Thể loại Quan Họ ngay từ khi khởi thủy đã có giai điệu hết sức phong phú và lời bài hát thì trữ tình và lại gắn liền với thực tế đa dạng của đời sống hàng ngày của người dân quê miền Bắc.
Ngày hội Lim
Quan Họ Bắc Ninh xuất hiện hầu như quanh năm trong các sinh hoạt cộng đồng nhưng có lẽ ngày hội quan trọng nhất mà không thể thiếu hát Quan Họ là ngày hội Lim. Hội Lim là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, đây là nơi tập trung gần như đầy đủ những hoạt động phong phú của lễ và hội. Hội Lim là niềm hãnh diện cho người dân Bắc Ninh vì nó có nội dung các lễ hội văn hóa dân gian Kinh Bắc.
Có nhiều trò chơi dân gian trong những ngày hội diễn ra như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên. Các cuộc thi dân dã như thi dệt cửi, nấu cơm. Và đặc sắc hơn cả là phần hát hội, cũng là phần được chờ đợi nhiều nhất của người tham dự. Các thể loại như hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng của Quan Họ đều xuất hiện đầy đủ tại hội Lim.
Xuất phát từ dân dã
Và cũng như mọi nghệ thuật dân gian khác trên mọi miền đất nước, dân ca Quan Họ là nghệ thuật xuất phát từ dân dã, nó tồn tại và phát triển theo các dịp hội hè truyền thống và được chính người tham dự sáng tác rồi vun bồi sau đó. Nghệ thuật Quan Họ tồn tại qua nhiều thế kỷ từ những người tham gia trực tiếp hát và nghe nhau hát. Một "liền anh" hay một "liền chị" Quan Họ có thể rời bỏ rồi lại gia nhập cuộc hát vào bất cứ lúc nào. Không có ranh giới giữa người hát và người nghe. Cũng không có cấp độ của người trình diễn và người phê bình, Quan Họ thơ thới sống và phát triển trong dòng chảy dân tộc.
(Hoa Thắm)
Chị Hoa Thắm, một nghệ sĩ hát Quan Họ tại Bắc Ninh vừa cho chúng ta biết một vài cảm nghĩ của chị khi được sống và hát Quan Họ ngay giữa cái nôi của dòng nghệ thuật dân gian này.
Quan Họ truyền thống và mới
Quan Họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa "liền anh" và "liền chị" vào dịp lễ hội ở các làng quê. Trong Quan Họ truyền thống, đôi liền anh đối đáp với đôi liền chị được gọi là hát hội, hát canh, hát cả bọn. Cả nhóm "liền anh" đối đáp cùng cả nhóm "liền chị"được gọi là hát chúc, mừng, hát thờ. Quan Họ truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người người thưởng thức, tuy nhiên hát Quan Họ thường rôm rả vào những dịp lễ tết khi mà những cặp trai gái trong làng hay từ làng khác gặp nhau trao cho nhau những lời hát đối đáp khi duyên dáng, khi thông minh và cũng không kém phần tình tứ để sau đó những cuộc chia tay ai về nhà nấy với những lưu luyến đôi khi ướt đẫm nước mắt chia ly.
(Người ơi người ở đừng về)
Bên cạnh Quan Họ truyền thống là Quan Họ mới xuất hiện ngày một nhiều và cũng được sự hưởng ứng hết lòng của nhiều giới khác nhau. Nếu Quan Họ truyền thống chỉ trình diễn bằng lời ca và sự tham gia, cổ vũ của bạn hát mà không cần bất cứ một nhạc cụ nào thì Quan Họ mới tận dụng được các loại nhạc khí dân tộc nâng lời ca thêm một cung bậc mới mà không làm phai đi tính truyền thống vốn được xem là cái hồn của Quan Họ. Đây là một điểm đặc sắc làm cho Quan Họ khác với các loại hình dân nhạc khác như Cải lương, hay hát bội của miền Nam đang ngày một khó khăn trong việc quảng bá với đa số cư dân thành thị. Những nhạc sĩ của dòng nhạc hiện đại sẵn sàng hòa âm một bài Quan Họ theo cung bậc mới để trình diễn trong các chương trình văn nghệ lớn. Chẳng hạn như bài "Se Chỉ Luồn Kim" do Trúc Linh và Trúc Lam trình bày trong Paris By Night.
(Se chỉ luồn kim)
Hội thi hát Quan Họ
Ngày Tết, hội thi hát Quan Họ truyền thống được tổ chức vào những ngày giáp Tết diễn ra khoảng gần trưa, tổ chức theo hình thức du thuyền hát Quan Họ. Tại một hồ nước nhỏ sát bên cánh đồng làng Lim, chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng rời bến trong những câu hát đậm đà. Một bên thuyền là các liền chị, đối diện là những em nhỏ súng sính trong những tà áo tứ thân. Các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền. Cuộc thi này không có giải thưởng cụ thể nhưng là những tràng pháo tay cùng tiếng trầm trồ ngợi khen của khán giả hai bên bờ.
(Giã bạn)
Nét đặc biệt trong Quan Họ đôi khi chỉ nhấn mạnh vào giai điệu mà không cần lắm vào lời ca. Đôi khi chỉ một câu ngắn chỉ có bốn chữ cũng chiếm mất một phiên khúc trong toàn bài chẳng hạn như bốn chữ "sơn thủy hữu tình" trong bài "Ngồi tựa mạn thuyền" sau đây.
(Ngồi tựa mạn thuyền)
(Hoa Thắm)
Nếu người dân Kinh Bắc của Hoàng Cầm tự hào về một di sản văn hóa mà họ đã có từ bao đời nay thì người Việt nói chung dù ở bất cứ đâu cũng có quyền giới thiệu với người ngoại quốc rằng mình cũng là thành viên hiện đang có mặt trong từng câu ca điệu hát Quan Họ. Bởi trong từng tiết tấu của Quan Họ đều nêu bật ra những cảm nhận chân quê của làng xóm Việt Nam để từ đó mang không khí đầm ấm gia đình lan tỏa khắp không gian Việt tộc.