Trẻ em mê chơi game

Thưa quý vị, vào thời kỳ công nghệ hiện đại, cùng với sự phát triển của xã hội, ở Việt Nam ngày nay, nhiều cha mẹ vì nhu cầu kinh tế nên quá bận rộn, không còn nhiều thời gian cho con nên đã cho con chơi game trên internet

Trò chơi điện tử trên máy vi tính
Trò chơi điện tử trên máy vi tính (AFP photo)

0:00 / 0:00

Trò chơi điện tử: những hậu quả khó lường

Một số cha mẹ cho rằng, con cái cần phải tiếp thu với những phương tiện hiện đại như computer, internet để bắt kịp với trào lưu thế giới. Vì thế, đã khuyến khích con chơi game điện tử sau giờ học.
Hậu quả là càng ngày, các em càng mê chơi game và trở nên đam mê thái quá, có em còn bỏ học đi chơi game, dẫn đến việc học tập ngày càng sa sút. Đó là chưa kể việc chơi game trên mạng còn có phần chat, làm quen với nhau. Do thiếu sự hiểu biết và hướng dẫn của người lớn nên đã có quan hệ tình dục sớm và để lại hậu quả khó lường. Kỳ này, Phương Anh xin bàn về vấn đề trẻ em mê chơi game và trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ phải như thế nào trước tình trạng đáng báo động này.
Thưa quí vị và các bạn, chị Nhiệm, chủ nhân một tiệm game Internet ở quận 10, Sàigòn, cho biết rất nhiều bà mẹ đến than thở với chị khi đến tiệm kiếm con, rằng:
Trời ơi, nó mê chơi game quá, quên ăn, cho nó tiền nó cũng không ăn, mà nó lấy tiền đi chơi game…

Một số cha mẹ cho rằng, con cái cần phải tiếp thu với những phương tiện hiện đại như computer, internet để bắt kịp với trào lưu thế giới. Vì thế, đã khuyến khích con chơi game điện tử sau giờ học.

Theo chị, phần lớn, các em mê chơi game ở trong độ tuổi teen là chính, có em còn trốn học đi chơi mặc dù cha mẹ đã hết sức ngăn cản. Thậm chí, có em còn ăn cắp tiền của cha mẹ để thỏa mãn đam mê chơi game của mình, chị nói:
Có những đứa mê quá, trốn học chơi game, thường là cấp hai, cấp ba…Cũng có những đứa đi học về nhưng chưa về nhà, mà ghé tiệm net chơi chừng 1 tiếng mới về…\

Ngăn cản hay không ngăn cản được

Cô Thanh Hằng, Hiệu Phó trường Mẫu Giáo Sơn Ca, quận Phú Nhuận, TPHCM cho biết thêm:

Cấp 1 thì chưa mê đâu, nhưng cấp hai thì có ý thức và mê chơi. Nhiều khi nhà có máy vi tính thì cha mẹ đi làm suốt, con cái ở nhà lạm dụng máy vi tính…Đa phần phụ huynh đều biết cái hại chơi game, ở Việt Nam đã có đứa chết vì chơi game. Có đứa trốn học đi chơi game…Ở khu lao động, trình độ dân trí thấp, thì họ lại cho rằng con họ giỏi vi tính.
Thường, cha mẹ không biết hoặc biết rất ít về game nên không biết phải xử trí ra sao trước sự đam mê thái quá của con. Phần ở trường, các thầy cô giáo cũng chẳng giúp gì thêm được. Chị Nhiệm cho hay:
Thầy cô giáo chỉ nhắc nhở phụ huynh thôi chứ đâu có can thiệp được vì chúng nó chơi bên ngoài. Nói chung là do phụ huynh chủ động thôi…Cha mẹ đa số biết rất ít về game, lo làm ăn kiếm tiền thôi. Chỉ có cha mẹ nào chịu khó học hỏi, để tâm chút xíu, thì người ta mới rành về game, chứ còn bình thường, lao động buôn bán thì họ không biết đâu.

Hại nhiều hơn lợi

Theo lời của thầy Phan, hiện là Giám Đốc Trung Tâm Tư Vấn Hướng Nghiệp Tâm Lý Giáo Dục Trẻ ở TPHCM thì việc chơi game không có hại, thế nhưng, nếu không có sự hướng dẫn và điều khiển của người lớn thì hậu quả sẽ tai hại vô cùng. Ông nói:
Chơi để giải trí và sau khi chơi thì trẻ có tư duy linh hoạt, nó phát triển và nó có lợi trong sự phát triển của trẻ. Nhưng mà nó ham quá thì nó mê muội vào đó, nó bị phân tâm, và mất nhiều thời gian. Hiện nay, số các em chơi game có hại lên đến 70-80 %, số 20 % còn lại là do sự điều khiển của cha mẹ. Cha mẹ rõ ràng cũng không thể hiểu game là thế nào cả vì trình độ dân trí. Cho nên, chơi tràn lan, không có sự hướng dẫn, định hướng cho trẻ…các em đam mê, kéo dài, ngày Chủ nhật cũng ngồi trên máy, không rời được, không cần ăn, không cần ngủ…như vậy thì rất có hại. Chúng tôi cũng vẫn phân tích về vấn đề tâm lý rằng chơi game không có hại nếu như có định hướng, điều khiển trẻ. Nhưng rất khó, vì cha mẹ đi làm cả ngày, con tự động theo quán tính của nó mà quán tính này là quán tính tự nhiên của trẻ…khi thấy lạ, thấy vui, thích khám phá.

<i>Hiện nay, số các em chơi game có hại lên đến 70-80 %, số 20 % còn lại là do sự điều khiển của cha mẹ. Cha mẹ rõ ràng cũng không thể hiểu game là thế nào cả vì trình độ dân trí.</i>

Ông cũng cho biết rằng, đây cũng là vấn đề bức xúc của những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ, thế nhưng:
Hiện nay, trong ngành giáo dục cũng như ngành văn hoá, người ta biết hết, nhưng cấm dịch vụ này thì cũng không cấm được vì đây là hoạt động văn hoá rất bình thường. Cha mẹ đi làm hết thì nó vào, nó đam mê ngồi cả buổi, cha mẹ tìm gặp nó ở trong game thôi…Cha mẹ đôi khi lại cho là thà hơn nó đàn đúm, đi chơi, hay đi ra ngoài đường bị xe đụng…người ta lo những cái đó hơn là lo trẻ ngồi trong game. Và hiệu quả đến với chúng nó là học sút, mải mê và ảnh hưởng đến học tập. Cha mẹ phản đối các quán chơi game thì làm hại con người ta. Nhưng nếu ở nhà có máy thì chúng nó cũng chơi. Đây là một vấn đề mà Việt Nam chưa giải quyết được.

Cần sự sáng suốt và cương quyết của cha mẹ

Đứng trước tình trạng trẻ mê chơi game như hiện nay, hầu hết các trung tâm tư vấn, các chuyên gia tâm lý, đều lên tiếng báo động, nhưng phần quyết định chủ yếu vẫn là do cha mẹ, ông nói tiếp:
Có cảnh báo cho cha mẹ cả rồi, nhưng cha mẹ người ta bất lực, lực bất trong tâm vì các gia đình hiện nay là gia đình hạt nhân, hai vợ chồng và hai đứa con, không dậy nề nếp được, cha mẹ đi làm suốt ngày, cho nên nó học một buổi, buổi sáng, thì buổi chiều nó về nó đi chơi…cha mẹ có nhà đâu. Dầu sao thì chúng tôi cũng cho rằng mình có cảnh báo như thế để cha mẹ thấy cái hại của trò chơi game thì không có lợi cho sức khỏe, cho thời gian học tập của nó và thậm chí về thần kinh nữa. Chơi quá nhiều thì nó mệt mỏi. Phải nói là hiện nay, một số đông phụ huynh bất lực và họ muốn rằng nhà nước cấm các kiểu kinh doanh trò chơi điện tử, nhưng cái đó nhà nước đâu thể ngăn cản được.

<i>Phải nói là hiện nay, một số đông phụ huynh bất lực và họ muốn rằng nhà nước cấm các kiểu kinh doanh trò chơi điện tử, nhưng cái đó nhà nước đâu thể ngăn cản được. </i>

Đó là chưa kể đến nội dung game như thế nào, có phù hợp với tuổi của các em hay không…Chị Annie Ngô, một Việt Kiều đang cư ngụ ở bang Virginia, mới về Việt Nam cho hay:
Thường ở những dịch vụ, cha mẹ để cho các em chơi game trên internet, tôi chứng kiến cháu bé mới 8 tuổi, trong game đó tôi thấy toàn là icon, tức hình ảnh, có hai cặp trai gái tuổi khoảng mười ba, mười bốn, khi chơi, nếu nhảy múa đúng, thì hai tay sẽ đánh vào nhau, và rồi một trái tim cùng dòng chữ nhảy ra "I love you"…nhìn vào thì thấy vui lắm, nhưng cách chơi này không hạp với các em 8 tuổi một chút nào…

Điều này được thầy Phan xác định:
Chúng nó không đi một mình mà còn đi với bạn bè …không được đi thì nó cũng trốn đi. Trẻ em ở nhà không có ai quản lý cả nên khi đã thành phong trào, lôi cuốn trẻ, nhất là ở tuổi dậy thì , chúng nó phản ứng cũng rất quyết liệt…Qua trò chơi điện tử, chúng nó còn chat, còn tìm hiểu nhau, thậm chí yêu đương vớ vẩn trên máy vi tính.. Bây giờ, trẻ dâỵ thì sớm, phát triển sớm và xảy ra rất nhiều vụ đã rồi, lớp 5 đã biết cặp kè yêu đương, lớp 8, lớp 9 đã biết quan hệ tình dục…
Theo ông, điều cha mẹ nên làm là phải xem xét lại vấn đề, khẳng định và có thái độ cương quyết ngay với con cái rằng chơi game với thời gian vừa phải, chẳng hạn 30 phút cuối tuần và chỉ thực sự là để giải trí. Bên cạnh đó, tìm cách thay thế game điện tử bằng những chương trình có ích lợi như:
Cái game chơi thay thế bằng dĩa học tiếng Anh, các trẻ em cũng rất thích, thay thế dĩa học tiếng Anh cho các game bạo lực…
Quí vị và các bạn vừa nghe ý kiến của một số phụ huynh và chuyên viên tâm lý về việc trẻ em mê chơi game. Mong rằng những ý kiến vừa qua sẽ mang lại một số thông tin hữu ích cho quí vị và các bạn. Phương Anh xin ngừng nơi đây. Hẹn gặp quý vị vào kỳ sau.