Tuổi trẻ hải ngoại lớn lên từ 40 năm

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015.03.28
phuoc-loc-tho-305.jpg Thương xá Phước Lộc Thọ ở Westminster, California
Photo courtesy of Wikipedia

Tâm trí không rời xa tổ quốc

40 năm qua biết bao đổi thay đối với cộng đồng Việt Nam hải ngoại, trong đó sự trưởng thành của người trẻ được xem là niềm tự hào và kỳ vọng họ sẽ biến mảnh đất xa tổ quốc nơi tạm dung thành nơi thực hiện dân chủ một cách thực tế cũng như cho người bản xứ thấy rằng tuy xa quê nhưng trong tâm trí không bao giờ rời xa tổ quốc.

Luật Sư Quỳnh Vi là một trong rất nhiều khuôn mặt trẻ thành công và không quên nhận thức rằng mình là một phần máu thịt của quê hương, tổ quốc qua từng việc làm cụ thể tại Mỹ, nơi cô sống trong 25 năm qua. Nói chuyện với Mặc Lâm LS Quỳnh Vi chia sẻ cuộc sống của mình hiện nay trước tiên cô cho biết:

LS Quỳnh Vi: Quỳnh Vi sinh năm 1978 và năm 12 tuổi thì định cư tại Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ ODP sau khi ông ngoại Vi vượt biên và bảo lãnh cha mẹ và gia đình sang Mỹ sau đó.

Quỳnh Vi học và lớn lên, trưởng thành hoàn toàn tại California vùng San Jose và hiện tại đang hành nghề luật sư về dân sự và luật gia đình ở thành phố San Jose. Quỳnh Vi có một văn phòng riêng khoảng 3 năm nay. Trước đó làm việc trong một hãng luật của người Mỹ và sau đó mở văn phòng riêng để có thể làm việc nhiều hơn một chút với cộng đồng người Việt tại San Jose.

Mặc Lâm: Văn phòng luật sư của Quỳnh Vi tại một cộng đồng người Việt như vậy thì công việc chính của Quỳnh Vi là gì?

Vi mới làm luật gia đình 3, 4 năm trở lại đây thôi nhưng rất thích công việc này bởi vì có dịp làm việc với phụ nữ và trẻ em đặc biệt là có những trường hợp trong cộng đồng Việt Nam không đủ tiếng Anh, không đủ kiến thức về luật pháp thì trợ giúp họ vể pháp lý, cũng là một việc làm Vi rất thích.
-LS Quỳnh Vi

LS Quỳnh Vi: Dạ, Vi là một luật sư tranh tụng của thành phố quận hạt, ra tòa tranh cãi những vụ án mà người ta gọi là Trial lawyer thành ra một ngày thường thì phải ra tòa khá nhiều, Vi rất thích không khí tòa án. Hiện tại mức độ công việc được chia đều giữa luật dân sự và luật gia đình. Vi mới làm luật gia đình 3, 4 năm trở lại đây thôi nhưng rất thích công việc này bởi vì có dịp làm việc với phụ nữ và trẻ em đặc biệt là có những trường hợp trong cộng đồng Việt Nam không đủ tiếng Anh, không đủ kiến thức về luật pháp thì trợ giúp họ vể pháp lý, cũng là một việc làm Vi rất thích

Mặc Lâm: Trong lúc giúp khách hàng trong các vụ tranh chấp về gia đình như vậy thì nhận xét của Vi đối với phụ nữ Việt Nam điều gì khó khăn nhất trong đời sống gia đình của họ?

LS Quỳnh Vi: Theo Vi thấy thì phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng của mình đa số vẫn có suy nghĩ là họ sống vì gia đình, vì chồng con. Họ hy sinh rất nhiều cho nên khi có vấn đề trong hôn nhân thì họ thường chọn cách giữ gìn hạnh phúc của mình, họ nhận luôn phần lỗi về mình rất nhiều. Đến khi ra tòa do không thể nào hàn gắn được nữa thì họ vẫn mang suy nghĩ là bản thân chưa làm đủ tốt, chưa cố gắng đủ để giữ gìn hạnh phúc mặc dù việc đó thông thường nó phải đến từ cả hai phía chứ không hẳn từ phía người phụ nữ. Vi cảm thấy người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ giá trị truyền thông khá nhiều và chọn cách sống hy sinh cho người khác.

Đó là một đức tính cao đẹp nhưng ngược lại nó cũng làm cho người phụ nữ không thể hạnh phúc trong cuộc sống và đôi khi nó có phản ứng ngược, tức là người chồng thấy vợ mình lo lắng hết tất cả thì họ không biết quý trọng sự hy sinh của người vợ. Đó là nhận xét của Vi khi làm việc với các hồ sơ như vậy.

Vẫn tôn trọng cái phần Việt Nam

Mặc Lâm: Vâng, Vi là người tương đối trẻ, sống trong cộng đồng Việt Nam theo Vi thì người Việt có trăn trở về đất nước quê hương không? Có khi nào Vi nghe được những tâm sự của họ nhớ nhà, hay có những khó khăn khi ở quá xa gia đình đối với người còn gia đình trong nước, Vi nhận xét ra sao?

LS Quỳnh Vi: Nếu mà nói về cộng đồng của mình ở hải ngoại thì có thể nhìn thấy các bậc chú bác hay ba mẹ, ông bà của Vi chằng hạn, những người đã sống trong cuộc chiến Việt Nam trải qua những việc như đi vượt biên, cải tạo, cuộc sống khá là khó khăn ở Việt Nam trước đây.

Thế hệ trước và thế hệ của Vi và thế hệ em của Vi, Vi có những đứa em sinh ở Mỹ, có ba thế hệ khác nhau nói chung ở hải ngoại. Trăn trở của người trẻ nó có khác với người lớn. Vi có một chút may mắn là biết được Việt Nam như thế nào, ở đâu. Có gắn bó với Việt Nam vì Vi lớn lên ở Việt Nam khoảng 10, 11 năm còn những đứa em của Vi hoàn toàn không biết Việt Nam là gì cả.

Người lớn thì họ có nỗi buồn, tâm sự về hậu quả cuộc chiến mang lại cho họ thành ra có khó khăn cho thế hệ này khi ngồi lại nói chuyện, làm việc, ngay cả cách cư sử với nhau trong cuộc sống. Vi nghĩ nói chung thì Vi cảm thấy cộng đồng vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc, văn hóa của người Việt Nam. Ngay cả những người sinh bên nay thì họ vẫn tôn trọng cái phần Việt Nam của họ, ít thấy người nào hoàn toàn nghĩ mình không phải là người Việt Nam.

Mặc Lâm: Đối với giới trẻ và những người sinh trưởng hoàn toàn tại Mỹ có bao giờ Vi nói chuyện với họ và nhắc nhở họ vẫn còn một quê hương thứ hai tại Việt Nam hay không? Và trong khi được nghe như vậy thì phản ứng của họ như thế nào?

LS Quỳnh Vi: Điều này Vi xin chia sẻ hơi cá nhân một chút, chuyện gia đình của Vi đi nhé. Vi có những đứa em sinh ở bên Mỹ, gia đình Vi rất cố giữ gìn tiếng Việt. Trong gia đình vẫn phải nói tiếng Việt với nhau. Những em của Vi sinh ra và lớn lên tại đây dĩ nhiên không thể nói tiếng Việt như Vi. Hồi nhỏ em của Vi được dạy là nói tiếng Việt không được nói tiếng Mỹ thì tụi nó rất tội nghiệp. Nhiều khi nó nói “Chị! em muốn nói tiếng Việt nhưng em không biết Việt Nam ở đâu!”

Vi nghĩ nói chung thì Vi cảm thấy cộng đồng vẫn cố gắng giữ gìn bản sắc, văn hóa của người Việt Nam. Ngay cả những người sinh bên nay thì họ vẫn tôn trọng cái phần Việt Nam của họ.
-LS Quỳnh Vi

Nghe những đứa em nói những câu như vậy ở lứa tuổi 5, 6 tuổi thì mình cảm thấy là phải thông cảm với thế hệ trẻ vì họ không biết, không hề biết mảnh đất đó ở đâu. Không biết, không có bất cứ suy nghĩ gì về nơi đó hết thì rất là khó có sự liên hệ. Những đứa em đó khi lớn lên nó tự tìm hiểu và học về chiến tranh Việt Nam, học vể những việc liên quan đến Việt Nam. Lúc đó nó tự động tìm đến Vi và hỏi thêm chẳng hạn như khi Vi vể Việt Nam thì thấy như thế nào? tất cả các em mà Vi biết đều mong muốn đến xứ sở đó một lần để biết ông bà cha mẹ mình từ đâu mà đến.

Vi cũng có những người bạn cũng là những luật sư cũng sinh bên này hay ra đi từ lúc rất nhỏ. Có một anh bạn là luật sư ảnh nói là anh về Việt Nam lần đầu khi trở lại ảnh nói rất thích Việt Nam bởi vì khi ảnh về Việt Nam thì đó là nơi đầu tiên cho ảnh cảm giác ảnh thuộc về số đông. Nghe câu nói đó Vi rất là xúc động.

Một người sinh ra và lớn lên hoàn toàn được đào tạo do người Mỹ thì Vi nghĩ đó là tâm tư của rất nhiều người trẻ rất muốn tìm về. Cũng rất nhiều người muốn làm việc cho Việt Nam chẳng hạn làm từ thiện hay sinh sống hoặc giúp đỡ điều gì đó cho Việt Nam. Đó là những mối liên hệ mà Vi thấy rất nhiều người trẻ đã có.

Mặc Lâm: Vâng đó là người trẻ còn thế hệ như cha mẹ, ông bà của Vi, ngoại trừ người trong nhà, những người khác Vi được dịp tiếp xúc bên ngoài Vi thấy họ còn giữ cảm giác bị cô độc, bị mất mát khi chạy ra nước ngoài để sống hay không hay bây giờ thời gian đã hàn gắn những vết thương của họ rồi?

LS Quỳnh Vi: Vi nghĩ nó tùy theo từng người, không thể nào nói hết được đa số thế này hay thế kia. Vi có thể nói khi ra sinh hoạt chung với các chú các bác trong cộng đồng thì ngay bản thân Vi tại mình lớn lên bên này không có trải nghiệm cá nhân về những mất mát những đau thương mà thế hệ trước họ trải qua, đó là những điều mình không hiểu được. Nhưng càng lớn càng tiếp xúc nhiều với các bác thì Vi cảm thấy hiểu được lý do. Có những người họ vẫn giữ quan niệm giá trị của họ như là không thỏa hiệp với chính phủ hiện nay thì Vi hiểu được vì các mất mát không thể nào đủ đền bù hay thời gian làm cho nguôi ngoai.

Nhưng cũng có những người rất tích cực, họ sẵn sàng có những liên hệ để giúp đỡ các bạn trẻ tại Việt Nam, những bạn có hoạt động làm cho nước Việt Nam mình tiến bộ hơn chẳng hạn. Những bạn trẻ có ý định thay đổi Việt Nam theo hướng tích cực có nghĩa là thay đổi Việt Nam tốt đẹp hơn, người dân với các quyền lợi chính đáng được quan tâm đến, hoặc là phải thay đổi những bất hợp lý trong xã hội Việt Nam.

Vi thấy những chú bác họ thật lòng ủng hộ những người trẻ đó và Vi không thấy sự oán hận hay là thù hằn trong các chú bác mà Vi được gặp khi làm việc trong cộng đồng. Dĩ nhiên ở bất kỳ chỗ nào cũng có người cực đoan, có người quá khích nhưng theo kinh nghiệm của Vi làm việc với các chú các bác thì đa số đều có kiến thức. Họ là những giáo sư, luật sư được đào tạo trước năm 1975. Kiến thức của họ rất rộng, đa số họ có tấm lòng hết sức cời mở, chịu khó lắng nghe những người trẻ như Vi hay nhỏ hơn Vi, hay những người trẻ trong nước họ đều có một thái độ như vậy.

Mặc Lâm: Có vẻ suy nghĩ của Quỳnh Vi thiên về xã hội và chính trị rất nhiều. Vi có tham gia bất cứ đảng phái chính trị nào hay một nhóm chính trị nào của người Việt tại Mỹ hay không?

LS Quỳnh Vi: Chú hỏi làm Vi tính trả lời là có tham gia đảng Dân chủ của Mỹ! Đó là đảng phái chính trị duy nhất mà Vi tham gia! Còn nói về đảng phái chinh trị của Việt Nam ở trong nước hay ngoài nước thì không ạ. Vi không phải là người của bất kỳ một đảng phái chính trị nào hết. Vi rất hãnh diện vì có làm việc với các anh chị em trong nước và Vi có hoạt động chung với các nhóm xã hội dân sự Việt Nam. Vi cũng có làm việc với tất cả các nhóm xã hội dân sự khác và những người đấu tranh độc lập, những blogger, những phóng viên độc lập của Việt Nam thì Vi cũng có sự liên hệ và rất kình trọng những người dám bỏ thời gian, hy sinh cá nhân của mình để làm việc gì đó tốt đẹp hơn cho xã hội. Hiện nay thì tới mức độ như vậy thôi.

Mặc Lâm: Nếu được góp ý với những người làm chính trị tại Việt Nam việc đầu tiên khi có cơ hội thành lập những đảng phái thì tiêu chuẩn của đảng phái chính trị Việt Nam theo Vi phải có điều kiện gì nó mới thể hiện tự do dân chủ một cách thực sự?

LS Quỳnh Vi: Vi xin mượn cái ý của một người bạn của Vi ở Việt Nam nói vể giải pháp chính trị mà những việc thay đổi xã hội. Vi đồng ý là bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức hay đảng phái nào muốn đấu tranh thay đổi chính trị tại Việt Nam thì nên suy nghĩ đến vấn đề người dân. Thực sự nghĩ đến cái cần thiết của họ là gì. Mối quan tâm trong xã hội, gia đình, những vần đề thiết thực của đời sống. Bởi vì đó là những điều mà Vi cảm thấy đảng cầm quyền hiện tại ở Việt Nam họ không có. Họ hoàn toàn không quan tâm đến đời sống của người dân thực sự.

Thành ra nếu mình muốn đứng ra như một đảng phái để cạnh tranh hay trờ thành một phần cơ cấu của chính quyền thì nên đặt vấn để cho dân vì dân trước hết. Bời vì đảng phái nào biết nghĩ đến mức độ thuận lợi và an sinh xã hội cho người dân cao nhất thì chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của người dân.

Mặc Lâm: Xin cám ơn LS Quỳnh Vi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.