Trà Đạo
2011.11.20

Cũng có ý kiến đề nghị chương trình thỉnh thoảng nên đưa thêm những nét văn hóa nghệ thuật của các nước khác để chương trình phong phú hơn. Chúng tôi nhận thấy đây là ý kiến hợp lý và xin thử nghiệm bằng một vài chương trình văn hóa nghệ thuật của các nước láng giềng Việt Nam với mong ước đem đến cho quý thính giả một ít thông tin thú vị mà chúng ta cần biết.
Trong tinh thần đó hôm nay mời quý vị thưởng thức một chén trà Nhật Bản với cả một nghệ thuật được hình thành từ nhiều thế kỷ trước đã mang đến cho đất nước phù tang một văn hóa thưởng thức trà được nâng lên hàng Trà Đạo.
Lịch sử Trà Đạo
Nói đến Trà Đạo người Nhật luôn hãnh diện với những tên tuổi làm nên nghệ thuật này mà người khai sáng và giới thiệu cách uống trà không ai khác hơn là thiền sư Murata Juko (1422-1502) là người đã biến việc uống trà thành một nghệ thuật với quan niệm một khung cảnh đơn giản, tự nhiên. Chỉ cần vài ba người bạn, một căn phòng nhỏ, vách treo một bức tranh thủy mặc hay một bức thư họa.
Nhưng phải đến Sensoeki (1522-1591), thường được biết dưới tên Rikyu, là học trò của Murata Juko ở vào thế kỷ 16, mới thực sự được coi là người khai sáng Trà Đạo. Ông là người đã lập ra trà thất và những nghi thức của trà hội (chakai) tức trà thang (chanoyu). Sensoeki có tình bằng hữu đã lâu với Tướng Quân Hideyoshi
Toyotomi, nhưng sau bị kẻ dèm pha nói là ông tham dự vào vụ đầu độc Hideyoshi bằng trà pha thuốc độc, nên ông bị xử án chết và được danh dự tự xử. Ông đã mời các trưởng môn đệ đến dự trà hội cuối cùng rồi tự sát bằng kiếm.
Đó là những nét phác thảo về diện mạo của Trà Đạo Nhật trong những ngày đầu tiên và muốn đào sâu hơn nghệ thuật của Trà Đạo Nhật Bản chúng ta cần những nhận xét sâu hơn của người Nhật hay ít ra là một người đã sống và làm việc tại Nhật trong nhiều năm.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với học giả Đỗ Thông Minh, người đã sống tại Nhật Bản 41 năm và có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Nhật.
Nghệ thuật pha, uống trà
Đỗ Thông Minh: Trà ở bên Nhật có lẽ cũng bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo như cuốn Trà Kinh viết vào năm 780, họ cho rằng trà ở Trung Quốc có từ thời Thần Nông tức cỡ 3300 – 3000 năm trước Công Nguyên.
Ở Trung Quốc, Việt Nam hay khắp nơi trên thế giới, thường người ta nói đến nghệ thuật uống trà hay nghệ thuật pha trà, nhưng khi qua tới bên Nhật thì người ta mới dùng từ ‘Trà Đạo’. Có thể nói rằng trà thì ai cũng uống hết nhưng Trà Đạo thì gần như chỉ có nước Nhật mới có thôi.
Thường uống trà thì mình lựa trà nào ngon và cách pha sao cho ngon đó nhưng người Nhật lại không chú trọng cái ngon lắm bằng cái triết lý khi pha trà, dùng trà, và nhất là tiếp đãi khách - giữa hai bên chủ khách tương tác với nhau trong một khung cảnh tĩnh mịch thiên nhiên nó mang cái hương vị thiền. Thành ra vì vậy cho nên người Nhật bày ra cả một phương thức để pha trà, uống trà và tiếp đãi như thế nào và đương nhiên đây sẽ là một vấn đề triết lý, sẽ có nhiều người suy nghĩ khác nhau. Vì vậy cho nên Nhật có rất nhiều trường phái uống trà.
Nhưng căn bản chúng ta biết trà có ba cách pha: Đoạn Trà giống như trà vối mình nấu, Yêm Trà tức trà mình đổ nước nóng vào, và Mặt Trà mà người Nhật thường dùng. Mạt tức là những hạt nhỏ, tức là trà xanh họ xay ra thành bột rồi họ quấy. Trong Trà Đạo của Nhật Bản thì thường thường họ dùng Mạt Trà.
Mặc Lâm: Thưa ông có thể cho biết khoảng thời gian nào trong ngày được người Nhật tổ chức uống trà theo tinh thần Trà Đạo?
Đỗ Thông Minh: Thông thường họ dùng đơn giản thôi tức là giống như chúng ta và mọi người thường là pha và uống thôi. Tuy nhiên người Nhật không phải chỉ uống trà trong lúc đối ẩm tiếp khách hay là có tiệc tùng gì mà ngay cả trong các bữa ăn thường ngày. Trong các quán ăn, khi khách tới, hoặc họ đưa ra một bình nước lọc hoặc một bình nước trà thì có thể đó là hồng trà hoặc trà xanh. Đối với người Nhật trong bữa ăn thường cũng có trà, và để cho giản tiện thì thường không có đi theo thủ tục của Trà Đạo bởi vì muốn tiến hành thủ tục của một Trà Đạo như vậy mất ít nhất là 30-40 phút, đó là giữa khách với chủ không thôi, còn trong khi đó việc chuẩn bị mất cả tiếng đồng hồ nữa cho nên bây giờ Trà Đạo chỉ làm trong những nghi lễ vì nó rất mất thì giờ. Khách muốn biết thử xem Trà Đạo như thế nào thì sẽ được hướng dẫn từng động tác.
Mặc Lâm: Còn căn phòng mà họ dùng để ngồi với nhau thì được trang trí như thế nào thưa ông? Đơn giản và đầy tính chất Thiền hay tự do tùy theo ý thích của gia chủ?
Người Nhật lại không chú trọng cái ngon lắm bằng cái triết lý khi pha trà, dùng trà, và nhất là tiếp đãi khách - giữa hai bên chủ khách tương tác với nhau trong một khung cảnh tĩnh mịch thiên nhiên nó mang cái hương vị thiền.
Ô. Đỗ Thông Minh
Đỗ Thông Minh: Căn phòng có thể nói trang trí rất đơn sơ. Trên vách có những bức tranh họa hoặc là những câu đối. Bên cạnh đó còn có thêm một chậu hoa nhỏ. Sau đó hai bên sẽ theo dõi tất cả những động tác của người pha trà và coi như hòa mình vào không khí đó.
Mặc Lâm: Theo như nhiều người thích thưởng thức trà thì vật dụng để uống trà là những thứ đầu tiên làm cho trà thêm ngon và do đó có những bộ tách trà nổi tiếng của Trung Hoa được cho là vô giá. Riêng về Trà Đạo của Nhật thì sao, họ có khắt khe lắm về hình thức của các loại bình đựng hay chung uống trà như Trung Hoa hay không?
Đỗ Thông Minh: Thường người Nhật không dùng ly nhỏ mà người Việt Nam thích uống gọi là hạt mít. Đôi khi nó là một cái ly hay tô rất to, thế nhưng bên trong họ chỉ bỏ một chút xíu trà mà thôi và đó là trà xanh và họ quấy.
Nước mà họ dùng thì họ chỉ đun tới khoảng 80-90 độ bởi vì họ cho rằng nước sôi quá sẽ làm cho trà chết không tốt và khi mình uống, mình sẽ hơi ngạc nhiên vì nó rất đắng và không có ngon tí nào cả. Nhưng nếu mình hiểu được cung cách uống trà, pha trà và cách tiếp đãi giữa chủ với khách thì mình cũng thấy được không khí lâng lâng hòa mình với chủ, khách và đồng thời với thiên nhiên.
Thành ra những thủ tục rườm rà như vậy thì ngày nay ít khi họ dùng và người Tây Phương khi họ nhìn như vậy họ nói rằng là ‘người Nhật đã tạo cơn bão trong chén trà’ tức là trong chén trà, mặt nước rất là phẳng lặng không có gì để mà nổi sóng lên cả nhưng mà người Nhật đã tạo cả một triết lý rất phong phú.
Có thể nói bây giờ có rất nhiều trường phái uống trà khác nhau và nếu chúng ta đi học chơi cho vui, mỗi tuần chừng 2, 3 tiếng đồng hồ thì có thể nói học 10 năm chưa hết Trà Đạo của một trường phái.
Tinh thần Thần Đạo
Đỗ Thông Minh: Ngày xưa, trong những giai đoạn khởi đầu, những người khởi xướng trường phái uống trà, bạn bè tiếp đãi, đối ẩm hay nói chuyện về thiên nhiên, cây cỏ. Người Việt Nam mình thì hay nói chuyện thời sự nhiều hơn. Đối với người Nhật theo Thần Đạo, tất cả có tới 8 triệu vị Thần, tất cả đều là Thần, cây cỏ hoa lá đều là Thần. Cho nên họ nhìn thiên nhiên và tất cả mọi chuyện tầm thường thì họ làm thơ hoặc nói chuyện với nhau. Cho nên không nhất thiết phải là những chuyện quan trọng mà chỉ là những chuyện giải trí coi như họ cùng trầm mình với không khí Trà Đạo.
Mặc Lâm: Trong thế giới hiện đại ngày nay người Nhật có còn gìn giữ Trà Đạo như một nét đặc thù văn hóa trong gia đình họ hay không? Với đời sống chạy đua cùng thời gian như hiện nay thì họ có tiết giảm phần nào các nghi thức kéo dài quá lâu này?
Đỗ Thông Minh: Như tôi có trình bày thì nếu mà khuynh hướng thực dụng hàng ngày thì không có ai đi theo thủ tục Trà Đạo cả. Còn trong giới Trà Đạo với nhau và những người học Trà Đạo thì họ vẫn giữ nguyên những tập tục như xưa không có thay đổi gì hết. Thành ra một trường phái có tính cách truyền thống còn thực dụng thì không ai áp dụng cả bởi vì rất mất thì giờ và thực ra trà cũng không có gì ngon.
Mặc Lâm: Là người sống và làm việc rất lâu tại Nhật riêng bản thân ông và gia đình có hòa mình vào nền văn hóa và nghệ thuật uống trà này hay không, khi nó có quá nhiều nghi thức mà chính nhiều gia đình người Nhật cũng tỏ ra e ngại?
Thần Đạo có tinh thần gọi là Tịnh – Minh – Chính - Trực. Tịnh ở đây có nghĩa là trong sạch, rồi Minh tức là rõ ràng, Chính là đúng, và Trực là thẳng.
Ô. Đỗ Thông Minh
Đỗ Thông Minh: Thực ra, chúng tôi cũng chưa có dịp làm quen nhiều với Trà Đạo và ngay đối với người Nhật cũng vậy bởi vì nó là một nghi thức rất phiền toái và đòi hỏi người tham dự phải tĩnh tâm mà hòa mình với nghệ thuật uống trà cũng như đối với thiên nhiên; nó có rất nhiều triết lý trong đó. Cho nên nó đòi hỏi rất nhiều thời gian học mà mình mới có thể gọi là thấm được.
Tuy nhiên giống như Thiền, mọi người mà đi thăm nước Nhật sẽ thấy nó có một không khí khác lạ với những nơi khác. Nơi đó nó bàng bạc tính Thiền, hương vị Thiền. Thì ở trong Trà Đạo cũng vậy chúng ta sống hàng ngày cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều bởi triết lý của Trà Đạo nhưng mà đôi khi mình không biết. Tức là mình không ảnh hưởng một cách trực tiếp nhưng qua cuộc sống của người Nhật nó mang hương vị Thiền ở khắp mọi nơi, ở khắp mọi chỗ. Thí dụ từ cách họ trang trí nhà cửa cho tới cách họ cắm hoa, ăn mặc, đi tắm, v.v… đều mang một tính chất Thiền cộng thêm với tinh thần của Thần Đạo.
Thần Đạo có tinh thần gọi là Tịnh – Minh – Chính - Trực. Thường thường Tây Phương quan niệm là Chân – Thiện – Mỹ, đó là giá trị đạo đức mà Đông Phương của mình là Nhân – Nghĩa – Lễ - Trí – Tín. Nhưng người Nhật lại đặt Tịnh lên đầu. Tịnh ở đây có nghĩa là trong sạch, rồi Minh tức là rõ ràng, Chính là đúng, và Trực là thẳng.
Không có quốc gia nào đặt cái ‘sạch’ lên làm đầu hết, đó là điều làm cho mọi người ngoại quốc rất là ngạc nhiên khi tới nước Nhật thấy người Nhật quá sạch, và nhất là những người tài xế Nhật Bản, khoảng 20-30 % tài xế Nhật trong lúc lái xe họ đeo găng trắng.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn ông.
Quý vị vừa nghe những thông tin về nghệ thuật uống trà theo các trường phái Trà Đạo của Nhật Bản, hy vọng chương trình này đã gây vài thích thú cho quý vị trong dịp cuối tuần, Mặc Lâm xin hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới.