Đón Giao Thừa

“Xuân đã về” nhạc bản của Minh Kỳ. Lệ Hằng và Thanh Vân cùng hát … “Âm nhạc cuối tuần” Thy Nga thân chào quý thính giả và các bạn. Chương trình kỳ này đến với quý vị vào khi chỉ hai tiếng rưỡi đồng hồ nữa là Giao Thừa.

0:00 / 0:00

Lúc này bên nhà chắc mọi người đang rộn ràng, người lớn bận sửa soạn bàn thờ gia tiên và mâm cúng trong khi đàn trẻ nô đùa ngoài sân, nao nức chờ được diện tấm áo mới đón Tết. Từ các mái ấm gia đình, trổi lên những ca khúc báo tin Xuân sang.

“Xuân đã về” …

Kỷ niệm ngày xưa

Âm vang các bài hát Xuân làm Thy Nga nhớ lại những đêm Giao Thừa hồi còn ở Saigon. Khi đó còn nhỏ, Thy Nga được giao việc quét nhà cho sạch, để rồi sẽ kiêng quét nhà trong ba ngày Tết vì người Việt mình tin tưởng là Tết nhất mà quét nhà, đổ rác thì tiền của cũng sẽ ra theo!

Kế đến, Thy Nga sửa soạn áo quần để khoảng 11 giờ đêm, là theo Bố đi lễ. Mấy bố con đi hai chiếc xe gắn máy, nhưng ra khỏi nhà thì việc đầu tiên là phải thanh toán rác của năm cũ. Chả là mâm cúng chiều ngày cuối năm, gia đình Thy Nga thường có món vịt, là món mà người Việt cho là để xả xui. Bữa chiều xong thì phải gói tất cả vết tích của chú vịt đó như xương, và đám lông nữa để đi vứt tại bãi rác ở đầu phố, rồi bố con mới phóng xe trực chỉ chùa Vĩnh Nghiêm hay chùa Xá Lợi. Có các năm thì đi lễ đền Đức Thánh Trần, khói nhang cay xè cả mắt.

Giao Thừa điểm, lễ xong thì xin lộc, tức là hoa, quả, hoặc cành lá của nơi tôn nghiêm, mang về để trên bàn thờ.

Về đến cửa nhà thì cậu em của Thy Nga đốt tràng pháo để Bố long trọng vào xông nhà, mừng tuổi Mẹ của Thy Nga, rồi quay sang lì xì cho mấy đứa nhỏ. Trong tiếng ca hát vang lừng từ chiếc TV, cả nhà vào bàn ăn mừng Giao Thừa. Tụi nhỏ thì ham đốt pháo mãi mới chịu đi ngủ.

Kỷ niệm ngày xưa như thế, sau này lớn lên, rồi thì giòng đời qua bao nhiêu khúc quanh và rẽ nhánh. Vì vậy, chiều Giao Thừa, khi phố xá thưa dần, là lúc mà nhiều người cảm thấy nao lòng.

“Mộng đêm Xuân” nhạc bản của Tuấn Khanh, qua giọng hát Duy Trác …

Đón Giao Thừa

"Chỉ lát nữa thôi, Giao Thừa sẽ đến …" là một câu trong bài viết đề tựa là "Đón Giao Thừa" của Băng Sơn. Thy Nga đọc thấy hay nên xin trích lược để chia sẻ với quý thính giả.

“Mọi việc chuẩn bị đón Giao Thừa đã xong. Chỉ lát nữa thôi, Giao Thừa sẽ đến. Tàn mấy ấm trà, vẫn nghe xa vắng bước chân ai ngoài đường ngoài ngõ, đang hối hả về cho kịp đón xuân sang … Đêm ba mươi, trời tối đen như mực, làm gì có đêm nào chứa đựng được hai năm như đêm nay …”

Bài “Mừng Xuân, nhớ Tết năm xưa” của Hàn Lâm Nguyễn Phú Thứ có các đoạn, Thy Nga xin trích như sau:

“Giao Thừa đến! Đài phát thanh, truyền hình, chùa, đình, ... thi nhau đánh hồi trống hay chuông để báo hiệu giờ tống cựu nghinh tân, tiễn đưa năm cũ, rước năm mới vào.

Lạ lùng thay! tất cả cảnh vật trở nên nghiêm trang, nhà nhà cúng lễ gia tiên giao thừa, rồi đốt pháo. Tiếng pháo vang rền khắp nơi để đuổi trừ những cái xui xẻo năm cũ và đón mừng năm mới, với hy vọng sang năm mới sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc, may mắn, phát đạt hơn năm cũ ...

“Tết Tết đến rồi” …

Trẻ con sau khi đốt pháo và ăn uống no nê thì đi ngủ, còn người lớn tuổi thì ngồi nhâm nhi bên tách trà xanh để thưởng thức cái linh thiêng huyền diệu của đêm trừ tịch với mùi trầm hương quyện lẫn mùi pháo, rồi tưởng nhớ những người thân đã khuất, hay nhắc nhở đến một vài đứa con, đứa cháu vì đi làm xa, không thể về chung vui, đón Tết bên tổ ấm gia đình.”

Lễ đầu Xuân

“Xuân yêu thương” Nhã Tâm hát …

Xuân đang nhẹ gót trở lại với muôn loài. Theo bước chân Nàng, là tia nắng ấm, xóa tan những lạnh giá cuối Đông. Xuân về, mang lại sức sống và niềm hy vọng. Sáng mai, mùng một Tết, buổi đầu Tân Niên, người ta chọn hướng tốt để xuất hành.

“Khúc nhạc mừng Xuân” của Nhật Bằng. Hồng Nhung hát …

Nơi đến có thể là chùa, đình hay đền vì người Việt quan niệm đi lễ đầu năm nhằm hướng tới “vạn sự hanh thông, nhất bản vạn lợi”.

Trên lối đi, kìa là cụ đồ khom lưng viết câu đối trên giấy hồng điều, hình ảnh ấy đã in đậm nét trong văn hóa Việt Nam, nào ai trong chúng ta quên được bài thơ “Ông đồ” của Vũ đình Liên.

“Ông đồ” Võ Tá Hân phổ nhạc, Khắc Dũng trình bày …

Nhập vào dòng người đi lễ dâng hương xin lộc, giữa thời khắc giao hòa của đất trời, tâm hồn rộng mở, con người cảm thấy như thương yêu nhau hơn, gần gũi với nhau hơn, cho nên đi lễ đầu Xuân là một trong những phong tục đáng quý của dân tộc Việt.

“Xuân lộc” …

Bên chiếc bánh chưng xanh, chúng ta hãy mở chai rượu mới, nâng chén chúc nhau vạn sự tốt lành.

“Ly rượu mừng” hợp ca …

Trong âm thanh rộn ràng của ca khúc “Ly rượu mừng”toàn ban cùng Thy Nga xin chúc quý vị và các bạn những ngày Tết thật vui!