Bài Chòi, một bộ môn nghệ thuật dân gian miền Trung (phần 2)

Trong chương trình VHNT tuần trước Mặc Lâm giới thiệu một loại hình văn hóa dân gian miền Trung là hô Bài Chòi. Tuần này mời quý vị thưởng thức tiếp những nét đặc sắc khác của nghệ thuật truyền thống này cũng với sự góp giọng của hai nghệ sĩ Dương Quý và Ngọc Huệ.

nhạc....

Hô bài chòi thường đựơc tổ chức thành lễ hội trong khi người dân quê rảnh rang việc đồng áng. Ngày Tết Nguyên Đán là ngày thích hợp nhất mặc dù trong năm còn nhiều ngày lễ khác nữa. Tết là lúc mà mọi người thật sự thoải mái nhất và tâm trạng sẵn sàng cho những trò chơi mà ngày thường không thể thực hiện.

Cách chơi bài chòi

Bộ bài để chơi bài chòi là bộ tam cúc được cải tiến gồm 33 lá, với những tên gọi rất nôm na nhưng dễ nhớ như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu v.v… Những con bài này được vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Mỗi thẻ tre dán ba con bài, không trùng lặp nhau. Khi bắt đầu vào cuộc chơi, anh hiệu xốc ống bài như một cách tránh sự gian lận, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Nhằm gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới”, giống như hình thức "kinh" trong trò chơi lô tô. Khi nghe có chòi trúng giải, anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi để đánh dấu một lần thắng.

Cuộc chơi bài chòi thật đơn giản nhưng người dân quê tham dự rất nhiệt tình có lẽ nhờ vào những bài bản mà anh hiệu hô vang trong cuộc chơi. Những bài hát này không nhất thiết lúc nào cũng giống nhau mà thay đổi tùy sự hứng thú và sáng tạo của người hô. Người hô giỏi sẽ nhận được sự tán thưởng của người chơi lẫn người xem và do đó mỗi cuộc hô bài chòi đều được đón nhận với tâm trạng hồi hộp vì nó luôn mang sự mới mẻ của tính sáng tạo.

Hiện nay trò chơi Bài Chòi đã vắng bóng ở nhiều vùng nông thôn Nam Trung bộ. Làn điệu dân ca Bài Chòi hầu như chỉ còn tại Bình Định, Quảng Ngãi hay Hội An. Nhà khảo cứu Trương Đình Quang cho biết sinh các sinh hoạt này tại Hội An hiện nay.

“Ban đầu thì Hội An tính chơi Bài chòi vào những đêm thứ Bảy thôi nhưng hiện nay dân chúng Hội An tham dự rất đông.”

Việc tìm tòi, sáng tạo cho các bộ môn nghệ thuật cổ có được một hình thức mới, một hơi thở mới luôn là điều đáng trân trọng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tìm cách phát triển một bộ môn nghệ thuật thì không nên làm cho nó bị biến chất.

Giáo sư Trần Văn Khê

Sự tham dự của người dân Hội An như vậy nói lên được mức sống mãnh liệt của loại hình này và nó vẫn còn phù hợp với thị hiếu công chúng cho dù thành thị hay thôn quê.

“Bộ bài chòi để chơi trong nhà vẫn là cái giấy thô sơ, in cũng là mực đen cũ không đô thị hóa như bài tứ sắc...

Nhứt trò ra rồi, nhứt trò ra rồi tôi đây là hô tiếp hô tiếp cái con bài...”

Tiếng hô hấp dẫn của anh hiệu vẫn tiếp tục nằm trong bộ nhớ của nhiều thế hệ, từ đời này sang đời khác. Nhà nghiên cứu Trương Đình Quang kể lại những bước đi hồi gần đây của bài chòi:

“Sau này người Bình Định trở thành đi hát từng nhóm giống như đi nói vè hoặc đi hát xẩm ngoài Bắc vậy.

Con chốt ra rồi tôi đây là hô tiếp hô tiếp con bài…

Từ trong trò chơi bài chòi, rồi thành bài chòi nhóm hát đi hô rong, rồi dần dần lên giàn tức chưa phải là sân khấu. Sau khi hát ở sân đình, hát ở lều chợ thì người ta nghĩ phải đưa bài chòi lên giàn.”

Cải biên hay biến chất?

Trong nổ lực thuyết phục quần chúng tham dự nhiều hơn vào những buổi hô bài chòi, nhiều nghệ sĩ cũng như các cơ quan văn hóa đã cải biên những bài hát bài chòi cho phù hợp với lối sống và quan niệm thẩm mỹ hiện nay của quần chúng. Ông Trương Đình Quang cho biết:

“Bài chòi ngày nay lấy giọng của hát bộ vào bài chòi…

-Cờ kia đã tới, trống nọ đã giục sang…”

Những cải biên mà người nghệ sĩ cùng với các nghệ nhân thực hiện liệu có làm thay đổi bản sắc độc đáo của bài chòi hay không? Giáo sư Trần Văn Khê tỏ ra lo ngại khi nói với chúng tôi về những suy nghĩ của ông:

“Điểm độc đáo nhứt của ca kịch bài chòi là một diễn viên có thể thủ một lúc nhiều vai, cùng với vài nhạc cụ thô sơ phụ họa mà đủ sức lôi cuốn khán thính giả thích thú theo dõi. Cách biểu diễn này ở châu Á chỉ có thể loại Pansori của Triều Tiên với một diễn viên thủ nhiều vai cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, được sự phụ họa của một trống puk.

Việc tìm tòi, sáng tạo cho các bộ môn nghệ thuật cổ có được một hình thức mới, một hơi thở mới luôn là điều đáng trân trọng và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là trong khi tìm cách phát triển một bộ môn nghệ thuật thì không nên làm cho nó bị biến chất. Quả thật, đó không thể gọi là đổi mới mà đúng ra là cải lương hoá ca kịch bài chòi.”

Nghệ thuật dân gian cần phải được bồi đắp và gìn giữ thế nhưng nếu biến những tài sản phi vật thể này trở thành những phẩm vật thương mại thì sự cố gắng dù cho có thành công, cũng không thể thay thế cho sản phẩm gốc mà các loại hình văn hóa độc đáo đã sống cùng với dân tộc.

Hô bài chòi ngày nay đã biến thể nhiều, từ những trò chơi thô sơ ban đầu nay đã tiến lên thành một loại hình trình diễn mà anh Hiệu dần dần mờ nhạt thay thế bởi những nghệ sĩ hát bài chòi trong một dàn nhạc.