Mekong center: nơi giúp đỡ bệnh nhân tâm thần người Việt Nam

Từ trước đến nay, nhiều người Việt có thành kiến có thể nói là bất công với người bệnh tâm thần. Họ cho là bị ma ám, hay kiếp trước ăn ở thất đức nên kiếp này phải gánh tội.

0:00 / 0:00

Gia đình nào không may có người bị mắc bệnh tâm thần hầu như phải giấu diếm, cách ly người bệnh với sinh hoạt bên ngoài. Một hậu quả là người bệnh càng bệnh nặng thêm.

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, cả trong lãnh vực dược phẩm lẫn phương pháp trị liệu phối hợp tâm sinh lý và xã hội, nhiều bệnh nhân tâm thần đã hồi phục. Năm 1988, ở San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ, trung tâm Cửu Long, hay còn gọi là Mekong Center được thành lập, để điều trị cho những người Việt bị tâm thần.

Vì thế, lập ra trung tâm này để người Việt mình tự chữa cho người Việt mình, vì không ai hiểu cái văn hoá của mình bằng chính mình.

ông Trần Đình Tuấn

Trung tâm tâm thần Việt Nam dành cho người Việt Nam

Theo lời của ông Trần Đình Tuấn, chuyên viên tâm lý xã hội, người đã tham dự ngay từ những ngày đầu tiên trung tâm được thành lập thì:
Trung tâm này thành lập từ năm 1988, anh Tạ Minh là người Việt đầu tiên đã có sáng kiến lập ra Trung Tâm Mekong Center với mục đích là để chữa cho người Việt Nam. Trước đó, người ta đã có sẵn nhiều trung tâm khác để chữa bệnh, nhưng những cơ quan đó không hiểu văn hoá Việt Nam, nên cách chữa trị của họ không được hữu hiệu lắm.

Vì thế, lập ra trung tâm này để người Việt mình tự chữa cho người Việt mình, vì không ai hiểu cái văn hoá của mình bằng chính mình. Khoảng 20 năm nay, chúng tôi đã phục vụ được khá nhiều khách hàng, cũng phải đến trên dưới 1000 người. Điều trị về tâm thần có nhiều mặt. Điều trị về thuốc thì có hai bác sĩ tâm thần. Bên cạnh việc cho thuốc về tâm thần, thì có những dịch vụ khác đóng góp vô toàn diện vào sự hồi phục của bệnh nhân.

Thí dụ như tâm lý, nhà ở, thực phẩm, quần áo, những nhu cầu cơ bản…Nói tóm lại là có 3 cái cần thực hiện song song: thuốc, những nhu cầu căn bản, và cố vấn về tâm lý. Trung tâm chúng tôi cung cấp cả 3 nhu cầu đó cho bệnh nhân tâm thần. Nếu thiếu một trong 3 cái đó thì nó không hoàn chỉnh, và không tạo sự ổn định về lâu dài cho người bị tâm thần.

Người Mỹ đã tiến bộ hơn mình một bước vì người ta coi ai cũng có thể bệnh này bệnh kia, và người ta công khai đem ra bàn cãi và tìm sự giúp đỡ.

ông Trần Đình Tuấn

Theo lời ông cho biết, hiện nay, người Việt mình ở Hoa Kỳ phần nào cũng đã thay đổi quan niệm, ông nói:

Theo văn hóa của người Việt Nam mình, nếu con cái mà học giỏi, thông minh, thì mình khoe ra rất nhiều, ngược lại, nếu có đứa con nào bị khuyết tật, bị bệnh này, bệnh kia thì thường thường người ta coi đó là cái nghiệp chướng, phúc đức ông bà kém, người ta ít đề cập đến đứa con như vậy.

Đó là một trong những nét đặc thù của văn hoá Việt Nam mình. Người Mỹ đã tiến bộ hơn mình một bước vì người ta coi ai cũng có thể bệnh này bệnh kia, và người ta công khai đem ra bàn cãi và tìm sự giúp đỡ. Bây giờ người Việt ở Mỹ cũng đã bỏ bớt thành kiến xấu về tâm thần. Đó là một điều rất tốt.

Theo các tài liệu gần đây, thì có ít nhất 10% dân số bị suy thoái tâm thần cần phải chữa trị ngay, 1% dân số bị tâm thần nặng cần phải có sự giám sát 24/24 của bác sĩ và chuyên viên tâm lý. Riêng cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ mắc bệnh tâm thần chiếm 1%. Chị Nguyễn Thanh, một chuyên viên tâm lý đang làm việc tại trung tâm Mekong cho hay:

Đa số các bệnh nhân đến trung tâm là bị bệnh trầm cảm, hoặc là nghe những tiếng nói trong đầu của họ, nói họ làm những chuyện bậy bạ, hay là, cho họ tin tưởng vào những điều không đúng.

Nhiều khi những tiếng nói đó làm cho người ta có những hành động bạo lực như đánh người, hay sợ sệt, sợ có người theo dõi, sợ có người đọc được những tin tức trong đầu của họ…đưa đến cho người ta mất tự tin, sợ hãi, không sống bình an được. Người Việt của mình bị bệnh về tâm thần phân liệt, bị bệnh nghe tiếng nói rất nhiều, người ta rất cần sự giúp đỡ.

Theo lời chị cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh rất phức tạp,

có những bệnh nhân khi còn nhỏ bị té ngã mà gia đình không chú ý điều trị đến nơi đến chốn, về lâu dài, ảnh hưởng đến tâm trí của bệnh nhân. Cũng có người, khi qua Mỹ, trong cuộc sống, bị tổn thương nặng về tình cảm và phát bệnh. Chị nói:

Em có một trường hợp, gia đình của chị thương yêu chị lắm, chị ít bị căng thẳng, nhưng đến khi chị đi ra làm việc, , phải đối diện với thực tế, công việc làm cho chị căng thẳng, chị không có sức chịu đựng, thành ra, chị bị bịnh luôn. Từ một người học thức rất cao, bắt đầu nghe tiếng nói, không làm việc được nữa…Có người họ nghĩ rằng họ có sức mạnh, có thể thay đổi được thế giới này, hoặc làm được những chuyện lớn lao…mỗi bệnh nhân có một hoang tưởng khác nhau.

Có những bệnh nhân khi còn nhỏ bị té ngã mà gia đình không chú ý điều trị đến nơi đến chốn, về lâu dài, ảnh hưởng đến tâm trí của bệnh nhân. Cũng có người, khi qua Mỹ, trong cuộc sống, bị tổn thương nặng về tình cảm và phát bệnh.

Chị Nguyễn Thanh

Những bầu không khí cởi mở thoải mái rất Việt Nam

Được biết, tại trung tâm Mekong, luôn có những sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh, có những chuyên gia tâm lý người Việt luôn sẵn sàng lắng nghe bệnh nhân tâm sự giãi bày.

Hàng tuần, ban điều hành và các chuyên gia tâm lý tổ chức những buổi sinh hoạt chung với một bầu không khí rất “Việt Nam” để các bệnh nhân được cởi mở và thoải mái. Một bệnh nhân đang sinh hoạt tại trung tâm Mekong cho biết:

Lúc đó, em đang homeless ngoài đường, rồi cảnh sát đưa vô bệnh viện tâm thần ở San Jose, rồi họ đưa địa chỉ Trung Tâm...Em tới sinh hoạt một năm rưỡi rồi, em bị bệnh tâm thần… em nghe tiếng nói và bị trầm cảm, chán nản.

Em đi làm nhà hàng, mất việc làm, buồn rồi bị bệnh trầm cảm…Em nghe tiếng nói trước khi đi ngủ, lúc bình thường…Nhưng lúc này bớt rồi. Em tới sinh hoạt mỗi tuần, vui lắm, gặp thêm bạn bè…rồi ở Mekong dẫn đi ăn uống, họp nhóm…

Một bệnh nhân khác, năm nay 50 tuổi cũng kể lại:

Hồi xưa, em đi tự tử, lái xe lên núi đâm xuống đồi…Trước kia, em đi làm, em đâm ra buồn nản, nghe tiếng nói, nói em đi tự tử. Bây giờ thì hết rồi, uống thuốc hết nghe tiếng nói rồi. Em đến Mekong một năm mấy nay rồi….Ra nhà thương là đến Mekong luôn, uống thuốc thì bớt, không uống thì bịnh…Trung Tâm Mekong rất là tốt, tôi đã chữa qua nhiều trung tâm, nhưng không chỗ nào bằng trung tâm này, cần cái gì thì người ta sẵn sàng giúp cái đó.

Hồi xưa, em đi tự tử, lái xe lên núi đâm xuống đồi…Trước kia, em đi làm, em đâm ra buồn nản, nghe tiếng nói, nói em đi tự tử. Bây giờ thì hết rồi, uống thuốc hết nghe tiếng nói rồi. Em đến Mekong một năm mấy nay rồi.

Một bệnh nhân

Điều làm cho các bác sĩ, các chuyên viên tâm lý tại trung tâm vui nhất là nhìn thấy các bệnh nhân mỗi ngày một thuyên giảm, ra khỏi thế giới ảo để trở về sinh hoạt với gia đình và hội nhập vào cộng đồng. Đó là chưa kể còn có những người còn tìm được việc làm thích hợp. Một trường hợp đáng thương được ông Tuấn kể lại:

Có một người client Việt Nam, đã bị nhốt lại trong nhà thương điên 18 năm, tụi tôi tranh đấu lấy người này ra, không phải là dễ đâu, vì có nhiều vấn đề phức tạp.

Khi đưa người này ra, bệnh nhân này đã ở ngoài cộng đồng 8 tháng nay, mà không hề phải bị vô lại dịch vụ tâm thần khẩn cấp một lần nào hết. Đây là một thành công mà chúng tôi rất hãnh diện. Người client này đã được đưa vào cộng đồng Việt Nam, được ăn đồ ăn Việt Nam, nói được tiếng Việt Nam với những người chung quanh mình, gặp bác sĩ tâm thần Việt Nam nói chuyện…

Chính vì nhận ra sự điều trị cần phải thích ứng với bệnh nhân người Việt nên trung tâm Mekong đã thành công trong việc chữa trị và làm cho giới chuyên môn người Mỹ phải khâm phục. Ông Tuấn phát biểu:

Người Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ trong vấn đề khoa học, thí dụ như chế ra được thuốc mới, làm giảm triệu chứng tâm thần nhanh chóng, và thêm được nhiều phát minh trong khoa tâm lý, và trong y khoa, dược khoa, nhưng có một yếu tố mà không thay đổi được, vẫn quan trọng và càng ngày người ta càng cho rằng nó quan trọng hơn.

Đó là yếu tố văn hóa, lối sống, thực phẩm, cách người ta nói chuyện với nhau…phải cùng một tần số, thì tự dưng, người client sẽ thoải mái ở trong một môi trường thích hợp với văn hoá của họ thành ra, họ sẽ sống ở trong môi trường đó lâu dài, không cần phải vô nhà thương điên.
Trên đây là một số thông tin về Trung Tâm Mekong, nơi giúp đỡ cho bệnh nhân tâm thần người Việt ở San Jose, Califonia.