Nhạc điệu Samba và bóng đá Brazil
2008.07.27

Trước sự
việc hiếm có như vậy, dân chúng nhiều người đã bất kể giá vé, gắng mua để được
dịp nhìn thấy tận mắt các cầu thủ mà mình hâm mộ lâu nay, xem tận mắt những đường
banh tuyệt vời của họ.
Thế nhưng không phải ai cũng mua được vé, thôi thì… những người này (đông lắm) đành xem trận đấu trên màn ảnh truyền hình vậy.
“Khúc hát Samba”, Quang Linh đang ca đến quý thính giả…
Sự oi bức giữa mùa Hè ở nước ta lại càng nóng thêm lên bởi nhiệt tình của những fan bóng đá. Bầu không khí trước trận cũng được các Mạnh thường quân hâm nóng với mức thưởng đưa ra, như công ty Dầu Khí Việt Nam công bố sẽ thưởng cho đội nhà 15 ngàn đô-la Mỹ nếu giữ lưới “trinh bạch” (như Huyền Vũ từng nói)
Hay ngược lại, sút được vào lưới đối phương. Nếu ghi được 2 bàn thì lãnh 25 ngàn đô. Cầu thủ nào ghi bàn, sẽ lãnh riêng 3 ngàn đô cho mỗi bàn thắng.
Những khích lệ cho đội nhà như thế, còn phía đội khách thì sao?
Một trong các danh thủ của họ, là Robinho bị chấn thương, không sang Việt Nam đá giao hữu, cũng như không tham gia Olympic
Bắc Kinh được. Đội Brazil cũng phải giữ sức để còn đi Bắc Kinh nữa tuy nhiên không vì vậy mà sự thu hút của họ kém đi, trước mắt những người Việt Nam ghiền bóng đá.
“Khúc Samba rộn ràng”, Nini Trang hát…
Những anh tài của làng banh thế giới
Chắc một
số quý vị đang thắc mắc là Bóng đá có liên quan gì đến âm nhạc mà Thy Nga nói
trong mục này nhỉ? Thưa có ạ, âm nhạc đã đi vào mọi sinh hoạt đời sống con
người. Về thể thao thì các trận đấu lớn, hay với tầm cỡ quốc tế, có tiết mục ca
hát lúc đầu và lúc nghỉ giải lao.
Riêng với đội tuyển Brazil thì
những đường banh ngoạn mục của họ được ví như vũ điệu Samba! Cầu thủ Brazil
di chuyển liên tục trên sân cỏ, tiến công với những đường chuyền ngắn gọn, và trước
khi mọi người có thể ngờ đến, họ sút trái banh một cách lẹ làng vào khung thành
đối phương.
Với kỹ năng đặc biệt ấy, đội Brazil từng đoạt 5 cúp, là nhiều cúp nhất của giải World Cup tới nay.
Còn nhớ tại World Cup 94, Romario đưa Brazil đến vinh quang, và được Liên Đoàn Bóng đá Quốc Tế FIFA chọn là “Cầu thủ thế giới năm 94”.
Năm 2002, cầu thủ Ronaldo ẵm giải “Chiếc Giày Vàng”;
Brazil vượt những đội Âu châu và Nam Mỹ để được xếp hạng nhất trên danh sách FIFA năm 2004, Ronaldinho được chọn là “Cầu thủ của năm 2004”. Trận chung kết Copa America năm ấy, vào 4 phút cuối cùng, Brazil vượt Argentina để chiếm giải. Qua 2005, Brazil còn đoạt nhiều giải khác nữa …
Celebration music …
Bóng đá và Samba
Có thể nói, môn Bóng đá đã ăn vào máu của người Brazil, chẳng khác gì nhạc vũ Samba.
“Một khúc ca xưa”, Hồ Lệ Thu và Nguyễn Hưng hát …
Samba được
nhiều người coi là nhạc vũ của Brazil,
nhưng truy ra thì có nguồn gốc từ Phi châu. Vào thế kỷ thứ 16, Brazil
rơi vào tay thực dân Bồ-Đào-Nha, họ đem người từ các xứ Tây Nam Phi châu sang
làm nô lệ. Hết thời nô lệ, qua nhiều đời, người da đen vẫn là thành phần thấp
kém trong xã hội Brazil.
Nghèo thì nghèo đấy tuy nhiên, sắc dân da đen dường như được Thượng Đế ban cho tài nhảy múa, ca hát và niềm vui sống để vượt qua khổ cực.
Nhạc điệu Samba vang lên tại những khu xóm của người da đen ở Rio de Janeiro từ đầu thế kỷ 20. Đến năm 1917 thì có bài thâu thanh “Pelo Telefone” …
Sự thành công rực rỡ của nhạc khúc này mở đường đưa Samba ra khỏi phạm vi các xóm nghèo; và từ thập niên 1930, phương tiện radio đã phổ biến rộng rãi cho Samba.
Sắc dân da đen có lệ là trước khi vào tuần chay, thì vui chơi tối đa (mở Carnival vào tháng Hai).
Phương
tiện kế đến là truyền hình đã đưa hình ảnh của Carnival Rio và nhạc điệu Samba
đi các nơi, làm cho mọi người không khỏi say mê. Dần dần, Carnival trở nên một
trong các điểm thu hút du khách khắp nơi đến Rio de Janeiro.
Trong lễ hội, cả ngàn ban nhạc nối tiếp nhau trình diễn trên đường phố. Những vũ công trang phục rực rỡ, đặc biệt là các cô thì gợi cảm vô cùng. Nữ giới Nam Mỹ vốn có thân hình bốc lửa, bộ đồ vũ lại “mát mẻ” làm mê mẩn người xem, nhất là các ông.
Từ Samba ra nhiều biến thể, chẳng hạn như Bossa Nova. Nhạc điệu này dịu dàng hơn, mang chút ảnh hưởng nhạc Jazz của Mỹ, và có lời hát lãng mạn. Một nhạc bản theo điệu Bossa Nova mà nhiều người biết, là “The girl from Ipanema”.
Ipanema
là tên một vùng ở Rio de Janeiro.
Trên bãi biển này, thường diễn ra những trận bóng chuyền, nhiều người xúm quanh
nhưng không rõ là họ xem đấu bóng, hay là xem các cô mặc bikini chạy qua lại
trên cát, thỉnh thoảng lại trườn tới, nhảy lên tung trái banh qua lưới?
Quý vị biết không, người Brazil gọi banh là “Bola” cái từ mà theo như họ bảo, là nói lên được sự tròn trịa của trái banh.
Trên
sân cỏ thì cầu thủ Brazil
được ví như vũ Samba. Chàng cầu thủ chạy theo trái banh, như theo sức hấp dẫn
của cô gái. Cầu thủ và banh vờn nhau, chẳng khác nào đôi nam nữ quấn quýt trong
vũ điệu Samba.
Tuy gọi là “vờn” nhưng cầu thủ đối xử với trái banh bằng tất cả sự trân quí, như quý vị xem thấy nhiều ảnh chụp cầu thủ ôm hôn trái banh khi thắng trận đấy!
“Lambada” …
Một nhạc điệu nữa từ Brazil là Lambada lan ra khắp thế giới, du nhập cả những miền quê Việt Nam vào khoảng đâu… năm 89, 90 khi đất nước vừa được mở cửa ra thế giới bên ngoài, và dân chúng học đòi đủ thứ. Hiện tượng ấy đã khiến nhạc sĩ Trần Tiến viết bài “Lambada quê ta” hát như sau…
Với ca khúc vui này, Thy Nga chúc quý thính giả, nhất là các bạn hâm mộ bóng đá, vui thật nhiều khi xem trận ra quân với Brazil nhé.