Mưa Thu

“Con thuyền không bến” nhạc sĩ Phạm Đức Thành trình bày ...

0:00 / 0:00
dang-the-phong-200.jpg
Cố nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Photo courtesy of Wikipedia.

Mùa Thu năm nay, mưa nhiều ở vùng Hoa Thịnh Đốn.

Cái thứ mưa phùn lê thê suốt ngày đêm, có khi cả tuần. Các đôi tình nhân chia nhau chiếc dù, lấy cớ để đi sát vào nhau hơn, chứ thực ra không che dù cũng được. Đi dạo dưới làn mưa này, ta để cho những hạt nước li ti vương trên tóc và đậu nhẹ trên vai áo. Lá úa rơi rụng khắp chốn nhưng không xào xạc dưới chân như mọi khi vì chúng đẫm ướt.

Người Mỹ đâu có mưa Ngâu mà sao khung cảnh u sầu thế này nhỉ. Đã 12 năm ở đây, Thy Nga chưa thấy mùa Thu nào ướt át như vầy, và nghe như âm thanh bài “Giọt mưa Thu” dâng lên nhè nhẹ trong tâm hồn.

“Giọt mưa Thu” qua “giọng ca liêu trai” của Thanh Thúy ...

Tài hoa yểu mệnh

Nhạc và lời bài này buồn não nuột, vậy mà do một chàng trai mới ngoài hai mươi tuổi viết. Ở cái tuổi quá trẻ ấy, tình cảnh tác giả Đặng Thế Phong ra sao mà lại mang những suy tư sâu xa về dương thế, như vậy?

Theo các tài liệu thì cuộc sống của ông không được may mắn là mấy. Cha mất sớm, gia đình túng thiếu, tuy nhiên do say mê nghệ thuật, ông lên Hà Nội thi vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Tấm tranh dự thi, ông vẽ một thân cây cụt, không có ngọn. Vị giáo sư người Pháp chấm bài, khen là tranh vẽ rất đẹp, nhưng e rằng người vẽ sẽ đoản mệnh.

Quả đúng vậy, Đặng Thế Phong mất khi mới 24 tuổi. Chỉ ở cõi trần một quãng thời gian ngắn ngủi, ông để lại cho đời ba nhạc bản bất hủ: “Đêm Thu”, “Con thuyền không bến” và “Giọt mưa Thu”. Ba bài đều viết về mùa Thu, có lẽ cái mùa đẹp não nùng ấy mới thích hợp với tâm hồn ông.

"Đêm Thu” Bích Liên hát ...

Mối tình chung thủy

Tài hoa yểu mệnh ... nhưng có lẽ, để đền bù, ông Trời đã ban cho Đặng Thế Phong một mối tình chung thủy thật đẹp. Theo tư liệu của Lê Hoàng Long thì khi còn ở quê nhà tại Nam Định, Đặng Thế Phong đem lòng yêu một thiếu nữ buôn bán tại ngôi chợ của thành phố này. Tuy không đẹp nhưng cô rất có duyên. Cô Tuyết cũng đáp lại, và yêu Phong, cô từ chối đám mai mối cho một anh thông phán có tiền, có địa vị.

Mối tình của Phong - Tuyết, trai tài - gái đảm làm cho mọi người quý mến.

Năm 1940, Phong phải lên Bắc Giang ít ngày. Khi nhận được thư của cô Tuyết nói cô bị ốm thì ông bồi hồi, thao thức. Và trên chiếc thuyền trên con sông Thương nước chảy đôi dòng, Đặng Thế Phong viết nhạc bản “Con thuyền không bến”.

“Con thuyền không bến” qua giọng hát Ngọc Hạ ...

Phong rút ngắn thời gian ở Bắc Giang để 2 hôm sau, trở về Nam Định. Tới thăm người yêu, Phong ghé sát tai cô, hát nhẹ bài “Con thuyền không bến” do nhớ thương mà viết nên. Sau đó, Phong chỉ cho phổ biến nhạc bản này trong giới thanh niên tỉnh nhà (Nam Định) nhưng rồi, bài hát được biết đến nhiều nên có người từ Hà Nội mời ông lên trình bày tại rạp Olympia. Buổi hôm ấy, Đặng Thế Phong rất xúc động vì cô Tuyết ngồi ở ngay hàng ghế đầu, cô đã bỏ một ngày chợ để lên Hà Nội nghe Phong hát bản nhạc làm ra vì mình.

nhạc “Con thuyền không bến” ...

Rồi thì, Đặng Thế Phong mắc bệnh lao. Dù rằng ông dấu nhưng cô Tuyết biết được. Thời đó, thuốc chữa lao hiếm và đắt, Phong lại nghèo quá. Cô Tuyết âm thầm giúp người yêu bằng cách nhờ y sĩ mua thuốc và nói là thuốc của nhà thương để đưa cho Phong. Cô rất tế nhị và khôn khéo nên Phong không biết chuyện này. Cô cũng không ngại bị lây bệnh mà thường xuyên đến chăm sóc người yêu.

Bệnh ngày càng trầm trọng, Phong buồn cho số phận mình, buồn cho mối tình không có tương lai. Trong tình trạng đó, một hôm tiếng mưa rơi gây nhạc hứng để Phong gượng ngồi dậy, viết một mạch và đề tựa cho sáng tác này là

“Vạn cổ sầu”. Khi người chú họ về, Phong ôm đàn, hát cho chú nghe thì ông này khen là nhạc bản thật hay nhưng tên bài bi thảm quá. Vì thế, Phong đổi tên bài thành “Giọt mưa Thu”.

Ít lâu sau, Đặng Thế Phong qua đời (năm 1942). Cô Tuyết xin phép hai bên gia đình cho được mặc đại tang, như người vợ trong tang lễ của chồng.

Theo tư liệu của Lê Hoàng Long thì vào năm 1960 ở Saigon, một thiếu phụ tìm đến ông sau khi đọc thấy ông sắp xuất bản cuốn viết về 5 nhạc sĩ danh tiếng, trong đó có Đặng Thế Phong.

Bà tự giới thiệu tên là Tuyết và nói rằng khi di cư vào Nam, hình ảnh bị thất lạc vì vậy, bà xin mượn tấm ảnh của cố nhạc sĩ, đưa chụp lại để về thờ.

Khi ra về, bà Tuyết nói với ông Lê Hoàng Long câu sau đây mà tới giờ, ông vẫn còn nhớ:

“Cho đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau, tôi tôn thờ anh Phong, và đời tôi luôn luôn thương nhớ anh ấy với tất cả cái gì trân trọng nhất”.

nhạc “Con thuyền không bến”