Trước kia, do kiến thức về chăm sóc sức khoẻ hạn hẹp và thiếu các điều kiện y tế phù hợp cho các bà mẹ khi lâm bồn, nên tỉ lệ tử vong ở phụ nữ khi sinh con khá cao.
Tình hình này hiện nay đã thay đổi rất nhiều, mặc dù vậy tại các nước đang phát triển hoặc ở những khu vực xa xôi, nơi mà cuộc sống nghèo khổ còn ngự trị, điều kiện cho các bà mẹ vượt cạn vẫn còn nhiều thiếu thốn, cái chết oan ức vẫn bất ngờ xảy ra cho các sản phụ.
Mới đây lãnh đạo các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã họp tại New York để tổng kết 10 năm đầu thực hiện Kế hoạch Phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có vấn đề giảm tỉ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và sinh nở.
Quỳnh Như xin mời quý thính giả cùng tìm hiểu cuộc thảo luận đó ở Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc.
An toàn khi sinh là nhân quyền
Theo thông cáo báo chí của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày trên thế giới có khoảng một ngàn phụ nữ tử vong trong khi có mang hay vào lúc sinh nở. Trong số này có đến khoảng 570 phụ nữ sống ở Tiểu vùng Sahara của Châu Phi, 300 người ở Nam Á, và chỉ có 5 người thuộc các nước phát triển. Cũng theo tổ chức này, hầu hết các trường hợp phụ nữ mang thai bị chết bởi một số nguyên nhân chủ yếu như gặp các biến chứng, do sinh khó, hoặc phá thai không an toàn. Thêm nữa, các bé chào đời trong trường hợp thai phụ chết khi sinh con, thường rất khó nuôi và ít khi sống được qua hai tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Tại Việt Nam cũng giống như ở những nơi khác vậy, nguyên nhân tử vong khi sinh đẻ thường là do băng huyết. Thứ đến có thể là do bị nhiễm trùng hậu sản. Thứ ba, có thể là do sản giật. Sản giật là do huyết áp cao rồi lên cơn co giật. Đó là 3 nguyên nhân hàng đầu. Còn có nguyên nhân gián tiếp tức là đối với những người đã có vấn đề bệnh lý trước. Thí dụ như bệnh tim, thì đến khi có thai bị tử vong chẳng hạn.”
Tuy nhiên, điều đáng mừng là theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), và Ngân hàng Thế giới (World Bank), thì tỉ lệ phụ nữ tử vong khi mang thai và sinh nở đã giảm 34% trong gần 20 năm qua, từ 546,000 trường hợp năm 1990, xuống 358,000 ca trong năm 2008. Đây là một tiến bộ quan trọng. Đáng tiếc là tỉ lệ này vẫn chưa bằng một nửa chỉ tiêu đề ra trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015, là giảm 75% số bà mẹ tử vong trong quá trình mang thai và sinh nở. Để đạt được chỉ tiêu ấy, phải giảm được khoảng 5,5% mỗi năm, nhưng theo đà hiện nay thì trung bình chỉ đạt được khoảng trên 2%.
Điều đáng lưu ý là nhìn chung, nguy cơ tử vong ở phụ nữ trong quá trình mang thai và sinh con tại các quốc gia đang phát triển cao gấp 36 lần so với các phụ nữ sống tại các nước phát triển.
Trả lời phỏng vấn với nữ phóng viên Geraldine Doogue của Đài truyền hình ABC Úc trước đây, nguyên Bộ trưởng Y tế Mozambique Tiến sĩ Francisco Songane nhận định về những nguyên nhân đưa đến các trường hợp tử vong ở phụ nữ mang thai và sinh nở:
Tôi cho rằng thế giới cần thức tỉnh và được cảnh báo rằng những trường hợp phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai và trong khi sinh là vi phạm nhân quyền.
TS. Songane-Bộ trưởng Y tế Mozambique
“Tôi cho rằng thế giới cần thức tỉnh và được cảnh báo rằng những trường hợp phụ nữ tử vong trong thời kỳ mang thai và trong khi sinh là vi phạm nhân quyền. Chúng ta phải nhớ rằng phụ nữ tử vong trong khi sinh con hoặc trong thời kỳ mang thai, không phải chết do bệnh tật mà là thiệt mạng vào thời điểm đẹp nhất trong đời, lúc cho đứa bé chào đời.
Kế đến, là tình trạng này đã không được chú trọng, và nếu chúng ta nói đến bối cảnh ở Châu Phi thì vấn đề này còn bị giấu diếm. Vấn đề tử vong khi sinh nở ở đây được xem là chuyện bình thường. Cách suy nghĩ và lối tiếp cận vấn đề như vậy cần phải thay đổi ngay.
Điều thứ ba, những dịch vụ cần thiết ở những nơi này không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi. Cần có những người đỡ đẻ chuyên nghiệp, cần thêm nhiều khu sản khoa và những dịch vụ hỗ trợ khi có những ca cấp cứu sản phụ cần được cứu chữa kịp thời. Đây là những vấn đề mang tính khả thi và có thể thực hiện được. Việc này đã được nêu ra nhưng các dịch vụ vẫn chưa có ở những nơi cần thiết để phục vụ các sản phụ khi cần đến.”
Chính phủ phải hỗ trợ
Tiến sĩ Songane kêu gọi các chính phủ nhận thức vấn đề này và cần phải có biện pháp thay đổi:

“Cần phải có sức ép từ phía lãnh đạo, từ các nhà lãnh đạo quốc gia, các vị thủ tướng, cho đến các Bộ Y tế. Các vị này cần nhận thức rằng tình trạng tử vong ở sản phụ là việc không nên xảy ra, và không thể chấp nhận được.”
Theo Tiến sĩ Flavia Bustreo, của Tổ chức Y tế Thế giới thì tại một số nước, chính phủ chưa đầu tư đúng mức cho các chương trình chăm sóc sức khoẻ phụ nữ. Bà nói:
“Đặc biệt ở Châu Á và khu vực Thái Bình Dương, nguồn tài chính dành cho y tế và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh là chưa đủ. Chúng tôi đã phối hợp với một số đối tác, thực hiện một báo cáo phân tích và nhận thấy trên thực tế, chính phủ ở một số nước chỉ dành dưới 5% ngân sách nhà nước cho khu vực y tế, một số nước khác thì dưới 10%. Vì vậy vấn đề quan trọng là cần phối hợp với các đối tác thực hiện chương trình Chăm sóc Bà mẹ và Trẻ em để phần ngân sách dành cho lĩnh vực y tế được tăng lên, trong đó có một khoản chi phí nhất định cho các dịch vụ dành cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.”
Tiến sĩ Thoraya Ahmed Obaid, Giám đốc của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc cho biết, tổ chức UNFPA phối hợp với các tổ chức quốc tế trong nỗ lực hạ giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và thai nhi tại các nước có nguy cơ cao. Bà Obaid cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới gia tăng các khoản viện trợ cho các chương trình chăm sóc y tế, sức khoẻ của phụ nữ. Riêng chính phủ các nước cần phải coi trọng vấn đề chăm sóc sức khoẻ phụ nữ trong các chương trình phát triển quốc gia.
Mặc dù đạt được một số thành tích nhất định, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc hạ giảm tỉ lệ tử vong ở các thai phụ để góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu mà Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã đề. Bác sĩ Ngọc Phượng cho biết thêm:
“Ở Việt Nam vẫn tăng cường việc khám thai, tăng cường việc giáo dục sức khoẻ cộng đồng, và nói cho sản phụ cùng gia đình biết về những nguyên nhân có thể đưa đến tử vong khi sinh nở để người ta biết mà đề phòng. Ở thành phố thì tỉ lệ tử vong rất thấp, chỉ có ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì tỉ lệ cao nên làm cho tỉ lệ chung của cả nứơc cao. Chứ thật ra như ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng hay những thành phố khác chẳng hạn thì tỉ lệ tử vong ở thai phụ không có bao nhiêu.
Ví dụ như ở Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh mỗi năm đỡ đẻ cho khoảng trên dưới 50,000 người, nhưng có trường hợp thai phụ tử vong khi sinh là do các trường hợp ở các tỉnh gởi về, khoảng chừng vài người thôi, chưa đến 10 người nữa. Mà đó là những trường hợp nặng do các nơi gởi về, nếu trường hợp bệnh nặng từ tuyến dưới đưa lên thì có khi không can thiệp kịp để cứu sống cho bệnh nhân."
Tình hình thực tế

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, từ trước, ngành hộ sinh đã có các hoạt động rất mạnh ở tuyến xã. Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế đã đánh giá mạng lưới y tế cơ sở của Việt Nam ở tuyến xã hoạt động rất tốt. Và gần đây Việt Nam phát triển thêm mạng lưới y tế thôn bản, nhất là ở vùng sâu vùng xa và tại các buôn làng của người dân tộc thiểu số – đào tạo các “cô đỡ thôn bản”. Người thầy thuốc này nói tiếp:
“Trong thời gian từ 1997 đến 2005 các em này đã đỡ đẻ cho khoảng hơn 5,000 ca mà không có tai biến, không có tử vong thì điều này đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Dân số của Liên Hiệp Quốc đánh giá rất tốt, nên gần đây lại giúp thêm nguồn tài chính để mở lớp hướng dẫn, đào tạo cho các cô gái người dân tộc thiểu số của 14 tỉnh thuộc Tây nguyên và biên giới phiá Bắc. Và như vậy chúng tôi tiếp tục đào tạo các cô đỡ thôn bản.
Ngoài ra, còn chuẩn bị sẵn những “gói đỡ đẻ sạch” vô trùng. Trong các gói đỡ đẻ đã được tiệt trùng có một tấm vải láng đã được tiệt trùng và có thêm mấy cọng chỉ để buộc rốn cho em bé, có lưỡi dao lam để cắt rốn, găng tay, bông băng, que tẩm sẵn betadine để lau rốn cho bé, v.v... Thành ra việc này cũng giúp hạn chế được nguy cơ bị nhiễm trùng rất nhiều.”
Tuy nhiên, nhìn chung ở Việt Nam, nguy cơ tử vong khi sinh của phụ nữ miền cao nhiều gấp 10 lần miền xuôi. Ở đó, cũng như ở các vùng sâu vùng xa, nguyên nhân khiến tỉ lệ tử vong ở sản phụ và trẻ sơ sinh còn cao là do trình độ dân trí còn thấp. Nhiều nơi người dân vẫn giữ các hủ tục lạc hậu trong sinh đẻ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trung tâm y tế còn thiếu thốn và yếu kém.
Cần phải có sức ép từ phía lãnh đạo, từ các nhà lãnh đạo quốc gia, các vị thủ tướng, cho đến các Bộ Y tế. Các vị này cần nhận thức rằng tình trạng tử vong ở sản phụ là việc không nên xảy ra, và không thể chấp nhận được.
TS. Songane-Bộ trưởng Y tế Mozambique
Để giảm bớt tỉ lệ tử vong ở phụ nữ khi mang thai hoặc sinh nở, thì chiến lược 3 mũi nhọn cần thực hiện đồng bộ là: phụ nữ phải tiếp cận được các phương tiện ngừa thai, phải được hưởng đầy đủ các phương tiện y tế khi sinh con, và khi sinh con gặp biến chứng phải được đưa đến các bệnh viện cấp cứu kịp thời. Ngoài ra cũng cần phải vận động người dân trong cộng đồng biết cách chăm sóc cho sản phụ, để khi gặp những trường hợp cần cấp cứu, người ta sẽ biết cách vận chuyển sản phụ tức thời đến các bệnh viện hoặc những cơ sở y tế để chữa trị.
Đối với chính phủ của các nước, nơi tỉ lệ tử vong ở phụ nữ khi sinh con còn khá cao, bà Margaret Chan, giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra lời khuyên cụ thể để giải quyết vấn đề này như: cần phải huấn luyện và đào tạo thêm nhiều nữ hộ sinh, củng cố hệ thống các bệnh viện phụ sản, hoặc các trung tâm y tế để chăm sóc cho các phụ nữ có mang và khi họ sinh con.