Làng ca nhạc Việt sau 35 năm tại hải ngoại (Phần 2)

Tạp chí âm nhạc cuối tuần tiếp tục câu chuyện trao đổi với nghệ sĩ Nam Lộc, về chuyện các trung tâm băng nhạc tại hải ngoại đều ta thán về nạn sang băng lậu.
Thy Nga, phóng viên RFA
2010.05.03
Nhạc sĩ Nam Lộc tại buổi nhận giải thưởng "Lifetime Achievement Award" do Hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt tức Vietnamese American Heritage Foundation (VAHF) trao tặng hồi năm 2007 tại Texas. Nhạc sĩ Nam Lộc tại buổi nhận giải thưởng "Lifetime Achievement Award" do Hội Bảo Tồn Lịch Sử Và Văn Hoá Người Mỹ Gốc Việt tức Vietnamese American Heritage Foundation (VAHF) trao tặng hồi năm 2007 tại Texas.
Photo courtesy of VAHF

Nạn băng đĩa lậu

Thy Nga: Là người dẫn chương trình của trung tâm Asia lâu nay, anh nghĩ thế nào về tệ nạn đó. Nạn sang băng lậu đe dọa ra sao tới sự sống còn của các trung tâm?

Nhạc sĩ Nam Lộc: Có thể nói rằng nếu không có những trung tâm ca nhạc thì tôi tin rằng cái nền văn hoá nghệ thuật của người Việt chúng ta cũng đã tàn lụi rồi. Nhất là giới trẻ bây giờ, họ cũng chẳng biết đó là những bài hát nào, tại sao lại sáng tác. Và rồi những ca khúc xưa, có ai giữ lại? Thành ra phải nói rằng các trung tâm ca nhạc của người Việt ở hải ngoại đã gián tiếp gìn giữ nền văn hoá nghệ thuật, cũng như ngôn ngữ Việt Nam.

Có thể nói rằng nếu không có những trung tâm ca nhạc thì tôi tin rằng cái nền văn hoá nghệ thuật của người Việt chúng ta cũng đã tàn lụi rồi.

Nhạc sĩ Nam Lộc

Nạn sang băng lậu đi bán để lấy tiền trên xương máu của  ca nhạc sĩ, là lưỡi dao đâm vào sau lưng sự sống của những trung tâm băng nhạc. Những trung tâm băng nhạc đã bị giảm sút rất nhiều, nhiều trung tâm phải đóng cửa, không hoạt động được. Bây giờ, đếm trên đầu ngón tay, chỉ còn vài trung tâm lớn, cố gắng để mà sống còn. Tôi sợ rằng một ngày nào đó, nếu các trung tâm băng nhạc bỏ cuộc thì có lẽ sẽ có những sự khai thác văn hoá nghệ thuật một cách bừa bãi của những người gọi là con buôn, hoặc là những kẻ tuyên truyền thì lúc đó, tôi cho rằng nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam không còn trung thực nữa.  

Thy Nga: “Mười năm tình cũ” Trần Quảng Nam viết vào năm 1985, là bài hát nổi tiếng trong một thời gian dài.

Cũng như Nam Lộc, giới ca nhạc sĩ đều mang nỗi khổ tâm vì nạn sang băng lậu. Và tình trạng đó ngày càng nặng nề, như lời ca sĩ Khánh Ly:

Ca sĩ Khánh Ly: Rất nhiều trung tâm sản xuất và ngay cả ca sĩ không đủ can đảm để giới thiệu thêm những bài mới mặc dù là trong tay những ca sĩ và cả Khánh Ly nữa, có rất nhiều nhạc mới của các nhạc sĩ mới, các nhạc sĩ cũ như Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng, Tuấn Khanh đều có hết nhưng mà không ai dám làm là bởi vì băng giả quá nhiều, CD giả, DVD cũng giả luôn.

Nữ ca sĩ Khánh Ly. Photo courtesy of khanhly.com
Nữ ca sĩ Khánh Ly. Photo courtesy of khanhly.com
Thành ra, nếu mà tình trạng này cứ kéo dài thì sẽ có lúc, chúng ta chỉ còn những loại nhạc thực tiễn, nó mất đi cái đẹp, mất sự lãng mạn, cái thơ mộng, mất cái tính nhân bản của nhạc Việt Nam vốn đã có. Không biết làm thế nào để mà yêu cầu, để mà xin với mọi người là đừng mua băng sang lại nữa. Nếu mà được như vậy, giới ca sĩ hải ngoại mới có đủ can đảm để thực hiện những tác phẩm của mình, và những nhạc sĩ mới được khuyến khích để tiếp tục sáng tác. Còn nếu như mà những lời kêu không thấy tăm hơi gì thì chừng 5, 10 năm nữa thôi, không có hy vọng gì chúng ta còn có các tác phẩm hay. 

Thy Nga: Khánh Ly vừa đi lưu diễn tại Úc hai tuần cho chương trình từ thiện giúp người nghèo và bệnh tật tại Việt Nam. Về còn rất mệt nhưng đã ưu ái trả lời các câu hỏi của Thy Nga. Cách nay vài năm, Khánh Ly có bài tùy bút viết về tình trạng ca nhạc trong và ngoài nước rất hay nên Thy Nga hỏi Chị về tình hình ca nhạc ở hải ngoại hiện nay:

Ca sĩ Khánh Ly: Sau 35 năm ở hải ngoại, những người lớn tuổi thì bớt đi nhưng ngược lại, những người trẻ, một số khá lớn bắt đầu thích nhạc Việt Nam nói chung và ca sĩ nói chung luôn. Rồi còn một lớp người từ Việt Nam qua, đủ mọi thứ diện hết, trong đó có du học sinh nữa. Họ tìm hiểu, họ nghe lại những bài hát mà ở trong nước họ không thể nghe được. Vả lại ở Việt Nam bây giờ, không phải là ai muốn phát thanh bài nào, nhạc của ai là được quyền tư do phát thanh, mà bị hạn chế.

Nữ nhạc sĩ sáng tác

Thy Nga: Một điểm mà Thy Nga nhận thấy là trước 1975, Việt Nam nói chung không có nữ nhạc sĩ sáng tác. Lẽ ra, nữ giới vốn có nhiều cảm xúc hơn nam giới để viết nhạc chứ. Ấy thế mà ra hải ngoại, mới có nữ nhạc sĩ sáng tác. Tuy nhiên chưa có là bao, theo Thy Nga biết thì có Nguyệt Ánh, Lê Tín Hương, Diệu Hương, Tú Minh, Ngọc Loan, Lê Khắc Thanh Túy, Thụy Mi, Jazzy Dạ Lam, Hồng Khắc Kim Mai cũng có vài bản nhạc, ... nên phone hỏi chuyện sáng tác nhạc của Diệu Hương.

Nhạc sĩ Diệu Hương: “Thưa Chị, khi Diệu Hương lớn lên thì Diệu Hương khám phá ra nơi mình có thể biểu lộ những ý nghĩ, nỗi niềm của mình  qua dòng nhạc. 

Diệu Hương viết nhạc từ hồi còn rất trẻ. Năm 1977, Diệu Hương đã viết được dòng nhạc đầu tiên. Lúc đó chỉ nghĩ là mình biểu hiện cái gì từ bên trong của mình, muốn viết thành ca khúc. Sau một thời gian, niềm đam mê càng lúc càng tăng và Diệu Hương rất muốn thực hiện cho riêng mình một cuốn CD, nghĩ rằng chỉ một cuốn CD để đời mà thôi. Chưa bao giờ Diệu Hương dám mơ ước có một ngày, được thính giả từ trong nước và hải ngoại đón nhận dòng nhạc của mình đến như vậy. Mình chỉ viết bằng những cảm xúc thật sự ở trong lòng, cho đến khi thực hiện được cuốn CD đầu tay, không ngờ rằng mình tìm được sự đồng cảm từ những người nghe nhạc của mình.”    

Nhạc sĩ Diệu Hương và CD khắc khoải của Chị. Photo courtesy of Diệu Hương.
Nhạc sĩ Diệu Hương và CD khắc khoải của Chị. Photo courtesy of Diệu Hương.
“Vì đó là em” sáng tác của Diệu Hương... Bài này phổ biến từ hải ngoại vào trong nước, phải nói là quá phổ biến tại Việt Nam.

Và điều không thể không nói đến khi bàn về ca hát, là chuyện ca nhạc sĩ trong nước ra hải ngoại, và ngược lại.

Theo giới nghệ sĩ am hiểu vấn đề thì giữa thập niên 1990, làn ranh bị phá vỡ tại San Jose, Bắc California khi các ca sĩ Mỹ Linh, Thu Phương, Phuơng Thanh được một tổ chức từ thiện mời qua Mỹ trình diễn.

Đường ngược lại, cũng khoảng thời gian đó, bắt đầu là nhạc sĩ Đức Huy và các ca sĩ Thảo My, Hương Lan về Việt Nam trình diễn trong chương trình do một công ty Úc tổ chức để quảng cáo cho kinh doanh của họ.

Các lý do mà ca nhạc sĩ trong nước ra hải ngoại, gồm có: để giao lưu, để đi cho biết đó biết đây, học hỏi (như Thu Minh, như Đức Trí tu nghiệp tại nhạc viện ở Boston, ...), để hợp tác với chuyên viên nước ngoài mà làm dĩa nhạc (như trường hợp Mỹ Linh), hay kết hôn với Việt Kiều để ở lại (như Bằng Kiều, Lam Trường, Trần Thu Hà, Quang Dũng, Thu Phương thì đi đi về về).

Ngược lại, một số ca nhạc sĩ hải ngoại về vì trong nước có nhiều khán thính giả hơn (do ở nước ngoài, người Việt không thể nhiều bằng, và mỗi tuần chỉ có 2,3 đêm sinh hoạt ca nhạc). Thế nhưng, trình diễn được vài lần thì người trong nước cũng không còn tò mò của lạ để tới xem nữa.

Nạn sang băng lậu đi bán để lấy tiền trên xương máu của  ca nhạc sĩ, là lưỡi dao đâm vào sau lưng sự sống của những trung tâm băng nhạc.

Nhạc sĩ Nam Lộc

Ca sĩ đã lớn tuổi về vài chuyến cho khán thính giả nhớ tên, ca sĩ trẻ (như Quỳnh Anh bên Âu châu, như Dương Triệu Vũ) thì để biết quê cha đất tổ. Mấy chuyến thôi, rất ít người ở lại. Elvis Phương là trường hợp thành công hi hữu: Sau khi mổ tim, Phương nghĩ rằng không còn gì hứa hẹn nên về quê nhà luôn. Dè đâu, bệnh tình ổn định, anh tập luyện giữ làn hơi, với lại vẫn còn ăn khách nên đi hát thường xuyên.

Nhạc sĩ Phạm Duy về cho những ngày cuối đời. Duy Quang sau khi tái hôn với ca sĩ trẻ trong nước thì ở Việt Nam luôn.

Vài ca sĩ khác thì về hát cho chương trình từ thiện nào đó (như Ý Lan chẳng hạn), hoặc do công ty nào đó mời (như Quỳnh Anh).

 “Khi tôi về” Phạm Duy phổ thơ Kim Tuấn. Ý Lan hát ...

Đến đây, chương trình xin tạm dừng, mời quý vị đón xem tiếp vào kỳ tới, Thy Nga kính chào quý vị.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.