Talawas đóng cửa, “bữa cà phê sáng mất ngon!”

Diễn đàn Talawas trên Internet vừa ra thông báo tạm đóng cửa và có thể tái xuất hiện vào trung tuần tháng Ba sang năm.
Thiện Giao, phóng viên RFA
2008.11.07
talawas-closing-305.jpg Thông báo "tạm biệt và hẹn gặp lại” của talawas.
RFA PHOTO

Nhiều người cho rằng, họ cảm thấy bị “shock” trước tin này, và rằng, từ nay “bữa ăn sáng tinh thần của văn nghệ sĩ trong nước không còn đầy đủ như trước đây.”

‘Shock’ ngỡ ngàng

Bản tin ngày 3 tháng 11 năm 2008 trên Talawas, với nội dung “tạm biệt và hẹn gặp lại” đã tạo nhiều cảm xúc và sự ngỡ ngàng nơi độc giả, cả trong và ngoài nước.

Trang web Talawas, được thành lập cách đây 7 năm và đóng vai trò diễn đàn đa chiều cho các khuynh hướng sáng tác, cho biết sẽ tạm đóng cửa từ ngày 3 tháng 11, đồng thời hứa hẹn sẽ tái xuất hiện vào trung tuần tháng Ba sang năm.

Đối với nhiều tác giả, chẳng hạn nhà thơ Trần Tiến Dũng từ Sài Gòn, thì việc Talawas đóng cửa, hay tạm đóng cửa, là một tin buồn, “bất ngờ nhưng không ngạc nhiên.”

Đây là trang web văn học, chính trị, nghệ thuật rất tốt, thu hút nhiều người, nhiều giới trong nước quan tâm. Nay tự nhiên đóng cửa...

Trần Tiến Dũng, Sài Gòn

“Thực ra, tôi rất lấy làm khó tin về chuyện này. Đây là trang web văn học, chính trị, nghệ thuật rất tốt, thu hút nhiều người, nhiều giới trong nước quan tâm. Nay tự nhiên đóng cửa thì tôi không tin. Tôi chia sẻ với Nguyễn Viện, Trịnh Cung. Họ cũng nói là khó tin.”

Nhà thơ Trần Tiến Dũng nói rằng:  “Trước đây nhiều lần cũng có tin  là Talawas sẽ đóng cửa hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động, nhưng không có điều gì xảy ra. Lần này, mãi đến ngày 2 tháng 11 thì rất nhiều người nhận được email của nhà văn Phạm Thị Hoài báo tin này.”

“Điều này là một bất ngờ cho giới văn nghệ sĩ trong nước. Bất ngờ nhưng không ngạc nhiên, vì thời điểm này, một chuyện như vậy khiến người ta hụt hẫng. Trong bối cảnh hiện nay, trên mạng cũng như báo in, có một sự sụt giảm, một sự đi xuống, một sự co rúm trước nhiều áp lực… Vậy mà nay Talawas đóng cửa thì đó là bất ngờ. Đối với một số khác thì đó là nỗi buồn.”

Talawas, cùng một số website khác ở hải ngoại, như Tiền Vệ, Da Màu, đã trở thành điểm tựa đáng tin cậy cho các tác phẩm “ngoài luồng,” hoặc “vỉa hè” từ trong nước được phổ biến ra hải ngoại.

Talawas cũng là nơi tái hiện “mảng văn học 20 năm của một nửa Việt Nam có tự do trước 1975,” theo lời nhà văn, nhà báo Phạm Xuân Đài từ California:

“Talawas là một diễn đàn rộng rãi, đưa nhiều tư liệu quá khứ rất khó tìm, lên Internet. Ngoài những sáng tác mới, là diễn đàn hiện đại cho tác giả trong và ngoài nước, Talawas đã làm được việc có ý nghĩa, là đào xới trong quá khứ, đưa ra những tác phẩm khó tìm được vào thời điểm này.”

Ông Phạm Xuân Đài nói rằng, các sự kiện quan trọng trong quá khứ, chẳng hạn vụ Nhân Văn Giai Phẩm, đã được tái hiện đầy đủ trên Talawas khi diễn đàn này cho đăng các tác phẩm của Nhân Văn Giai Phẩm và cả các bài viết công kích, từng đăng trên các báo và tạp chí tại Hà Nội hồi thập niên 1950.

Talawas là một diễn đàn rộng rãi, đưa nhiều tư liệu quá khứ rất khó tìm, lên Internet. Ngoài những sáng tác mới, là diễn đàn hiện đại cho tác giả trong và ngoài nước.

Phạm Xuân Đài, Cali

Lý do ???

Bên cạnh cảm giác hụt hẫng với lời chia tay của Talawas, một số người cho biết họ cảm nhận một “cảm giác không rõ ràng” đối với sự việc.

Một nhà báo Việt Nam nói rằng, bức thư ngỏ “nhiều thông tin quá; bao gồm thông báo đóng cửa, thông báo sẽ mở cửa, và một ít lời lẽ có vẻ lên án.”

Bức thư có đoạn, [Talawas] ghi nhận tác động của các cơ quan và cá nhân trong bộ máy chỉ đạo, kiểm soát và trấn áp tư tưởng - văn hoá của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam... những biện pháp gây áp lực đối với những người tham gia Talawas tại Việt Nam, mà gần đây nhất là những vụ thẩm vấn nhiều ngày liên tục, do ngành an ninh tiến hành, đã góp phần giúp Talawas giữ nóng lí tưởng về một công luận độc lập, điều mà sớm hay muộn nhất định sẽ trở thành bộ phận không thể thiếu trong xã hội Việt Nam hiện đại.”

Một nhà báo Việt Nam nhận định, anh không cảm nhận rõ ràng, phải chăng “áp lực của chính quyền là lý do chính yếu đưa đến việc tạm đóng cửa.”

Bữa cà phê sáng mất ngon!

Lui lại thời điểm 7 năm trước, khi Talawas chào đời. Nhà thơ Trần Tiến Dũng từ Sài Gòn nói rằng, “Talawas đã xuất hiện đúng vào lúc cần thiết.”

“Talawas đưa ra con số 7 năm hoạt động. Hãy lui lại 7 năm trước. Vào thời điểm ấy, trong bối cảnh ngột ngạt, bức bách nói chung, toàn bộ các cổng thông tin, các thế loại văn học, chính trị, nghệ thuật, vân vân, đều phải qua kiểm duyệt cả. Tất cả đều bị kiểm soát bởi một sức nặng rất lớn, hầu như không có lối thoát, hầu như không có tự do. Trong bối cảnh ấy, Talawas, cũng như Tiền Vệ, xuất hiện.”

Những vụ thẩm vấn nhiều ngày liên tục, do ngành an ninh tiến hành, đã góp phần giúp Talawas giữ nóng lí tưởng về một công luận độc lập, điều mà sớm hay muộn nhất định sẽ trở thành bộ phận không thể thiếu trong xã hội Việt Nam hiện đại.

trích Thư Ngỏ của talawas

Nhà báo Phạm Xuân Đài nói rằng, cho đến nay, đã có 95 tác phẩm của miền Nam trước 1975, dưới nhiều thể loại, như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ…, được đưa lên Talawas. Tuy nhiên.

“Có thể vì phương tiện, và vì sự sưu tầm chưa đầy đủ, tôi lấy làm tiếc là một số tác giả tiêu biểu của miền Nam, như Võ Phiến, Doãn Quốc Sĩ, chưa có tác phẩm trên Talawas. Các tác giả khác như Phạm Công Thiện, Nhất Linh, Nguyên Sa, Nhã Ca, Thanh Tâm Tuyền, thì đã xuất hiện trên Talawas rồi.”

Nhà thơ Trần Tiến Dũng nhận định, Talawas cùng các trang web từ nước ngoài đã góp phần “tạo nên một mặt bằng thông tin mới, đối lập với hệ thống thông tin nhà nước.”

Anh nói, rằng việc đóng cửa Talawas “có thể là vì lý do riêng của ban biên tập,” nhưng, cho đến khi trang web này mở cửa lại, thì “bữa ăn sáng tinh thần của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, trở nên không còn đầy đủ.”


Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.