Ung thư ở trẻ em đáng lo ngại
2016.02.29

Báo cáo mới đây của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm 15 tháng 2 cho thấy số ca ung thư ở trẻ nhỏ vẫn còn cao trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng số ca ung thư ở trẻ cao và những loại ung thư nào là phổ biến ở trẻ?
Cách biệt giữa nước giàu và nghèo
Thống kê về số ca ung thư của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) hôm 15 tháng 2 vừa qua cho thấy số ca ung thư ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi trên toàn thế giới ước tính cho năm 2015 là 215,000 ca, cao hơn so với con số ước tính là 163,000 ca được đưa ra vào năm 2012.
Con số ước tính mới được IARC đưa ra dựa trên dữ liệu thống kê của khoảng hơn 100 cơ sở đăng ký số liệu bệnh nhân ung thư tại 68 quốc gia trong giai đoạn từ 2001 đến 2010. Nói về báo cáo mới, bác sĩ Eva Steliarova thuộc IARC cho biết:
Lần trước khi chúng tôi ước tính gánh nặng của ung thư ở trẻ nhỏ trên thế giới, chúng tôi dựa vào số liệu thống kê được tổng kết vào năm 2012. Chúng tôi ước tính số ca ung thư ở trẻ nhỏ là 163,000 ca. Lần này chúng tôi dựa trên ước tính từ khoảng năm 2001 đến 2010 trên khắp thế giới và chúng tôi có dữ liệu tốt hơn. Chúng tôi ước tính con số trẻ bị ung thư cao hơn so với lần ước tính trước đó.
Theo thống kê của bệnh viện nhi trung ương, hàng năm chúng tôi tiếp nhận được khoảng 450 ca bệnh nhân mới trong đó khoảng 100 bệnh nhân là ung thư não, khoảng hơn 150 bệnh nhân là ung thư máu.
- Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Lan
Tuy nhiên, theo bác sĩ Steliarova, một số vùng tại châu Phi không có đầy đủ con số thống kê như những nơi khác như châu Âu và Bắc Mỹ. Vì vậy, chất lượng con số thống kê ở các vùng khác nhau là không đồng đều.
Số ca ung thư chính thức ở trẻ có thể cao hơn mà cũng có thể thấp hơn nhưng chúng tôi không thể nói được chính xác là cao hơn bao nhiêu và thấp hơn bao nhiêu vì thiếu thông tin. Số ca có thể cao hơn nếu những trẻ bị ung thư không được chẩn đoán hết, nhưng số ca có thể thấp hơn vì dữ liệu mà chúng tôi có được chỉ tập trung ở vùng thành thị nơi mọi người thường tập trung về để điều trị cho nên số ca ở thành thị cao hơn ở các nơi khác.
Báo cáo mới của IARC cũng cho thấy tỷ lệ trẻ bị ung thư so với toàn bộ số ca ung thư ở các nước có thu nhập thấp và trung bình cao hơn so với các nước phát triển. Cụ thể là ở những nước phát triển tỷ lệ này là 1%, trong khi đó tại các nước nghèo nơi trẻ em có thể chiếm đến hơn một nửa dân số, tỷ lệ này có thể cao hơn gấp 5 lần. Nói về sự cách biệt này, bác sĩ Christopher Wild, Giám đốc IARC nhận xét ‘tỷ lệ trẻ chết vì ung thư ở các nước nghèo hơn cao quá mức, đặc biệt khi xem xét yếu tố được chăm sóc y tế ở một số nước giàu hơn’.
Nói về số ca ung thư trẻ em ở Việt Nam, bác sĩ Bùi Thị Ngọc Lan, Phó trưởng khoa ung bướu, bệnh viện nhi trung ương cho biết:
Theo thống kê của bệnh viện nhi trung ương, hàng năm chúng tôi tiếp nhận được khoảng 450 ca bệnh nhân mới trong đó khoảng 100 bệnh nhân là ung thư não, khoảng hơn 150 bệnh nhân là ung thư máu.
Hiện Việt Nam chỉ có hai bệnh viện nhi lớn ở Hà Nội và Sài Gòn có khoa ung bướu nhi, nơi tập trung phần lớn các ca ung thư trẻ em của cả nước.
Nguyên nhân
So với người lớn, trẻ nhỏ cũng bị nhiều loại ung thư khác nhau. Nhưng nhìn chung, loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, theo IARC, là ung thư máu với hai loại chính là ung thư bạch cầu và ung thư hạch bạch huyết. Những loại u ác tính thường thấy ở trẻ là các u ác phát hiện trong hệ thần kinh trung ương, và u xuất phát từ các tế bào mầm. Một số loại ung thư khác chỉ xảy ra đặc biệt ở trẻ nhỏ bao gồm ung thư nguyên bào thần kinh, nguyên bào thận, và nguyên bào võng mạc (mắt). Trong khi đó các loại ung thư ngực, phổi và dạ dày thường thấy ở người lớn rất hiếm gặp ở trẻ nhỏ.
Theo IARC, ung thư máu là loại thường thấy ở trẻ nhỏ, chiếm khoảng 35% các ca ung thư ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên loại ung thư này thường hiếm gặp ở các nước thuộc vùng hạ Sahara. Nguyên nhân hiện vẫn chưa được xác định rõ là do trẻ không được chẩn đoán đúng hay vì một nguyên nhân nào khác.
Nói về những yếu tố có thể dẫn đến ung thư ở trẻ, ngoài yếu tố về gene, bác sĩ Steliarova cho biết:
Có thể là vấn đề môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong nguyên nhân dẫn đến ung thư ở trẻ. Những yếu tố môi trường bao gồm phóng xạ, virut, ô nhiễm do giao thông. Bên cạnh đó là các yếu tố về dinh dưỡng như đồ uống có cồn, nước ngọt. Khói thuốc lá cũng đóng góp vào con số các ca ung thư sớm ở trẻ.
Có một số loại ung thư được cho là hiếm nhưng lại xuất hiện khá phổ biến ở những nước châu Phi thuộc vành đai xích đạo. Một ví dụ điển hình là ung thư hạch bạch huyết Burkitt. Loại ung thư này được cho là có liên qua đến những tác nhân gây viêm nhiễm như virut Epstein-Barr và ký sinh trùng sốt rét. Ngoài ra loại ung thư mô liên kết Kaposi ở trẻ nhỏ cũng được các chuyên gia của IARC cho rằng có liên quan đến virut HIV.
Chẩn đoán chậm và không được điều trị
Theo IARC, phần nhiều các bệnh ung thư ở trẻ nhỏ có thể được điều trị khỏi nhưng ung thư hiện vẫn là nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở trẻ. Con số trẻ bị tử vong do ung thư trên toàn cầu được IARC ước tính là khoảng 80,000 ca. Điều đáng chú ý là khoảng 80% các ca ung thư ở trẻ được điều trị thành công ở những nước phát triển, trong khi đó con số này ở những nước nghèo và đang phát triển chỉ là 10%. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bác sĩ Steliarova cho biết:
Có ý kiến cho rằng có rất nhiều ca ung thư ở trẻ đã không được chẩn đoán. Chúng tôi có thể nói vậy vì tôi lấy ví dụ ung thư máu ở trẻ chiếm khoảng 35% trong các ca ung thư ở châu Âu nhưng loại ung thư này lại hiếm thấy ở vùng hạ Sahara nơi số ca ung thư máu ở trẻ chỉ chiếm khoảng 5 đến 10% tổng số ca ung thư.
Điều này có thể là do ung thư máu không được nhìn nhận đúng mức như các loại ung thư khác và không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân khác nữa là trẻ tử vong trước khi được chẩn đoán có ung thư. Cho nên có những ca ung thư đã không được chẩn đoán. Điều trị ung thư không phải lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi người. Nguyên nhân bao gồm bệnh viện quá tải, thiếu các trang thiết bị điều trị như xạ trị hay hóa trị.
Thường thì bệnh nhân ung thư của chúng ta đến vào giai đoạn rất là muộn hoặc là bệnh nhân ung thư máu thường đến trong giai đoạn rất là nặng, tình trạng thiếu máu, xuất huyết rất nặng.
- Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Lan
Ngoài ra một nguyên nhân phổ biến khác là việc điều trị quá tốn kém cho gia đình các em nên họ không thể chi trả chi phí điều trị. Đôi khi họ bắt đầu điều trị cho trẻ và sức khỏe của trẻ được cải thiện và họ ngừng điều trị. Đây là điều không nên làm vì ngay sau đó sức khỏe của trẻ sẽ bị xấu đi. Nhưng nguyên nhân phần nhiều là do chi phí quá cao khiến nhiều gia đình đã không thể cho trẻ điều trị bệnh.
Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Lan cho biết phần lớn các bệnh ung thư ở trẻ nhỏ tại Việt nam đều có thể được điều trị với tỷ lệ thành công khá cao. Tuy nhiên điều đáng lo lắng là phần đông các trường hợp bệnh nhi đến bệnh viện để chẩn đoán và điều trị trong giai đoạn muộn.
Thường thì bệnh nhân ung thư của chúng ta đến vào giai đoạn rất là muộn hoặc là bệnh nhân ung thư máu thường đến trong giai đoạn rất là nặng, tình trạng thiếu máu, xuất huyết rất nặng.
Theo bác sĩ Bùi Thị Ngọc Lan, các ca ung thư trẻ em ở Việt nam chỉ chiếm khoảng 1 đến 2% toàn bộ các ca ung thư và có triển vọng điều trị thành công cao hơn nếu được phát hiện sớm. Có một số loại ung thư có thể cứu sống đến 90% các bệnh nhân, ví dụ như u nguyên bào võng mạc, u nguyên bào gan, u nguyên bào thận, u tế bào mầm. Ung thư máu được phát hiện kịp thời, theo bác sĩ Lan, cũng có thể có tỷ lệ thành công từ 65 đến 70%.
Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Lan cho biết, các bệnh nhân ung thư có độ tuổi dưới 6 ở Việt nam được bảo hiểm chi trả 100%. Bệnh nhi có độ tuổi trên 6 thì được bảo hiểm chi trả từ 80 đến 90%. Theo bà điều quan trọng là cha mẹ các em nên cho con theo đuổi việc điều trị theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao.
Bác sĩ Christopher Wild, Giám đốc IARC nhìn nhận ung thư trẻ em hiện nay là một vấn đề về sức khỏe cộng đồng ở những nước đang phát triển. Vì vậy những nước này cần có thêm những nguồn lực giúp họ cải thiện kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và cơ sở hạ tầng.
Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa