Cách đây chỉ khoảng chục năm thôi, hình ảnh nông thôn ngoại thành Hà nội đối với rất nhiều người là những cảnh đồng lúa xanh mướt, là luỹ tre làng, cây đa, giếng nước, là những con đường làng nhỏ quanh co. Nhưng giờ đây, khách đến thăm Hà nội sẽ phải ngỡ ngàng về những đổi thay nhanh chóng ở đây, cả về bộ mặt làng xã, lẫn đời sống xã hội.
Đô thị hoá và nông thôn mới, xu hướng tất yếu
Mọi cái bắt đầu từ khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, thực hiện cơ chế nền kinh tế thị trường. Những đổi thay từ thành thị đã dần dần lan toả đến nông thôn. Tiếp theo đó là tốc độ đô thị hoá đến chóng mặt của thành phố đã biến nhiều làng xã vốn trước kia là ngoại thành Hà nội nay trở thành nội thành thủ đô với những căn hộ chung cư cao tầng, đường xá mở rộng, không còn cánh đồng lúa, luỹ tre làng và những giếng nước. Người dân làng vốn trước kia là nông dân chỉ trong một vài năm ngắn ngủi đã trở thành những thị dân của chốn đô thành sầm uất.
Ngoại thành Hà nội nay trở thành nội thành thủ đô với những căn hộ chung cư cao tầng, đường xá mở rộng, không còn cánh đồng lúa, luỹ tre làng và những giếng nước. <br/>
Anh Tô Thanh Sơn, một người dân tại làng Bát tràng, một làng nghề gốm cổ truyền thống của Hà nội nhận xét về những đổi thay ở quê mình như sau:
Tô Thanh Sơn: khác nhiều chứ, ngày xưa đường xá nó bé, không được quy hoạch và rất lầy lội, ngày nay thì đường, đường điện, trường học và công trình phúc lợi mọc lên lớn hơn, đó là những cái ngày xưa không có.

Đây là một quá trình tất yếu xảy ra không chỉ với Hà nội, mà tất cả mọi địa phương. Nó ảnh hưởng đến không chỉ cuộc sống và sự phát triển của địa phương đó mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn đất nước.
Chính phủ Việt nam cũng đã nhìn thấy vấn đề cần phải có chiến lược phát triển nông thôn mới cho Việt Nam, thể hiện qua nghị quyết trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đến năm 2020.
Khác nhiều chứ, ngày xưa đường xá nó bé, không được quy hoạch và rất lầy lội, ngày nay thì đường, đường điện, trường học và công trình phúc lợi mọc lên lớn hơn, đó là những cái ngày xưa không có.
Anh Sơn, dân làng Bát Tràng
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Giám đốc trung tâm phát triển nông thôn thuộc Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nói về tầm quan trọng của nông thôn trong thời kỳ đổi mới của Việt nam như sau:
Vũ Trọng Bình: từ trước đến nay, tất cả những chiến lược và nghị quyết thì ít khi nhìn vấn đề nông nghiệp nông thôn là vấn đề chiến lược của phát triển đất nước, đến bây giờ thì đảng đã nhìn nhận đó là chiến lược phát triển đất nước, và phải làm điều đó thì mới phát triển được.
Chính phủ Việt nam cũng ban hành 19 tiêu chí để xây dựng nông thôn mới được chia thành 5 nhóm gồm tiêu chí về quy hoạch, về hạ tầng kinh tế xã hội, về kinh tế và tổ chức sản xuất, về văn hoá xã hội môi trường, và về hệ thống chính trị.
Nghị quyết trung ương 7 còn đề ra mục tiêu đến năm 2020, Việt nam sẽ có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới tức là đạt được cả 19 tiêu chí.
<i> </i>Ít khi nhìn vấn đề nông nghiệp nông thôn là vấn đề chiến lược của phát triển đất nước, đến bây giờ thì đảng đã nhìn nhận đó là chiến lược phát triển đất nước, và phải làm điều đó thì mới phát triển được. <br/>
Nông thôn mới Hà nội, tích cực và tiêu cực
Với mong muốn xây dựng nông thôn mới theo tinh thần nghị quyết trung ương 7, thành phố Hà nội vừa thông qua đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà nội giai đoạn 2010 – 2020, định hướng 2030, với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 32,000 tỷ đồng. Mục tiêu mà Hà nội đặt ra là đến năm

2020, Hà nội sẽ đạt tiêu chuẩn về nông thôn mới theo nghị quyết và đến năm 2030 thì có 100% số xã đạt chuẩn.
Con số thống kê gần đây nhất cho thấy Hà nội có 401 xã thuộc khu vực nông thôn với hơn 88% diện tích đất và gần 4 triệu dân sinh sống.
Việc phát triển nông thôn mới cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân được tăng cao và ổn định nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng du lịch, hay được làm việc trong các khu công nghiệp xây dựng tại đây.
Phát triển nông thôn mới cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân được tăng cao và ổn định nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phát triển làng du lịch
Những năm gần đây, với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, đất đai nhiều làng xã ngoại thành Hà nội đã được chuyển thành các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nói về mặt tích cực này của nông thôn mới Hà nội, anh Trương Anh Tuấn, một người dân ở huyện Thường Tín, Hà nội nhận xét:
Trương Anh Tuấn: về mặt tích cực nó đem lại nhiều sự đổi mới cho người dân, ví dụ như cơ sở hạ tầng, giáo dục y tế cho người dân nông thôn thì em thấy thay đổi rất nhiều, ví dụ các khu công nghiệp mở ra rất nhiều tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. Khu công nghiệp mở ra nhiều, nhà máy xí nghiệp mở ra nhiều nó sẽ thu hút được lao động nhàn rỗi và những người có thu nhập thấp ở nông thôn. Đồng ruộng cũng đổi thay nhiều, các khu công nghiệp về thì đa số mở vào các phần đất là đất canh tác của người dân ngày xưa thế thì giá đất nông nghiệp và chỉ số tiêu dùng tăng cao.
Thế nhưng cũng có những lo ngại về quá trình phát triển nông thôn mới của Hà nội. Tiến sĩ Vũ Trọng Bình nói, ông không lo ngại Hà nội không có tiền để xây dựng nông thôn mới, và việc phát triển cơ sở hạ tầng cho nông thôn, mà ông quan ngại các vấn đề về kinh tế, xã hội lâu dài. Ông nói:
Vũ Trọng Bình: Hà nội thì thành phố rất nhiều tiền so với các nơi khác, nếu để xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí thì Hà nội không vấn đề gì, họ sẽ đạt được. Nhưng cái chính là người dân của họ ở các vùng nông thôn có giải quyết được công ăn việc làm không. Việc thất nghiệp, việc khi đô thị hoá bán đất thì người dân ở đó sống thế nào. Và cái quan trọng nữa mà chúng tôi lo lắng là chúng ta xây dựng một xã hội nông thôn ven đô thế nào, một xã hội ven đô xây dựng không tốt, ở đó người dân không có việc làm ổn định, mà nếu số lượng đó quá đông, thì dù hạ tầng có tốt thì nó vẫn tạo ra sự không tốt về sau, tệ nạn xã hội, anh ninh.
Chúng ta xây dựng một xã hội nông thôn ven đô thế nào, một xã hội ven đô xây dựng không tốt, ở đó người dân không có việc làm ổn định, mà nếu số lượng đó quá đông, thì dù hạ tầng có tốt thì nó vẫn tạo ra sự không tốt về sau, tệ nạn xã hội, anh ninh.
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình
Điều tiến sĩ Vũ Trọng Bình nói chính là điều đang xảy ra ở nhiều làng xã ngoại thành Hà nội. Những người dân chân chất quen làm ruộng, thu nhập thấp, chỉ trong chớp mắt bán đất để giải toả cho khu công nghiệp, cho chung cư, này họ có thật nhiều tiền một lúc nhưng lại chưa sẵn sàng cho cuộc sống của các thị dân. Anh Trương Anh Tuấn cho biết về thực trạng ở quê anh như sau:

Trương Anh Tuấn: kể cả không chỉ là Thường Tín mà còn nhiều địa phương khác xung quanh ngoại thành Hà nội, sau khi sát nhập, mở rộng đô thị, tác động đến người dân địa phương thì em thấy hết sức rõ rệt, bên cạnh một số người dân em thấy người ta có được tiền từ tiền đền bù thì họ có thu nhập để phát triển kinh tế. Nhưng cũng có một số trường hợp nó phát triển theo chiều hướng tiêu cực. Ví dụ họ được tiền đền bù họ cho con cái, sắm xe sắm cộ ăn chơi rồi sinh ra các tiêu cực như tệ nạn xã hội.
Anh Tuấn cũng nói đến những trường hợp giải toả đền bù đất đai không hợp lý cho người dân ở một số vùng quanh Hà nội những năm gần đây đang là một vấn đề đau đầu khác của Hà nội.
Anh Lê Văn Duẩn, một người dân khác ở Thường Tín nói, thay đổi rõ nét nhất mà anh cảm nhận ở quê mình đó là tình nghĩa gia đình bị sứt mẻ vì đồng tiền.
Mỗi cái là đất đắt lên một tí. Đất đắt lên thì sinh ra nhiều chuyện, chia chác, cãi nhau, nói chung là anh thấy nó cũng phức tạp, mệt mỏi. Thà đất nó cứ rẻ rẻ tí không sao.
Anh Duẩn
Lê Văn Duẩn: thực ra quê anh cũng mới sát nhập Hà nội nên anh cũng chả thấy gì đổi mới cả mỗi cái là đất đắt lên một tí. Đất đắt lên thì sinh ra nhiều chuyện, chia chác, cãi nhau, nói chung là anh thấy nó cũng phức tạp, mệt mỏi. Thà đất nó cứ rẻ rẻ tí không sao. Anh thấy ngày xưa có nhiều nhà có hàng nghìn mét đất, khi chưa sát nhập Hà nội thì có đáng bao nhiêu tiền đâu, bây giờ sát nhập vào đất đắt lên 5 7 lần, sinh ra chia chác. Có những nhà thậm chí, gia đình bây giờ đã 65 70 tuổi rồi, đã chia đất cách đây 20 30 năm, giờ lại quay ra đòi, anh thấy có nhiều cái hay mà cũng nhiều cái bất cập, phức tạp.
Thế nào là nông thôn mới Hà nội?
Cũng còn một câu hỏi khác được đặt ra là với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng như hiện nay ở Hà nội, các nhà làm chiến lược đã xác định được đâu là vành đai của nội thành Hà nội hay chưa? và nông thôn mới Hà nội sẽ khác gì so với các nông thôn mới khác của Việt nam. Tiến sĩ Vũ Trọng Bình thừa nhận đây là một câu hỏi rất khó trả lời đối với Hà nội.
Nếu Hà nội mở rộng thì chắc chắn sẽ vẫn có nông thôn nhưng vấn đề là nông thôn đó sẽ như thế nào, bởi vì nông thôn giáp đô thị nó khác nông thôn vùng xa.
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình
Vũ Trọng Bình: việc phát triển nông thôn Hà nội là rất khó dự đoán bởi vì như chúng ta biết là quá trình đô thị hoá và phát triển Hà nội hiện nay, các vành đai của Hà nội vẫn đang trong quá trình biến động và không ổn định. Khi vành đai không ổn định và cũng không được khống chế tốt thì điều này gây ra cái chuyện là chúng ta không biết vành đai Hà nội và đô thị sẽ dừng ở đâu và quá trình phát triển nông thôn Hà nội sẽ nằm hôm nay là nông thôn, mai là đồ thị, nên hệ thống sản xuất nông nghiệp, dịch vụ khó định hình được, khó hơn các tỉnh khác rất nhiều.
Nếu Hà nội mở rộng thì chắc chắn sẽ vẫn có nông thôn nhưng vấn đề là nông thôn đó sẽ như thế nào, bởi vì nông thôn giáp đô thị nó khác nông thôn vùng xa. Hiện nay định nghĩa thế nào là nông thôn ven đô thị cũng là điều còn đang bàn cãi.
Bên cạnh đó là bản sắc văn hoá làng quê Hà nội. Nhiều người dân cho rằng, phát triển nông thôn mới cần phải đi đôi với việc giữ gìn bản sắc văn hoá làng quê. Anh Tô Thanh Sơn ở làng Bát Tràng nói:
Tô Thanh Sơn: hiện nay tại bát tràng cái ảnh hưởng mà mất đi bản sắc làng nghề thì phải lo ngại. Nếu anh đẩy lên thị trấn thì anh sẽ mất đi nét văn hóa của mình, nét văn hoá làng nghề từ xưa đến nay đã được các thế hệ lưu lại. Nếu mà lên đô thị, nếu anh không biết sắp xếp thì nét văn hoá làng nghề sẽ bị thui chột, và do đó bản sắc thui chột thì đó là điều lo lắng.
Nông thôn mới thì phải tạo ra cái hồn của nông thôn, phải đúng như khi người ta quay về người ta bồi hồi nhớ lại nơi người ta sinh ra, cái đó mới là cái mình cần làm.
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình
Đây cũng là câu hỏi được đặt ra trong quốc hội. Các nhà nghiên cứu chính sách, chiến lược mặc dù biết phải duy trì bản sắc của các làng quê Hà nội nhưng vẫn chưa định hình được nông thôn mới Hà nội có giá trị làng quê mới là gì, và liệu những luỹ tre, giếng nước có còn là hình ảnh của làng quê Hà nội nữa hay không. Tiến sĩ Vũ Trọng Bình cho biết:
Vũ Trọng Bình: chúng tôi băn khoăn rất nhiều là khi xây dựng nông thôn mới thì hình ảnh của Hà nội là gì. Đặc biệt Hà nội khi sát nhập với Hà tây thì nó thế nào. Cái chính là phải giữ được bản sắc. Tôi nghĩ nông thôn mới phải tạo ra giá trị mới. vì nông thôn cũ thì giá trị là luỹ tre làng, còn giá trị mới của nông thôn mới là gì? Có phải là luỹ tre làng không?
Cũng xin mượn lời của tiến sĩ Vũ Trọng Bình để làm phần kết cho tạp chí kỳ này về nông thôn Hà nội ngày nay khi ông nói về cái hồn của nông thôn mới:
Vũ Trọng Bình: nông thôn mới thì phải tạo ra cái hồn của nông thôn, phải đúng như khi người ta quay về người ta bồi hồi nhớ lại nơi người ta sinh ra, cái đó mới là cái mình cần làm.