Những trăn trở về Hội Nhà Văn Việt Nam
2010.07.31
Ban chấp hành hội được bầu theo nhiệm kỳ 5 năm một lần cho các vị trí Tổng thư ký, đại diện Tổng thư ký và các thành viên trong ủy ban điều hành.
Theo trang Wikipedia thì Hội Nhà văn Việt Nam tập trung hoạt động trong bốn lĩnh vực: văn xuôi, thơ, phê bình, và dịch thuật. Mỗi lĩnh vực có một hội đồng riêng để khuyến khích và thúc đẩy các tác giả. Nhiệm vụ của hội là tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội Nhà Văn Việt Nam cũng có một xưởng sản xuất phim, cung văn hóa, và nhà xuất bản với các tờ báo gồm tuần báo Văn Nghệ , nguyệt san Nhà văn, bán nguyệt san Văn học nước ngoài, và Tạp chí Việt Nam Văn học (The Vietnam Literature Review) bằng tiếng Anh.
Trong chương trình VHNT tuần này chúng tôi ghi nhận một số ý kiến của những người trong và ngoài hội để biết thêm những suy nghĩ, trăn trở cũng như phản biện về hoạt động của hội trong những năm qua.
Lão hóa
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám trên trang Tuần Việt Nam vào ngày 4 tháng 7 nhận xét về Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn như sau:
“Hội Nhà văn Việt Nam đang lão hóa. Thế hệ nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong chống Mỹ nay đều đã ở tuổi 60 - 70, thế hệ chống Pháp đã 80 - 90 tuổi. Việc kết nạp Hội mấy năm qua chưa chú trọng đến thế hệ trẻ. Nhiều nhà văn vào Hội khi tuổi đã quá cao, có người nghỉ hưu thậm chí đã cả chục năm. Việc bổ sung những người cao tuổi này khiến Hội đã già càng thêm già.
Hội Nhà văn Việt Nam đang lão hóa. Thế hệ nhà văn, nhà thơ trưởng thành trong chống Mỹ nay đều đã ở tuổi 60 - 70, thế hệ chống Pháp đã 80 - 90 tuổi.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám
Thứ hai, xu hướng "ăn mày dĩ vãng", hưởng ánh hào quang từ quá khứ xa xưa nhưng hiện tại, bút cùn, sức cạn. Những vị theo xu hướng này chỉ đọc những gì của quá khứ, chỉ yêu những gì của quá khứ và cũng chỉ thừa nhận những gì đã thuộc về quá khứ.
Thứ ba, nếp nghĩ "kính lão đắc thọ" đang trở thành lực cản phát triển. Những tư tưởng, những khuynh hướng mới khó được thừa nhận.
Và điều "thứ tư cay đắng", đó là thiếu tin tưởng và không trung thực trong nếp nghĩ.”
Những nhận xét trên của nhà thơ Bùi Hoàng Tám được giới văn nghệ sĩ cho là chính xác tuy khá gay gắt. Những nhận xét này được bổ túc thêm qua ý kiến của nhà văn Võ Thị Hảo, bà nói về nhiệm vụ thật của hội bị bỏ quên hiện nay:
“Hội nhà văn lẽ ra phải làm một điều quan trọng nhất: đấy là lý do tồn tại của Hội nhà văn, cũng như là lý do tồn tại của những người viết. Thế nhưng các ban lãnh đạo Hội từ trước đến giờ chưa bao giờ làm điều đó. Phải làm sao bảo vệ quyền tự do sáng tác, quyền công bố tác phẩm. Tôi chưa thấy ban lãnh đạo hội nào làm cả và thậm chí việc đó còn bị lờ đi. Họ chỉ làm những việc hành chính. Bởi vậy các đại hội càng diễn ra thì tôi lại càng thấy thờ ơ và do đó kỳ này tôi sẽ không đi dự đại hội Nhà văn.”
Về lãnh vực trẻ hóa hội viên như ý kiến của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh chia sẻ:
“Thật ra tôi là người không nằm trong hội nhà văn Việt Nam nên nhận xét của tôi có hai góc độ. Thứ nhất mình là người ngoài cuộc thì nhận xét sẽ không công bình. Thứ hai do là người ngoài cuộc nên tôi thấy nó rõ hơn. Nhiều bạn trẻ cầm viết cũng như tôi cho rằng Hội Nhà Văn không quan trọng, nhưng có một thực tế là hiện nay các cây bút trẻ khi viết thì không quan tâm đến Hội nhà văn Việt Nam, cũng không thấy rằng Hội nhà văn là cần thiết trong đời sống tinh thần của họ. Có thể thấy rằng hiện nay Hội nhà văn rất thiếu những chương trình cũng như thiếu sự gắn kết với các cây viết trẻ. Thậm chí đây là cái hội già lão, tập trung những cây bút đi qua chiến tranh hoặc đã qua các thế hệ trước.
Giữa họ có một sự nối kết chặt chẽ hơn là những nhà văn trẻ, những nhà văn của thế hệ hôm nay. Chính vì sự cục bộ đó mà Hội nhà văn rất thiếu các tiếng nói cũng như các chương trình hoạt động dành cho các nhà văn trẻ.
Số liệu những hội viên, nhà văn mới được kết nạp rất ít nếu không muốn nói là gần như không có. Những chuyện mua chức mua tước, mua thẻ hội viên, chung chi tiền bạc nó làm cho các nhà văn trẻ cảm thấy chán ngán. Tôi cho rằng không có điều gì buồn hơn một cái hội già cỗi không có sự quan tâm hay thiếu sự thuyết phục hấp dẫn đến những nhà văn trẻ.
Những nhà văn mới trong ban chấp hành phải có một tiếng nói trẻ hơn, để có thể gần gũi những cây viết trẻ hơn, và từ đây có những chương trình sinh động gắn kết họ với hội.”
Bầu cử tiêu cực
Ngoài những việc khá phổ biến như nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận xét, dư luận cũng không bỏ qua những tiêu cực trong cách thức bầu bán Ban Chấp hành hội trong những nhiệm kỳ qua. Là một hội viên, hơn ai hết Nhà văn Võ Thị Hảo biết rất rõ những sinh hoạt bầu bán của hội bà thẳng thắn cho biết ý kiến của mình:
“Với cách bầu bán như hiện nay thì chẳng thể nào có nhân sự giỏi được. Thực ra tất cả các cuộc bầu cử hiện nay đều là trò diễn thôi, mất rất nhiều tiền để mà hợp thức hóa một cái ghế nào đó. Đương nhiên người lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam phải có nhiều thứ, trước hết phải là người có tài, có uy tín về văn chương.
Thứ văn chương phải khác với thứ văn chương a dua, nô lệ và chỉ nhìn vào quyền lợi của cá nhân mình. Lãnh đạo của Hội nhà văn phải có một nhân cách tỏa sáng, ngoài việc phải có năng lực quản lý, năng lực lãnh đạo. Thực ra thì rất khó để có được những điều ấy với cách bầu bán, hoạt động của hội hiện nay.”
Những rào cản chính trị
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, một thành viên trong ban Chấp hành Hội Nhà Văn đương nhiệm chỉ ra điều mà ông cho là khó vượt qua nhất hiện nay của Hội Nhà Văn Việt Nam, ông nói:
“Cản trở lớn nhất theo tôi chính là sức lực các nhà văn, làm sao để viết cho hay. Bởi vì suy cho cùng khi nói đến văn học vẫn phải là tác phẩm. Thế bây giờ làm sao để có một tác phẩm hay, đấy là một câu hỏi không hề dễ dàng không phải ai cũng trả lời được, mặc dù Hội nhà văn đã làm mọi cách để làm sao có được tác phẩm hay.
Thậm chí nhà nước cũng tài trợ tiền. Tôi nói thật, các nhà văn ở nước ngoài chắc cũng không được may mắn như các nhà văn Việt Nam. Hầu hết các nhà văn Việt nam, các nhà văn hội viên đều được tài trợ, ít nhất cũng 5 triệu. Có thể có những người nhiều hơn để làm sao tạo điều kiện có tác phẩm hay. Nhưng tại sao mãi vẫn không có những tác phẩm nào đó để có thể gây một tiếng vang lớn vượt qua khỏi lãnh thổ Việt Nam đến với nhân loại? Tôi cho đấy chính là cái khó nhất hiện nay.”
Thật ra kinh phí cho nhà văn có phương tiện để viết không phải lúc nào cũng cần thiết trong mục tiêu giúp ích cho việc sáng tác của họ. Điều mà một nhà văn cần là tự do trong sáng tác, một tự do tuyệt đối trong các lãnh vực mà ngòi bút của họ muốn vươn tới. Nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét việc nhà nước cung cấp tiền và các phương tiện khác cho nhà văn không những cản trở, mà còn tiếp sức cho thói ngủ yên trên những đề tài nông cạn, sáo mòn mà những nhà văn thiếu bản lĩnh thường làm, ông nói:
“Thật sự là nhà văn thì không có ai là không yêu tổ quốc, dân tộc mình cả. Bên cạnh việc ngợi ca cái Đẹp, cái Thiện nhà văn còn có công việc chống lại cái ác và cái xấu. Đây mới là tiêu điểm nảy sinh nhiều vấn đề còn tồn tại cho đến bây giờ.
Ở Việt Nam hiện nay không những không có sự ngăn cản các hoạt động của Hội nhà văn mà ngược lại có sự hỗ trợ hoạt động của hội, hỗ trợ rất mạnh là đàng khác. Kinh phí đại hội, hội thảo, đầu tư sáng tác, các hội nghị chuyên đề, giao lưu quốc tế, quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài… trước đây những việc này rất ít được như vậy. Vì hoạt động của Hội nhà văn đúng với đường lối của lãnh đạo quốc gia. Tất nhiên không ai lại đi ủng hộ hay bỏ tiền ra cho những hoạt động không đúng đường lối ấy cả. Nhưng mà ngẫm lại có một điều thế này, chính sự ủng hộ đó lại gây nên sự cản trở của chính Hội nhà văn.
Tôi nhớ là năm 1971 trong hội nghị những người viết văn trẻ tại Hà Nội, lúc ấy cả tôi và ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn bấy giờ đều có dự, thì nhà thơ Xuân Diệu có nói một điều đại ý như thế này: Thời trước cách mạng chúng tôi như là chim bay ngược chiều gió. Con nào bay được thì ngực nở, cánh khỏe. Bây giờ các bạn như chim bay xuôi chiều gió, không biết gió sẽ cuốn đi nơi đâu!
Bây giờ nhìn lại thấy chính hội cản trở cái hoạt động của mình vì lo mất đi nguồn tài trợ của nhà nước, Nhà văn thì tự cản trở vì lo ảnh hưởng đến hội, lo ảnh hưởng đến cá nhân mình nữa, vì thế cho nên nó hạn chế việc mở rộng đề tài viết của các nhà văn.
Thí dụ như những đề tài cấm kỵ, phương hại đến ổn định chính trị, đến bí mật quốc gia, đến thuần phong mỹ tục và những đề tài nhạy cảm nữa.
Không phải sự ngăn cản nào cũng công khai, rất lạ là các nhà văn cảm thấy rất rõ rào cản đó và phần nhiều đều tự ngăn cản mình trước khi tiếp cận đến cái rào cản. Đấy là điều thật đáng suy ngẫm.”
Tôi nhớ là năm 1971 trong hội nghị những người viết văn trẻ tại Hà Nội, lúc ấy cả tôi và ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn bấy giờ đều có dự, thì nhà thơ Xuân Diệu có nói một điều đại ý như thế này: Thời trước cách mạng chúng tôi như là chim bay ngược chiều gió. Con nào bay được thì ngực nở, cánh khỏe. Bây giờ các bạn như chim bay xuôi chiều gió, không biết gió sẽ cuốn đi nơi đâu!
Nhà thơ Nguyễn Duy
Nhận xét của nhà thơ Nguyễn Duy không xa lắm với ý kiến của nhà văn Võ Thị Hảo khi bà cho rằng đừng phủ lên nhà văn chiếc áo mang tên chính trị, vì đối với họ, nhiệm vụ chính là viết những gì họ thích, họ chiêm nghiệm được trong cuộc sống mà thôi:
“Gọi Hội nhà văn là một hội tổ chức chính trị xã hội thì phi lý bởi vì nếu để làm chính trị thì tôi nghĩ những người viết văn và những người lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam không thể nào làm chính trị giỏi bằng những người có nghề được. Thế thì khoác cái chức chính trị vào hội ấy để làm gì? Đấy là cách tôi nghĩ là răn đe người viết phải đi theo một cái lề, mà cái lề đó chưa chắc là đã đúng nhưng phải đi theo để được an toàn. Tại sao phải khoác chính trị vào đó?
Phan Huyền Thu, một nhà thơ trẻ có chân trong ban chấp hành hội chia sẻ những điều mà chị cho là thực tế nhất khi gia nhập hội, chị nói:
“Thực ra cho đến nay những hội viên của Hội nhà văn Việt Nam còn đang sống cũng có hơn 900 hội viên. Tất cả câu chuyện mọi người nghe lao xao về Hội nhà văn, chuyện nọ chuyện kia cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi, bởi vì không thể nào 100% hội viên có vấn đề hay cái hội ấy nó có vấn đề.
Em vào hội từ năm 2006, tham gia với ban văn trẻ, cộng tác rất nhiều chuyện, cũng tự hại mình nhiều chuyện ngoạn mục chỉ vì mong muốn phong trào và hoạt động của hội tốt hơn nên sả thân, thế nhưng cũng nhiều khi không khỏi sứt đầu mẻ trán. Cũng không trách móc gì cả bởi vì chuyện xã hội mà.
Còn với Hội nhà văn, với tư cách một người viết văn như mình thì đơn giản em nghĩ rằng mình hãy nghĩ khác về hội đi. Chính các hội viên nhìn nhau thân ái và nghĩ khác về những hoạt động đao to búa lớn chẳng cần thiết. Mình đến với nhau xem hội như một ngôi nhà gặp gỡ trao đổi.
Cái lớn nhất mà em có được từ khi vào Hội nhà văn là có thêm nhiều đồng nghiệp, có thêm nhiều đàn anh đàn chị, đàn em. Chia sẻ với nhau, hỏi nhau chuyện sáng tác chuyện văn chương.”
Quý vị vừa theo dõi một số ý kiến của các văn thi sĩ trong và ngoài Hội Nhà VănViệt Nam nhân đại hội sắp tới sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng Tám này. Vì đây là một sự kiện quan trọng, nói lên sinh hoạt thật sự của một tổ chức văn học bề thế nhất Việt Nam hiện nay, chúng tôi sẽ có bài viết sau khi đại hội Nhà văn Việt Nam bế mạc vào tuần tới, mời quý vị tiếp tục đón nghe, cũng trong chương trình VHNT hàng tuần vào tối thứ Bảy do Mặc Lâm phụ trách.
Theo dòng thời sự:
- Trò chuyện cùng nhà thơ Lê Anh Hoài
- Nguyễn Đức Liêm – Gã say thích nghịch thơ
- “Trăng Nghẹn” bị nghẹn giải thưởng
- Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh
- Ngày Thơ Việt Nam
- Nhà thơ Trần Tiến Dũng và “Tiếng ho của một người đi về phía bức tường”
- Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan
- Nhà thơ phản kháng Bùi Minh Quốc