Ca khúc Biển Hát Chiều Nay của nhạc sĩ Hồng Đăng qua tiếng hát ca sĩ Thanh Lam.
Đã từ lâu, đề tài biển đảo đã luôn là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nhạc sĩ, chắp cánh cho những bản nhạc, lời ca bất hủ, đi mãi với thời gian. Đặc biệt những ngày này, khi nghe lại những bài hát về chủ đề biển đảo và tôn vinh những người lính ngày đêm bảo vệ biển trời Tổ quốc, hẳn ai nấy đều cảm thấy xúc động bồi hồi.
Khi lắng nghe những ca khúc này, lòng tự hào và tự tôn dân tộc của mỗi dòng máu Việt lại trỗi dậy, thấy sông biển bờ cõi Việt Nam mình đẹp quá, tự nhiên thấy khái niệm “chủ quyền” trở nên mạnh mẽ, gần gũi và như chính nhịp thở của mình.
Thế nhưng, những màu xanh ngút ngàn của biển đảo quê hương, xứ sở, của Trường Sa, Hoàng Sa, những mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió của cha ông tự ngàn xưa để lại với bao tài nguyên khoáng sản, bỗng chốc bị giặc phương Bắc xâm chiếm, người dân chài hiền lành sống trên những vùng biển quê hương đột nhiên bị bắt giữ, đánh đập. Sự lấn chiếm ngang ngược ấy, đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ trên khắp Việt Nam, những người trong nước và hải ngoại, thấy mình phải có bổn phận với quê hương, với dân tộc thề nguyền cùng đứng lên chống lại ngoại bang.
Ca khúc Quyết Lấy Lại Hoàng Sa – Trường Sa của nhạc sĩ Ngô Nguyễn Trần.
Không chỉ có những nhạc phẩm viết về biển đảo chủ quyền Việt Nam, mà còn có rất nhiều những ý thơ, bài văn hay cùng viết về nội dung đó, trong số này có một bài thơ có tên Tổ Quốc Nhìn Từ Biển, của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, được đăng tải trên Báo Tuần Việt Nam cách đây khá lâu, chúng tôi thấy thật cảm động và xin được trích một vài đoạn tiêu biểu:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa
Đã mười lần giặc đến tự biển Đông
Những ngọn sóng hóa Bạch Đằng cảm tử
Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
Bài Nơi Đảo Xa của nhạc sĩ Thế Song do Tùng Dương hát.

Để có những tác phẩm như bài Nơi Đảo Xa của nhạc sĩ Thế Song mà quí vị mới nghe, thì người nhạc sĩ hẳn phải yêu thương từng thước biển, từng tấc đất của Tổ quốc mình đến thế nào thì họ mới viết được những giai điệu đẹp đến như thế, và hẳn là họ cũng phải yêu thương, đồng cảm với những chiến sĩ bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình như thế nào thì mới có những tác phẩm và bài hát về người lính đảo thơ mộng đến như vậy. Đó chính là vốn quý góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, để mỗi người trong chúng ta lòng lại rưng rưng, tự hào vì mình là người Việt Nam.
Thế nhưng, để thể hiện tình yêu nước, lên tiếng phản đối sự xâm chiếm ngang ngược của Trung Quốc trên những mảnh đất, mặt biển của cha ông để lại, thì những tiếng nói ôn hòa xuống đường biểu tình lại bị chặn lại. Vì lẽ đó, mà những nhạc phẩm như Này Người Anh Em của Trần Lê Quỳnh, Trái Tim Việt Nam của Tuấn Khanh hay Việt Nam Tôi Đâu của Việt Khang được sáng tác để phản kháng, để đấu tranh và cũng là để lịch sử thấy được sứ mệnh của một lớp thanh niên mới với tiếng nói dân chủ vì toàn vẹn lãnh thổ, bờ cõi sơn hà.
Bài Việt Nam Tôi Đâu của nhạc sĩ Việt Khang
Ca khúc Phải Lên Tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng, được trình bày qua tiếng hát của ca đoàn Ngàn Khơi - Trung Tâm Asia như một tiếng nói góp phần vào khí thế đấu tranh của dân tộc trước sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng Biển Đông.