Đầu năm đi lễ chùa
2010.02.28
“Lễ Phật quanh năm
không bằng ngày rằm tháng Giêng”
Câu này nói lên tầm quan trọng của ngày rằm tháng Giêng trong tâm linh người Việt. Theo tài liệu của trang mạng Dân Gian thì Thượng Nguyên vừa được gọi là lễ, vừa được gọi là Tết.
“Tôi lên chùa” Mộng Lan phổ ý thơ Huệ Thu, và trình bày …
Ngay sau Tết Nguyên Đán, các phủ, đền, chùa đã sửa soạn, giăng đèn hoa, chuẩn bị đón phật tử mười phương về lễ Phật. Gọi là rằm nhưng từ ngày 12 tháng Giêng, hầu hết các ngôi chùa đã rộng cửa đón phật tử và du khách. Không khí lễ Thượng Nguyên có thể thấy ở tất cả các chùa từ Bắc vào Nam.
Lễ Thượng Nguyên
Riêng tại Hà Nội thì chùa Thọ Lão tuy nằm khuất trong ngõ nhỏ phố Lò Đúc nhưng là một chùa đẹp và có tiếng là linh thiêng. Từ sáng sớm, đã có nhiều phật tử tới tế lễ, xin lộc, làm lễ giải sao, xin quẻ may mắn. Rời chùa Thọ Lão ngược lên Phủ Tây Hồ, vòng vào chùa Sùng Quang, … đâu đâu ta cũng gặp không khí tôn nghiêm lễ chùa ngày rằm đầu tiên của năm. Chùa Đình Quán được coi là ngôi chùa có địa thế đẹp nhất nhì Hà Nội. Theo qui định, chùa Đình Quán bắt đầu lễ Thượng Nguyên vào ngày 12 tháng Giêng. Giải thích điều này, các thầy ở chùa cho biết lễ Thượng Nguyên tổ chức trong 4 ngày từ 12 đến rằm, nhưng ngày 12 bao giờ cũng là lễ chính. Đúng ngày này, phật tử ở khắp nơi về lễ chùa đông tới cả chục nghìn người.
Có sách ghi lễ Thượng Nguyên có nguồn gốc từ thời Tây Hán. Lễ bắt đầu vào buổi tối để cúng thần sao, cầu một năm mưa thuận gió hòa cho mùa màng tốt tươi. Song, Thượng Nguyên cũng được coi là ngày vía Phật. Vào ngày này, Phật tổ giáng trần tại các chùa để chứng độ lòng thành của tăng ni, phật tử. Vì thế, các lão bà thường tới chùa để cầu kinh niệm phật. Các cụ vừa lần tràng hạt vừa kể lại sự tích của Đức Phật, của chư vị Bồ Tát, cũng như sự hy sinh cao cả của các người.
Thành kính khấn cầu
Trong làn khói hương, mọi người thành kính khấn cầu cho bản thân và gia đình những điều tốt lành. Nhiều học sinh sinh viên mang đồ lễ tới chùa cầu xin may mắn trong học tập thi cử và con đường công danh sự nghiệp. Nam thanh nữ tú cũng đến cửa Phật, cung kính khấn nguyện. Chùa Hà ở Cầu Giấy là nơi đông các đôi trai gái tới khấn vái xin được se duyên kết tóc với nhau đến trọn đời.
“Em lễ chùa này” nhạc bản của Phạm Duy, tiếng hát Lệ Thu
Vào ngày rằm tháng Giêng, ở tất cả các chùa, đền, phủ đều nghi ngút khói nhang của người đến cúng bái. Phật tử đổ về đông, các dịch vụ đèn nhang, hương hoa, vàng mã cũng rất đắt khách, người mua không mặc cả và người bán không nói thách. Trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng nơi cửa Phật, mọi người đều hòa nhã vui vầy.
Phong tục truyền thống
Cùng với tín ngưỡng tâm linh, đầu năm đi lễ rằm tháng Giêng đã trở thành một phong tục đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Không biết những thỉnh cầu có đến được cửu trùng hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi đi lễ đầu năm hay đi trảy hội trở về, tâm hồn của họ như được thắp sáng lên và ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.
Nhập vào dòng người đi lễ đầu Xuân, ta cảm thấy như đất trời giao hòa, con người dường như cảm thông với nhau hơn.
“Mùa hoa đạo” Võ Tá Hân phổ ý thơ Thích Tịnh Từ. Bảo Yến và Nhất Hạnh hát
Ở miền Bắc, ta đi lễ hội Chùa Hương, hoặc hành hương đến chốn bồng lai tiên cảnh Yên Tử của Thiền phái Trúc Lâm; hay thành kính thắp hương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu mong cho con cháu trở nên những người hiền tài cho tương lai của đất nước.
“Mùa hoa đạo” ...