Nhóm “Sáng Tạo” của thập niên 1950

Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật tuần này nói về một nhóm văn nghệ sĩ của thập niên 1950 đã làm nên kỳ tích là thành lập tờ báo Sáng Tạo để rồi sau đó lấy làm tên riêng cho nhóm mình, bắt đầu một chặng đường tuy không dài trong lịch sử văn học nhưng đủ để lại nhiều dấu ấn đáng kể cho dòng văn học còn khá phôi thai của nước nhà.
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009.03.01

Chương trình do Mặc Lâm biên soạn mời quý vị theo dõi.

Luật sư Trần Thanh Hiệp
Luật sư Trần Thanh Hiệp
Cuộc di cư của đồng bào Miền Bắc vào năm 1954 đã để lại nhiều dấu ấn cho dân tộc và sự chuyển đổi này đã hình thành những biến cố có tính chất lịch sử, trong đó phải kể đến sự thành lập nhóm Sáng Tạo. Nhóm gồm những sinh viên từ Miền Bắc di cư vào Nam vào thời gian đầu của năm 1954. Họ họp nhau lại trong một tờ báo, và từ tờ báo này những khai phóng và vận động đổi mới văn học đã ra đời, tạo thành một phong trào kêu gọi sáng tác trong tâm thức mới cho rất nhiều văn nghệ sĩ, không những cho thời bấy giờ mà còn kéo dài nhiều năm sau đó.

Nhóm Sáng Tạo là cái nhóm nổi tiếng nhất, xuất phát từ con người di cư nhưng đó là con đường văn học nghệ thuật của Miền Nam tự do. Hoạt động nhằm mở ra một con đường mới về ngôn ngữ, hình ảnh cũng như về lý tưởng tự do, đó là nhóm Sáng Tạo.

Nhạc sĩ Cung Tiến

Những ngày đầu gặp gỡ

Luật sư Trần Thanh Hiệp, thành viên chủ chốt của nhóm kể lại những ngày đầu tiên khi nhóm sinh viên từ Bắc vào Nam gặp nhau như thế nào:

LS Trần Thanh Hiệp: Đây là câu chuyện đã xảy ra cho đến nay là hơn 50 năm. Trước tiên, nhóm Sáng Tạo ra đời đúng vào đợt di cư lớn từ Miền Bắc vào Miền Nam năm 1954. Khi đất nước bị chia đôi, một triệu người đã từ Miền Bắc vô Miền Nam mà trong đó có đủ tất cả các thành phần và nhất là thành phần trẻ. Chúng tôi, lúc bắt đầu, không dự định ra tờ báo Sáng Tạo vì phương tiện ít ỏi. Chúng tôi lúc đó mấy anh em cũng tình cờ gặp nhau thôi, đó là anh Nguyễn Sỹ Tế, anh Doãn Quốc Sỹ, anh Thanh Tâm Tuyền và tôi gặp nhau thì chúng tôi bắt đầu bằng việc cộng tác với một tờ nhật báo và tờ nhật báo đó dành cho chúng tôi một trang gọi là “Trang Văn Nghệ” mỗi tuần ra một lần.

Và sự xuất hiện của nhà văn Mai Thảo đã nảy sinh ý tưởng thành lập nhóm qua lời kể lại của Luật sư Trần Thanh Hiệp:

LS Trần Thanh Hiệp: Trong cái khuôn khổ của sự hợp đồng đó chúng tôi gặp thêm một người mới, đặc biệt, gửi đến cho chúng tôi một tác phẩm đầu tay của ông, đó chính là nhà văn Mai Thảo (và ông đã) gửi tới tập truyện ngắn đầu tiên có tựa đề là "Đêm giã từ Hà Nội". Khi đọc qua, chúng tôi thấy đó là một nguồn rung cảm mới với một văn phong mới, thì chúng tôi bàn với nhau là mời ảnh đến để xem có thể làm chung với nhau việc gì. Và chính trong cuộc gặp gỡ đó giữa mấy anh em chúng tôi đã nẩy ra ý kiến là ra một tờ nguyệt san lấy tên là Sáng Tạo.

Nhà văn cũng là nhà giáo Doãn Quốc Sỹ nhớ lại những hoạt động lúc ấy của cả nhóm:

Doan_Quoc_Sy_vietnamlit.org.jpg
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết hơn 25 tác phẩm song song với sự nghiệp giáo từ thập niên 1950.
photo courtesy of vietnamlit.org
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Vào Nam, tôi ở trong đoàn gọi là “Sinh viên Hà Nội di cư” mà anh Trần Thanh Hiệp làm chủ tịch. Tôi có đứng ra làm chủ nhiệm một tờ báo lấy tên là “Người Việt”, tôi đứng làm chủ nhiệm, rồi trong đó có Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế, v.v. Báo “Người Việt” cũng chỉ ra được mấy số thì đình bản. Thế rồi sau đó chúng tôi gặp thêm được Mai Thảo, xúm lại để ra tờ báo mà có thể gọi đó là nguỵêt san Sáng Tạo. Tờ Sáng Tạo của chúng tôi ra cứ một tháng một kỳ, ra được cho đến số - nếu tôi nhớ không lầm là khoảng số 31 thì đình bản. Sau đó cũng lại cố gắng ra được thêm vài số nữa rồi hoàn toàn đình bản hẳn.

Trong nhóm Sáng Tạo bắt đầu thì có anh Thanh Tâm Tuyền là trẻ và anh cũng là người mà tôi thấy là đem lại đường hướng mới trong lãnh vực thi ca, mới về tư tưởng hay là cách diễn đạt. Cách chấm câu của Mai Thảo cũng đem lại đường nét mới cho văn chương của cái thuở ban đầu lúc chúng tôi di cư vào Miền Nam.

Tự Lực Văn Đoàn

Ngoài những sáng tác để lại cho đời sau của các tác giả như Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng hay Cung Tiến, nhóm Sáng Tạo thường tổ chức những cuộc hội thảo nhằm tìm hướng đi cho nhóm của mình. Một trong những cuộc hội thảo đáng chú ý nhất sau này được đặt tên là “Bốn cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo”. Và một trong bốn đề tài mà nhóm Sáng Tạo mang ra mổ xẻ là Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh lãnh đạo.

Như chúng ta đều biết, văn học Việt Nam thật sự chuyển mình để trở thành một dòng văn học có bản sắc riêng từ khi Tự Lực Văn Đoàn thành hình, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về cách sống, cách nghĩ và quan trọng hơn cả là sự nhận thức giữa cá nhân đối với cộng đồng. Tự Lực Văn Đoàn gây thành một phong trào rộng lớn và ảnh hưởng sâu sắc tới giới thanh niên trí thức tiểu tư sản, khiến thanh niên sinh viên mạnh mẽ cởi bỏ những gì mà họ bị trói buộc từ trước đến giờ để xung phong vào công tác xã hội, hay tham gia các phong trào có tính bài phong đả thực, tùy theo hoàn cảnh và tâm trạng của từng người. Về mặt văn học, Tự Lực Văn Đoàn đã vạch hẳn một lối đi mới qua các tác phẩm mang tính điển hình mà khuôn mẫu và nội dung của nó vẫn được xem là mẫu mực qua nhiều thời đại.

Tuy nhiên đối với nhóm Sáng Tạo thì những thành tựu của Tự Lực Văn Đoàn cần phải xét lại. Những thành viên trong nhóm Sáng Tạo cho rằng Tự Lực Văn Đoàn vẫn còn hạn chế trong việc khai phóng một nền văn chương thật sự cho đất nước. Sáng Tạo đã đưa ra nhiều nhận xét mà người đọc khó thể khó chấp nhận, nhưng nhìn trên khung cảnh lịch sử văn học thì những sự chống đối của Sáng Tạo không nằm ngoài phạm vi mong muốn một sự khai phá và đổi mới triệt để. Có thể ngôn ngữ của các thành viên Sáng Tạo hơi quá khích hay chủ quan, nhưng cốt lõi vấn đề được họ đào bới rất khách quan và cần thiết cho bất cứ một nền văn học nào. Khao khát khai phá cái mới, cái cần thiết cho một nền văn học là mục tiêu cũng là lý tưởng của các thành viên trong nhóm.

Văn nghệ tiền chiến

Trong khi thảo luận đề tài “Nhìn lại văn nghệ tiền chiến ở Việt Nam”, Nguyễn Sỹ Tế, một thành viên trong nhóm Sáng Tạo, cho rằng Nghệ thuật tiền chiến là một nghệ thuật của những rung cảm hời hợt, giả tạo. Một phần bởi hoàn cảnh lịch sử an bình không có những thắc mắc sâu xa (ngoại trừ một số ít người long đong làm việc nước), và lịch sử dân tộc hầu như chưa có được những nối kết chặt chẽ với lịch sử nhân loại. Một phần do sự bỡ ngỡ của con người bấy giờ trước sự tiếp nhận cả một lịch sử tiến hoá lâu dài của văn học nghệ thuật Tây Phương, nên bối rối trong sự phán xét và lựa chọn các giá trị.

Chúng tôi lúc đó mấy anh em cũng tình cờ gặp nhau thôi, đó là anh Nguyễn Sỹ Tế, anh Doãn Quốc Sỹ, anh Thanh Tâm Tuyền và tôi gặp nhau thì chúng tôi bắt đầu bằng việc cộng tác với một tờ nhật báo và tờ nhật báo đó dành cho chúng tôi một trang gọi là “Trang Văn Nghệ” mỗi tuần ra một lần.

LS Trần Thanh Hiệp

ThanhTamTuyen150.jpgThanh Tâm Tuyền mạnh mẽ hơn khi nói rằng nông cạn của nghệ thuật tiền chiến, lỗi chính vẫn là ở những người sáng tác, không phải ở hoàn cảnh. Sự va chạm mạnh mẽ giữa văn hoá Đông-Tây đầu thế kỷ, các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn nhìn một cách rất thu hẹp, trong phạm vi cá nhân, mà không hề thấy đó là sự đảo lộn cả một nếp sinh hoạt mấy nghìn năm, mà trong đó dân tộc phải tìm lấy một đường lối giải thoát thích hợp, không bảo thủ luyến tiếc quá khứ thì họ lại đuổi theo một thứ tình cảm cá nhân để giải quyết cho riêng mình.

Hội họa Việt Nam

Ở đề tài “Ngôn ngữ mới trong hội họa”, Thanh Tâm Tuyền một lần nữa, rất xuất sắc nhận xét rằng hội họa Việt Nam không có quá khứ, và đây là điều đáng mừng. Ông cho rằng quá khứ không nặng nề nên hội họa Việt Nam tiếp xúc rất dễ dàng với Tây Phương. Ông nói “Hội họa Việt Nam” chỉ là một quy định có tính chất địa danh mà thôi.

Trong hoàn cảnh phôi thai của nền hội họa thời bấy giờ mà nhóm Sáng Tạo đã ý thức được hội họa và văn chương có quan hệ mật thiết như thế nào, đã khởi đầu cho một cuộc vận động toàn diện nhằm hòa nhập thật sự vào dòng chảy văn học thế giới. Sự nhấn mạnh đến những phong trào, những khuynh hướng sáng tác đã tác động đến vấn đề sáng tác và nhận thức mỹ học ra sao đã khiến nhóm Sáng Tạo được nhiều văn nghệ sĩ lẫn trí thức tin tưởng hơn vào chủ trương lẫn lý thuyết của nhóm.

Nghệ thuật thi ca

Về thơ, có lẽ là vấn đề mà nhóm Sáng Tạo quan tâm đến nhiều nhất. Trong bài nói chuyện mang tiêu đề: “Nói chuyện về thơ bây giờ” Tô Thùy Yên phát biểu:

Trong nhóm Sáng Tạo bắt đầu thì có anh Thanh Tâm Tuyền là trẻ và anh cũng là người mà tôi thấy là đem lại đường hướng mới trong lãnh vực thi ca, mới về tư tưởng hay là cách diễn đạt.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

“Tôi không có tham vọng định nghĩa thơ, nhưng hiểu thơ bây giờ như thế này và gọi là những đức tính của thơ: thứ nhất, Thơ ném sự xáo trộn vào một trật tự, phá hủy những cấp bậc của lý trí (thế nào tốt – xấu, không tốt và không xấu); Thơ là phản nghĩa của sự bình thản, dửng dưng, lạnh nhạt, quân bình và tự nhiên, nó là một cách khiến người ta từ chối những gì đã chấp nhận trước để tạo một thăng bằng chông chênh; thứ hai, tạo một niềm tin không có đối tượng đích xác, không có tín điều, không có uý lạo, không liên tục và cũng không thường xuyên; thứ ba, nghệ thuật (nhất là tiểu thuyết và sân khấu) có một nhiệm vụ là biến cái không thật thành thật; Thơ cũng thế, nhưng còn thêm một nhiệm vụ nữa, trái ngược lại biến cái thật thành cái không thật; Tóm lại, thơ đưa người đọc vào một tình trạng báo động và tất cả những đức tính kể trên của thơ bây giờ đều vô bổ không đâu ngoài sự nghi ngờ nó mang đến cho người đọc những giá trị đã được xếp loại và công nhận.”

Trong khi đó, Thanh Tâm Tuyền phủ nhận cách nhìn nhận Thơ của Tô Thùy Yên khi ông nói:

ToThuyYen150.jpg“Tô Thùy Yên nêu lên quy định chủ quan, riêng cho thơ Yên. Định nghĩa thì trí thức quá. Thơ bây giờ vẫn giữ cái phần tinh tuý của thi ca từ xưa đến giờ. Như Hégel đa nói thơ chính là phần nghệ thuật trẻ nhất của nhân loại. Thời đại khi báo một tương lai mới là lúc thơ phát triển mạnh nhất. Thơ là một tiếng nói hòa đồng. Thơ dẫn vào một thế giới hòa đồng. Ở thơ không thể có không khí của một thế giới bất trắc. Thơ bây giờ cũng vậy. Không muốn rơi vào ngõ bí cần phải tìm thấy một niềm tin tưởng dù có thể hết sức ngây thơ. Tô Thùy Yên đã nhìn thấy niềm tin không đối tượng là đã tìm thấy niềm tin đó. Một xã hội báo hiệu điềm chết nếu không có thi ca. Và chính Thi ca báo hiệu sự sống tương lai.”

Nguyễn Sỹ Tế lại dẫn đề tài về một hướng khác khi ông cho rằng cả Tô Thùy Yên và Thanh Tâm Tuyền đều chủ quan và rất hiền lành:

“Cả hai ý kiến của Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên đều chủ quan và hiền lành. Các anh đã gán cho thi ca những cứu cánh quá cao xa và hướng vào một thứ thẩm mỹ còn “cổ điển”. Tôi thấy thi ca chỉ là một hiện tượng cá nhân, trong đó những yếu tố trí tuệ, tâm lý, sinh lý của nhà thơ và người đọc thơ bị khuấy động. Tôi nghiêng về một thứ thẩm mỹ của sự chênh vênh, của sự mất cân đối, một thứ thẩm mỹ của sự va chạm.”

Cách chấm câu của Mai Thảo cũng đem lại đường nét mới cho văn chương của cái thuở ban đầu lúc chúng tôi di cư vào Miền Nam.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Sự ra đời của nhóm Sáng Tạo trong giai đoạn chuyển tiếp của hai khuynh hướng chính trị đã tạo ra nhiều hào quang cũng như hệ lụy cho các thành viên trong nhóm. Hầu hết các thành viên đều bị lao động cải tạo sau khi Miền Nam bị mất. Một vài người may mắn thoát ra nước ngoài như Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo thì không thể tiếp tục làm được gì nhiều ngay cả việc sáng tác cũng gặp khó khăn.

Nhạc sĩ Cung Tiến: Nhóm Sáng Tạo là cái nhóm nổi tiếng nhất, xuất phát từ con người di cư nhưng đó là con đường văn học nghệ thuật của Miền Nam tự do. Hoạt động nhằm mở ra một con đường mới về ngôn ngữ, hình ảnh cũng như về lý tưởng tự do, đó là nhóm Sáng Tạo.

Điều mà Sáng Tạo để lại cho đời sau đúng như nhạc sĩ Cung Tiến, một thành viên trong nhóm đã nhận xét, đó là điều mà họ cố đạt tới là lý tưởng tự do, tự do trong sáng tạo.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.