Nhiều bài báo đưa ra những ví dụ sinh động về các bản nhạc được nhiều nhạc sĩ trẻ tuổi sáng tác với lời lẽ hết sức khó hiểu nếu không muốn nói là ngây ngô, vụng về nhiều khi đi đến chỗ thiếu văn hóa.
Thật ra đâu đó trong sân chơi âm nhạc hôm nay cũng len lén xuất hiện vài bản nhạc của người sáng tác trẻ có trình độ vượt hơn đồng nghiệp nhưng con số ấy rất hiếm hoi trong một mớ bùng nhùng được gọi là nhạc trẻ.
"Bên bờ ao nhà mình"
Âm nhạc Việt không thiếu tài năng trẻ trong lĩnh vực chọn từ lọc chữ cho tác phẩm của mình. Một trong những nhạc sĩ được báo chí tranh luận nhiều nhất về sự xuất hiện của anh khi album đầu tiên ra đời cách đây 7 năm mang tên “Bên bờ ao nhà mình” đó là nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Lê Minh Sơn, sinh năm 1975, anh Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội về guitar cổ điển. Hiện đang là giảng viên guitar của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Album 'Bên bờ ao nhà mình' đã phát hành cách đây 7 năm rồi. Nó là album đã đóng dấu tên tuổi của Lê Minh Sơn đưa Lê Minh Sơn tới chỗ đứng hôm nay. Đấy là những gì đậm đặc nhất. Đấy cũng là cái gì chắt lọc hình ảnh của tuổi trẻ, lứa tuổi 19 đôi mươi.
NS. Lê Minh Sơn
Lê Minh Sơn chính thức vào Nhạc viện Hà Nội khi mới 8 tuổi, sau 15 năm miệt mài trên ghế nhà trường, Lê Minh Sơn đã trở thành tay guitar có hạng với khả năng diễn tấu nhiều thể loại, đặc biệt là âm nhạc dân gian các nước theo phong cách flamenco.
Năm 2004 trong cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn 2004 Ngọc Khuê xuất hiện trong nhạc phẩm "Bên bờ ao nhà mình" đã làm cho cái tên Lê Minh Sơn trở nên lấp lánh. Lê Minh Sơn được yêu mến vì tài năng âm nhạc một phần nhưng một phần khác anh đã chọn lọc ca từ trong tác phẩm một cách kỹ lưỡng và điều này đã làm anh đứng riêng hẳn một nơi, không ai chen vào chia sẻ được sự thành công của anh.
Hôm nay chúng tôi xin được giới thiệu nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng một vài tác phẩm trong album “Bên bờ ao nhà mình” của anh. Điều chúng tôi nhận thấy là nỗ lực làm đẹp ca từ của anh rất rõ nét. Lê Minh Sơn trân trọng từng con chữ trong dòng nhạc của anh. Bên cạnh giọng hát Ngọc Khuê, chất giọng mà Lê Minh Sơn gọi là Thị Mầu, hình ảnh làng quê Việt ẩn hiện trên từng nét nhấn nhá của chữ, của giai điệu của những kỷ niệm mà ai trong chúng ta cũng từng có trong lứa tuổi ấu thời…
Bên bờ ao nhà mình
Bên bờ ao nhà mình, con chuồn chuồn vẫn đậu cành bèo tây. Bên bờ ao nhà mình, lập lòe đom đóm bay. Mỗi năm một lần thay áo màu xanh tìm con chuồn chuồn.... Mỗi năm một lần, vai áo bùn nâu mẹ quai rất nhanh. Bên bờ ao nhà mình lời nói yêu thương người rằng vấn vương vương vấn. Xa bờ ao nhà mình trời đất bao la bụi trần bám chặt thân lữ khách.
Xa bờ ao nhà mình, con chuồn chuồn đã bạc màu xanh. Ô kìa con chuồn chuồn. màu vàng trái cam. Trái cam màu vàng em đã dùng..bên bờ ao. Dẫm trên cỏ dại hai đứa cùng nhau vui chơi ú tim. Bên bờ ao nhà mình, lời nói yêu thương người rằng vấn vương vương vấn.

Xa bờ ao nhà mình, chuồn đã bay tìm mùa nắng đẹp thay áo mới
Xa rồi, xa rồi nhỏ dại. Bao giờ, bao giờ trở lại.
Tuổi thơ ơi..í a...
Xa rồi xa rồi nhỏ dại. Bao giờ, bao giờ trở lại.
Xa rồi xa rồi nhỏ dại. Bao giờ, bao giờ trở lại.
Lê Minh Sơn cho biết "Album 'Bên bờ ao nhà mình' đã phát hành cách đây 7 năm rồi. Nó là album đã đóng dấu tên tuổi của Lê Minh Sơn đưa Lê Minh Sơn tới chỗ đứng hôm nay. Đấy là những gì đậm đặc nhất. Đấy cũng là cái gì chắt lọc hình ảnh của tuổi trẻ, lứa tuổi 19 đôi mươi. Trong album ấy có bài “Người ơi người ở đừng về” là bài viết khi mình nhiều tuổi nhất lúc ấy 21 tuổi."
Trau chuốt từng con chữ
Đúng như Lê Minh Sơn kể, album này đã đóng dấu ấn tên tuổi của anh và làm cho người nghe của những năm ấy ngạc nhiên thích thú với sự xuất hiện của một dòng nhạc vừa hồn nhiên, vừa đậm chất đồng quê và nhất là nét sáng tạo trong từng giai điệu. Về cái mộc mạc, hồn hậu của đồng quê Việt Nam, Lê Minh Sơn cho biết:
"Đó là cảm nhận của mỗi một người khi cầm bút viết lên về cái đẹp của Việt Nam. Khi mình đi ra ngoài thủ đô chỉ 10 tới 15 cây số thôi thì mình thấy ngay vẻ đẹp rất gần gũi trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Khi cầm bút viết thì có một điều luôn luôn ám ảnh vì âm nhạc là biểu cảm của tâm hồn còn ca từ là biểu cảm của văn hóa người cầm bút."
Ca từ của nhạc phẩm “Bên bờ ao nhà mình” nếu tách ra thì liệu nó còn chất xúc tác như khi đi kèm với dòng nhạc của Lê Minh Sơn hay không?
Khi cầm bút viết thì có một điều luôn luôn ám ảnh vì âm nhạc là biểu cảm của tâm hồn còn ca từ là biểu cảm của văn hóa người cầm bút.
NS. Lê Minh Sơn
Theo Lê Minh Sơn, "Về ca từ thì may mắn tôi được sinh ra trong một gia đình mà ông bà bố mẹ đều là những người giỏi về văn học, đâm ra cũng được đọc rất nhiều sách. Người ảnh hưởng nhiều nhất với Lê Minh Sơn chính là Lê Đạt. Nếu không có nhà thơ Lê Đạt thì chắc rằng cũng không có lê Minh Sơn đâu. Mặc dù chưa gặp ông Lê Đạt bao giờ nhưng học ông ấy qua chính những tác phẩm của ông, những bài thơ của ông. Cái cách làm mới con chữ là tôi học từ ông Lê Đạt và ông Trần Dần, hai con người mà tôi yêu quý và ngưỡng mộ lẫn biết ơn nhất. Về cách lập ngôn, cách đặt những con chữ cũng như cách nâng niu những con chữ tiếng Việt.
Ở nhạc phẩm Gió Mùa Về, sát với đời sống ồn ào của Hà Nội ngày nay hơn, ca từ trong bài chuyển biến theo một hoài niệm khác, cô độc và lạnh lẽo như các trận gió mùa đông bắc thổi ngang đời sống.
Gió mùa về
Gió mùa Đông Bắc về, đèn trên phố mờ sương lạnh. Con chim trên cây không hót em ngồi em chải tóc. Tay em lạnh, môi em lạnh, sao chẳng có anh? Bông hoa hồng ai mang tặng, sao chẳng thấy anh? Tiếng chuông chùa rơi vỡ trong chiều hoang vắng. Kìa tiếng chuông của ai xé tan màn đêm rét mướt?
Lê Minh Sơn nói thêm: "Không gian và cảnh sắc của Hà Nội khi lập đông và gió mùa về nó đẹp lắm. Thường thường mọi người nghĩ đến sự cô đơn riêng Sơn thì nghĩ đến sự cô độc, thí dụ những tiếng rao chẳng hạn. Tiếng rao của những người bán đồng nát là một đặc sản của Hà Nội. Đó là nét văn hóa của người Hà Nội, đặc biệt những người Hà Nội xưa sống và cảm nhận. Đó là cách cái chơi chữ hay cách sắp xếp khác lạ đi một chút so với những bậc tiền bối hồi xưa viết nhạc Việt Nam.

Tiếng rao não nuột của người đồng nát nối sau bài hát đã làm nhiều người ngạc nhiên. Lần đầu tiên giới thưởng ngọan Việt tiếp cận nghệ thuật đương đại trong âm nhạc Việt nam. Gọi là đương đại cũng không xa thực tế là mấy vì chưa bao giờ dòng nhạc Việt có cách diễn tấu song hành giữa nhạc và lời rao ngoài phố như vậy. Kỹ thuật lồng ghép này khiến người nghe lúc đầu có thể hụt hẫng, nhưng càng nghe thì mãnh lực tiếng rao càng làm cho khung cảnh của buổi chiều mờ sương hơn, đậm đặc hơn do đó ít nhiều gì cũgn đã lan rộng vào tiềm thức của thính giả.
Các nghệ sĩ đương đại ưa dùng kỹ thuật bất ngờ nhất để diễn tả tâm trạng nội tâm hay biểu cảm một vấn đề tâm lý xã hội. Kỹ thuật này không hạn chế tính năng của vật dụng miễn sao đánh động được trí tưởng tượng của người xem hay người nghe là đủ.
Lê Minh Sơn không cố gắng đánh đố người nghe bởi anh đủ khả năng biến ca từ thành thơ và do đó kỹ thuật lạ nhằm lắp ghép một cách khiên cưỡng không phải là mục đích của nhạc sĩ. Cách dẫn dắt người nghe vào ngõ hẹp của Lê Minh Sơn khiến thính giả thích thú hơn là khó chịu, nhất là thính giả trẻ những người như nhạc sĩ…
Với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, "Khuê là một nhạc sinh của mình và mình là người phát hiện ra cô ấy từ năm cô ấy mới mười mấy tuổi thôi. Hình tượng Thị Mầu là một người đàn bà rất đẹp của Việt Nam. Thị Mầu là huyền thoại của người phụ nữ Việt Nam. Mình nghĩ rằng Khuê là một Thị Mầu thời hiện đại.
Tiếng rao của những người bán đồng nát là một đặc sản của Hà Nội. Đó là nét văn hóa của người Hà Nội. Đó là cách cái chơi chữ hay cách sắp xếp khác lạ đi một chút so với những bậc tiền bối hồi xưa viết nhạc Việt Nam.
NS. Lê Minh Sơn
Cặp ba lá
Là bé bé là xinh xinh. Chiếc cặp ba lá, lá xanh.
Là mắt nhắm là trăng treo, chiếc cặp ba lá, lá vàng
lúa non chiều hôm thơm thơm cánh đồng
tóc vương làn cây hây hây má non.
Là má thắm là môi son
Cặp ba lá, xinh thật xinh
Tiếng con gà trống gáy vang vang
ánh bình minh kéo đến nhà
ai như em đeo cặp ba lá đi trên con đê, kìa xinh quá!
những người cứ nhìn em
những người muốn làm quen
những người đầu tiên..
lạ lắm, ngại lắm. Lạ lắm, ngại lắm....
cái cặp mắt nhìn em. Cái nhìn muốn làm quen...cái nhìn đầu tiên
……
Quý vị vừa theo dõi cách sử dụng ca từ của nhạc sĩ Lê Minh Sơn trong album “Bên bờ ao nhà mình”. Hy vọng rằng chương trình VHNT hôm nay đã giới thiệu được một góc khác của dòng nhạc Lê Minh Sơn. Chúc quý vị một tối cuối tuần tĩnh lặng với những hoài niệm về đồng quê, về sức sống mãnh liệt trên từng bó rạ, cánh chuồn cùng với người nhạc sĩ tài hoa Lê Minh Sơn của chúng ta…
Theo dòng thời sự:
- Thế nào là Diva? (phần 1)
- Thế nào là Diva? (phần 2)
- Nhớ về cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước
- 'Ngọc Lan" của Dương Thiệu Tước
- Nghệ Sĩ của Thập Niên
- Hồ Lệ Thu sau những sóng gió
- Nhìn lại 10 năm qua … những ca nhạc sĩ đã ra đi (Phần 1)
- Nhìn lại 10 năm qua … những ca nhạc sĩ đã ra đi (Phần 2)
- Nhìn lại 10 năm qua… những ca nhạc sĩ đã ra đi (Phần 3)