
Chúng tôi cũng xin được giới thiệu một nhạc sĩ khác từng là người bạn với nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đó là nhạc sĩ Tô Hải. Nhạc sĩ Tô Hải là người đã viết tuyển tập Lưu Hữu Phước khi ông còn sống và những hồi ức của nhạc sĩ Tô Hải sẽ phần nào vẽ lên bức chân dung trung thực của người nhạc sĩ tài hoa Lưu Hữu Phước mà chúng ta sẽ nghe sau đây.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh ngày 12 tháng 9 năm 1921 tại Ô Môn, Cần Thơ, mất năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thuở nhỏ nhạc sĩ được gia đình cho học đàn kìm, về sau học cả mandoline, guitare và tự học lý thuyết âm nhạc. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước tuy không theo một trường âm nhạc chính quy nào nhưng tài năng âm nhạc của ông đã sáng chói ngay từ ghế nhà trường, đặc biệt trong thời gian ông theo học bậc trung học tại trường Petrus Ký khoảng cuối thập niên 1930. Trong thời gian này, ông kết thân với Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ , thành lập Câu lạc bộ Học sinh ở trường trung học Petrus Ký.
Thanh niên hành khúc
Nhạc sĩ Tô Hải nhận xét về cá nhân của Lưu Hữu Phước như sau:
"Lưu Hữu Phước trước mặt tôi cả hình thức lẫn nội dung thì là một ông Bụt. Anh ấy là người đầu tiên khơi lên phong trào dân tộc trong sinh viên bắt đầu bằng bài La Marche des Étudiants ."
Lúc bấy giờ học sinh chúng tôi cũng nhờ những cái bài như Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng đã hun đúc tinh thần yêu nước của chúng tôi rất nhiều.
Nhạc sĩ Tô Hải
Nguyên thủy bài ca này ra đời cuối năm 1939, do Lưu Hữu Phước sáng tác nhạc, Mai Văn Bộ đặt lời tiếng Pháp để làm bài hát chính thức của Câu lạc bộ Học sinh trường trung học Petrus Ký. Năm 1941, Tổng hội Sinh viên Đông dương đã chọn bài hát này làm bài hát chính thức và Lưu Hữu Phước đã viết lại lời tiếng Việt. Năm 1945, bài hát được thay đổi một chút và trở thành bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong với tên gọi Tiếng gọi thanh niên hay Thanh niên hành khúc.
Năm 1948, chính phủ của Nguyễn Văn Xuân đã chọn bài Tiếng gọi thanh niên làm quốc ca với tên mới là Tiếng gọi công dân hay Công dân hành khúc. Năm 1956, sau khi Việt Nam Cộng hòa thành lập, Đài Phát thanh Sài Gòn đã sửa chữa một vài đoạn để làm thành bản quốc ca của Việt Nam Cộng hòa.
Tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên
Sau khi đỗ tú tài, từ năm 1940 đến năm 1944 Lưu Hữu Phước ra Hà Nội học trường Y - Dược, thuộc Đại học Đông Dương. Thời này, do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Bình dân nên phong trào đấu tranh chính trị của sinh viên Đông Dương lên cao. Lưu Hữu Phước trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào. Trong những đợt tổ chức các hoạt động về nguồn của sinh viên, Lưu Hữu Phước đã sáng tác được nhiều ca khúc nổi tiếng như Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hát giang trường hận (sau đổi tên là Hồn tử sĩ), Hờn sông Gianh, Người xưa đâu tá và Hội nghị Diên Hồng, những hành khúc này được xem là đỉnh cao của thể loại bài hát về đề tài lịch sử của Việt Nam, nhằm hun đúc tinh thần dân tộc cho thanh niên Việt Nam.
Nhạc sĩ Tô Hải nhớ lại khí thế bừng bừng lúc ấy khi tiếp cận với dòng nhạc chống ngoại xâm của người nhạc sĩ tài hoa này:
“Lúc bấy giờ học sinh chúng tôi cũng nhờ những cái bài như Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng đã hun đúc tinh thần yêu nước của chúng tôi rất nhiều.”
Bị nghi ngờ, thất sũng
Sự nghiệp âm nhạc của người nhạc sĩ này được thanh niên và người dân biết đến như ngọn đuốc hâm nóng tinh thần chống ngoại xâm thế nhưng ngay trong chế độ mà ông phục vụ lại không xem trọng thành quả này. Những nghi ngờ, soi mói đã khiến ông một thời gian bị thất sũng. Nhạc sĩ Tô Hải kể lại giai đoạn ông đi B tức là vào miền Nam trong cương vị Bộ trưởng Văn Hóa của chính phủ Lâm Thời miền Nam Việt Nam như sau:
Lúc anh ấy bị đưa đi B ngồi một mình trong rừng với chức bộ trưởng Văn Hóa, Chức vụ cao nhất trong chính phủ mà anh ấy có là Vụ trưởng vụ âm nhạc múa…
Nhạc sĩ Tô Hải
“Lúc anh ấy bị đưa đi B ngồi một mình trong rừng với chức bộ trưởng Văn Hóa, Chức vụ cao nhất trong chính phủ mà anh ấy có là Vụ trưởng vụ âm nhạc múa…”
Từ năm 1954 đến 1965, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Ông còn góp công thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam Trường Múa, Trường Sân khấu Điện ảnh, Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Tất cả những chức vụ này không hề xứng đáng với tài năng âm nhạc của ông. Nhạc sĩ Tô Hải nhận xét vế việc này:
“Chức vụ cao nhất của giới âm nhạc mà tôi cho là xứng đáng nên trao cho ông khi mà các nhạc sĩ như Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Quát còn sáng tác những tác phẩm chung chung thì Lưu Hữu Phước đã có những bài rất nổi tiếng.”
Lưu Hữu Phước được xem là nhạc sĩ đầu đàn của giới nhạc sĩ Việt Nam. Sở trường của ông là về hành khúc, đặc biệt ông có nhiều tác phẩm được sử dụng như là bài hát chính thức mà cả hai miền Nam Bắc đều sử dụng trong suốt thời gian chiến tranh.
Ngoài nhạc phẩm Tiếng gọi Thanh Niên là bài hát được Việt Nam Cộng hòa sửa lời và chọn làm Quốc ca với tên Tiếng gọi công dân. Còn có bài Hồn tử sĩ được dùng trong các lễ tang theo nghi thức nhà nước của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bài hát này trước 1975 cũng được Việt Nam Cộng hòa sử dụng trong các nghi thức lễ tang quân đội.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước xứng đáng mang danh hiệu là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Danh hiệu này không phải tuyên dương cho những nhạc phẩm cách mạng của ông nhưng được phong tặng bởi các nhạc phẩm khích động lòng yêu nước của toàn dân qua nhiều thế hệ…Hãy nghe Hội Nghị Diên Hồng của ông sẽ thấy dòng nhiệt huyết tuôn chảy trong mạch máu như thế nào…