Ở các nước phát triển, “chỗ” đi vệ sinh rất được coi trọng vì nó liên quan chặt chẽ đến sức khoẻ không chỉ cho chính cá nhân người đó, mà cả môi trường xung quanh nữa. Tại các nước đang phát triển như Việt nam, vấn đề đi vệ sinh giờ đây đã có nhiều thay đổi so với trước kia, nhưng liệu nhu cầu này đã được đáp ứng đúng mức hay chưa? Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này có bài tìm hiểu về vấn đề này.
Đi ở đâu?
Cái chuyện đi vệ sinh vốn là chuyện muôn thuở của loài người nhưng có lẽ cũng chính bởi cái sự đương nhiên đó mà ở nhiều nơi, người ta đã không coi trọng nó đúng mức ở khía cạnh vệ sinh, nhất là về cái khoản “đi ở đâu.” Ở Việt nam, ngoài những thành phố lớn, hiện đại, nơi nhà vệ sinh sạch sẽ theo kiểu phương tây đã khá phổ biến, thì ở vùng nông thôn, vùng núi, nhà vệ sinh vẫn còn thiếu và chưa hợp vệ sinh.
Vẫn còn những vấn đề quan ngại mặc dù Việt nam đã đạt được những bước tiến vững chắc trong việc đảm bảo người dân tiếp cận được nước sạch và nhà vệ sinh.
Bà Sandra Bisin
Báo cáo của chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Việt nam năm 2005 cho thấy vấn đề vệ sinh ở nông thôn vẫn chưa được chú trọng như đối với cấp nước. Hiện cả nước vẫn còn 50% số hộ gia đình chưa có nhà tiêu hợp tiêu chuẩn vệ sinh và đang phải sử dụng các loại nhà tiêu không hợp vệ sinh như nhà tiêu cầu, nhà tiêu đào, nhà tiêu ao cá… hiện là nguy cơ cao gây nhiễm bẩn các nguồn nước mặt phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng. Trong khi đó, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân vẫn còn lệch lạc, coi trọng vấn đề cấp nước hơn vệ sinh.
Chương trình Theo dõi chung của WHO và UNICEF về Nước sạch và VSMT (JMP) định nghĩa các phương tiện vệ sinh "cải thiện" là nhà tiêu dội nước hoặc thấm dội nước đổ vào hệ thống đường ống thoát nước, bể tự hoại hoặc hố xí, nhà tiêu có ống thông khí, nhà tiêu có nắp đậy, nhà tiêu ủ phân trộn. Chỉ các phương tiện vệ sinh không dùng chung hoặc không phải là nhà vệ sinh công cộng mới được coi là phương tiện vệ sinh đã được cải thiện.
Bà Sandra Bisin, Giám đốc truyền thông của UNICEF Việt nam cho biết, trong hơn 10 năm qua Việt nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong việc cung cấp nước sạch cho người dân, nhưng vẫn còn những quan ngại về việc thiếu nhà vệ sinh tại các vùng nông thôn, đặc biệt là trong trường học. Bà nói:
Sandra Bisin: Nếu chúng ta nhìn vào số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2006, chúng ta có thể thấy trong khi 75% hộ gia đình ở vùng nông thôn có nhà vệ sinh thì chỉ có 18% trong số họ có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Nếu nhìn vào trường học thì chỉ có 11% trường trên toàn quốc có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Vì thế vẫn còn những vấn đề quan ngại mặc dù Việt nam đã đạt được những bước tiến vững chắc trong việc đảm bảo người dân tiếp cận được nước sạch và nhà vệ sinh.

Việc thiếu nhà vệ sinh hoặc sử dụng các nhà vệ sinh không đạt tiêu chuẩn gây nên nhiều bệnh tật trong người dân. Một báo cáo năm 2008 của UNICEF cho thấy 50 triệu người Việt nam trong đó có 18 triệu là trẻ em hiện không có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Kết quả là vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng các loại theo nước, đất, thực phẩm và tay không rửa làm ô nhiễm và gây nên các bệnh như tiêu chảy, tả và giun. Tiêu chảy và các bệnh về đường hô hấp hiện là những nguyên nhân chính gây tử vong và bệnh tật cho trẻ ở Việt nam. Gần một nửa số trẻ Việt nam đang bị các bệnh về giun do thiếu nước sạch và nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn. Bà Sandra Bisin của tổ chức UNICEF nói tiếp:
Sandra Bisin: Tại một số vùng, vệ sinh và các bệnh liên quan đến nước có thể coi là đang lan rộng, 44% trẻ em bị nhiễm giun móc và giun đũa. Và đây chính là những nhân tố chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
Thiếu nhà vệ sinh trong trường học
Thậm chí ngay ở thành phố, việc xây nhà vệ sinh trong các trường học cũng chưa được chú trọng đúng mức. Theo một kết quả điều tra gần đây tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước bao gồm cả thành phố Hồ Chí Minh, có 3.000 trong số 11.000 trường được kiểm tra không có nhà vệ sinh hoặc không có nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng. Có khoảng 1.200 trường mầm non nằm trong tình trạng này.
Tại một số vùng, vệ sinh và các bệnh liên quan đến nước có thể coi là đang lan rộng, 44% trẻ em bị nhiễm giun móc và giun đũa.
Bà Sandra Bisin
Thiếu nhà vệ sinh hay nhà vệ sinh không sạch đã khiến nhiều trẻ phải nhịn tiểu suốt buổi học, và đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nhiễm trùng tiểu, tăng huyết áp và suy thận mãn, rất dể xảy ra đối với trẻ em, đặc biệt là các em gái.
Thêm vào đó thiếu nhà vệ sinh, hay ít nhất, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các dịch bệnh tả và tiêu chảy mà hiện Việt nam vẫn gặp phải mỗi khi hè đến.
Theo chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Việt nam đặt ra mục tiêu đến hết năm 2010 sẽ có 70% số hộ gia đình sống ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Cố gắng tập trung để đến hết 2010 tất cả các nhà trẻ, trường tiểu học, trường mầm non, trạm xá, trụ sở xã ở nông thôn đều có đủ nước sạch và có đủ nhà tiêu hợp vệ sinh. Bây giờ đã là gần giữa năm 2010, nhưng nếu căn cứ vào các cuộc điều nghiên mới đựơc thực hiện liên quan đến vấn đề này, thì phải nói rằng mục tiêu đã đề ra e khó lòng đạt đựơc đúng thời hạn đã định.
Phương châm thực hiện là phát huy nội lực của dân cư nông thôn, dựa vào nhu cầu người sử dụng để quyết định mô hình cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn phù hợp với khả năng cung cấp tài chính của địa phương. Nhà nước chủ yếu đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ.
Theo ông Ngô Trọng Lâu, Giám đốc trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh An giang, thì về vấn đề nhà vệ sinh, người dân chủ yếu được tuyên truyền để xây là chính, còn hỗ trợ từ chính quyền chỉ có phần nào. Ông nói:
Trước năm 2005, khi xây trường chỉ muốn mở lớp mà bỏ qua việc xây nhà vệ sinh.
Ông Ngô Trọng Lâu
Ngô Trọng Lâu: Trên thế giới, không có quốc gia nào xây nhà vệ sinh cho từng nhà dân. Mình xây mô hình hỗ trợ, người ta ý thức được và người ta có khả năng chung vốn vô xây. Đó là vùng nghèo, còn vùng khá mình chỉ đưa mô hình người ta xây, kết hợp với truyền thông vận động, cho vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để làm nước sạch với vệ sinh, theo quyết định 62 của thủ tướng chính phủ.
Tại nhiều vùng nông thôn miền nam, người dân vốn có thói quen đi tiêu trên cầu tiêu ao cá, để phân rơi xuống ao hồ, sông cho cá ăn. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Theo ông Lâu thì, hiện tượng này giờ đây đã giảm bớt nhiều vì chính quyền đã cấm. Mặt khác, đời sống của người dân khá lên, nên đã có những gia đình tự giác xây cầu tiêu trong nhà thay vì đi ra sông. Ông nói:
Ngô Trọng Lâu: Xuống sông từ năm 2000 đến giờ là cấm hết không còn nữa. Giờ mình hỗ trợ người ta xây trong nhà, vì nó tiện cho người già cả, trước không có điều kiện thôi, giờ có tiền thì người ta làm hết.
Ông Ngô Trọng Lâu cho biết hiện An giang đang ưu tiên làm nhà vệ sinh cho các trạm y tế, trường tiểu học và mẫu giáo để đạt mục tiêu 100% trường tiểu học và mẫu giáo có nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn.
Tuy nhiên ông cũng thừa nhận những khó khăn nhất định.

Ngô Trọng Lâu: Có nhiều chỗ khó làm chứ không phải thiếu tiền. Khó vì trường tiểu học thì có một trường chính mà nhiều điểm phụ, tức là một chòm xóm có đông trẻ thì mở điểm phụ khoảng 5 lớp thì thường dân cho đất mình làm trường. Cho đất làm trường mà mình xây nhà vệ sinh thì ở gần nhà dân. Mà mình mua đất làm nhà vệ sinh thì dân không chịu vì kế nhà người ta người ta sợ hôi hám. Nó khó phần đó.
Vì thế tỉnh quy hoạch thì phải làm nhà vệ sinh, đây là xây dựng nhà vệ sinh của các trường trước năm 2005 thôi, còn các trường sau năm 2005 thì khi xây trường phải xây nhà vệ sinh rồi. Trước năm 2005, khi xây trường chỉ muốn mở lớp mà bỏ qua việc xây nhà vệ sinh thì mình thiếu trường mình xây thì mình bỏ qua cái đó, nhưng từ năm 2005 thì mình phải xây nhà vệ sinh.
Thải ra môi trường
Tại nhiều vùng nông thôn khác của Việt nam, việc xây dựng cầu tiêu theo kiểu dội, thấm khô, tự hoại vẫn còn khá là xa lạ, một phần là do thói quen của người dân. Chị Bùi Bảo Anh, một người dân ở Quảng Bình nói:
Bùi Bảo Anh: Quê em họ không có ra đồng, họ không có thói quen ra đồng, nhưng họ có nhà cầu từ xa xưa đó là họ đào một cái hố không có phân huỷ gì hết mà để tự nhiên như thế, bây giờ trong Quảng trị, hàng xóm nhà em vẫn dùng cái đó mà. tức là họ xây 4 bức tường xung quanh, rồi họ đào lỗ rồi họ đi thế thôi chứ không có phân huỷ hầm phốt gì hết trơn. Thường thường họ làm ở sau vườn cách xa nhà một chút. Trước đây họ còn không xây như thế đâu, họ chỉ đào lỗ thôi rồi che lá lại sau đó mấy năm trước họ có đi vận động rồi họ xây lên cho, nhưng mà họ chỉ xây lên chứ họ không có hầm phốt tự huỷ đâu. họ xây tường xung quanh. Cách đây 2 hay 3 năm thì nhà nước có giúp các gia đình mà đang che lá lại đó, họ giúp xây lên nhưng chưa giúp được hầm phốt.
Fact box | |
|
Ngay chính ông Phạm Phú Bổn, Giám đốc trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường trình Đăk Lăk cũng thừa nhận tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục bà con dân tộc sử dụng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn.
Phạm Phú Bổn: Cái đó còn nan giải vì họ không có phong tục dùng nhà vệ sinh dội hay thấm khô như chương trình mình làm. Mặc dù làm rồi mà họ không dùng. Họ ít dùng, tỷ lệ dùng rất thấp. Có những cái mình xây miễn phí, họ chỉ đóng góp một phần bao che phía trên thôi, đó là phần chính sách, nhưng cái việc thay đổi hành vi là một cái phải mất nhiều thời gian. Nó là cả một quá trình.
Rõ ràng là cái chuyện đi vệ sinh ở đâu là điều quan trọng. Nhưng không chỉ Việt nam mà còn rất nhiều nơi trên thế giới, con người vẫn chưa được tiếp cận với nhà vệ sinh sạch sẽ. Theo con số thống kê của liên hiệp quốc năm 2007 thì có khoảng 2,7 tỷ người trên thế giới vẫn chưa được dùng nhà vệ sinh sạch. Liên hiệp quốc hy vọng sẽ giảm con số này xuống còn một nửa vào năm 2015 như một phần các mục tiêu phảt triển thiên niên kỷ đặt ra. Đây cũng là mong muốn của chính phủ Việt nam khi đề ra mục tiêu 100% người dân nông thôn Việt nam sẽ có nước sạch và nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn vào năm 2020.
Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này xin được tạm dừng tại đây. Việt Hà thân ái tạm biệt quý vị và xin hẹn gặp lại vào sáng thứ ba tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Nạn đổ rác lén trên đường phố Hà Nội
- Khuyến khích phát triển những dự án "sinh thái"
- Thịt hư thối bán công khai tại Hà Nội
- Vụ Vedan: khi sự coi thường dư luận bị đáp trả
- 13 doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai gây ô nhiễm nghiêm trọng
- Sông Saigòn đang kêu cứu
- Kênh Ba Bò bị ô nhiễm nặng
- Ráo riết chuẩn bị các lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long?