
Đó là tạp chí Langbian của tỉnh Lâm Đồng với các đóng góp của Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Nguyên Ngọc, Thanh Thảo, Tiêu Dao Bảo Cự cùng nhiều cây viết được xem là tiến bộ khác ngay vào thời gian đổi mới.
Tổng biên tập tờ báo này là nhà thơ Bùi Minh Quốc có nhã ý chia sẻ những kỷ niệm của ông với quý thính giả của đài nhằm nhớ lại một khoảng thời gian mà ông cho là sôi động nhất trong đời làm báo của ông.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc nhớ lại những ngày đầu của tờ Langbian như sau:
Đóng cửa vì nội dung
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Khi tôi làm tổng biên tập tạp chí Langbian, đồng thời là chủ tịch hội văn nghệ Lâm Đồng, tôi nhớ là tạp chí Langbian ra được ba số, số đầu vào tháng 11 năm 87, số thứ hai tháng giêng năm 88, và số thứ ba ra sau đó độ hai tháng. Sau khi ra được số thứ ba thì có cái lệnh của bộ thông tin lúc đó là Trần Hoàn làm bộ trưởng, Phan Hiền làm thứ trưởng ra lệnh các sở Văn hóa và Thông tin không được cấp giấy phép cho tạp chí địa phương vì lúc ấy các tạp chí địa phương đều phải xin giấy phép của sở văn hóa địa phương mình.
Vì nội dung của ba số tạp chí Langbian rất mạnh mẽ. Mới ra được một tháng thì bên sở văn hóa tổ chức đấu tờ tạp chí này.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Mặc Lâm: Thưa ông có phải còn một lý do nào khác khiến cho bộ văn hóa thông tin chú ý tới tờ Langbian hay không vì lý do mà bộ nói là giấy phép xem ra không nghiêm trọng như vậy.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Vì nội dung của ba số tạp chí Langbian rất mạnh mẽ. Ngay số đầu đăng bài thơ của Thanh Thảo "Những cây thông kêu" có câu như: những cây thông ào vào tỉnh ủy, xin đừng đốn chúng tôi…Mới ra được một tháng thì bên sở văn hóa tổ chức đấu tờ tạp chí này. Đấu nội dung của tờ số 1…tất cả những nội dung đấu và tất cả những bài phê phán bài thơ của Thanh Thảo và đồng thời đăng ý kiến song song. Cách làm như thế những người lãnh đạo bảo thủ họ không hài lòng. Tới số hai thì đăng 4 chương thơ trong trường ca "Đi", bài thơ Việt Bắc của Trần Dần. Đây là nơi đầu tiên công bố tác phẩm Trần Dần sau vụ Nhân Văn vào năm 88. Thế thì số hai này là số gây chấn động rộng rãi thì không biết nhưng chắc chắn là chấn động giới lãnh đạo bảo thủ. Họ coi việc công bố tác phẩm Trần Dần, những chương mạnh mẽ nhất, sắc sảo nhất. Đến số ba thì lại đăng cái đề dẫn của Nguyên Ngọc, là bí thư đảng đoàn hội nhà văn năm 1979.
Mặc Lâm: Xin ông cho biết nội dung đề dẫn của nhà văn Nguyên Ngọc có điều gì mới mẻ đến nỗi gây ra việc đóng cửa cho tờ báo như vậy?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Đề dẫn thảo luận trong các cuộc hội nghị trong đó có rất nhiều ý mới trong khuôn khổ không gian lý luận thời đó. Rất mới và rất mạnh bạo, thí dụ như vai trò của sáng tạo, vai trò cá nhân, phê phán chủ nghĩa tập thể bầy đàn…
Vận động chữ ký
Mặc Lâm: Lúc gần đây, bộ thông tin và truyền thông đã đưa ra nhiều quy định nhằm mục đích trấn áp báo chí, xin ông cho biết trong thời kỳ của Langbian việc sáng tác có bị ruồng bố như hồi gần đây hay không?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Cuộc chiến đấu cho tự do báo chí xảy ra sau khi Trần Hoàn ra quy định không cho các địa phương cấp giấy phép cho các tạp chí địa phương nữa. Hội văn nghệ Lâm Đồng mới lập một cái đoàn gồm có anh Tiêu Dao Bảo Cự, và các nhân viên văn phòng đi làm việc với hội văn nghệ các tỉnh để bàn việc thể chế hóa nghị quyết 05. Nghị quyết này mang lại sự hứng khởi rất lớn cho giới văn nghệ sĩ.
Mặc Lâm: Theo chúng tôi biết thì chính nhà thơ là người đi vận động chữ ký cho nghị quyết này, ông có thể nói thêm những chi tiết được không?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Đây là tuyên bố của các cá nhân, các công dân, các văn nghệ sỹ hưởng ứng đổi mới. Các văn nghệ sỹ tuyên bố mấy nội dung yêu cầu đổi mới, không đổi mới chập chờn, cách chức những người trong ban tuyên huấn trung ương cũng như trong bộ thông tin tỏ ra không chịu đổi mới.
Quy luật thì luôn luôn rằng những người chống đổi mới thì luôn luôn chống tự do ngôn luận. Họ dùng hết cỡ, hết sức mạnh của bộ máy để họ gây trở lực tối đa cho quyền tự do ngôn luận của người dân.
Nhà thơ Bùi Minh Quốc
Mặc Lâm: Sau khi lấy chữ ký rồi thì việc tiếp theo là gì? Gửi đi hay đích thân nhà thơ mang đến cho các giới chức cao cấp?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Sau đó thì đi photo và đem đến trụ sở bộ chính trị, ban bí thư và yêu cầu gặp thường trực ban bí thư Nguyễn Thanh Bình.
Mặc Lâm: Kiến nghị có được xem xét hay trả lời như thế nào không?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Kiến nghị không được trả lời, sau đó Bùi Minh Quốc và Tiêu Dao Bảo Cự bị khai trừ cách chức…
Mặc Lâm: Xin được hỏi nhà thơ trong tình hình báo chí quá u ám như hiện nay ông nghĩ rằng những người làm báo chân chính có còn lòng tin gì để theo đuổi lý tưởng như trước đây vài năm hay không thưa ông?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Nhiều anh em hiện nay đang làm việc cũng có tâm huyết như mình mặc dù số anh em như thế có thể rất ít, nhưng họ phải làm việc trong những điều kiện khe khắt hơn, ngặt nghèo hơn và nếu sơ hở thì sẽ bị đánh bật ra khỏi hệ thống ngay.
Mặc Lâm: Và xin ông một câu hỏi cuối trước khi chia tay, ông nghĩ thế nào về tình hình cấm đoán tự do ngôn luận hiện nay và cuối cùng thì nó sẽ về đâu thưa ông?
Nhà thơ Bùi Minh Quốc:Quy luật thì luôn luôn rằng những người chống đổi mới thì luôn luôn chống tự do ngôn luận. Vì vậy chừng nào họ còn tồn tại thì họ chống đến cùng. Họ dùng hết cỡ, hết sức mạnh của bộ máy để họ gây trở lực tối đa cho quyền tự do ngôn luận của người dân.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ Bùi Minh Quốc về câu chuyện ông vừa kể cho thính giả đài Á Châu Tự Do vừa qua…