Qua những cuộc trao đổi giữa Trà Mi với các bác sĩ trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, “Sức Khỏe và Đời Sống” sẽ cung cấp kiến thức y học tổng quát nhằm giúp nâng cao nhận thức về việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Hàm răng trắng khỏe không những là một nét duyên cho gương mặt mà còn tạo thiện cảm nơi người đối diện, giúp chúng ta trở nên tự tin hơn trong giao tiếp xã hội. Thế nhưng để có được điều đó thật không phải dễ dàng, nhất là đối với những ai chẳng may mắc phải căn bệnh đổi màu răng (nhiễm màu răng). Căn bệnh này khá phổ biến tại Việt Nam khi mà đại đa số dân chúng chưa quan tâm đúng mức đến các kiến thức về vệ sinh răng miệng.
Đổi màu răng
Tại sao răng bị đổi màu? Có cách nào khắc phục tình trạng này không? Hiệu quả ra sao? Mời quý vị cùng tìm hiểu qua cuộc trao đổi với Bác sĩ nha khoa Hoàng Bảo từ Sài Gòn, người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Răng-hàm-mặt:
Trà Mi: Thưa, nói về bệnh nhiễm màu răng hoặc là đổi màu răng thì trước tiên xin Bác Sĩ có thể cho một cái định nghĩa khái quát để thính giả được hiểu rõ bệnh đổi màu răng là gì?
Thực ra vệ sinh răng miệng thường xuyên cũng như tạo phôi đánh bóng thì về nguyên tắc nó không thể gọi là làm trắng răng hơn mà phải nói là nó làm sáng răng, tức là nó làm sạch răng, chứ không thể làm trắng răng được.
BS Hoàng Bảo
BS Hoàng Bảo: Cái định nghĩa về đổi màu răng là có hai cái nhận biết về đổi màu răng. Thứ nhứt là giống như mình gọi là răng bị đổi màu là do những hóa chất nhiễm phải từ bên ngoài đưa vô, như là cà phê, thuốc lá hoặc là rượu bia, hoặc những màu của thức ăn, thì tình trạng đó gọi là đổi màu, nó làm cho răng của mình từ từ đổi màu răng. Răng lão hóa cũng là một trong những cái làm cho răng đổi màu. Còn răng nhiễm màu thưòng là do uống thuốc tetracycline trong thời kỳ khoảng 3 tới 6 tuổi, là thời kỳ tạo mầm răng, hoặc là bị nhiễm fluoride ở những vùng có nhiều fluoride trong nước. Nước uống trong sinh hoạt hàng ngày thì nồng độ đó là nồng độ bình thường. Nguyên tử fluoride rất thích bám vào trong men răng, và với nồng độ thấp đó thì ngăn ngừa được sự sâu răng. Nhưng với nồng độ cao thì nó sẽ gây nhiễm màu răng, đen răng, giống như ở người lớn gọi là khuyết, nó chuyển qua màu trắng-đen và lần lần nó làm cho răng bị mục đi.
Trà Mi: Nhưng mà chất fluoride này có nhiều trong nguồn nước nào, thưa Bác Sĩ?
BS Hoàng Bảo: Vùng nước đá vôi hoặc các vùng đất đồi trọc ở núi non. Vùng nước sâu, tức nước giếng, làm người ta dễ bị nhiễm fluoride.
Trà Mi: Đó là những nguyên nhân khiến cho răng có thể bị đổi màu hay bị nhiễm màu. Với những nguyên nhân đó thì cũng xin được hỏi thăm Bác Sĩ là răng bị đổi màu thì có những cách nào giúp khắc phục tình trạng này không?
BS Hoàng Bảo: Cách khắc phục, tựu trung lại có 3 phương pháp, nhưng hiện tại bây giờ phương pháp tối ưu nhất là tẩy trắng răng. Còn phương pháp thứ hai được dùng cách đây lâu rồi là đắp mặt răng bằng composit. Nhưng cái nào cũng có ưu và khuyết điểm của nó. Như đắp composit thì nó nhanh và tiện lợi, giá tiền rẻ, nhưng đổi lại thì composit vốn là nhựa nên nó sẽ đổi màu, nó xơ màu, màu không đẹp. Còn cách thứ ba là bọc mão bằng sứ, tức là mình bọc tất cả những cái răng bị nhiễm màu bằng sứ, nhưng dùng cách này thì phải mài bỏ mô răng, phá mô răng và giá thành thì cao, và có khả năng làm cho răng bị chết tủy nữa.
Trà Mi: Bây giờ ngoài những cách can thiệp như thế thì việc vệ sinh răng miệng thường xuyên thì có giúp làm trắng răng lên hơn không, thưa Bác Sĩ?
BS Hoàng Bảo: Thực ra vệ sinh răng miệng thường xuyên cũng như tạo phôi đánh bóng thì về nguyên tắc nó không thể gọi là làm trắng răng hơn mà phải nói là nó làm sáng răng, tức là nó làm sạch răng, chứ không thể làm trắng răng được. Bây giờ có một số nơi người ta vẫn dùng kem đánh răng có chứa chất làm trắng răng thì thực sự với thời gian tiếp xúc quá ít thì lượng peroxide đó không đủ để làm trắng răng. Có một số loại kem dùng chất làm mòn răng thì cái mòn răng đó chỉ có hại chứ không thể làm trắng răng được.
Trà Mi: Ngoài ra thì trong dân gian cũng có truyền miệng nhau cách dùng xác cau chà răng thì không biết về khoa học...
BS Hoàng Bảo: Tức là ở quê hồi xưa cũng hay dùng cái đó, tức là xác chau với bụi than làm cho trắng răng thì về nguyên tắc bụi than dù muốn dù không cũng hấp thụ một số chất mùi và màu, nhưng mà có cái để nó làm cho trắng răng thì không thể nào nó làm trắng răng được hết. Nó chỉ có thể làm sạch răng, cũng giống như phương pháp đánh răng với các loại kem thông dụng mà thôi, chỉ có thể làm sạch chứ không thể nào làm trắng được.
Trà Mi: Dạ, như vậy là phương pháp làm trắng răng can thiệp về y khoa thì trong 3 phương pháp mà Bác Sĩ nói, có phương pháp tẩy trắng răng là coi bộ có hiệu quả nhất cho tới hiện nay?
BS Hoàng Bảo: Đúng rồi! Hiện nay trên thế giới cái phương pháp chủ yếu là tẩy trăng răng, chỉ trừ với răng bị nhiễm fluoride hoặc răng bị nhiễm tetracycline quá nặng thì người ta mới phải đắp mặt hoặc bọc mão răng bằng sứ.
Những phương pháp tẩy trắng răng
Trà Mi: Vâng. Thế bây giờ được hỏi thăm Bác Sĩ là tẩy trắng răng là gì? Nói một cách cụ thể thì những phương pháp tẩy trắng răng hiện nay ra sao, thưa Bác Sĩ?
Tẩy trắng tại phòng thì có lợi về thời gian, nhưng mà giá tiền thì cao hơn và có cái là màu của răng thì nha sĩ không thể nào kiểm soát được. Còn nếu đem về nhà tẩy thì nó tốn về thời gian, thường là khoảng 2 tới 6 tuần tùy theo cơ địa mỗi bệnh nhân. Những bệnh nhân có men mà độ khoáng hóa cao thì thời gian tẩy kéo dài hơn nhưng sau này thì màu lại tốt hơn, đẹp hơn, bền hơn.
BS Hoàng Bảo
BS Hoàng Bảo: Tẩy trắng răng hiện nay trên thế giới chủ yếu dùng những hợp chất có peroxide, nhưng mà chủ yếu là Carbamide peroxide ở dạng kem để mà đắp lên bề mặt của răng và lợi dụng sự phóng thích oxy nguyên tử, vốn là một chất oxy hóa khử mạnh, thì nó sẽ đánh bay hết những tạp chất và những phần chất có màu nhiễm vào men răng.
Còn phương pháp tẩy trắng thì bây giờ có 2 loại tẩy trắng, tức là tẩy trắng tại nhà hoặc tẩy trắng tại phòng mạch. Tẩy trắng tại nhà thì là mình lấy dấu, rồi cho bệnh nhân về nhà tự tra thuốc, tự tẩy trắng. Thường tẩy trắng tại nhà thì nồng độ peroxide khoảng 15%, còn tại phòng mạch thời gian thường là khoảng nửa tiếng đến một tiếng, nồng độ peroxide trong thuốc thì khoảng 35%. Nó dùng ánh sáng đơn sắc kích hoạt phản ứng của thuốc tẩy trắng.
Trà Mi: Nhưng so sánh giữa phương pháp tẩy trắng tại nhà với lại tẩy trắng tại phòng nha khoa thì phương pháp nào có thời gian tốn kém hơn? Nếu tự bệnh nhân tẩy trăng răng tại nhà thì kéo dài trong bao lâu, thường xuyên như thế nào ạ?
BS Hoàng Bảo: Thật ra hai phương pháp này, mỗi cái có cái lợi và cái hại khác nhau. Tẩy trắng tại phòng thì có lợi về thời gian, nhưng mà giá tiền thì cao hơn và có cái là màu của răng thì nha sĩ không thể nào kiểm soát được, tức là không quy định là nó sẽ trắng tới mức độ như thế nào được, sau khi tẩy một lần ra thì cái màu nó sẽ như thế nào. Còn nếu đem về nhà tẩy thì nó tốn về thời gian, thường là khoảng 2 tới 6 tuần tùy theo cơ địa mỗi bệnh nhân. Những bệnh nhân có men mà độ khoáng hóa cao thì thời gian tẩy kéo dài hơn nhưng sau này thì màu lại tốt hơn, đẹp hơn, bền hơn. Vì thời gian dài như vậy cho nên trong từng thời kỳ, thí dụ một hai ngày mình có thể kiểm soát được màu, tức là màu lên từ từ tới mức độ nào đó mình cảm thấy vừa ý thì mình ngưng, không tẩy nữa.
Trà Mi: Cái đó là mỗi ngày liên tục hay cách ngày?
BS Hoàng Bảo: Mỗi ngày liên tục đều phải ngậm hết. Có thể ngậm vào mỗi buổi tối, khi nghỉ ngơi, hoặc là khi đi ngủ. Nhưng mà mỗi ngày ngậm thuốc ít nhất phải là 2 tiếng đồng hồ. Trung bình khoảng 6 tiếng đồng hồ là đạt được.
Trà Mi: Thế nhưng phương pháp tự dùng thuốc tẩy để tẩy trắng răng tại nhà có những phản ứng phụ nào không, thưa Bác Sĩ? Có cái hại nào không?
BS Hoàng Bảo: Nó cũng có chứ. Nói chung tất cả các loại thuốc tẩy trắng đều có những phản ứng phụ là nó gây ê tại vì thuốc đó theo ống ngà vào gây kích thích tủy và gây ê. Có một số bệnh nhân không chịu đựng được, và có thể gây chết tủy. Có một nghiên cứu nói là đối với những bệnh nhân tẩy trắng răng thì tỷ lệ bị mòn cổ răng tăng hơn 7%, tức là nó làm cho cái khung của răng có thể yếu hơn, dễ mòn hơn. Nhưng cái chủ yếu của nó là nó gây kích thích tủy.
Trà Mi: Thưa, Bác Sĩ nói về tẩy răng thì chúng tôi cũng được nghe các phương pháp là tẩy bằng tia laser hoặc tẩy bằng ánh sáng đèn plasma. Hai phương pháp này so sánh thì lợi hại ra sao, thưa Bác Sĩ?
BS Hoàng Bảo: Là nó tương tự như nhau. Tia laser thì nó kích thích chiều sâu, tức là nó dẫn thuốc đi vào phản ứng trong chiều sâu của răng hơn là đèn plasma. Còn đèn plasma thì nó kích thích phản ứng đồng loạt, tức là nó kích thích phản ứng mạnh của thuốc và nó lan tỏa trên bề mặt hơn là tia laser. Nhưng mà nói chung cả hai thì nó cũng tương tự như nhau là nó dùng ánh sáng đơn sắc để kích thích phản ứng.
Trà Mi: Cái hiệu quả thì có tương tự như nhau không ạ?
BS Hoàng Bảo: Hiệu quả của nó thì tương tự như nhau.
Công dụng của những loại kem và thuốc tẩy trắng răng trên thị trường ra sao? Lợi và hại của việc tẩy trắng răng như thế nào? Và một khi đã tẩy trắng răng thì hiệu quả kéo dài trong bao lâu? Cùng với những lời khuyên của giới chuyên môn giúp giữ gìn hàm răng trắng khỏe sẽ được gửi tới quý vị trong chương trình sáng Thứ Năm tuần sau. Mong quý vị nhớ đón nghe.
Chương trình “Sức Khỏe và Đời Sống” kỳ này xin dừng lại tại đây. Hẹn tái ngộ cùng quý vị và các bạn sáng Thứ Năm tuần sau. Trà Mi thân ái kính chào.