Nuôi heo để xóa đói ở làng Nước Ngọt – Huế

Thưa quí vị thính giả, vào đầu tháng 11 vừa qua, trong khi ngay tại thành phố Huế đã diễn ra lễ hội “Festival Huế 2008” với chủ đề ‘Di Sản Văn Hoá Với Hội Nhập Và Phát Triển’ vô cùng lộng lẫy và tưng bừng náo nhiệt, thì ở một nơi cách thành phố chỉ chừng 50 cây số về phiá Nam, có những gia đình vẫn chưa biết đến ánh điện là gì…

0:00 / 0:00

Đêm đêm ngọn đèn dầu leo lét soi trên vách đất với những mái nhà tranh xiêu vẹo, dột nát. Nơi đây, cả thôn làng có 1600 nhân khẩu thì hơn 70 % thụộc diện đói nghèo. Nơi đây, người dân chỉ đủ lúa ăn trong vòng 3, 4 tháng, và những ngày còn lại là bữa cháo, bữa rau…

Nơi đây, có những cụ già trơ xương và các em bé bụng ỏng chưa hề đuợc cắp sách đến trường. May mắn thay, cũng vào dịp đó năm ngoái, tình cờ một nữ tu Công Giáo, đang sinh sống và làm việc ở Hoa Kỳ, đã đến thăm động lòng trắc ẩn và tìm cách giúp đỡ hoàn toàn theo sáng kiến và trong khả năng cá nhân của bà.

Nơi đây, có những cụ già trơ xương và các em bé bụng ỏng chưa hề đuợc cắp sách đến trường.

Và thế là chương trình nuôi heo để xoá đói được thực hiện. Mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này xin gửi tới quí vị một số chi tiết về chương trình nhân đạo này.

Từ bang Georgia đến làng Hói Dừa hẻo lánh

Thưa quí vị thính giả, người nữ tu đã và đang thực hiện chương trình nuôi heo để xoá đói cho một trong những ngôi làng vừa nói là Sơ Trương Mỹ Hạnh, người từng làm việc tại các trại tị nạn Hồng Kông năm xưa. Được biết, hiện nay, bà đang làm giám đốc một cơ quan thiện nguyện cho người Việt ở bang Georgia, Hoa Kỳ.

Tuy vậy, hàng năm, bà vẫn dành thời gian về quê nhà làm công tác từ thiện. Trong một dịp đi phát gạo cho các người già, bà được nghe nói về dân cư ở vùng này, bà kể lại:

Đó là một vùng núi ở gần làng Lăng Cô, tên là Hói Dừa, trong đó không có đường để xe chạy, cả làng rất nghèo đói, các em đi học mỗi ngày đi bộ gần hai tiếng đồng hồ để ra một làng khác đi học, rất nguy hiểm, một mình, chung quanh là ven sông, đi học buổi sáng, trưa đi bộ hai tiếng về nhà, ăn cơm xong lại đi bộ ra đi học. Từ đó, tôi muốn giúp cho các em ở lại đi học và có chương trình nuôi heo. Làng Hói Dừa này có được 15 gia đình nuôi heo.

Sơ Trương Mỹ Hạnh cho biết, chương trình nuôi heo được thực hiện giống như một ngân hàng tín dụng nhỏ. Gia đình nào được nhận heo thì sau khi bán đi phải trả lại số vốn ban đầu. Hiện nay, chương trình này được thực hiện rất tốt đẹp ở làng Nước Ngọt, Sơ kể tiếp:

<i>Cả làng rất nghèo đói, các em đi học mỗi ngày đi bộ gần hai tiếng đồng hồ để ra một làng khác đi học, rất nguy hiểm, một mình, chung quanh là ven sông</i> <i> </i>

Kế hoạch đã thành công tại Làng Nước Ngọt

Làng Nước Ngọt thì bắt đầu từ năm ngoái, 20 gia đình nuôi được 40 con heo, rất thành công , bởi vì người ta nuôi 6 tháng là người ta bán được, người ta lại đưa lại cho mình một con, lãnh được 2 con thì đưa lại cho mình một con, vốn ban đầu để mình phát cho gia đình khác. Năm nay, người ta xin nuôi 3 con, và người ta nuôi lớn thì đưa lại cho mình một con lớn.

Tức là nuôi dùm luôn cho mình, như vậy mình sẽ giúp được nhiều gia đình hơn. Một con heo giá 35 đô la, nhưng sau trận lụt năm ngoái thì người ta bán 75 đô la một cặp, bây giờ là 45 đô la. Lúc đầu, dự định là cho họ làm một cái gánh xôi, gánh bún, nhưng ở trong làng đó thì người ta quá nghèo, không có ăn, nếu họ bán thì mất vốn. Sau đó họ ăn vào lại hết vốn. Chính vì thế nên mới nghĩ ra nuôi heo bởi vì trên vùng đó họ có thể đi đốn thân cây chuối và có cám, tương đối rẻ hơn.

Nhờ họ nuôi heo như vậy mà nó không bị dịch heo tai xanh, vì họ chỉ nuôi có hai con, họ không nuôi bằng thức ăn công nghệ, cho nên, những con heo đó rất được giá. Vì vậy năm vừa qua, họ giao lại một số tiền và lại đi mua heo giúp thêm những gia đình khác nữa.

Ông Lệ, một người cộng tác với Sơ Trương Mỹ Hạnh, hiện đang cư ngụ ở ngay thành phố Huế cho biết rằng, sau khi nhận được khoản trợ giúp từ Sơ Mỹ Hạnh, vợ chồng ông vào tận trong làng đón người được trợ giúp ra mua heo và đem về cho họ. Mỗi bận đi về như thế mất khoảng từ 6 đến 7 tiếng đồng hồ. Hiện nay, nếu chỉ cho nuôi hai con heo thì sự trợ giúp không thấm vào đâu nên chính vì thế, phải chuyển hướng. Ông nói:

<i>Chương trình nuôi heo ở Nước Ngọt rất nhiệt tình vì họ trồng được rất nhiều sắn. Sắn này chỉ nuôi heo thôi, người không ăn được nên người ta có thể làm chuồng heo, có thực phẩm nhưng lại không có vốn để mua giống.</i>

Cho họ hai con thì thấy chưa giải quyết được gì, nên bây giờ cho họ 3 con, sau 6 tháng thì mình lấy lại một con. Chương trình nuôi heo ở Nước Ngọt rất nhiệt tình vì họ trồng được rất nhiều sắn.

Sắn này chỉ nuôi heo thôi, người không ăn được nên người ta có thể làm chuồng heo, có thực phẩm nhưng lại không có vốn để mua giống. Người được cấp heo thì ít mà người chờ đợi thì nhiều quá vì chương trình cũng giới hạn.

Anh Dũng, trưởng thôn làng Nước Ngọt cho biết rằng thêm về tình hình đời sống dân cư ở đây:

Họ sống bằng nghề nông nghiệp thôi, họ làm ruộng, làm sắn thôi, vì đất đai ở vùng sâu, vùng xa xấu lắm. Về chính quyền thì cái xã đó nghèo quá, chỉ có những đơn vị lâu lâu họ về họ cho…

Khó khăn thì hết hơn 70% gia đình khó khăn. Điện thì cũng có gia đình thì vẫn còn thắp dầu vì xa quá không có tiền mua đường dây. Nói chung, ở Nước Ngọt thì ngheò lắm nên vừa rồi, Sơ Hạnh có cho nuôi heo, làm cái đó thì hiệu quả, nhưng mới chỉ cho một số thôi, còn một số thì phải chờ đợi vì có nhiều người nghèo quá.

Dân chỉ làm nông nghiệp và trồng sắn thôi, và dùng sắn để nuôi heo vì mình không ăn được. Luá thì ăn trong vòng 3, 4 tháng là hết, họ phải đi chặt củi, làm cái chi đó để kiếm sống qua ngày…

Khi được hỏi về việc học tập của các em, anh Dũng cho biết:

Một số cũng đi học, nhưng chỉ học lỡ dở vì hoàn cảnh khó khăn, học lên lớp 9 hay lớp 10 là nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thất học là nhiều, nếu tính học lớp 12 thì không có ai hết.

Chị Tuyết An, một phụ nữ trong làng được nhận nuôi heo, tâm sự rằng chị là một trong những người nghèo may mắn nhất vì được nhận heo ngay từ ban đầu, nay gia đình chị đã có vốn được hai con. Chị kể lại:

Lúc đầu cho hai con, bây giờ thì nuôi 3 con, mai mốt trả lại một con to. Về nuôi thì em thấy được lắm.. Em có sắn nhiều lắm. Em nuôi 6 tháng sau thì trả lại một con 60 ký, đem tiền nộp.

Một phụ nữ khác, tên Tuyết thì cho biết:

Được 4 con trong chuồng rồi, một con 50 chục ký rồi. Mình không có vốn, nuôi bốn con đó to lên, trả lại phân nửa rồi lại lấy cái vốn đó nuôi lại. Mình làm tích cực để nuôi heo, có số vốn đó để giúp cho con cái học hành.

<i>Lúc đầu cho hai con, bây giờ thì nuôi 3 con, mai mốt trả lại một con to. Về nuôi thì em thấy được lắm.. Em có sắn nhiều lắm. Em nuôi 6 tháng sau thì trả lại một con 60 ký, đem tiền nộp.</i> <i> </i>

Gom góp từng đồng để thực hiện chương trình

Trở lại với Sơ Trương Mỹ Hạnh,khi được hỏi ngân khoản ở đâu để bà thực hiện chương trình nuôi heo xoá đói, Sơ cho hay:

Một mình Sơ, và kêu gọi thêm bạn bè, có những người lâu lâu cho một trăm…năm nay thì kêu gọi những người tị nạn ở Hồng Kông ngày xưa ở Canada, mỗi người giúp một tay. Nhiều làng ở quanh thành phố Huế xin lắm, ai cũng muốn nuôi hết. Nhất là các chị phụ nữ có việc làm. Một năm họ làm mùa, thụ nhập chỉ được hai trăm đô la một năm…tính ra một tháng chỉ có mười mấy đô la, vì đất quá xấu, họ không trồng gì được hết…

Ngoài ra, Sơ Trương Mỹ Hạnh cũng cho biết rằng, vì cuộc sống quá nghèo, đường sá đi lại cũng chẳng có nên ít được ai quan tâm đến, Sơ nói tiếp:

Từ trước đến giờ không có ai để ý, họ sống bữa cháo bữa cơm, cũng không biết làm sao mà họ sống qua ngày được, có nhiều người già rất ốm, không dinh dưỡng, có những em nhỏ bị tàn tật, không được vô cơ quan nào hết. Các em ở nhà nằm như vậy, trơ xương giống như mấy người bên Phi Châu vậy. Người ta không có gì hết. Mình chỉ giúp rồi người ta xài hết thì không bao giờ xuể, nhưng chương trình nuôi heo thì thành công.

Riêng với anh Dũng, trưởng thôn làng Nước Ngọt thì tâm sự rằng:

Nuôi heo thì có hiệu quả, nhưng vì nghèo quá số khó khăn thì quá nhiều, chỉ cho được một số thôi, còn một số khác thì vẫn đang chờ đợi.

Còn với chị Tuyết An, bây giờ, sau khi bản thân gia đình chị thoát cảnh đói triền miên nhờ chương trình nuôi heo của Sơ Mỹ Hạnh, nhưng nhìn lại những gia đình khác cũng nghèo khổ đang chờ xin heo, chị ao ước rằng:

Nhờ họ cho như vậy nên cũng đỡ lắm, dễ thở…vì mình có trả lui cho họ nhưng mình vẫn còn, và thêm được mấy tháng ăn, đỡ hơn. Thí dụ như hồi trước 1 năm 12 tháng thiếu đi 6, 7tháng ăn, nhưng bây giờ thêm được vài tháng ăn. Cũng mong sao cho những người chưa có heo được có heo để cho họ khỏi nghèo…

Quý vị và các bạn vừa nghe một số chi tiết về chương trình nuôi heo xoá đói ở làng Nước Ngọt, tỉnh Thừa Thiên- Huế. Mong sao rồi đây, mỗi gia đình nghèo ở quanh thành phố Huế đều có được đôi ba con heo để họ không còn phải lâm vào cảnh đói ăn từ ngày này qua ngày khác, nhất là các em nhỏ sẽ được cắp sách đến trường như bao trẻ thơ khác trên mọi miền đất nước. Phương Anh xin tạm biệt và hẹn gặp quý vị vào kỳ sau.