Bệnh tim mạch

Bệnh tim mạch là một trong số các bệnh mãn tính, không lây nhiễm, nhưng vô cùng nguy hiểm vì những triệu chứng của bệnh đôi khi chỉ thoáng qua người bệnh khó nhận biết, cho tới khi một cơn đột quỵ hay nhồi máu cơ tim xảy đến.
Quỳnh Như, phóng viên RFA
2011.10.12
001_GR184308-305..jpg Sơ đồ minh họa sự lưu thông máu trong tim
AFP photo

Bệnh không lây nhiễm

Các bệnh liên quan đến tim mạch là những “kẻ giết người” hàng đầu trên thế giới, so với các chứng bệnh khác, chiếm khoảng 30% tổng số tất cả các ca tử vong trên toàn thế giới, với ước tính trên 17 triệu người chết hàng năm do bệnh tim mạch. Trong số này hơn 7 triệu chết vì các chứng liên quan đến động mạch vành, và hơn 6 triệu liên quan đến chứng đột quỵ.    

Số liệu đưa ra tại Hội nghị y tế quốc tế do Liên Hiệp quốc tổ chức cho thấy tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch đứng đầu, chiếm đến gần phân nữa trong số các bệnh mãn tính, không lây nhiễm, như ung thư, tim mạch, tiểu đường và bệnh phổi. Trong số ước tính hơn 36 triệu người tử vong hàng năm vì những căn bệnh này, 48% nguyên nhân là có liên quan đến tim mạch. Tại Hoa kỳ, trong khi các bệnh mãn tính không lây nhiễm chiếm tỉ lệ 87% các trường hợp tử vong thì tính riêng bệnh tim mạch là 35%.

Các vấn đề về tim và mạch máu phát triển theo thời gian. Khi các động mạch cung cấp máu cho tim và não dần dần trở nên tắc nghẽn do sự tích tụ của các tế bào, chất béo và cholesterol. Sự tích tụ này gọi là mảng bám (plaque).

Có nhiều dạng bệnh liên quan đến tim mạch. Trước tiên là bệnh Xơ vữa Động mạch hay còn gọi là Xơ cứng thành động mạch, là khi các thành bên trong của các động mạch trở nên hẹp hơn do sự tích tụ của mảng làm giới hạn dòng chảy của máu đến tim và não. Khi mảng vỡ ra, một cục máu được hình thành làm nghẽn động mạch, và điều này có thể gây ra các cơn đau tim hay đột quỵ. Đây là một dạng bệnh tim mạch rất nguy hiểm và được nhắc đến nhiều nhất.

Ngoài ra, còn nhiều cứng bệnh khác cũng không không kém phần nguy hiểm như cao huyết áp, đau tim, suy tim, đột quỵ.

Huyết áp là lực của dòng máu tác động vào thành mạch. Huyết áp có đặc điểm là thay đổi theo thời gian, trạng thái tâm sinh lý và nhiều yếu tố khác. Bác sĩ Trần Văn Sáng ở tiểu bang Virginia, Hoa kỳ cho biết một số biểu hiện của chứng huyết áp cao như sau:

“Chứng huyết áp cao là một loại bệnh do tăng áp suất trong mạch máu, mà thường là do mạch máu bị cứng hay do độ đàn hồi bị suy giảm. Nói về triệu chứng thì ở giai đoạn đầu tiên, phần lớn ở các trường hợp cao huyết áp, gần như những người bị cao huyết áp không thấy triệu chứng gì trong giai đoạn đầu tiên. Khi họ bắt đầu nhận thấy triệu chứng thì những triệu chứng thường xuyên nhất là những cơn nhức đầu vào buổi sáng.

Rồi mới tới những giai đoạn giống như chóng mặt, hay cảm thấy đầu lâng lâng, phừng phừng. Họ cảm thấy như nặng đầu. Còn đến những giai đoạn sau – giai đoạn huyết áp lên nhiều và cao thì người bệnh sẽ nhức đầu ói mửa, và có những trường hợp bị khó thở. Lúc bấy giờ thì huyết áp đã ảnh hưởng lên tim rồi.”

Huyết áp được viết thành hai con số như 122/78 mmHg, số ở trên – số tâm thu, là huyết áp khi tim đập hay co bóp. Con số ở dưới – số tâm trương, là huyết áp khi tim nghỉ giữa hai lần đập. Huyết áp cao là huyết áp tâm thu ở mức từ 140 trở lên và huyết áp tâm trương từ 90 trở lên duy trì trong một khoảng thời gian. Huyết áp cao có thể dẫn đến xơ cứng động mạch, đột quỵ hay các cơn đau tim.

Triệu chứng

049_f0033383-200.jpg
Điện tâm đồ của một quả tim không khỏe. APA photo
Điện tâm đồ của một quả tim không khỏe. APA photo
Đau tim, là khi dòng chảy của máu đến một phần của tim bị nghẽn, thường là do cục máu. Nếu cục máu này cắt đứt hoàn toàn lưu lượng máu, phần cơ tim được cung cấp bởi động mạch này bắt đầu tê liệt. Một vài dấu hiệu có thể cho biết một cơn đau tim đang xảy ra như, áp lực khó chịu, đè nặng, căng đầy hay bị đau vùng tim, cơn đau đó kéo dài trên vài phút rồi hết đi và thỉnh thoảng bị trở lại. Một số dấu hiệu khác như, bị đau hay khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay, ở lưng, cổ, hàm hay dạ dày, thở gấp đôi khi kèm theo sự khó chịu ở ngực, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn hay váng đầu. Các chuyên gia sức khoẻ thường nhắc nhở mọi người khi có một hay nhiều dấu hiệu như vừa kể, đừng chần chừ mà nên đến bệnh viện ngay lập tức.

Suy tim, là khi tim không làm nhiệm vụ bơm máu theo đúng như chức năng của nó, mặc dù tim vẫn hoạt động, vì vậy cơ thể không nhận được lượng máu và ôxy cần thiết. Một vài triệu chứng của hiện tượng suy tim như, sưng bàn chân, cẳng chân, và mắt cá chân, còn gọi là bị phù, có dịch tích tụ trong phổi, gọi là sung huyết phổi. Khi thấy có những dấu hiệu như trên nên đến bác sĩ khám bệnh.

Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu nuôi não bị nghẽn hay vỡ ra làm cho phần não đó không thể hoạt động và vùng cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động. Những nguyên nhân chính của đột quỵ bao gồm, huyết áp cao, hút thuốc lá, cholesterol cao, bị bệnh tim, nhịp tim bất thường hay còn gọi là rung tâm nhĩ, … Ngoài ra, một cơn đột quỵ nhẹ (Transient ischemic attack, TIA) hay còn được gọi là mini-stroke thường kéo dài dưới 24 giờ đồng hồ cũng không nên coi thường mặc dù đột quỵ nhẹ không làm tổn thương đến não. Các nghiên cứu cho thấy trên 40% các bệnh nhân từng bị đột quỵ nhẹ sẽ có nguy cơ bị đột quỵ vài ngày sau khi trải qua cơn đột quỵ nhẹ.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của bài này chúng tôi cũng xin trình bày một vài thuật ngữ chuyên môn liên quan đến một vài phương pháp được áp dụng để chữa trị các bệnh tim mạch mà một số người thường nêu thắc mắc. Trong đó có phương pháp đặt ống đỡ động mạch (Stent) để mở thông một động mạch bị hẹp. Với thủ thuật y khoa này các bác sĩ sẽ đưa một cái ống có gắn một quả bóng nhỏ ở đầu gọi là ống thông luồn vào động mạch, đến điểm bị tắc nghẽn.

Sau đó quả bóng được bơm căng lên, ép vào mảng bám và mở thông chổ bị hẹp. Ống đỡ động mạch sẽ nằm lại vĩnh viễn trong động mạch và giữ cho động mạch được mở thông. Việc này sẽ giúp cải thiện lưu lượng máu đến cơ tim và giảm nhẹ các triệu chứng thường là tức ngực.

Mặc dù hiện nay phương pháp điều trị này được áp dụng khá phổ biến trong các ca hẹp hay tắt nghẽn động mạch vành, nhưng vấn đề cũng còn tuỳ thuộc vào những đặc tính nhất định của khối xơ vữa động mạch và vị trí của chổ tắt nghẽn.  

Phương pháp phẩu thuật bắc cầu động mạch vành (Bypass surgery) là phẩu thuật mổ tim dùng các đoạn mạch máu để nối vòng qua hay là “bắc cầu” các đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn, để máu có thể lưu thông qua các mạch máu mới đến các cơ tim như bình thường. Ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 427.000 cuộc phẩu thuật bắc cầu động mạch vành.     

Chụp X-quang động mạch vành là một xét nghiệm X-quang đặc biệt được tiến hành để tìm xem các động mạch vành có bị tắt nghẻn hay không, nếu có thì chỗ tắc nghẽn chính xác nằm ở đâu và mức độ nghiêm trọng thế nào. Những kết quả đó có thể giúp các nhà chuyên môn quyết định áp dụng phương pháp điều trị nào, ví dụ như thủ thuật nong động mạch vành, bắc cầu động mạch vành, hay các liệu pháp y khoa khác.

Vì không phải bất cứ trường hợp tắc nghẽn động mạch vành tim nào cũng phải can thiệp bằng thủ thuật nong động mạch vành hay giải phẩu bắc cầu mà đôi khi chỉ cần điều trị bằng thuốc đi kèm với các biện pháp làm giảm huyết áp, giảm cholesterol, đặc biệt bệnh nhân nếu hút thuốc lá phải ngưng ngay, đồng thời áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, và duy trì hoạt động thể chất tích cực. 

Những yếu tố đưa đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ bao gồm, huyết áp cao, lượng cholesterol và lượng đường trong máu cao, hút thuốc lá, béo phì, một chế độ dinh dưỡng thiếu rau và trái cây, sinh hoạt thiếu vận động thể dục thể thao rèn luyện thân thể,…  

Chế độ dinh dưỡng

Tuy nhiên, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản ít tốn kém để phòng tránh các bệnh về tim mạch. Ví dụ như đối với chứng huyết áp cao, theo Bác sĩ Trần Văn Sáng một trong những điều đầu tiên các bệnh nhân bị cao huyết áp cần lưu ý trong chế độ dinh dưỡng là:

034_482376-250.jpg
Ảnh minh họa. Photononstop
Ảnh minh họa. Photononstop
“Kiêng ăn bớt mặn. Có nghiã là không phải chúng ta ăn chay nhưng để giảm lượng muối trong thức ăn thì không nên sử dụng nhiều nước tương, nước mắm hay tương, chao, hay các loại có nhiều muối. Tránh bớt các loại khô hay cá khô vì những loại này chưá một lượng muối rất cao. Vì để giữ thực phẩm được lâu thì người ta phải bỏ một lượng muối cao. Nên chúng ta tránh ăn các loại thực phẩm đó. Đồng thời khi nấu nướng thì cũng không nên nêm nhiều muối. Nên tập ăn lạt để khẩu vị quen từ từ với các loại thực phẩm ăn ít muối.”

Tổ chức Hiệp Hội Tim Mạch Hoa kỳ (American Heart Association) cũng đưa ra khuyến cáo không nên hút thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc của người khác; nên áp dụng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn ít chất béo bị bão hòa, ít chất béo chuyển dạng, ít cholesterol và muối; cần luyện tập thể dục thường xuyên, tăng cường các hoạt động thể chất. Ngoài ra, nên giữ trọng lượng cơ thể trong tầm kiểm soát, đồng thời nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, và tuân theo các yêu cầu của bác sĩ trong việc dùng thuốc chữa các bệnh như huyết áp cao hoặc bịnh tiểu đường để ổn định và giảm huyết áp, cũng như kiểm soát đường huyết.

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo, từ nay đến năm 2030 nếu không có các biện pháp phòng tránh hữu hiệu để chận đứng căn bệnh nguy hiểm này, thì nó vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, và sẽ có khoảng gần 24 triệu người chết vì các bệnh về tim mạch, chủ yếu là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Trong các chương trình kỳ tới, mời quý vị theo dõi tiếp các bài về một số bệnh mãn tính không lây nhiễm, được bàn thảo tại Hội nghị y tế quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

Quý vị nào muốn xem lại các bài đã phát xin vào trang nhà www.rfa.org trong phần tiếng Việt, mục tạp chí Sức khoẻ Đời sống https://www.rfa.org/vietnamese/programs/LifeAndHealth

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.