Đoàn Phượng ca Dân ca Quốc nhạc

Do hoàn cảnh đất nước mà hàng triệu đồng bào phải đành đoạn rời quê hương, ra hải ngoại định cư. Sống trên xứ người nhưng họ vẫn cố gắng giữ gìn văn hóa dân tộc để di sản của tổ tiên không bị mai một theo thời gian.
Thy Nga, phóng viên RFA
2010.09.27
Đoàn Phượng ca Dân ca Quốc nhạc. Đoàn Phượng ca Dân ca Quốc nhạc.
Hình do GS Oanh cung cấp

Riêng về lãnh vực âm nhạc, trong mục này, Thy Nga đã có dịp thuật lại cùng quý vị sinh hoạt của một số nhóm, đoàn, hay các cá nhân đang tiếp tục công cuộc bảo tồn, không những thế, còn phát huy nhạc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Bảo tồn, phát huy nhạc Việt

Chương trình kỳ này, Thy Nga xin giới thiệu đoàn Phượng Ca và người thành lập đoàn là giáo sư Đỗ Thị Phương Oanh.

Phượng Ca thành lập từ năm 1969, lúc đầu có tôi là cô giáo chính với ba nhạc sinh của tôi ở Nhạc Viện Sài Gòn đã tốt nghiệp, phụ dạy. Số học viên thì có khoảng 100 người.

GS Phương Oanh

“Hoa thơm bướm lượn” tiếng đàn tranh của đoàn Phượng Ca, cùng với tiếng hát của cô giáo Phương Oanh … Hồi còn ở Saigon, Phương Oanh sinh hoạt trong phong trào Về Nguồn cùng với các đoàn Du Ca, Hoa Sim, …

Là giáo sư tại Nhạc Viện Quốc gia Cao đẳng Saigon, chị đã cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Phạm Duy đưa nhạc dân tộc vào học đường, đại học. Ngoài ra, Phương Oanh cũng cộng tác với các đài phát thanh, truyền hình.

Năm 1969, giáo sư Phương Oanh thành lập trường Phượng Ca Dân ca Quốc nhạc tại Saigon.

Biến cố tháng Tư 1975 khiến công cuộc dạy nhạc của chị bị gián đoạn nhưng ngay năm sau đó, bên trời Tây, Phương Oanh bắt tay vào việc xây dựng lại Phượng Ca, phát triển đồng thời cải tiến (theo thời đại, cách tân là điều cần và không thể tránh. Thêm nữa, cùng với thời gian, có sự tiến triển trong cách sử dụng nhạc cụ; và ở hải ngoại, thường xuyên có sự chung đụng với các nền âm nhạc khác).

Giáo sư Đỗ Thị Phương Oanh và đoàn Phượng Ca. Hình do GS Oanh cung cấp.
Giáo sư Đỗ Thị Phương Oanh và đoàn Phượng Ca. Hình do GS Oanh cung cấp.
Giáo dục âm nhạc dân tộc Việt Nam cho giới trẻ là con đường mà Phương Oanh chọn để đi từ 47 năm nay. Công cuộc này đem lại cho chị niềm vui tinh thần, cùng với Huân chương vàng của Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Á châu (năm 1988), Huân chương Công trạng Hoa Kỳ trao tặng (năm 94). Liên đoàn Phụ nữ Âu châu, và Cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Pháp cũng vinh danh giáo sư Đỗ thị Phương Oanh về công cuộc đó.

Thy Nga hỏi chuyện giáo sư Phương Oanh về hành trình của Phượng Ca, và được chị cho biết:

GS Phương Oanh: “Phượng Ca thành lập từ năm 1969, lúc đầu có tôi là cô giáo chính với ba nhạc sinh của tôi ở Nhạc Viện Sài Gòn đã tốt nghiệp, phụ dạy. Số học viên thì có khoảng 100 người.

Phượng Ca được thành lập với mục đích bảo tồn, phát huy và phổ biến dân ca, dân nhạc Việt Nam đến mọi lứa tuổi. Làm cách nào để cho mọi người có thể đàn được cây đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu… và có thể hát được những bài dân ca phổ thông của Việt Nam. 

Năm 1978, Phượng Ca được tái lập ở bên Pháp, có rất nhiều sinh viên Việt Nam và sinh viên Pháp đến học.   

Tôi thi và có bằng giáo sư quốc gia Pháp về âm nhạc dân tộc. Nhờ đó, âm nhạc dân tộc Việt Nam được công nhận bởi Bộ Văn Hóa Pháp, và chương trình học của trường nhạc Phượng Ca được Bộ Văn Hóa Giáo Dục Pháp công nhận, thành ra mình được có mặt trong những chương trình văn hóa giao lưu về âm nhạc ở Pháp. Và những chương trình rất đặc biệt trong các nhạc viện, bảo tàng viện của Pháp tổ chức về Á châu thì họ mời Phượng Ca trình diễn.

Đến năm 2000 thì một nhạc viện ở Antony (phía Nam Paris) mở môn đàn tranh nữa, như vậy là ở Paris có hai nhạc viện có dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam.”

Đào tạo mọi thế hệ

Phượng Ca được thành lập với mục đích bảo tồn, phát huy và phổ biến dân ca, dân nhạc Việt Nam đến mọi lứa tuổi.

GS Phương Oanh

Giáo sư Phương Oanh cho biết tiếp là các trường do Chị dạy, nhận trẻ từ 2 tuổi rưỡi. 6 tuổi thì vào chương trình nhạc viện. Người cao niên nhất đến học, là ngoài bảy chục tuổi.

Dạy các nhạc cụ truyền thống Việt Nam như đàn tranh, tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu, đàn T’rưng, … có phương pháp cho tuổi nào cũng có thể chơi được nhạc cụ, và hát các bài dân ca Việt Nam.

Về trình diễn thì đoàn Phượng Ca đã đi khắp nơi ở Âu châu, sang Hoa Kỳ, qua Trung Phi, tới Tòa Thánh Vatican nữa. Hình ảnh gây ấn tượng cho người ngoại quốc cũng như gợi cảm xúc nơi đồng hương mình khi thấy sân khấu toàn màu vàng rực sáng của khăn áo mấy chục nữ nhạc công Việt ngồi gảy đàn tranh.   

Thy Nga: Những chuyến đi trình diễn, chắc có chuyện hay lạ, xin Chị thuật lại.

GS Phương Oanh: “Phượng Ca đã đến dự buổi trình diễn đặc biệt tại Hòa Lan đàn chung với những nghệ sĩ nhạc cổ truyền khác trên Théâtre Royal (sân khấu Hoàng Cung). Mình cũng đã lôi cuốn được những nghệ sĩ trẻ của các hội bạn tập cây đàn của mình hoặc là họ đàn cây đàn của họ mà cùng đàn chung với mình trong dàn nhạc; hay là mình hướng dẫn mấy ngàn người hát bài dân ca Việt Nam, ngắn thôi, thì họ có thể hát theo với mình.

Đó là điểm đặc biệt của Phượng Ca khi đi trình diễn các buổi hòa nhạc có tính cách thế giới.

Giáo sư Đỗ Thị Phương Oanh đang chỉ huy đoàn Phượng Ca. Hình do GS Oanh cung cấp.
Giáo sư Đỗ Thị Phương Oanh đang điều khiển đoàn Phượng Ca. Hình do GS Oanh cung cấp.
Mới đây thì có chương trình giới thiệu về Trà đạo các nước Á châu. Bên cạnh với cây đàn tranh của mình thì Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa đã làm với mình cái chương trình đó cho thành phố Paris. Trước khi nghỉ hè thì mình tham gia một buổi gọi là giao lưu các cây đàn trong gia đình của đàn tranh.”

Thy Nga: Tình trạng hiện nay của đoàn như thế nào ạ?

GS Phương Oanh: “Phượng Ca vẫn tiếp tục tiến, nhất là mình có được 10 cô tốt nghiệp nhạc viện Pháp về đàn tranh. Trong số 10 cô đó, có các em có khả năng đi về ngành giáo dục thì mình giúp để họ có thể mở được lớp nhạc.

Mình có ba cô giáo tốt nghiệp về đàn tranh, mở ba chi nhánh tại địa phương nơi họ cư ngụ. Các cô này đang chuẩn bị thi bằng giáo sư quốc gia Pháp về âm nhạc dân tộc (như mình trước đây). Trong tương lai, khi mình về hưu thì các em phải có bằng này để thế chỗ mình trong các nhạc viện mình đang dạy.”        

Thy Nga: Và hướng tới thì sao ạ?

GS Phương Oanh: “Mình rất mong muốn các em có biệt tài về chuyên môn, họ sẽ tiến tới xa hơn, đi mạnh hơn mình, tại vì nếu không tạo được chỗ đứng của mình trong xã hội văn hóa thì mình không thể nào giới thiệu được nghệ thuật văn hóa của Việt Nam đến với người địa phương, hay người ngoại quốc.

Hồi trước, đàn tranh mình chỉ chơi nhạc cổ truyền của mình. Sau 1975 trở đi thì nó phát động ra phong trào chơi nhạc mới, nhạc hiện đại. Mình muốn sự hội nhập của cây đàn tranh vào môi trường nhạc cụ thế giới, đến với mọi người nhưng đừng bị lai căng và phải giữ được bản sắc dân tộc. Đó là hướng tới của Phượng Ca cũng như ý của mình cho các cô giáo, hoặc những nhạc sĩ tương lai do Phượng Ca đào tạo.”  

Thy Nga: Tiếng đàn tranh của bài “Lưu thủy” kết thúc chương trình giới thiệu về đoàn Phượng Ca… Thy Nga thân mến chào quý vị.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
12/04/2014 11:32

Xin chuc mung Dan ca quoc nhac Phuong Oanh van phat huy van hoa Dan toc. SQ/HQ.Thuyanh