Có người từ những ngày đầu của thập niên 90 thuộc thế kỷ trước. Có nghệ sĩ sau vài năm ngập ngừng cũng đã mạnh dạn hơn lăn mình vào cuộc chơi đầy thử thách của nghệ thuật đương đại. Kết quả cho tới nay xã hội đã dần hình thành một nhóm công chúng thích thú thưởng thức những ý tưởng mới cũng như sự sáng tạo của họ trong việc tìm kiếm chất liệu mới lạ cho tác phẩm của mình.
Quái dị
Trong số một vài nghệ sĩ đương đại thành công nhất Việt Nam hiện nay dẫn đầu phải kể đến là Đào Anh Khánh. Trong những ngày đầu khi mới bước chân vào vùng đất hoang sơ của nghệ thuật đương đại tại Việt Nam, người họa sĩ này đã có cái nhìn bao quát về nghệ thuật đương đại để nảy ra những ý tưởng khá mạnh bạo và có tính tiên phong trong nền nghệ thuật vẫn yêu chuộng sự cổ điển của xã hội Việt Nam. Trong nhiều năm ông bị công chúng và nhiều người trong giới văn nghệ sĩ cho rằng quái dị và không giống ai. Tuy nhiên, kiên nhẫn với những ý tưởng mạnh mẽ, đầy chất lửa trong nghệ thuật sắp đặt, Installation hay đem hình ảnh cuộc sống trổ hoa trên cơ thể bằng Body art và kết hợp ánh sáng, âm nhạc, tạo hình kể cả chính giọng nói của mình trong Performing art, Đào Anh Khánh sau hơn 10 năm đã có được một số công chúng yêu mến nghệ thuật của ông và các tác phẩm của ông ngày càng được công nhận nhiều hơn.
Trong sáng tác, hứng khởi của Đào Anh Khánh luôn là những gì mạnh mẽ, gai góc và có sức lôi cuốn ông nhất. Ông kết hợp vũ đạo, tạo hình, ánh sáng, yếu tố thiên nhiên vào tác phẩm bằng chất liệu của nghệ thuật đương đại. Tự cho là luôn khao khát âm thanh, ánh sáng và nhất là lửa, Đào Anh Khánh đã có những cuộc trình diễn nghệ thuật đương đại quy mô tập trung hàng ngàn người xem trong một đêm. Tháng 11 năm 2009 ông trình bày show diễn mang tên “Hội tụ ánh sáng”, tiếp đến là “Cầu âm thanh” vào tháng 2 năm 2010 và cuối cùng là “Cây đời” vào tháng10 năm 2010.
Thông điệp

Đào Anh Khánh đã dành cho chúng tôi buổi nói chuyện về quan điểm nghệ thuật của ông cũng như các vấn đề khác có liên quan đến nghệ thuật đương đại thông qua nhiều năm ông trải nghiệm và gặt hái những kết quả nhất định. Sau đây là cuộc mạn đàm giữa chúng tôi và họa sĩ...
Mặc Lâm: Thưa ông sau những buổi trình diễn được xem là hoành tráng trước đây, hôm 19 tháng 12 vừa qua ông đã có một buổi trình diễn mới nhất tại nhà hàng Shinbashi Hà Nội có tiêu đề là "Hương vị đất trời". Ông có thể miêu tả một ít chi tiết về buổi trình diễn này được thực hiện ra sao và cái thông điệp mà nghệ sĩ muốn gửi tới cho người xem là gì?
Đào Anh Khánh: Duyên cớ như thế này tôi có một người bạn, đồng thời làm chủ một nhà hàng Nhật Bản khai trương. Anh ấy rất muốn có một không gian không chỉ là nơi ăn uống mà cũng là nơi sau này có thể giao lưu văn hóa. Tôi thấy việc gắn liền môi trường với nhà hàng này ra đời nên đưa ra một thông điệp tới công chúng về vấn đề này. Tôi đưa ra hình ảnh: nó vừa là tác phẩm sắp đặt nhưng cũng là tác phẩm biểu diễn (Performing art). Tôi đưa ra hình ảnh một chiếc nem, hình ảnh khá phổ biến ở Việt Nam thì ai cũng biết. Đây là loại thức ăn được cuốn bằng bánh đa bên ngoài còn bên trong có một số thịt thà khác nhau.
Tôi hình tượng hóa cái nem bằng cách bên trong chiếc nem được cuốn bằng hình ảnh một cô gái và cơ thể của cô ấy được vẽ lên bằng phong cách Body art. Vẽ những vật thể thiên nhiên như hoa lá... tất cả hình ảnh rất tươi mát. Còn bánh đa thì được tạo nên bằng một băng vải màu trắng chạy dài suốt hàng trăm mét. Trên chiếc băng vải này tôi đưa ra hàng loạt những thông điệp về môi trường thực phẩm đang bị con người chúng ta lạm dụng và xâm hại tạo nên những nguy hiểm cho cộng đồng.
Ví dụ như "bánh bao cao su nóng" chẳng hạn, hoặc là "thịt hun khói ô tô",... những câu nói lái hoặc tạo sốc cho người đọc thông tin về món ăn này phải suy nghĩ đến môi trường mà chúng ta đang sống, đang thực sự bị xâm hại.
Họa sĩ Đào Anh Khánh<br/>
Những thông điệp được thể hiện dưới hình thức những câu nói hóm hĩnh, hài hước và hơi giật mình khiến công chúng phải đọc nó. Ví dụ như “bánh bao cao su nóng” chẳng hạn, hoặc là “thịt hun khói ô tô”,... những câu nói lái hoặc tạo sốc cho người đọc thông tin về món ăn này phải suy nghĩ đến môi trường mà chúng ta đang sống, đang thực sự bị xâm hại.
Mỗi lần cái bánh đa nem ấy được mở ra thì thông điệp ấy lại được đưa đến cho công chúng, cho người xem ngay trên đường phố có thể nhận biết ra cái nguy hiểm mà cộng đồng chúng ta đang tạo ra trên thực phẩm trong cộng đồng hiện nay.
Mặc Lâm: Có phải là ông luôn luôn lấy cảm hứng lấy từ thực tế cuộc sống hay do tưởng tượng và vận dụng những tính chất biến thiên của sự tưởng tượng ấy vào các tác phẩm sắp đặt hay trình diễn vừa qua?
Đào Anh Khánh: Mỗi cuộc trình diễn của tôi thì nó có những ý tưởng khác nhau và mục tiêu lớn nhất mà tôi nghĩ làm phong phú hơn ngôn ngữ nghệ thuật mà tôi đam mê, tức là đem đến cho công chúng hình ảnh nghệ thuật mới mà người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn đang rất hạn chế không biết đến.
Điều đầu tiên là tôi muốn mang một ngôn ngữ mới. Các ngôn ngữ đó có thể là loại ngôn ngữ tổng hợp rất nhiều loại hình nghệ thuật, mà những ý tưởng đi cùng với nó là những ý tưởng nghệ thuật mà ở đấy có thể chứa đựng thông điệp về đời sống của cá nhân, trong đó có những suy nghĩ về con người đang sống. Trong xã hội Việt Nam nói chung và nhìn rộng ra trên bình diện lớn hơn, đặc biệt về các vấn đề về xã hội, con người.
Mặc Lâm: Sau nhiều lần trình diễn cho công chúng ông nghĩ trong những người thường xuyên là khán giả của ông thì giới nào nhiều nhất?
Đào Anh Khánh: Có thể nói các cuộc trình diễn của tôi ngày càng mang tính đa dạng đối với công chúng. Nó không dừng lại ở công chúng quen thuộc tức những người có hiểu biết, có được giáo dục về nghệ thuật, có môi trường văn hóa rộng rãi mà ở đây tôi hướng các tác phẩm của mình đến công chúng rộng rãi nhất tức là đủ tầng lớp.
Kể cả những người chưa bao giờ tiếp cận các loại hình văn hóa này thì tôi cũng muốn đem nó đến cho những người bình thường nhất, những người xa lạ nhất đối với nghệ thuật cũng có thể tiếp cận được với nghệ thuật. Có lẽ đối tượng ban đầu là những nghệ sĩ, những người có sự hiểu biết về nền nghệ thuật này. Người trong nước, người nước ngoài… mục tiêu mà tôi hướng tới nó đã tác động đến môi trường rộng rãi hơn, đó chính là điều tôi nghĩ rằng mình đã đạt được tức là công chúng của tôi đã đến với một sự đa dạng nhất.
Mặc Lâm: Sau mỗi lần trình diễn thì ông có nhận được phản hồi nào từ khán giả hay không, và nếu có thì những phản hồi đó có giúp gì được cho ông trong những lần trình diễn sau đó?

Đào Anh Khánh: Sự phản hồi của công chúng thực ra là ngày càng nhìn nhận một cách rõ nét hơn. Công chúng ban đầu khi tiếp cận các loại hình nghệ thuật này thì nhìn chung kể cả anh em văn nghệ sĩ cũng có những xa lạ, chưa nói đến công chúng là những người bình thường khác. Bắt đầu làm loại hình nghệ thuật này thì cũng gây những ấn tượng mới lạ kể cả những người trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tuy nhiên sự phản hồi của công chúng rất đa dạng. Sự ủng hộ vẫn là lớn nhất và sự ủng hộ này chủ yếu người ta ủng hộ trên một thái độ rất rõ ràng là họ được nhìn thấy ngôn ngữ nghệ thuật mới. Tạo cho họ cảm giác bị cuốn hút, hấp dẫn mà chân giá trị của nó thì có lẽ người ta chưa có thể nói lên được. Công chúng nhìn chung thì có sự phản hồi do lôi cuốn, cuốn hút của nghệ thuật mới kéo người ta đến.
Những quan điểm cho rằng đây là những cái kỳ quái, cái gì đó phản nghệ thuật thì thật ra cũng có, nhưng số đó rất ít mà tôi trực tiếp được nghe. Cái lớn nhất có lẽ là xu hướng của người dân Việt Nam, người dân Hà Nội và công chúng ở đây họ háo hức được nhìn thấy những cái mới ra đời và đó chính là lý do tôi nghĩ rằng nó là mảnh đất tốt để ngôn ngữ nghệ thuật mới có thể tiếp tục.
Mặc Lâm: Theo nhận xét của nhiều nghệ sĩ cũng như người am hiểu nghệ thuật đương đại nói chung cho rằng vai trò của báo chí có vẻ mờ nhạt khi viết về những buổi trình diễn của người nghệ sĩ đương đại. Thiếu vắng những nhận xét sắc sảo mà chủ yếu chỉ mô tả những gì người nghệ sĩ trình bày. Ông có ý kiến gì về những nhận định này?
Đào Anh Khánh: Báo chí Việt Nam nói chung vẫn còn là một nền báo chí lẩn trốn trong đó có cả ý nghĩa về sự lẩn trốn sự thật, tức là không dám mổ xẻ không dám nói tất cả những vấn đề cảm nhận của họ từ cách nhìn cho đến những quan niệm của nghệ sĩ đôi khi họ cũng không dám nói hết. Các nghệ sĩ đôi khi cũng không thể nói hết những suy nghĩ tự đáy lòng của họ. Bởi vì trong một cộng đồng chưa được công khai hóa tất cả những suy nghĩ tự do của mình thì họ còn có những hạn chế để bộc lộ những ý tưởng nghệ thuật của mình mà báo chí thì lại càng lánh xa việc mổ xẻ sự thật, mổ xẻ những chiều sâu của tác phẩm.
Cho nên sự khen ngợi chỉ mang tính miêu tả nhiều hơn là đưa ra những vấn đề học thuật cũng như ý nghĩa sâu xa của tác phẩm. Chỉ đưa ra những cái bề ngoài còn những sâu sắc hơn thì có lẽ cần một khoảng thời gian nữa để báo chí có thể nói một cách đúng nhất những chuyển tải mà nghệ sĩ quan tâm.
Mặc Lâm: Ông vừa nhắc đến vấn đề học thuật khiến tôi chợt nghĩ đến sự thiếu vắng các nhà phê bình mỹ thuật hiện nay. Ông có đồng ý là sự thiếu vắng này làm cho khuynh hướng đương đại ở các ngành nghệ thuật nói chung và các nghệ sĩ theo nghệ thuật thị giác nói riêng thiếu một người vừa dẫn đường vừa tương tác với người sáng tác hay không?
Hai nữa là tôi có phần may mắn là tôi là một họa sĩ bán được các tác phẩm hội họa của mình và chính các tác phẩm hội họa đó đã nuôi dưỡng những hoạt động nghệ thuật khác như sắp đặt hay trình diễn âm nhạc...
Họa sĩ Đào Anh Khánh
Đào Anh Khánh: Về góc độ các nhà phê bình nghệ thuật, những người nghiên cứu nghệ thuật đặc biệt những người làm nghiên cứu về nghệ thuật mới này ở Việt Nam thì thật sự là cũng có một số nhà phê bình mỹ thuật, nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên số lượng thì tôi không cho là quá ít nhưng góc độ để tiếng nói của họ trực tiếp trên diễn đàn báo chí thì không nhiều lắm.
Những người đó thường thường chỉ phát biểu trong các cuộc hội thảo rất hạn chế mà không có nhiều thông tin đại chúng trên những kênh thông tin lớn hơn như truyền hình hay báo chí lớn. Các bài viết mang tính phê bình chuyên nghiệp thẳng thắn của những nhà phê bình thì còn ít và hạn chế mà phần lớn là những art critic (nhà phê bình nghệ thuật) của các nhà báo ở mức độ mang tính mô tả bên ngoài.
Tôi nghĩ các nhà phê bình nghệ thuật uy tín, có những phát biểu rộng rãi trước công chúng thì chắc chắn nó cũng thúc đẩy hoạt động của các nghệ sĩ một phần nhưng cái chính nó là cái cầu nối để cho công chúng hiểu hơn các hoạt động của nghệ sĩ.
Mặc Lâm: Xin được hỏi ông một câu cuối nữa, tất cả chi phí cho những buổi trình diễn của ông rất tốn kém nhưng hoàn toàn không bán vé hay bán được tác phẩm như như tranh tượng hay tác phẩm điêu khắc... ông có thể chia sẻ với thính giả bằng cách nào mà ông bù đắp các khoản chi phí này?
Đào Anh Khánh: Thứ nhất là có tình yêu đối với công việc mà tôi quan tâm. Hai nữa là tôi có phần may mắn là tôi là một họa sĩ bán được các tác phẩm hội họa của mình và chính các tác phẩm hội họa đó đã nuôi dưỡng những hoạt động nghệ thuật khác như sắp đặt hay trình diễn âm nhạc... tất cả tôi đều trông vào điều kiện bán tranh của mình.
Tuy nhiên nếu là một nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật đương đại mà không có kinh doanh, hay có nguồn kinh phí nào thì chắc rằng sẽ khó mà tồn tại hay duy trì.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.