Sau những loạt bài về cuộc bầu cử quốc hội ở Việt Nam ngày 22 tháng N tới đây, qua đó bài của thông tín viên Ngọc Trân với tựa đề Bầu Cử Quốc Hội ở Việt Nam: Có Cần Thiết, rồi bài Góc Tối Trong Những Cuộc Bầu Cử, đã khiến nhiều thính giả nghe đài và nhiều độc giả trang web RFA gởi thư phản hồi đến Ban Việt Ngữ.
Từ đầu tháng Tư này, chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương các cấp khởi sự vận động cho cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân, sẽ diễn ra ngày 22 tháng Năm tới.
Có lẽ vì thích thú với sự phân tích của thông tín viên Ngọc Trân, rằng đây là bầu cử hay một hình thức biểu diễn dân chủ, thính giả Nguyễn Anh Tuấn viết cho RFA một câu hỏi dí dỏm mà bình thản đến lạ:
Không biết các bạn ở vùng khác thế nào, nhưng nơi mình sống các ông bảo rằng đã thống nhất hết ở trên là chọn ai trúng cử rồi, muốn nộp nhiều phiếu trắng cũng chẳng sao, miễn đủ chỉ tiêu là được.
Nguyễn Anh Tuấn
“Không biết các bạn ở vùng khác thế nào, nhưng nơi mình sống các ông bảo rằng đã thống nhất hết ở trên là chọn ai trúng cử rồi, muốn nộp nhiều phiếu trắng cũng chẳng sao, miễn đủ chỉ tiêu là được. Cũng bốn năm rồi, không biết đã thay đổi chưa.”
Hẳn vị thính giả họ Nguyễn này đang thấm ý với quan điểm của nguyên chánh án Tòa Tối Cao Việt Nam, luật sư Trần Lâm, khi nghe ông nhận định trong bài của Ngọc Trân:
“Bây giờ chính phủ gồm những ai thì đảng đã chỉ định rồi. Thế rồi bầu cử thì 20% danh nghĩa anh là người không phải đảng viên, mà thức ra là đảng chọn chứ có phải tự anh đứng ra được đâu.”
Một thính giả ký tên là Minh Hấp Dẫn , nghe xong hai bài Bầu Cử Quốc Hội Ở Việt Nam Có Cần Thiết và Góc Tối Trong Những Cuộc Bầu Cử bèn tức cảnh sinh tình gõ ngay cho RFA vài chữ:
“Phiếu gì? Phiếu nào?!! Bầu những người có năng lực hành hạ người dân tốt nhất…”
Một bạn trẻ, chúng tôi tin rằng bạn còn trẻ lắm, lại có tánh khôi hài nữa:
“Hơ, từ hồi mình đủ tuổi tới giờ, chưa cầm phiếu lần nào, há há…”
Và một cái tên khá hài hước mà RFA xin phép đọc lên, đó là Kít Kìn Kịt. Bận sau xin bạn giải thích ý nghĩa tên bạn cho chúng tôi nhé. Bạn viết:
“Bầu cử gì chứ, khó hơn cả đánh đề…”

Ai cũng rõ là ở Việt Nam có hai hình thức ứng cử, một là được đề cử từ các cơ quan đơn vị, hai là tự ra ứng cử, tức là tự mình nộp đơn cho Ủy Ban Tổ Chức Bầu Cử để được xét duyệt . Thế nhưng từ bài Góc Tối Trong Những Cuộc Bầu Cử, từ trường hợp giáo sư tự ứng cử Nguyễn Đăng Hưng, bị từ chối với lý do là có hai quốc tịch, thính giả Băng Lương, hay Bằng Lương, xin miễn thứ nếu đọc sai, an phận thở than rằng:
“Thực ra điều này mình thấy ai cũng biết cũng hiểu, có điều chả ai nói ra và hơn nữa chủ trương của người dân mình là mình cứ lo phận mình là được rồi.”
Sau đó, bỗng dưng đổi giọng vui, thính giả Bằng Lương báo cáo tiếp:
“Mình có đi bỏ phiếu một lần rồi đó, mặc hẳn con quần đùi lúc đang đi đánh cầu lông ấy. Các bác ấy góp ý ghê lắm. Mình bảo nhưng cháu có biết cô chú bác nào ra làm sao đâu. Nhân tiện đang đánh cầu gần đây thì cháu sang bỏ hộ cho cả bố mẹ cháu luôn í mà. Bố mẹ cháu chỉ dặn có 5 thì gạch 2, còn gạch ai thì kệ mày. Như kiểu lúc mình thi trắc nghiệm một môn mà mình chưa học bao giờ ấy.”
Đó là những phản hồi mới nhất của thính giả và độc giả mà chúng tôi vừa nhận được. Chân thành cảm ơn sự quan tâm dẫu rằng đôi lúc thư của quí vị sẽ làm nhiều người bật cười rồi sau đó là thấm thía vì cái chuyện nó là như vậy.
Thực ra trong bất cứ chính thể nào thì đi bầu là thể hiện quyền công dân qua lá phiếu, chọn người tài đức xứng đáng ra làm việc nước. Đó là công việc nghiêm túc. Song nếu dân lấy đó làm chuyện cười hầu bày tỏ quan điểm, thì đâu là đúng đâu là sai? Rất mong được quí thính giả chỉ giáo trong các thư phản hồi tới.
Theo dòng thời sự:
- Góc tối trong những cuộc bầu cử
- Bầu cử Quốc hội ở Việt Nam: có cần thiết?
- Việt nam có cần đa đảng?
- Thực trạng trong chủ trương "cải cách hành chánh"
- Đâu là ý kiến đóng góp các đảng viên lão thành?
- Giấc mơ tư pháp độc lập
- Tâm tư người dân về Đại hội Đảng
- Quốc sách độc đảng?
- ĐCS VN trung thành thể chế độc đảng
- Mô hình tập trung quyền lực