
Thế nhưng giờ đây, có lẽ quan điểm về múa cột đang dần thay đổi, khi ngày càng nhiều người đi học môn học này và mong muốn đưa nó lên thành một nghệ thuật, thậm chí là một môn thi chính thức trong Olympic.
Những cuộc thi múa cột được tổ chức hàng năm ở khắp nơi thu hút nhiều người tham gia. Đáng chú ý là năm nay có một cô gái Việt nam đầu tiên đã đăng ký vào một cuộc thi quốc tế về múa cột ở châu Âu. Tạp chí câu chuyện hàng tuần kỳ này sẽ nói về môn nghệ thuật mới này và những quan điểm trái chiều ở Việt nam đối với múa cột.
Là một môn nghệ thuật
Những ngày tháng 6 này là những ngày Phạm Huyền Trang, cô gái Việt nam 21 tuổi, du học sinh trường đại học Jyvaskyla, Phần lan, đang hồi hộp chờ đợi kết quả những người được chọn vào chung kết cuộc thi múa cột có tên Pole Art 2010 được tổ chức ở Stockholm, Thụy điển. Trang là người Việt nam đầu tiên đăng ký vào một cuộc thi múa cột quốc tế như vậy.
Cuộc thi Pole Art 2010 do hai người sáng lập là cô Tanja Suni, nghệ sĩ múa cột người Phần lan và Nelle Swan, nghệ sĩ người Thụy điển. Đây là lần thứ hai cuộc thi này được tổ chức. Lần đầu tiên được tổ chức tại Phần lan vào năm 2009.
Múa cột thực tế là một môn nghệ thuật của châu Á, và theo tôi biết thì nó có nguồn gốc từ Trung quốc, trong các đoàn xiếc của Trung quốc.
Cô Tanja Suni
Cô Tanja Suni cho biết, cuộc thi còn rất mới mẻ bởi vì môn nghệ thuật múa cột thực sự cũng là một môn nghệ thuật còn rất trẻ. Theo Tanja, những người múa cột chuyên nghiệp nhất trên thế giới mà cô biết cũng chỉ mới tập múa cột cách đây từ khoảng 5 đến 8 năm.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về môn nghệ thuật này, Tanja cho biết nó đã có một lịch sử khá lâu đời. Điều bất ngờ là múa cột không phải bắt nguồn từ những câu lạc bộ strip club ở phương Tây như người ta vẫn thường nghĩ. Cô nói: "Múa cột thực tế là một môn nghệ thuật của châu Á, và theo tôi biết thì nó có nguồn gốc từ Trung quốc, trong các đoàn xiếc của Trung quốc.

Tất nhiên chúng ta cũng biết có các hình thức múa cột có tính biểu tượng hơn thì bắt đầu từ những năm 80 trong các câu lạc bộ khiêu dâm, nhưng giờ nó phát triển và nó không có liên quan gì đến ngành công nghiệp tình dục.
Nó là một nghệ thuật múa, một dạng thể dục đơn giản là sử dụng một cái cột thẳng mà chúng ta nhìn thấy quen thuộc ở các câu lạc bộ strip club.”
Theo cô Tanja thì trong các bài biểu diễn xiếc của Trung quốc, người ta dùng cột cao su để biểu diễn các động tác nhào lộn, và vì thế người diễn thường mặc quần áo che kín người từ đầu tới chân. Còn trong nghệ thuật múa cột, người biểu diễn thực hiện múa trên cột bằng kim loại rất dễ trơn trượt nên phải mặc rất ít quần áo. Tanja cho rằng đây là một phần lý do mà nhiều người vẫn coi múa cột như múa khiêu dâm.
Cô giải thích: "Chúng tôi dùng cột kim loại đòi hỏi có sự ma sát giữa da thịt và cột. Nếu dùng nhiều quần áo thì chúng tôi sẽ bị trơn trượt trên cột kim loại. Cho nên vì lý do an toàn, chúng tôi mặc ít quần áo hơn, và đó có lẽ cũng là lý do mọi người nghĩ múa cột có liên quan đến khiêu dâm. Mặt khác một số nghệ sĩ khi múa có sử dụng các vũ điệu Salsa hay Samba nên cũng dễ bị coi là khiêu dâm."
Với cột bằng kim loại, các nghệ sĩ có thể biểu diễn các động tác quay trên cột rất khó, còn nếu dùng cột cao su thì không thể làm được các động tác như vậy.
Cuộc thi múa cột vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 2005. Hiện ở nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện những liên đoàn, hiệp hội múa cột và định kỳ tổ chức các cuộc thi vô địch quốc gia. Tanja cho biết có hai trường phái múa cột chính, một loại nghiêng về sức mạnh, kỹ năng và những động tác khó, còn loại kia thì nghiêng về tính nghệ thuật, các động tác uyển chuyển và hoàn hảo. Từ hai trường phái này có thể chia làm nhiều nhánh nhỏ khác và đó chính là nguyên nhân cho đến giờ vẫn chưa có một cơ cấu tổ chức cuộc thi vô địch thế giới chung cho tất cả mọi loại hình múa cột.
Phải thật sự đam mê
Để học được múa cột, người học phải có sự dũng cảm và kiên nhẫn để đi tới cùng vì lần đầu mới tập rất đau, da của bạn chưa quen với ma sát trên cột, đặc biệt là khi bạn tập leo cột hoặc ngồi trên cột. Nếu bạn có khả năng chịu đau tốt là được. Tanja nói thêm: "Bạn sẽ bị thâm tím khắp nơi, rồi sau đó sẽ hết, và bạn sẽ vượt qua được vì kết quả rất đáng giá. Tôi không thể giải thích được hết nhưng tôi có thể nói 90% những người đã thử nó thì sẽ gắn bó với nó."
Những gì mà Tanja giải thích về múa cột cũng chính là những gì mà Trang đã trải qua khi cô làm quen với môn nghệ thuật này. Trang cho biết, khi còn nhỏ cô chỉ biết đến múa cột qua các bộ phim Mỹ về các câu lạc bộ khiêu dâm. Nhưng khi sang Phần lan học và lần đầu được xem các đoạn video múa cột chuyên nghiệp trên youtube cách đây khoảng 1 năm, cô đã thực sự bị cuốn hút.

Trang cho biết cô hiểu về múa cột là khi cô xem múa cột trên youtube khoảng một năm trước: "Cảm giác đầu tiên là em thấy rất tốt, một môn tốt cho sức khoẻ vì sử dụng nhiều sức mạnh và tập toàn bộ cơ thể. Sau đó tìm hiểu thêm thì thấy có những động tác họ làm thật tuyệt."
Hè năm 2009 Trang tham dự một lớp dạy múa cột ở thành phố Jyvaskyla trong suốt hai tháng trời. Cô nhớ lại: "Suốt hè năm ngoái cả người em toàn vết bầm tím. Tập múa cột rất đau nên phải có kiên nhẫn lớn thì mới có thể duy trì. Em nhớ hồi em mới học ở lớp buổi đầu tiên có khoảng 30 người, sau một tháng cả lớp còn lại có 9 người và đến cuối cùng thì hình như còn mỗi mình em".
Sau khi đã học được các động tác cơ bản, Trang tự tập múa cột ở nhà. Phong cách của cô là múa cột kết hợp thể dục nhịp điệu. Để bổ trợ cho múa cột cô cũng tập múa ba lê thêm cho có phần mềm mại. Sau khoảng 10 tháng tập luyện, giờ Trang đã có thể múa cột khá thành thục với nhiều động tác khó như chống tay đứng trên cột, hoặc ngồi trên cột.
Trang cho biết chỉ sau 3 tháng tập múa, cô thấy người khoẻ khoắn hơn, thân hình cũng đẹp hơn do được tập luyện đều đặn và bài bản.
Em nhớ hồi em mới học ở lớp buổi đầu tiên có khoảng 30 người, sau một tháng cả lớp còn lại có 9 người và đến cuối cùng thì hình như còn mỗi mình em.
Huyền Trang, người dự thi múa cột
Trang nói cô đi đến quyết định dự thi không phải vì giải thưởng 1,000 euro tiền mặt dành cho người vô địch, mà vì nguyên nhân muốn học hỏi là chính, cô muốn học thêm các động tác mới, được gặp gỡ mọi người vì nếu so với các ứng cử viên khác dự thi lần này, cô còn thiếu nhiều kinh nghiệm.
Cô chia sẻ thêm: "Em thấy ngại nhất là bởi vì em đại diện cho Việt nam nên em muốn mình chiến thắng, mong muốn tạo cho mọi người có ấn tượng tốt về Việt nam. Phải nói là những người dự thi lần này rất là chuyên nghiệp, có miss pole dance của UK, của Úc, và mọi người đều đã học pole dance 3 đến 4 năm và thắng nhiều giải rồi nên họ có kinh nghiệm hơn."
Việc quyết định đi học và đi thi múa cột của Trang gặp được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè và nhất là người yêu của cô. Tuy nhiên cha mẹ cô thì có thận trọng hơn: "bạn bè của em thì mọi người đều ủng hộ, còn bố mẹ em thì chỉ dặn dò là cố gắng không để bị ảnh hưởng xấu về hình ảnh của mình."
Những ý kiến trái chiều
Ngay sau khi thông tin Trang là người Việt nam đầu tiên đăng ký thi múa cột quốc tế được đăng tải trên báo mạng Vnexpress, ở Việt nam đã có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phê phán nhiều hơn là cổ vũ.

Phần lớn ý kiến cho rằng các động tác trong múa cột mang tính gợi dục dù cố ý hay vô tình, và do đó không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt nam. Anh Nguyễn Việt Sơn, 36 tuổi, ở Hà nội nhận xét "nó không phù hợp với người Việt, em không quan tâm cô kia cô múa thế nào, nhảy thế nào, nhưng những sự hở hang, theo cái kiểu như vậy là không phù hợp. Cái loại hình nghệ thuật đó không phù hợp với văn hóa người Việt."
Những ý kiến ủng hộ thì cho rằng đây là một môn nghệ thuật thật sự cần được phát triển chứ không nên để hiểu méo mó như những gì mà người ta vẫn thấy ở các vũ trường Việt nam hiện tại. Chị Nguyễn Thị Hà, một nghệ sĩ múa ở thành phố Hồ Chí Minh nói chị thán phục Trang vì đã dám đứng ra nhận mình là một người múa cột thực sự: "Phải nói là rất dũng cảm vì đó là một sinh viên đi học xa nhà mà dám đứng lên nói tôi là người múa cột. Có những định kiến nhất là định kiến người miền Trung nhiều khi rất nặng, họ có khi nghĩ không biết con bé này có phải đi học hay không hay là đi học nghề múa khiêu dâm."
Bản thân chị Hà cũng đã nghĩ đến việc sẽ mở một lớp dạy múa cột ở Việt Nam nhưng cũng không chắc vì hiện không có giáo viên dạy múa cột chuyên nghiệp ở Việt nam, những định kiến của người dân xung quanh và thái độ chưa ủng hộ từ phía nhà nước đối với loại hình nghệ thuật này. Theo chị Hà,"học sinh nhiều người muốn học vì họ nhìn môn này là một môn thể thao, một môn nghệ thuật. Nhưng nhà nước chưa có cái nhìn tốt về nó nên mình không muốn làm gì mà nhà nước chưa đồng ý."
Cái loại hình nghệ thuật đó không phù hợp với văn hóa người Việt.
Anh Sơn – Hà Nội
Cuộc thi Pole art 2010 đang trong giai đoạn chấm giải vòng đầu. Cô Tanja Suni cho biết mỗi ứng cử viên gửi hai băng quay video về cho ban giảm khảo xem. Một băng về phần kỹ thuật, một băng nghiêng về trình diễn nghệ thuật. Người dự thi sẽ được chấm dựa trên ba tiêu chí, là phần kỹ thuật, độ khó của bài thi, phần trình diễn và tính nghệ thuật. Điểm của ba phần được chia đều cho nhau, trong đó ý tưởng về điểm nghệ thuật được những người tổ chức cuộc thi học từ nghệ sĩ Mariana Baum, người tổ chức cuộc thi vô địch múa cột Pháp năm 2009. Sau vòng 1, 12 người sẽ được chọn để dự vòng thi chung kết vào ngày 25 tháng 9 ở Stockholm, Thụy điển.
Phạm Huyền Trang hiện vẫn đang nỗ lực tập luyện hàng ngày, cố gắng học thêm những động tác khó trong khi chờ kết quả từ ban tổ chức. Dù chưa có bề dày kinh nghiệm như những người dự thi khác, cô vẫn hy vọng sẽ được lọt vào vòng trong. Ngoài ra cô còn có một mong muốn nữa, đó là mang môn nghệ thuật này về Việt nam để phổ biến nó cho mọi người trong một ngày không xa.