Lễ Phục Sinh của người dân tộc tại Komtum

Chủ Nhật vừa qua, cùng hoà với cả hàng triệu tín đồ Thiên Chúa Giáo ở khắp nơi trên thế giới, các giáo dân người dân tộc thiểu số ở tỉnh Komtum cũng tụ tập nhau thật đông đảo tại các nhà thờ mà được nhà nước cho phép để tham dự lễ Phục Sinh, một trong đại lễ lớn nhất của người Công Giáo.

0:00 / 0:00

Thực ra, đúng theo nghi thức thì trước khi lễ Phục Sinh được cử hành, các tín đồ đã phải chuẩn bị cả hơn tháng trời, nhất là vào tuần lễ trước đó mà còn gọi là “Tuần Thánh”.

Chính vì thế, đối với người dân tộc thiểu số ở Komtum, khi kéo nhau về dự lễ, thì phải có mặt từ chiều thứ tư và tham dự cho đến hết ngày Chủ Nhật. Năm nay, tình hình người dân tộc thiểu số đã đón lễ Phục Sinh ra sao? Và họ đã gặp những thuận lợi cùng khó khăn gì?

Phương Anh mời quí vị nghe một số chuyện về họ qua lời kể của nữ tu Y Jem và một linh mục hiện đang giúp cho các giáo xứ người dân tộc ở tỉnh Komtum.

Không phải nơi nào cũng được tổ chức lễ Phục Sinh

Trước hết, theo lời thuật lại của Sơ Y Jem, thì hiện nay, người dân tộc theo đạo Công Giáo khá đông và họ rất sùng đạo. Mặc dầu đã có nhà thờ rải rác ở một số vùng sâu, vùng xa, thế nhưng, không phải nơi nào cũng được tổ chức lễ Phục Sinh, chính vì thế, ở các huyện được nhà nước cho phép, thì bà con dân tộc kéo về như ngày hội, Sơ cho hay:

Giáo dân ở từ xa đến, đi lễ đông lắm. Họ cũng đi lễ chỗ nào nhà nước cho phép mà thôi. Ở trong làng mạc, họ đâu có cho phép lễ đâu, họ cứ đến chỗ nào có cha thì họ đến, họ cũng cố gắng họ tới, cho dù vùng xa, vùng sâu, họ cũng đến… Ở vùng sâu vùng xa thì các cha cũng cố gắng đến làm lễ, có chỗ cho phép, có chỗ không...

Họ đến chỗ có các cha, chỉ trừ người già không đến được, còn thanh niên thì đến đông, người già, người tàn tật, yếu thì không đến! Các cha phải làm đơn xin nhà nước, có chỗ họ không cho phép làm lễ thì dân làng đâu có dám tới, vì họ sẽ giải tán, không được đâu.

Chính quyền dễ dàng hơn năm trước

Theo lời của một linh mục mà Phương Anh xin tạm dấu tên, hiện đang coi sóc một xứ đạo của người dân tộc, thì năm nay, nhà nước có vẻ dễ dãi hơn một chút so với các năm trước. Một số linh mục từ xa có thể đến tận nơi để cử hành nghi lễ cho các bổn đạo mà thôi, và vẫn chưa được phép cư trú tại nơi đó để làm công việc truyền giáo của mình. Vị linh mục nói:

Năm nay hy vọng khá hơn, năm trước thì có một vài nơi khó khăn vì họ nói rằng không thuận tiện về an ninh, cho nên chưa cho tổ chức lễ ở đó, nhưng họ cho đi về chỗ khác. Chỗ giáp biên giới, vùng xa, phía Bắc chẳng hạn, giáp biên giới Lào, Campuchia hay một số vùng mà hồi xưa đã được giải phóng trước năm 72, những vùng đó khi lên, thì có một sự ngại ngần nào đó về phía chính quyền, không thuận lợi.

Họ hạn chế các vùng đó với lý do là an ninh. Chẳng hạn như kỳ vừa rồi, ở một huyện mới, Tumôrông, Đắc Tô, các làng đó là làng cách mạng, anh hùng nhiều lắm, dân sùng đạo, nên họ qui tụ về nhà thờ chánh tòa, thì có thời gian bị bắt bớ, có những người đi về thì bị gọi lên làm việc…

Kể từ 3 năm trở lại đây, nhà nước đã cho một số linh mục lên trên các vùng đó để làm các lễ lớn, như huyện Đắc Hà, Đắc Tô, vùng đó thì rất rộng và các cha chỉ đến để giải tội, nhưng xin cho các cha lên đó ở luôn thì họ không cho.

Được hỏi nguyên nhân nào nhà nước lại đồng ý cho phép các linh mục đến tận nơi như thế, ông cho hay:

Lý do là họ không muốn cho dân về, vì thị xã tràn ngập người, ở chung quanh nhà thờ chính tòa, chính quyền họ thấy điều đó khó giữ trật tự, cho nên họ không an tâm, sau đó thì họ đã đồng ý cho các cha lên đó, để dân bớt kéo về thị xã. Vì vậy, họ đã giải quyết được một số nơi. Nói chung, là có tiến bộ, so với cách đây 5 năm. Chẳng hạn trước đây 6 huyện mới có một nhà thờ thì bây giờ mỗi huyện đã có được một nhà thờ. Trong đó có 4 nơi họ cho phép 4 linh mục ở tại chỗ.

Ảnh hưởng vụ tranh chấp đất đai

Cũng theo lời vị linh mục kể lại, ở những nơi không được phép để cử hành lễ Phục Sinh, thì đồng bào dân tộc lại tụ tập về những nơi chính. Họ kéo nhau đi bộ hàng mấy chục cây số, có khi cả trăm cây là chuyện thường. Có nhiều lý do để chính quyền địa phương cấm không cho tổ chức, nhưng phần đông, lý do chính là do sự phản kháng về tranh chấp đất đai. Ông nói tiếp:

Họ không được phép thì họ sẽ về trung tâm chính mà vị quản xứ có thể dâng lễ được. Nó giống như một ngày lễ hội vì họ có thể đi thăm bà con, mua bán, sau một ngày mùa, họ cũng muốn đi để gặp gỡ nhau, đó là thói quen của họ từ lâu đời, thì họ cũng để ý trên đường, người ta tăng cường an ninh để hạn chế bớt.

Nói chung, những vùng biên giới, có nơi trong năm, có những tranh chấp đất đai, những cuộc xô xát, thì bị phạt, những dân đó bị phạt, không được này kia, chẳng hạn như ở Chi Reng…

Ngày xưa cha sở vẫn đến để làm lễ ở đó, nhưng kỳ vừa rồi, tôi có đến để giải tội thì phải dời sang làng khác, tôi có hỏi thì cha sở cho biết là làng này bị phạt bởi vì mới có sự xô xát về người ta qui họach đất đai, rẫy nương của họ để trồng cao su, coi như là lấy đất của họ nên họ đã phản ứng, dân họ nổi lên để họ giữ đất của tổ tiên, nên có sự xô xát…

Sau này thì linh mục có đứng ra dàn xếp nhưng sau đó thì họ bị phạt! Chuyện này thì không phải chỉ miền Tây Nguyên này mà các nơi khác cũng vậy. Nó cũng có những vấn đề theo cảm tính, có nghĩa là đừng có một chuyện gì mà có vẻ phản kháng lại với chính sách gì gì đó, thì dễ dàng hơn, còn những nơi mà ở biên giới, khi an ninh nhà nước chưa vươn tay chắc đựơc thì họ hạn chế…

Nó vẫn có mặt này, mặt kia, vẫn có những chuyện tồn tại không được thỏa đáng cần phải tháo gỡ, còn khó khăn và mình vẫn phải chịu đựng. Chẳng hạn ở Gia Lai, có một nhà của hai Sơ Đa Minh, ở đó lâu rồi, và mới làm nhà nguyện thì họ khó dễ và đem xe đến đòi ủi, cuối cùng Giám Mục phải thương lượng để chúng tôi dỡ, sau đó thì họ đề nghị trục xuất hai sơ đó, không cho tạm trú nữa…

Bị khó dễ khi đi lễ về

Một điểm khá chú ý là khi những người dân tộc kéo nhau đi lễ Phục Sinh, khi trở về, thường bị khó dễ, điển hình là:

Trước đây, khi họ về thì sẽ bị làm việc, có nơi bị phạt tiền, với lý do là đi không xin phép, vấn đề di chuyển, nơi ăn chốn ở không xin phép…Họ phải chịu vậy thôi, vì nói sao thì họ làm vậy, nhưng họ hiểu ra rằng đó là khó khăn về tôn giáo cho họ. Một số năm trứơc, lễ về là họ bị ngay, cũng có một số nơi là bị ngay trong ngày đó, bị đưa về và bắt đóng tiền phạt. Nhưng mà dân họ cũng giỏi lắm, họ lách đường rừng họ đi…

Cho đến nay, đa số đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nghèo, nên ngoài việc chăm sóc đời sống tinh thần, các linh mục còn phải cố gắng giúp đỡ họ phần nào về vật chất. Chẳng hạn, khi các dân ở buôn làng ở xa, nơi không được phép cử hành lễ, về tập trung xứ của mình, thì các linh mục phải lo cơm nước cho họ trong suốt mất ngày liền.

Một số hộ, khi bị đóng tiền phạt, không có tiền, thì lại nhắn gửi các cha giúp đỡ. Ngoài ra, để cải thiện đời sống cho họ, một số linh mục được sự trợ giúp của người này người kia, muốn giúp cho đồng bào thiểu số ở vùng sâu, vùng xa cũng không phải là dễ dàng, vì:

Nghi ngờ tôn giáo

Vấn đề từ thiện cũng vậy, cũng có những lý do của họ. Họ sợ mình lợi dụng để làm một việc gì đó, không những họ sợ tôn giáo mà còn sợ cả các yếu tố nước ngoài…Cho nên có những cái họ e dè và chủ trương của họ là họ muốn quản lý tài chính về từ thiện, họ muốn đưa cho họ để họ phát. Cho nên, khi mình muốn làm thì họ luôn luôn đề nghị là nên để cho họ làm, còn mình thì mình không muốn nên họ sẽ có những khó dễ.

Nói chung, không phải chỉ ở Tây Nguyên, mà ở Việt Nam, nơi này nơi kia, những chuyện này nọ xảy ra liên quan đến tôn giáo, liên quan đến quyền lợi của người dân, ngay ở trong xã của mình, vẫn có những chuyện mà mình phải lên tiếng, thí dụ, xóa đói giảm nghèo, tiền bạc Trung Ương giao cho để thực hiện…

Chẳng hạn làm giếng nước, thì tôi nhận ra rằng những giếng nứơc nhà nứơc làm cho rồi, nhưng họ làm không đạt yêu cầu, chỉ làm để đếm số báo cáo…Một năm sau, là giếng sập hay không xài đựơc, hoặc cạn nước…thì mình cũng phải lên tiếng!

Nhìn chung, theo lời của vị linh mục, thì năm nay, đa số đồng bào dân tộc thiểu số được thoải mái để tự do hành đạo hơn các năm trước, và chưa thấy hiện tượng bị khó dễ. Đặc biệt, hiện nay, nhà nước đang khuyến khích các giáo dân ở Dak Mot, huyện Ngọc Hồi xây nhà thờ cho thật lớn vì:

Vì nơi đó sẽ biến thành cảnh quan quốc tế, nơi đó là cửa khẩu giáp với Lào, cùng với phát triển của thị trấn đó thì họ cho phép xây nhà thờ rất lớn, khuyến khích xây nhà thờ cho nó hoành tránh để tương xứng với một vùng đang được phát triển thành cảnh quan, thế này thế kia…

Công tâm mà nói, so với các năm trước thì ngày càng có nhiều khởi sắc mặc dầu vẫn có những vấn đề cần phải nói, phải bàn, vẫn còn có những cái chưa được thỏa đáng lắm, và một số vùng nói chung vẫn còn phải chờ đợi để đến thời cơ thích hợp mới được giải quyết.

Trên đây là một số thông tin về lễ Phục Sinh của đồng bào sắc tộc ở Komtum. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp quí vị và các bạn vào kỳ sau.