Tại sao chưa chặn được dịch Ebola?
2014.10.13
Dịch Ebola bùng phát từ tháng 3 năm nay tại các nước Tây Phi giờ đã bắt đầu lan sang các nước khác, thậm chí châu lục khác, bất chấp những nỗ lực của nhiều nước và tổ chức để tìm cách ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh này.
Câu hỏi đặt ra là liệu dịch bệnh còn kéo dài bao lâu nữa và thế giới còn cần phải làm gì để chấm dứt dịch bệnh?
Thiếu thốn ở Tây Phi
Hôm 2 tháng 9, sau khi trở về Hoa Kỳ từ chuyến thăm các nước Tây Phi đang bị dịch Ebola hoành hành, bác sĩ Tom Frieden, Giám đốc Cơ quan phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra một bức tranh khá ảm đạm về tình hình phòng chống dịch bệnh và cứu chữa những người nhiễm Ebola. Theo ông dịch bệnh đã lây lan quá nhanh, bất chấp những nỗ lực to lớn từ Mỹ và thế giới.
Điều quan trọng là, bất chấp những nỗ lực to lớn từ phía chính phủ Hoa Kỳ, từ CDC, và từ chính các nước đó, số trường hợp nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng và bây giờ đang gia tăng nhanh chóng…. Đây là dịch bệnh Ebola đầu tiên mà thế giới từng biết đến.
Bác sĩ Tom Frieden chứng kiến những bác sĩ thuộc Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã phải làm việc trong điều kiện khó khăn thiếu thốn để cứu chữa bệnh nhân. Ông chứng kiến một nơi chữa bệnh có 35 giường bệnh nhưng lại có đến 63 bệnh nhân, rất nhiều người phải nằm trên sàn nhà. Ông cũng chứng kiến những hạn chế trong việc đối phó với dịch bệnh tại ngay chính các nước dịch bệnh đang hoành hành.
Tôi đã không thấy những hệ thống quản lý hiệu quả, hệ thống hỗ trợ, vận chuyển, xe chuyên trở vốn là những thứ rất cần cho một đối phó hiệu quả và nhanh chóng.
- Bác sĩ Tom Frieden
Tôi đã không thấy đội phản ứng nhanh rất cần để ngăn một nhóm đơn lẻ bị nhiễm bệnh trở thành một ổ dịch lớn. Tôi đã không thấy những hệ thống quản lý hiệu quả, hệ thống hỗ trợ, vận chuyển, xe chuyên trở vốn là những thứ rất cần cho một đối phó hiệu quả và nhanh chóng.
Những thông tin gần đây từ Liberia, nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh cho thấy, nhiều cơ sở y tế ở nước này đã quá tải phải từ chối điều trị bệnh nhân.
Dịch bệnh bùng phát tại ba nước Tây Phi là Guinea, Sierra Leon và Liberia từ hồi đầu năm nay cho tới giờ đã khiến hơn 7,400 người nhiễm bệnh, trong đó số người tử vong là hơn 3,000 người, theo thống kê gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuy nhiên con số hơn 7,400 người nhiễm bệnh chỉ là con số được báo cáo, có rất nhiều ca bệnh không được phát hiện do thiếu cơ sở, trang thiết bị và nhân viên y tế giúp tìm kiếm, chẩn đoán bệnh và cách ly người bệnh kịp thời.
Đại diện của WHO cũng đã thừa nhận những khó khăn trong việc phát hiện người nhiễm bệnh tại châu Phi trong một lần phỏng vấn vào hồi đầu tháng 8 vừa qua với đài Á châu tự do. Ông Tarik Jarasevic, phát ngôn viên WHO nói:
Điều mà chúng tôi đang thấy bây giờ là chúng tôi không biết những người nhiễm bệnh ở đâu. Cho đến khi chúng tôi biết được thông tin đó, thì chúng tôi mới biết được đâu là những người đã tiếp xúc với bệnh hoặc có liên quan. Chúng tôi cần phải tiếp tục tìm cách có được tất cả những thông tin và những gì cần thiết liên quan để có thể kiểm soát dịch bệnh.
Bệnh dịch lan truyền qua châu lục
Sự lây lan nhanh chóng của bệnh dịch do những hạn chế trong việc kiểm soát và phát hiện bệnh dịch đã khiến CDC mới đây dự báo đến 20 tháng giêng năm tới, con số người nhiễm bệnh sẽ lên đến 1 triệu 400 ngàn người bao gồm cả những ca không được báo cáo. Các trường hợp nhiễm mới tại Liberia tăng gấp đôi cứ mỗi 15 đến 20 ngày.
Dịch bệnh Ebola không chỉ dừng lại ở 3 nước Tây phi, một số nước châu Phi khác gần đó như Nigeria, Senegal cũng đã có người nhiễm bệnh. Không những thế, hôm 30 tháng 9, nước Mỹ cũng đã phát hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên trên đất Mỹ. Hôm 6 tháng 10, Tây Ban Nha cũng thông báo nước này phát hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên. Người bị nhiễm là một nữ y tá đã chăm sóc những người nhiễm bệnh được chuyển đến từ các nước Tây Phi.
Các nhà khoa học châu Âu hồi đầu tháng này cũng đưa ra dự báo có đến 75% khả năng virut Ebola sẽ đến Pháp chậm nhất là vào ngày 24 tháng 10 tới và 50% khả năng virut sẽ đến nước Anh vào cùng thời gian. Dự báo này được đưa ra theo điều kiện giao thông hàng không vẫn hoạt động ở mức tối đa. Tuy nhiên, trong điều kiện nhiều hãng hàng không đã giảm số lượng chuyến bay đến các nước Tây Phi, khả năng virut này đến Pháp và Anh sẽ giảm xuống còn 25% và 15%.
Bất chấp những nỗ lực to lớn từ phía chính phủ Hoa Kỳ, từ CDC, và từ chính các nước đó, số trường hợp nhiễm bệnh vẫn tiếp tục tăng và bây giờ đang gia tăng nhanh chóng….
- Bác sĩ Tom Frieden
Cũng có những lo ngại về khả năng dịch bệnh ebola tại các nước Tây phi sẽ lan rộng ra toàn châu Phi. Tuy nhiên, bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện các bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Hoa Kỳ nhận định.
Bản chất của Ebola ở chỗ là nếu chúng ta nhìn vào các dịch bệnh Ebola kể từ năm 1976, mặc dù chúng không lớn như lần này nhưng bản chất của việc giải quyết vấn đề là chúng ta phải tìm cách loại bỏ những viên than cháy ra ngoài. Cho nên tôi tin là nếu chúng ta phản ứng đồng loạt từ nhiều nước thì chúng ta có thể dập tắt dịch bệnh. Nếu chúng ta làm được như vậy thì nó sẽ không trở thành đại dịch. Nếu cộng đồng quốc tế thất bại trong việc dập tắt dịch bệnh ở ba nước thì sẽ không tránh khỏi việc dịch bệnh lan ra ngoài 3 nước nói trên.
Phản ứng của thế giới
Ý kiến của nhiều chuyên gia và những người theo dõi chặt chẽ tình hình dịch ebola tại Tây Phi cho rằng, những phản ứng của các nước bị dịch bệnh và của thế giới là quá chậm chạp. Bác sĩ Anthony Fauci nói:
Những phản ứng đối với dịch bệnh ebola đã không ở mức tối đa. Có những việc đáng nhẽ phải làm sớm hơn và mạnh hơn. Những gì mà chúng ta có với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã không cho thấy hiệu quả.
Theo nhà báo Lawrence Altman, thuộc tờ New York Times, ngay kể cả sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kêu gọi quốc tế phải có phản ứng nhanh trước tình hình dịch bệnh ở Tây Phi, hành động từ các nước vẫn còn quá chậm, đó là chưa kể tâm lý ở nhiều nước phương Tây cho rằng dịch bệnh ở quá xa khó có thể ảnh hưởng đến châu Âu và châu Mỹ, nơi có hệ thống kiểm soát và chăm sóc y tế tốt.
Tổng thống Obama gần đây đã nhìn nhận muộn màng rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia như AIDS, Tổng thống Obama đã kêu gọi các nước gửi nhân viên tình nguyện và trang thiết bị đến Tây Phi nhưng cộng đồng quốc tế đã phản ứng quá chậm chạp… sự thờ ơ của quốc tế dường như đang phản ánh một thái độ ở các nước giàu là vấn đề không ảnh hưởng đến chúng ta mà chỉ ảnh hưởng đến những người nghèo ở châu Phi và nó vượt quá tầm mà các nước giàu có thể làm. Nói theo cách khác, Ebola không ảnh hưởng đến tôi.
Thêm vào đó là việc cắt giảm ngân sách của Tổ chức Y tế thế giới đã khiến Tổ chức này chậm chạp trong phản ứng trước tình hình khẩn cấp ở Tây Phi. Ông Lawrence Altman nói tiếp:
Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc cắt giảm ngân sách của WHO đã làm giảm nhân viên của tổ chức này, các chuyên gia cho các dịch bệnh trước kia như SARS… đã dời WHO khiến thế giới càng dễ bị ảnh hưởng bởi các bệnh lây nhiễm nguy hiểm. Giới chức của WHO đã phải thừa nhận là họ đã chậm chạp trong phản ứng trước nạn dịch ebola ở Tây Phi.
Hôm 2 tháng 9, sau khi trở về từ chuyến đi thị sát Tây Phi, bác sĩ Tom Frieden đã lên tiếng cảnh báo về tình hình đáng lo ngại tại Tây Phi nếu quốc tế không có những phản ứng nhanh và mạnh. Ông nói rằng cửa sổ cơ hội để chấm dứt bệnh dịch đang dần khép lại.
Cửa sổ cơ hội đang đóng lại. Tôi không thể nói quá nhu cầu về một phản ứng khẩn cấp. Một phản ứng khẩn cấp để đưa thêm các bệnh nhân vào điều trị, nhiều việc hơn nữa cần phải làm ở các cộng đồng, chôn cất an toàn, tất cả những việc đó sẽ bắt đầu giúp đưa nạn dịch vào kiểm soát.
Những phản ứng đối với dịch bệnh Ebola đã không ở mức tối đa. Có những việc đáng nhẽ phải làm sớm hơn và mạnh hơn. Những gì mà chúng ta có với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã không cho thấy hiệu quả.
- Bác sĩ Anthony Fauci
Theo CDC, để làm chận đà lây lan của bệnh dịch và tiến đến chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh, ít nhất 70% người bệnh phải được điều trị trong các cơ sở chuyên chữa trị ebola để giảm thiểu nguy cơ bệnh truyền nhiễm.
Sau cảnh báo của các chuyên gia CDC, chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng gia tăng nỗ lực cứu trợ dành cho các nước Tây Phi. Vào giữa tháng 9, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố nước này sẽ gửi 3,000 quân đến các nước Tây Phi trong nỗ lực giúp ngăn ngừa bệnh tật. Nhiệm vụ của quân đội Mỹ tại các nước châu Phi là giúp xây dựng bệnh viện, làm các công tác hậu cần và vận chuyển. Trước đó Washington đã cam kết hơn 100 triệu đô la chống dịch bệnh. Cơ quan trợ giúp phát triển quốc tế USAID của Mỹ cũng cho biết sẽ chi khoảng 75 triệu đô la xây dựng các cơ sở điều trị và cung cấp trang thiết bị y tế. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết sẽ chuyển 500 triệu đô la chưa chi sang cho các nỗ lực phòng chống ebola.
Các nước Cuba, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức cũng cam kết gửi nhân viên và trang thiết bị cứu trợ phòng chống dịch bệnh giúp các nước Tây Phi.
Trước những phản ứng nhanh và mạnh từ quốc tế thời gian gần đây, các chuyên gia y tế ở Hoa Kỳ trước kia còn có phần nào bi quan về tình hình dịch bệnh, đã trở nên lạc quan hơn về khả năng dịch bệnh sẽ được kiểm soát. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để có thể xác định đến bao giờ dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn. Nói như bác sĩ Tom Frieden thuộc CDC thì dù các nỗ lực cứu trợ được gia tăng, nhưng sẽ còn mất nhiều thời gian để thực hiện được mục tiêu đề ra là 70% người bệnh được vào điều trị cách ly.