Trang Thế Hy, con cò trắng Hàm Luông

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015.12.12
Trang-The-Hy-622.jpg Nhà văn Trang Thế Hy
Hình do Nhà thơ Lý Đợi cung cấp

Rạng sáng ngày 8 tháng12 năm 2015, nhà văn Trang Thế Hy đã qua đời tại nhà riêng ở Bến Tre do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 91 tuổi. Đây là tin buồn tuy được giới văn nghệ miền Nam tiên đoán nhưng vẫn làm người yêu mến ông ngậm ngùi trước sự ra đi của một tài năng nam bộ.

Mỗi tác phẩm đều ẩn chứa một thông điệp mới

Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924, quê quán ở Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre Ngoài bút danh Trang Thế Hy ông còn có các bút danh khác như: Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Minh Phẩm.

Tuy viết không nhiều nhưng mỗi tác phẩm của ông đều ẩn chứa một thông điệp mới về cuộc sống, con người. Nợ nước mắt, Gió nấm mối, Rác và hoa, Vết thương thứ mười ba, cũng như hơn ba mươi bài thơ của ông đã làm không biết bao nhiêu người ngây ngất. Trang Thế Hy đến thế giới văn chương với vốn liếng hương đồng gió nội, là hương của những bông lúa nở ra trong thời kỳ chiến tranh để rồi sau đó khi hòa bình trở lại vẫn man mác mồ hôi mặn đắng của người nông dân chưa thấy ánh sáng của tương lai sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh tìm độc lập.

Cũng là nhà văn của ruộng đồng miền Nam nhưng văn chương của Trang Thế Hy khác biệt khá xa những đồng nghiệp của ông như Sơn Nam hay Bình Nguyên Lộc, hoặc Nguyễn Quang Sáng, Sĩ Trung hay Trần Kim Trắc… Ông già nam bộ này từ khi còn rất trẻ đã cẩn thận chọn lựa câu chữ như người chơi cây cảnh bonsai chọn cách uốn nắn cây cho chúng trở thành ý nghĩa đối với người thưởng ngoạn. Cách mà ông chọn lời lựa ý được nhà thơ Lý Đợi phân tích là nhà văn của phương pháp tu từ:

Cái mà ông Trang Thế Hy để lại trong lòng người đọc ông ấy là ông có một phương pháp tu từ rất đặc biệt. Ông khác rất nhiều các nhà văn miền Nam khi họ thường viết văn giống như tính cách ở đây: phóng khoáng tuôn chảy, thì ông Trang Thế Hy lại là người viết chắt lọc từng từ từng chữ, rất kiệm lời.
-Nhà thơ Lý Đợi

“Có lẽ cái mà ông Trang Thế Hy để lại trong lòng người đọc ông ấy là ông có một phương pháp tu từ rất đặc biệt. Ông khác rất nhiều các nhà văn miền Nam khi họ thường viết văn giống như tính cách ở đây: phóng khoáng tuôn chảy, thì ông Trang Thế Hy lại là người viết chắt lọc từng từ từng chữ, rất kiệm lời. Ít có nhà văn miền Nam cùng thời với ông viết giống như ông. Tất nhiên ở các nhà văn khác thì sụ tuôn chảy cũng có những đặc biệt riêng nhưng nói về nhà văn của tu từ thì ông Trang Thế Hy có lẽ là nhà văn bậc nhất ở Nam bộ. Thứ hai, ông ấy là một trong những nhà văn hiếm hoi hay nói về nghề văn. Ông giống như Maxim Gorky, Lỗ Tấn hay Nam Cao, Phan Khôi hay nói về trách nhiệm cũng như vị thế của ngòi bút. Không phải ca ngợi bản thân nghề viết văn mà nói về sứ mệnh của người cầm bút phải làm cái gì.

Ông ít viết tiểu luận nhưng đa số trong các tác phẩm ông đều nói như vậy cả từ thơ tới văn xuôi ông đều nói tới sự quan tâm tới thân phận nhà văn cũng như sứ mệnh của nhà văn. Đây có lẽ là hai cái nổi bậc của ông Trang Thế Hy. Chính vì vậy mặc dù số lượng của ông viết không nhiều, gia tài còn lại của ông khoảng 65 truyện ngắn, hai tiểu thuyết có dung lượng vừa phải và vài chục bài thơ thôi nhưng trong lòng của công chúng, độc giả nhiều người vẫn đánh giá ông rất cao thậm chí xếp ông ngang với Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng hay Trần Kim Trắc.”

“Tôi nghe đó, từ câu chuyện của chị bán thuốc lá, là lời răn dạy rất nghiêm có giá trị thức tỉnh cao của một hiện thực đau buồn nhắc nhở người cầm bút, đừng bao giờ đánh mất cái điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau khổ lớn của số đông thầm lặng.”

Cái số đông thầm lặng ấy bị bỏ quên bởi các nhà văn chạy theo niềm khắc khoải riêng của mình lại được Trang Thế Hy xem là nguồn mạch chính của sáng tác. Nỗi đau của đám đông thầm lặng không được giải phẩu bằng con dao tử tế của nhà văn đã vĩnh viễn làm cho ông tự hỏi phải chăng ông đang lần dò từng bước trong bóng đêm rách nát niềm tin bởi tiếng đập yếu đuối của một mình ông trước cánh cửa dày cộp phớt lờ mà ông là thành viên trong số đông nhà văn Việt Nam xếp hàng trước nó.

Đập mãi không thấy cánh cửa vô tâm nhúc nhích thế là ông lẳng lặng từ bỏ cuộc chơi chữ nghĩa và đặt cho sự lánh mặt này là “đi chỗ khác chơi”. Cái chỗ khác ấy chưa chắc làm cho ông thanh thản hơn nhưng có lẽ sẽ giúp ông trong sáng hơn dưới cái nhìn của người yêu mến nhà văn. Nhà thơ Lý Đợi cho biết nhận xét của anh về nhà văn khi trở về với quê hương Bến Tre sau một quảng đời nổi trôi theo chân cách mạng:

Tập thơ Đắng và Ngọt của tác giả Trang Thế Hy. Hình do Nhà thơ Lý Đợi cung cấp.
Tập thơ Đắng và Ngọt của tác giả Trang Thế Hy. Hình do Nhà thơ Lý Đợi cung cấp.

“Ông Trang Thế Hy nói theo ngôn ngữ trong nước thì đó là một nhà văn giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Từ cuối những năm 50 ông đã là người hoạt động tranh đấu ở miền Nam vì lý tưởng cách mạng của ông ta. Nhưng cũng từ rất sớm, từ năm 1983 trở về sau này thì hầu như Trang Thế Hy không viết gì nữa và từ năm 92 ông lui về sống ở quê nhà một cách lặng lẽ âm thầm đọc sách. Đôi khi nhớ nghề quá thì dịch một hai bài thơ và không sáng tác nữa. Ông từ chối rất nhiều cơ hội cũng như địa vị mà chế độ, nhà nước trao cho ông ta. Ông nói “mình đi chỗ khác chơi” vì thấy sự chơi của mình ở chỗ sáng sủa nơi đại chúng không còn muốn chơi nữa nên ông đi chỗ khác chơi. Câu nói nổi tiếng nhất mà có nhiều suy diễn của ông có lẽ cũng làm cho cuộc đồi ông lận đận nhất. Ông ta nói: “Cái gì mình không yêu mến hay chưa kịp yêu mến thì đừng giả bộ yêu nó” Ông vì câu nói này mà bị chụp mũ rất nhiều.

Ông khác với các nhà văn khác khi bày tỏ thái độ của mình ra một cách cụ thể rõ ràng vì lý tưởng tuổi trẻ có lẽ lớn lao và là lý tưởng thật. Ông như ngậm đắng nuốt cay vào lòng và sống lặng lẽ. Ông có một tập thơ rất nổi tiếng có tên Đăng và ngọt. Trong đó không có nhiều bài nhưng phần đắng lại nhiều hơn phần ngọt. Trong đó ông nói nhiều về lý tưởng bị phản bội. Về những thất vọng của ông. Về cuộc đời thì có tập truyện ngắn Vết thương thứ 13 viết năm 1989 hay “Nợ nước mắt” xuất bản sau này nói về nỗi thất vọng. Ông nói chúng ta đã nợ nước mắt, nợ xương máu những người đã nằm xuống bây giờ người ta vì đồng tiền, người ta vì nhiều thứ. Nói chung ông là nhà văn của lặng lẽ và thất vọng nên tất cả các chủ đề của ông đều xoay quanh chuyện đó. Có nghĩa là ông có nỗi niềm thất vọng rất lâu dài và ông viết về điều đó nhưng rất kín đáo và ẩn dụ chứ không như các nhà văn khác bày tỏ thẳng thừng.”

Phương pháp ẩn dụ mà Trang Thế Hy dùng phải chăng để lách chiếc kéo kiểm duyệt và thậm chí lách các quan chức tuyên giáo khi hai chữ “nhạy cảm” tràn lan khắp xã hội? Nhà thơ Lý Đợi chia sẻ về câu hỏi này:

“Cả hai anh ạ, đầu tiên ông là nhà văn theo chủ nghĩa ẩn dụ và viết văn theo nghệ thuật tu từ. Có nghĩa đối với ông làm văn chương là làm giàu cho ngôn ngữ và bổ xung cho ngôn ngữ của dân tộc giàu đẹp hơn. Ông ta là một nhà văn theo trường phái tu từ có lẽ do ảnh hưởng từ Nga, Pháp có nghĩa là phải bóng bẩy phải sạch sẽ câu kéo, đó là thứ nhất. Thứ hai ông là một nhà tranh đấu đã nếm trải chông gai thành ra chính có lẽ vì vậy mà sau này có vẻ e dè sợ sệt không muốn nói ra trực tiếp. Một phần ông cũng không muốn phản bội lại ý tưởng và ông nghĩ rằng văn chương không nói trực tiếp mà phải nói gián tiếp, phải nói ẩn dụ.”

Một nhà thơ hậu hiện đại

Tuy làm thơ rất ít ông lại tỏ ra khác xa các nhà thơ trẻ hơn ông rất nhiều. Ông không phải là một nhà thơ cách tân nhưng thơ ông lại có hơi hướm hậu hiện đại rất rõ nét. Ông tả chân xã hội bằng ngôn ngữ ẩn dụ với nhiều khuôn mặt khác nhau trong một chủ thể đồng nhất. Người đọc ông biết nhiều về bài thơ “Đắng và ngọt” được sáng tác rất sớm vào đầu thập niên sáu mươi, ba mươi hai năm sau bài thơ “Tấm vé số và những thiên đường có sẵn” sẽ làm cho người đọc ngạc nhiên hơn khi đã từng đọc Đắng và Ngọt.

“Người không mua vé số chỉ bò thôi, không nhảy

còn người mua vé số dám nhảy

là vì tờ vé số hứa rằng người dám nhảy, khi té lộn nhào, không chết, chỉ hơi đau(*).

Chàng không sợ đau

nhưng không ham những thiên đường có sẵn trên cao,

muốn xây tổ ấm khiêm nhường nơi mặt bằng cuộc sống,

cho nên chàng không nhảy, chỉ bò thôi.

Nàng đã quen nhìn lên, không bao giờ nhìn xuống

làm sao thấy được chàng trong số những người bò?

1991

(*) Ý của Lỗ tấn trong tạp văn Bò và nhảy, bản dịch của Phan Khôi.

Ngoài tác phẩm văn chương thì đó là vấn đề thuộc tư cách, đặc biệt là qua bài thơ Quán bên đường do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thì rõ ràng tôi thấy ông ấy là một con người rất trung thực trong cuộc sống.
-Nhà văn Nguyễn Viện

Có lẽ hành động ở ẩn của một nhà văn đã làm ông có thêm một cái tên mới, nếu không muốn nói là một nhân xưng mới: “Người hiền của văn học Nam Bộ”. Nguyên Ngọc nhìn ra cái hồn cốt của sự ở ẩn này không phải là chạy trốn vì chán nản mà vì nhà văn không muốn bị vấy bẩn bởi những vết nhơ từ môi trường sáng tác. “Người hiền” như Nguyên Ngọc nói không còn mấy ai trong dòng cuồng lưu hào nhoáng và giả dối trong văn học, có lẽ chỉ Trang Thế Hy là vượt được chính mình khi ông có thừa tài năng và kinh nghiệm về nền văn học hiện thực xã hội đang hấp hối.

Ông là một nhà văn hiếm hoi khi từ bỏ thế giới văn chương vẫn được bạn nghề yêu mến. Yêu văn tài và cách sống của một “người hiền” của ông. Nhà văn Nguyễn Viện kể lại sự quan sát về hiện tượng này:

“Qua những việc như một số bạn bè tôi thường xuyên mỗi năm tổ chức một chuyến đi về Bến Tre để thăm ổng, thường là một hoặc hai lần trong một năm. Tôi nghĩ đây là một câu chuyện hiếm hoi khi đến thăm một nhà văn xa thành phố thì có lẽ bản thân ông phải được người ta kính trọng. Ngoài tác phẩm văn chương thì đó là vấn đề thuộc tư cách, đặc biệt là qua bài thơ Quán bên đường do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thì rõ ràng tôi thấy ông ấy là một con người rất trung thực trong cuộc sống. Với vai trò chiến đấu với cuộc sống ông không tô vẽ gì về sứ mạng văn nghệ. Tôi nghĩ rằng đó là cái đáng quý nhất mà ông Trang Thế Hy còn giữ được sau bao nhiêu năm phục vụ trong chế độ mà chúng ta gọi là Xã hội chủ nghĩa! Như chúng ta biết văn nghệ sĩ sống trong bối cảnh như vậy ít nhiều họ cũng đánh mất mình.”

Đắng Và Ngọt

Ngày xưa hồi còn thơ

Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ

Tôi cùng em hai đứa

Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa.

Tóc em chừa bánh bèo

Môi chưa hồng, da mét: (con nhà nghèo !)

Đầu tôi còn hớt trọc

Khét nắng hôi trâu, thèm đi học

Em cầm một củ khoai

Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai

Thứ khoai sùng lượm mót

Mà sao nó ngọt thôi là ngọt.

 

Bây giờ giữa đường đời

Kỷ niệm ngày xưa mù khơi

Gặp nhau chiều mưa lạnh

Hai đứa đều sang trong bộ cánh

Dung nhan em còn tươi

Anh mừng tưởng đâu đời em vui.

Dè đâu đây là quán

Em bẹo hình hài rao lên bán !

Đang thời đông khách mua

Chợ thịt còn sung được vài mùa.

Nghe nói anh cầm viết

Nghệ thuật là gì em muốn biết.

- "Mùi hôi nói mùi thơm

Cây bút cầm tay : cần câu cơm

Đó em ơi ! Nghệ thuật :

Nhắm mắt quay lưng chào sự thật."

Rồi đôi ta nhìn nhau

Không có ai đánh mà lòng đau

Em mời ăn bánh ngọt

Nhắc củ khoai sùng mình lượm mót

Đường bánh tươm vàng mơ

Như nắng chiều xưa khoe màu tơ

Mới cầm tay chưa cắn

Mà sao nó đắng thôi là đắng !

 

Xin anh một nụ cười

- Cười là sao nhỉ ? Quên rồi !

Xin em chút nước mắt

- Mạch lệ em từ lâu đã tắt !

Hỏi nhau : buồn hay vui ?

- Biết đâu ? Ta cùng hỏi cuộc đời.

Trang Thế Hy

1959

(Phạm Duy phổ nhạc với tên mới Quán Bên Đường)

Nhà xuất bản Trẻ có lẽ là nơi thấy được cái lõi quý giá từ các tác phẩm của Trang Thế Hy khi mua tất cả các tác phẩm của ông để được độc quyền khai thác. “Đắng và ngọt” được NXB Trẻ ấn hành bản song ngữ trước khi nhà văn qua đời có lẽ là một an ủi cho ông, an ủi một tài năng, một nhân cách và nhất là một bóng dáng văn học đặc trưng của miền Nam mang trong lòng nỗi đau đồng bào như con cò bay mãi không cõng được nắng trên lưng* bay qua dòng sông Hàm Luông của quê hương Bến Tre thân thiết….

(*) Lấy ý của câu “một đàn cò trắng, khiêng nắng sang sông” thơ Trần Đăng Khoa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.