đưa ra một số những dấu hiệu, thì dụ như là bệnh nhân sẽ cảm thấy bị rôí loạn đại tiểu tiện hoặc là mất cảm giác.

<b>Bác sĩ Nguyễn Ý Đức</b>

Những dấu hiệu đó cũng có thể thấy ở trong một số những bệnh khác làm cho chúng ta có thể bị bối rối trong việc định bệnh. Trong bệnh tiểu đường, hoặc các rối loạn tuần hoàn ở tứ chi, hoặc u viêm của cột tuỷ sống, hoặc trong những trường hợp viêm thấp khớp, hoặc chấn thương lưng, thì nó cũng có thể có những dấu hiệu này.

Cách phân biệt

Trà Mi: Có một vài bệnh về xương tương tự cũng được nhắc tới nhiều, thí dụ thoái hoá cột sống, đau thần kinh toạ, thoát vị dĩa đệm, thì làm thế nào để mình phân biệt được với bệnh gai cột sống, thưa Bác Sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Để phân biệt ba trường hợp mà cô Trà Mi vừa đề cập tới đó thì các bác sĩ đều phải căn cứ vào các dấu hiệu của bệnh, phải căn cứ vào y sử của mỗi trường hợp, tdụ những người làm công việc nặng nhọc hay là trong những trường hợp cơ thể của chúng ta chịu những chấn thương liên tục, hoặc là ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, phương tiện gọi là X-quang, chụp hình quang tuyến X, là phương thức có thể nói là rõ ràng để phân biệt gai cột sống với các bệnh mà chúng ta vừa mớí nêu ra.

Thứ nhất là trong bệnh gai cột sống thì có những gai ở trên lớp xương hoặc là trên lớp sụn, và nó sẽ có những chồi nhỏ nhô ra từ xương. Thế thì khi chụp hình X-quang thì những chồi nhỏ này hay những cái gai này hiện rõ rệt trên khớp xương của chúng ta.

Trong trường hợp này có thể chỉ có gai mà thôi, mà những khớp xương hay phần dĩa đệm thì không thay đổi gì. Tuy nhiên, trong trường hợp thoái hoá cột sống hoặc thoát vị dĩa đệm thì trên phim X-quang người ta sẽ thấy có những thay đổi về cấu trúc và vị trí của đốt sống.

Và cũng có những sự thay đổi về dĩa đệm, thí dụ như dĩa đệm có thể xệp đi, hoặc có thể lòi ra, hoặc khoảng cách của đĩa liên sống sẽ hẹp lại và đốt sống bị hao mòn. Thành ra trên hình X-quang và MRI người ta cũng có thể nhìn rõ được những trường hợp thoái hoá cột sống và thoát vị dĩa đệm.

Riêng trường hợp đau dây thần kinh toạ thì đây là một sự viêm của một dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, nó nằm ở dưới mông và chạy dọc xuống phía sau hai chi. Trong trường hợp này thì nó có những dấu hiệu riêng biệt của nó mà ở những bệnh khác không có. Thí dụ như là những cơn đau thì nói đau từ mông và chạy xuống phía sau của dưới chân, và nó đau nhiều khi chúng ta cử động, nhất là khi chúng ta duỗi chân ra. Đó là những cách thức để mình có thể phân biệt được gai cột sống với lại thoái hoá cột sống, đau thần kinh toạ, hoặc là thoát vị dĩa đệm.

Tác hại lâu dài

Trà Mi: Và thưa Bác Sĩ, nói về bệnh gai cột sống thì nếu như cứ để lâu dài mà không có điều trị thì sau này xảy ra những biến chứng như thế nào, nguy hiểm hay là có tác hại lâu dài gì chăng?

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức: Khi mà gai cột sống nằm ở vị trí nào đó trên xương hoặc khớp xương mà nó không có đụng chạm gì với các phần mềm hoặc các xương khác thì nó không gây ra đau. Thành ra chúng ta nhận thấy đa số những người cao tuổi có những gai này mà không cảm thấy một dấu hiệu nào cả và họ chỉ tình cờ tìm ra cái gai khi chụp X-quang.

Khi mà gai cột sống nằm ở vị trí nào đó trên xương hoặc khớp xương mà nó không có đụng chạm gì với các phần mềm hoặc các xương khác thì nó không gây ra đau. Thành ra chúng ta nhận thấy đa số những người cao tuổi có những gai này mà không cảm thấy một dấu hiệu nào cả và họ chỉ tình cờ tìm ra cái gai khi chụp X-quang.

<b>Bác sĩ Nguyễn Ý Đức</b>

Một điểm tiếp theo nữa mà chúng tôi muốn thưa rằng ở trên cột sống của chúng ta, cái gai thường thường nằm ở phía trước cột sống và ở bên cạnh cột sống thành ra nó không có cọ xát hay đụng chạm gì vào dây thần kinh tuỷ cũng như cột tuỷ sống ở phía sau, vì thế cho nên nó ít gây ra nguy hiểm.

Tuy nhiên, cũng có một số những trường hợp hãn hữu nhưng có thể xảy ra là cái gai đó nó có thể bị đứt ra và nó trở nên di động nó có thể chạy vào một khớp xương và nó nắm trong khớp xương gây ra những khó khăn, đau đớn khi chúng ta co duỗi khớp.

Hoặc là cũng có trường hợp gai đè vào dây thần kinh, hoặc calcium đóng trên dây chằng có thể lấp kín ống cột sống và như vậy dây thần kinh não tuỷ bị đè, và trong những trường hợp đó nó sẽ gây ra những triệu chứng như chúng tôi đã trình bày. Nói chung, nếu không có sự đụng chạm gì tới hệ thần kinh thì gai cột sống không gây ra chuyện rắc rối khó khăn gì cả.

Trà Mi: Bệng gai cột sống có thể chữa khỏi được hay không? Lợi hại của thuốc viên hình hạt dưa đang được nhiều người tin dùng để tự chữa đau nhức ra sao? Làm thế nào để phòng tránh được bệnh gai cột sống, cùng nhiều thông tin bổ ích khác sẽ được Bác sĩ Nguyễn Ý Đức tiếp tục trình bày trong buổi tái ngộ tuần tới. Mời quý vị đón theo dõi. Trà Mi thân ái kính chào.