Nguyễn Ánh 9, tiếng dương cầm vang mãi
Mỗi một người nghệ sĩ, ngoài các sáng tác của mình thì họ sẽ có những hình ảnh riêng để lại trong tâm tưởng của khán thính giả. Đó có thể là giọng nói, là nhạc cụ, hoặc cách xuất hiện trên sân khấu. Với người nhạc sĩ trong chương trình hôm nay, bên cạnh các tác phẩm của ông, thì đó là cách sống, là tấm lòng ông để lại cho cuộc đời, cho những người hát ca khúc của ông. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người luôn xuất hiện bên cây dương cầm trên sân khấu.
Nếu ai đã quen với hình ảnh một người đàn ông gầy gò, nhỏ người, mái tóc nhuộm trắng màu thời gian, hàng đêm ngồi say mê trải đều mười ngón tay trên phím dương cầm ở khách sạn Sofitel Plaza Sài Gòn, thì từ nay sẽ không còn được nhìn thấy và nghe tiếng đàn ấy nữa.
Tôi viết nhạc ra là không phải để bán. Tôi viết nhạc ra không phải để kiếm thêm tiền. Tôi viết nhạc là từ trái tim tôi viết ra.
- Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Những ca sĩ từng được ông chỉ dạy, đệm đàn góp phần cho tiếng hát thêm thăng hoa cũng sẽ không còn được đứng bên cạnh ông và cây dương cầm của ông trong những lần trình diễn.
“Em về, qua đường cũ,
Nghe nhịp bước chân bơ vơ.
Hàng cây ngày xưa,
Buồn trơ đón trên từng lá mong chờ.
Quán chiều ngủ say, giấc buồn trên cây...” (Mùa thu cánh nâu)
Và có lẽ đó cũng là hình ảnh thân quen nhất của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà ai cũng có thể hình dung ngay được mỗi khi nhắc đến ông.
Ông, người được các nghệ sĩ gọi bằng cái tên trìu mến: bố 9, cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình, trái tim của ông luôn dành một khoảng trống không nhỏ cho âm nhạc, tình yêu lớn của đời ông. Ông đã sống trọn vẹn với tình yêu đó từ ngày đầu tiên ông tự tìm đến phím đàn piano trên những bìa giấy carton. Nhưng, đó cũng chính là nỗi cô đơn lớn nhất mà ông thừa nhận trong một ca khúc ông viết cho riêng mình.
Trong một lần đứng trên sân khấu hải ngoại, ông từng chia sẻ rằng nếu một ngày nào đó ông còn nữa, thì ông chỉ mong khán thính giả của mình nhớ đến một bài hát mà ông yêu nhất và trân trọng nhất, đó là bài Cô đơn.
“Hạnh phúc như đôi chim uyên tung bay ngập trời nắng ấm
Hạnh phúc như sương ban mai long lanh đầu cành nắng ấm…” (Cô đơn)
Đó là sự cô đơn mà nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xin được dành riêng cho mình. Ông nói thay cho triệu triệu người những nỗi vui nỗi buồn, nhưng chỉ xin viết riêng cho ông, dành tặng cho cá nhân ông một nỗi niềm, chính là sự đam mê âm nhạc.
Ai đã từng quen biết ông, có dịp trò chuyện với ông đều có thể hiểu vì sao nhạc của ông lại nhẹ nhàng và trữ tình đến thế. Chỉ một chữ đơn giản để người ở lại nhắc về ông, đó là “hiền”. Ông hiền hoà từ nụ cười, lời nói, giọng nói, cho đến thái độ sống, cho đến cả những sáng tác của mình, cho dù đó là lúc ông thốt lên rằng “không, tôi không còn yêu em nữa.”
Ca sĩ Đức Tuấn đã nhớ lại khoảnh khắc thể hiện ca khúc “Không” cùng tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9:
“Một lần đích thân bác Nguyễn Ánh 9 ngồi diễn giải cho Tuấn cặn kẽ vì sao bác viết như vậy. Rồi tâm lý, diễn biến của người hát nó sẽ không như mọi người hay nghĩ về bài đó. Nó không đơn thuần là sự giận dữ, phủi bỏ. Nó là một diễn biến tâm lý cực kỳ phức tạp của người đàn ông khi nói lên được những câu đó. Chính bác Nguyễn Ánh 9, người mà Tuấn hay gọi là bố 9 đã giải thích cặn kẽ chữ không nay phải hát thế nào, chữ không kia phải hát thế nào. Chính bố ngồi đệm đàn cho Tuấn hát. Đó là khoảnh khắc rất ngẫu hứng, cảm giác rất chân thực, không bị tác động bởi ngoại cảnh, bởi khán giả. Nó cũng không hẳn là bản thu để phát hành. Nó đơn thuần là tình cảm giữa âm nhạc và giữa hai bố con với nhau.”
“Không…tôi không còn…tôi không còn…yêu em nữa
Không…
Không…tôi không còn…tôi không còn…yêu em nữa
Không…” (Không)
Rất nhiều người nhạc sĩ khi sáng tác nhạc phẩm đã dùng chính câu chuyện của cuộc đời mình. Riêng Nguyễn Ánh 9 thì trái tim nghệ sĩ của ông có thể viết nên những ca khúc khi ông bất chợt nhìn thấy một hình ảnh đẹp, lãng mạn nào đó thoáng qua trong cuộc sống.
Khi ông nhìn thấy những giọt nước còn đọng lại trên tán cây sau cơn mưa rơi xuống một đôi tình nhân đang đi bên cạnh nhau, thì ông thầm mong cho ân tình đầu đó sẽ mãi mãi dài lâu. Từ đó, Tình khúc chiều mưa đã ra đời.
“Tình chết. . . không đợi chờ!
Tình xa. . . ai nào ngờ!
Tình đã. . . phai nhạt màu. . . còn đâu?!
Tình trót. . . trao về người
Thì dẫu. . . lỡ làng rồi
Người hỡi. . . xin trọn đời. . . lẻ loi!” ( Tình khúc chiều mưa)
Rất nhiều người sau khi có dịp tiếp xúc với ông đều nói rằng nhạc sĩ là một người ít nói. Hầu như “người” mà ông trò chuyện nhiều nhất là cây đàn dương cầm của ông. Và các sáng tác của ông đã thay ông nói lên tâm hồn của mình, một tấm lòng nhẹ nhàng, khoan thai, một tâm hồn từ bi luôn đón nhận tình yêu, dù đó là tình yêu đến trong giã từ.
Khi mình nghe những nhạc phẩm như vậy, mình cảm thấy mình phải nên tôn trọng và trân quí tình cảm mình có được trong đời. Bởi vì cho dù kết quả có thế nào, có rất là buồn đi chăng nữa nhưng mà nó không có một cái gì oán trách, cay đắng cả, nó rất là nhẹ nhàng.
“Mưa vẫn rơi mãi trên đường phố vắng đêm khuya
Mưa vẫn rơi mãi cho lòng thương nhớ khôn nguôi
Thôi hỡi em nhé xin đừng tiếc nuối làm gì
Tình yêu đến trong lần cuối…” (Tình yêu đến trong giã từ)
Trong nghệ thuật, ông là một nhạc sĩ. Ông yêu các sáng tác của mình và xem đó là những vật thể vô giá. Vì chỉ có vô giá thì người sở hữu mới có thể dâng tặng vô điều kiện cho những người thật sự yêu mến nó. trong đêm nhạc Những khúc hát ân tình cách đây 20 năm, Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã từng nói trước hàng ngàn khán thính giả của ông rằng: “Tôi viết nhạc ra là không phải để bán. Tôi viết nhạc ra không phải để kiếm thêm tiền. Tôi viết nhạc là từ trái tim tôi viết ra. Tôi muốn viết nên những nỗi niềm, tâm sự của những người bạn hay là của những kỷ niệm nào đó. Khi tôi được các bạn hát, bất cứ người nào cũng đem lại cho tôi một niềm hạnh phúc. Vì tôi biết rằng có người đã nghe nhạc mình, có người đã thông cảm, yêu thích nhạc mình và đã hát.”
Khi người nghệ sĩ nói lên những lời từ trái tim mình, thì đó là tuyệt tác.
Trong cuộc sống, ông là người thầy, người cha, người bạn mang đến cho người đối diện một cảm giác gần gũi và niềm tin về một cuộc sống có trước, có sau.
“Khi mình nghe những nhạc phẩm như vậy, mình cảm thấy mình phải nên tôn trọng và trân quí tình cảm mình có được trong đời. Bởi vì cho dù kết quả có thế nào, có rất là buồn đi chăng nữa nhưng không có một cái gì oán trách, cay đắng cả mà rất là nhẹ nhàng. Vì vậy mà giòng nhạc này tạo cho mình một cảm xúc là đời sống này mình phải luôn trân quí mà mình đang có.”
“Hoà Ái nhớ có một kỷ niệm rất đặc biệt đó là khi mà Hoà Ái được mời đi làm MC chuyên nghiệp thì có đến hỏi thăm chú góp ý giùm, chú chỉ nói một câu ngắn gọn là ‘Chú nghĩ con không thích hợp với môi trường này đâu, đừng nên bước chân vào nghề này.’ Hoà Ái nhớ mãi điều đó.”
Những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng như cách sống của ông đã đi vào lòng người bằng tất cả sự kính trọng. Giờ đây, ở một nơi rất xa, cho dù ông mong muốn mọi người nếu nhớ ông thì hãy nhớ bài hát “Cô đơn”, nhưng ông sẽ không bao giờ cô đơn, vì tiếng nói chân tình, nhẹ nhàng và tấm lòng bao dung rộng lượng của ông luôn ở trong trái tim người ở lại.