Thẩm phán Jacqueline Nguyễn và giấc mộng Hoa Kỳ

Trong tuần qua, tin bà Jacqueline Nguyễn, một phụ nữ Mỹ gốc Việt được Thượng Viện Hoa Kỳ bỏ phiếu chính thức chấp nhận cử vào chức vụ thẩm phán Liên bang đã làm xôn xao dư luận.
Hà Giang, thông tín viên RFA
2009.12.08
Thẩm phán Jacqueline Nguyễn, bà Dolly Gee và Judge Edward Chen Thẩm phán Jacqueline Nguyễn, bà Dolly Gee và Judge Edward Chen (từ trái sang phải)
Photo courtesy AAJC/NAPABA

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đón nhận và phổ biến tin này như một sự kiện làm “Vẻ Vang Dân Việt”, trường Occidental College, nơi bà có một thời gian theo học trang trọng loan tin, cho đây là một thành quả của trường, và nhiều báo chí Mỹ đưa tin như biểu hiện của một phụ nữ vừa đạt được Giấc Mơ Hoa Kỳ (tiếng anh gọi là American Dream). Hà Giang tìm hiểu và tường trình về sự thành đạt của bà Jacqueline Nguyễn như một biểu hiện của giấc mơ Giấc Mơ Hoa Kỳ trong Chương Trình Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này..

97 phiếu thuận 0 phiếu chống

Ngày 1 tháng Mười Hai vừa qua, với 97 phiếu thuận, 0 phiếu chống tại Thượng Viện,  bà Jacqueline Nguyễn, một người Việt gốc Mỹ sinh ra ở Việt Nam theo gia đình tị nạn sang Hoa Kỳ năm 1975 đã được chính thức trở thành thẩm phán liên bang Hoa Kỳ một cách vẻ vang.

Ngày 1 tháng Mười Hai vừa qua, với 97 phiếu thuận, 0 phiếu chống tại Thượng Viện,  bà Jacqueline Nguyễn, một người Việt gốc Mỹ sinh ra ở Việt Nam theo gia đình tị nạn sang Hoa Kỳ năm 1975 đã được chính thức trở thành thẩm phán liên bang Hoa Kỳ một cách vẻ vang.

Thẩm phán liên bang Jacqueline Nguyễn là người Mỹ gốc Việt đầu tiên, và là phụ nữ gốc Á Châu thứ ba có vinh hạnh được trao cho trách nhiệm này. Làm việc tại địa hạt trung tâm của  Los Angeles cùng với 24 thẩm phán liên bang khác, bà Jacqueline Nguyễn có trách nhiệm với 17 triệu người trong các quận Los Angeles, Orange, San Bernardino, Riverside, Ventura, Santa Barbara và San Luis Obispo.
Các giới truyền thông Việt Ngữ đua nhau đưa tin và xem việc bà được bổ nhiệm là một điều đáng hãnh diện và là thành quả chung của cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ với những tựa đề như: “Cô bé tị nạn trở thành thẩm phán liên bang Hoa Kỳ”, hay “Người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên là thẩm phán liên bang Mỹ.”

Nhiều báo chí Hoa Kỳ đã nhắc lại lời Thượng Nghị sĩ Diane Feinstein, đại diện tiểu bang California, trong phiên họp bỏ phiếu tại Thượng Viện, ca ngợi nỗ lực của thẩm phán Jacqueline Nguyễn trong việc thực hiện giấc mơ của mình, như sau:
“Thẩm phán Nguyễn sinh ra ở Nam Việt Nam. Bà tới đất nước này khi 10 tuổi trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam. Bố mẹ của Thẩm phán Nguyễn đã phải làm hai, ba việc một lúc ở Los Angeles và thẩm phán Nguyễn cùng các anh chị em cùng làm việc với bố mẹ - từ lau dọn phòng khám nha khoa tới gọt vỏ và cắt táo cho một công ty làm bánh và cuối cùng là quản lý cửa hàng bánh rán mà bố mẹ họ đã mua và sở hữu."

Bà tới đất nước này khi 10 tuổi trong những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam. Bố mẹ của Thẩm phán Nguyễn đã phải làm hai, ba việc một lúc ở Los Angeles và thẩm phán Nguyễn cùng các anh chị em cùng làm việc với bố mẹ - từ lau dọn phòng khám nha khoa tới gọt vỏ và cắt táo cho một công ty làm bánh và cuối cùng là quản lý cửa hàng bánh rán
Thượng Nghị sĩ Diane Feinstein

Trong khi đó thì trang web của trường Occidental College, nơi thẩm phán Jacqueline Nguyễn được học bổng để theo học 4 năm, và là biên tập tạp chí văn học của trường viết:
Con đường dẫn đến những bực thang cao nhất của ngành tư pháp Hoa Kỳ của thẩm phán Jacqueline Nguyễn là một hành trình rất dài, khởi sự từ năm 1975, khi cô bé mười tuổi họ  Nguyễn chạy trốn khỏi Việt Nam với cha mẹ trên một trong những chuyến máy bay cuối cùng rời khỏi đây, sau khi Sài Gòn thất thủ. Sau một vài tuần ở một trại tị nạn tại Phi Luật Tân, gia đình bà đã đến trại tị nạn Pendleton gần San Diego California, và từ đó định cư tại Montrose California, và dần dà tìm kế sinh nhai bằng cách mở tiệm bán donuts, một ngành kinh doanh không cần nhiều vốn.
Trong một bài viết về tiểu sử của bà, Đoàn Luật sư Á Châu Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Trung Tâm Tư Pháp Á Châu viết rằng: “Thẩm phán Nguyễn là hình ảnh thu nhỏ của của “giấc mộng Hoa Kỳ”, từ tấm bé bà đã phải theo gia đình bôn ba cuộc sống lưu vong, nhưng lúc nào cũng đối diện với cuộc đời bằng thái độ khoan hòa, biết ơn, khiêm nhường, dũng cảm và quyết tâm, chăm chỉ đi theo mẹ dọn dẹp lau chùi phòng khám nha khoa sau giờ học.”

Con đường dẫn đến những bực thang cao nhất của ngành tư pháp Hoa Kỳ của thẩm phán Jacqueline Nguyễn là một hành trình rất dài, khởi sự từ năm 1975, khi cô bé mười tuổi họ  Nguyễn chạy trốn khỏi Việt Nam với cha mẹ trên một trong những chuyến máy bay cuối cùng rời khỏi đây, sau khi Sài Gòn thất thủ.

Trên web của trường Occidental College

American Dreams "Giấc mơ Mỹ"

Tại sao sự thành đạt của bà lại được xem như là tiêu biểu của giấc mộng Hoa Kỳ, và Giấc Mộng Hoa Kỳ là gì?
Nhà văn kiêm sử gia James Truslow Adams đã tạo ra thuật từ "Giấc mơ Mỹ" trong cuốn sách xuất bản năm 1931 của ông có tựa đề là Epic of America (Thiên hùng ca Mỹ):

"Giấc mơ Mỹ là giấc mơ của một vùng đất mà ở đó cuộc sống đáng tốt đẹp hơn, giàu có hơn và đầy đủ hơn cho mọi người. Ở đó mỗi người có cơ hội theo khả năng hoặc thành tựu của mình. Nó không phải là một giấc mơ về các loại xe hơi hay tiền lương cao, nhưng là một giấc mơ về trật tự xã hội mà trong đó mọi người có thể đạt được tầm vóc đầy đủ cái khả năng bẩm sinh của mình, và được những người khác công nhận họ vì những gì của chính họ, không phân biệt môi trường hoàn cảnh sinh ra hay địa vị ngẫu nhiên của họ."
Dư luận cho rằng một trong những yếu tố quan trọng ấy là truyền thống khuyến khích và nâng niu giấc mơ này của chính những người dân Hoa Kỳ trước đây cũng là di dân đã đến đây từ những quốc gia khác.

Bà Linda Chavez, người Mỹ gốc La Tinh, hiện là chủ tịch của “Center for Equal Opportunity”, một trung tâm nghiên cứu chính sách quốc gia bất vụ lợi tại Falls Church Virginia, cựu chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Di Dân Quốc Gia phát biểu:
“Giấc Mơ Hoa Kỳ đã bén rễ trong sự lạc quan của dân tộc chúng ta. Một trong những lý do khiến cho Hòa Kỳ trở thành một nước mạnh là người dân Hoa Kỳ, đến từ nhiều nơi trên thế giới, đến đây mang theo ước mơ và quyết tâm tạo nên được một tương lai tươi sáng. Sự kiện đất nước Hoa Kỳ là nơi sinh sống của nhiều giống dân khiến chúng ta trở thành một dân tộc và đất nước mạnh hơn và lạc quan hơn.”
Bà Abigail Disney, tác giả của cuốn phim “Pray The Devil Back To Hell, một phim  tài liệu nói về nỗ lực của một nhóm phụ nữ người Liberian đòi hỏi chính quyền của họ phải mang đến hòa bình cho xã hội Liberia, và cũng là một nhà đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ chia xẻ quan điểm của bà về Giấc Mơ Hoa Kỳ. Bà nói:
“Ước nguyện của tôi về Giấc Mơ Hoa Kỳ là chúng ta hãy nhớ Giấc Mơ Hoa Kỳ là gì, và tất cả mọi người sống trên đất nước này đều phải có điều kiện để đạt được giấc mơ ấy, chứ đó không phải là đặc quyền của một số người. Tôi mong là mỗi người chúng ta đều góp phần để cho Hoa Kỳ là một nơi mà công bình và chân lý được thực hiện, để Hoa Kỳ mãi mãi là nơi mà những giấc mơ đẹp của mọi người dân, bất kể đến từ đâu được thực hiện.”

Ước nguyện của tôi về Giấc Mơ Hoa Kỳ là chúng ta hãy nhớ Giấc Mơ Hoa Kỳ là gì, và tất cả mọi người sống trên đất nước này đều phải có điều kiện để đạt được giấc mơ ấy, chứ đó không phải là đặc quyền của một số người. Tôi mong là mỗi người chúng ta đều góp phần để cho Hoa Kỳ là một nơi mà công bình và chân lý được thực hiện

Bà Abigail Disney

Giáo Sư Melissa Harris-Lacewell, người Mỹ gốc Châu Phi, hiện giảng dạy môn Chính Trị và Người Mỹ Da Mầu tại đại học Princeton University cho rằng Giấc Mơ Hoa Kỳ là một tiến trình của một xã hội dân chủ, bà nói:

“Với tôi, thực hiện Giấc Mơ Hoa Kỳ luôn luôn là một trách nhiệm chung. Nó không phải là một nơi mà chúng ta đến, mà là một cuộc hành trình. Đó là cuộc hành trình mà chúng ta cùng gánh vác trong một thể chế dân chủ, và giấc mơ đó là những gì mà chúng ta cùng đạt được cho xã hội này.”
Người ta tự hỏi thật ra Giấc Mơ Hoa Kỳ là một giấc mơ hay là một trách nhiệm, trách nhiệm đối với bản thân và trách nhiệm đối với xã hội.
Trả lời một cuộc phỏng vấn trước đây với tờ Metropolitan News, thẩm phán Jacqueline Nguyễn cho biết, với bà, việc trở thành thẩm phán Liên bang vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm.

Không biết khi còn đang miệt mài ở ghế nhà trường, và đắc lực tiếp tay với  gia đình trong việc tìm kế sinh nhai, bà Jacqueline Nguyễn có nghĩ nhiều đến Giấc Mơ Hoa Kỳ không, nhưng dù bà có quan tâm hay không, theo sự đánh giá của nhiều người thì bà đã là thực hiện được Giấc Mơ Hoa Kỳ của mình, và là một tấm gương cho nhiều người, nhất là những con em của gia đình di dân noi theo.
Chương trình Câu Chuyện Hàng Tuần đến đây xin tạm kết thúc, Hà Giang hẹn gặp lại quý vị trong chương trình kỳ tới, mong quý vị đón theo dõi…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
08/12/2009 08:37

This is great news.

Anonymous
08/12/2009 06:43

Trong toàn bộ bài viết dùng chữ "Giấc Mơ Hoa Kỳ" là đúng. Không hiểu sao, cái tựa lại là Giấc Mộng Hoa Kỳ. Không lẽ tác giả không phân biệt được sự khác biệt về nghĩa giữa chữ Giấc Mơ và Giấc Mộng trong tiếng Việt. Tiếc thay!

Anonymous
08/12/2009 13:16

Thật là hạnh phúc khi có người gốc việc được tiến cử vào chức danh trên....

Anonymous
08/12/2009 09:46

boring zzz!

Anonymous
08/12/2009 08:37

Một tấm "GƯƠNG THÀNH CÔNG" tuyệt vời!

Anonymous
08/12/2009 12:00

Hạt giống tốt gieo mầm trên mãnh đất tốt-khí hậu ,môi trường tốt sẽ có những quả tốt-Rất tiếc cho những hạt giông tốt gieo hơn 34 năm không nẩy mầm