Mười năm vẫn chưa tìm được công lý

Một phụ nữ người Campuchia, Tat Marina, đã vất vả 10 năm tìm công lý cho bản thân. Điều gì khiến cô gái này trải qua ngần ấy thời gian mà vẫn chưa tìm được lẽ phải cho mình?
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011.11.23
tat-marina-305.jpg Tat Marina hiện tại và con gái
RFA photo

Tat Marina – một cái tên khá thân quen với rất nhiều người Campuchia. Đó là một cô gái có chiều cao vượt trội so với chiều cao trung bình của người Châu Á. Marina có mái tóc dài đen mượt lõa xỏa phủ cả hai tai và cả nửa khuôn mặt. Nhìn từ đằng xa, dáng dấp yểu điệu thục nữ của Marina có thể làm siêu lòng bất cứ chàng trai nào. Nhưng khi đến gần, gương mặt Marina sẽ làm bất cứ ai cũng phải sững sờ, hốt hoảng.

Chỉ trừ đôi mắt còn giữ nguyên hình dạng, gương mặt Marina trông như một vết sẹo lớn. Gặp Marina trong một buổi chiều thu se lạnh, mặc dù hầu hết các phần trên khuôn mặt đã trở nên tê liệt và vô cảm, nhưng đôi mắt của cô vẫn cho người ta biết cô đang buồn. Cô tâm sự:

“Tòa án từ chối lời đề nghị (điều tra vụ án) của tôi và nói rằng báo chí đã đăng tin và vụ án này đã đóng lại. Họ nói rằng bà Khoun Sophal (người tạt axit) cũng đã ngồi tù 1 năm và 5 năm án treo. Tất cả những điều đó là do báo chí Campuchia đăng tải; riêng tôi, tôi không hề biết là phiên tòa được mở khi nào và bà ta đi tù lúc nào. Một điều này nữa, theo báo chí và tòa án thì bà Khoun Sophal đã chịu hình phạt; vậy còn những người tòng phạm thì sao? Tôi rất hụt hẫng. Nếu bạn là tôi, bạn có cảm giác như vậy không?”

Khi tôi hỏi cô sẽ làm gì, Marina đáp“Những gì tôi có thể làm là kể câu chuyện của mình cho thế giới biết”, và Marina kể câu chuyện của mình.
Tat Marina sinh năm 1983, trong một gia đình nghèo và đông anh em ở thủ đô Phnom Penh. Những vất vả trong cuộc sống cùng những bữa ăn thiếu thốn đã làm Marina sớm rời ghế nhà trường. Cô nói:

“Thời đó, gia đình tôi rất nghèo. Chúng tôi lúc nào cũng bận rộn kiếm sống, không làm cái này thì làm cái khác. Tôi không hề có thời gian xem TV vì phải kiếm tiền giúp cha mẹ già. Lúc tôi không làm việc là lúc tôi đi tìm kiếm việc để làm. Tôi đã tự ép mình nghỉ học để giúp đỡ cha mẹ. Tôi không thể ngồi đó nhìn anh chị em chết đói”.

Hơn 10 tuổi, Marina đã trở thành một cô bé bán nước dạo trên một góc bùng binh Kampuchea Krom, kiếm vài đô la một ngày. Rồi chiều cao vượt trội, gương mặt khả ái và sự phổng phao của cô gái mới lớn đã lọt vào mắt xanh của một nhà sản xuất đĩa nhạc. Một buổi chiều năm 1998, cô bé Marina 15 tuổi gặp Kong Vuthy, đạo diễn nhà sản xuất đĩa Karaoke Golden CD Music:

“Tôi bán thức ăn vặt quanh bùng binh đường phố, bán từ đầu đêm cho đến khoảng 2-3 giờ sáng thì nghỉ. Đó là nơi tôi gặp được những người sản xuất đĩa Karaoke và trở thành diễn viên minh họa cho Karaoke”.

Từ đó, Marina trở thành diễn viên minh họa cho các đĩa Karaoke, với thù lao 20 đô la một ngày. Tại Campuchia, cách đây 10 năm, một cô bé 15 tuổi có thể kiếm được ngần ấy tiền trong một ngày là một điều ngoài sức tưởng tượng.  Đó là số tiền mà Marina có thể mua thức ăn cho cả gia đình, và lo cho cháu của mình đi học. Tuy nhiên, trở thành diễn viên minh họa Karaoke chưa phải là một sự thay đổi lớn nhất trong đời Marina. Cho đến một ngày cuối năm 1998, một người đàn ông đứng tuổi tìm đến nhà sản xuất và đưa tấm danh thiếp của mình cho Marina. Người đàn ông ấy tên là Svay Sitha. Và đó chính là nơi bi kịch bắt đầu.

Gặp kẻ lừa tình

marina143-200.jpg
Cô Tat Marina trước lúc bị tạt axit. Hình do chính cô cung cấp
Cô Tat Marina trước lúc bị tạt axit. Hình do chính cô cung cấp
Cái tên Svay Sitha có lẽ đã khá quen thuộc với chính trường Campuchia và Đông Nam Á. Với chức vụ Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và là nhân vật thân cận với đương kim thủ tướng Hunsun, ông Svay Sitha được đánh giá là một ngôi sao đang lên trên chính trường Phnom Penh.

Thế nhưng, đối với một cô bé ít học và không có thời gian để xem TV như Marina, thì Svay Sitha chỉ là một người đàn ông bình thường: “Tôi không hề biết ông ta là ai. Ông ta nói với tôi ông là thương gia từ Hoa Kỳ về. Lúc đó tôi còn trẻ lắm, và tôi đã tin ông ta”.

Từ đó, khi còn chưa đến tuổi thành niên, Marina bước vào cuộc tình với người đàn ông từng trải và đầy quyền lực, mang theo ước mơ về một mái ấm gia đình. Cho đến một ngày, cô nhận ra ước mơ đó không thể trở thành hiện thực:

"Sau vài tháng đi lại, một hôm nọ tôi xem TV và thấy ông ta trên TV. Lúc đó, tim tôi như vỡ tan tành. Ông ta là người đàn ông đã có vợ, có con, có một gia đình và cuộc sống riêng. Lúc đó, tôi hiểu rằng cuộc sống mình sẽ không an toàn nên tìm cách thoát khỏi cuộc tình ấy”.

Nói đến đây, giọng Marina nghẹn ngào, những giọt nước mắt thi nhau chảy xuống như chưa phỉ những uất ức trong lòng cô. Quả thật, nhìn Marina, người ta khó đoán biết được cô đang buồn hay đang vui. Khuôn mặt cô chỉ là một vết sẹo lớn vô cảm. Chỉ khi nghe giọng cô run run, chỉ khi thấy nước mắt chảy dài trên lớp da mặt xù xì, người ta mới biết là cô đang khóc. Đã hơn 10 năm trôi qua, nhưng Marina vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh. Đó là một buổi tối tháng 12 năm 1999:

“Tôi bế cháu tôi đến một ngôi chợ gần đó để mua đồ ăn cho cháu. Khi tôi vừa mút muỗng cơm lên thổi thì có ai túm lấy tóc tôi đằng sau. Tôi cứ ngỡ là ai đó đang đùa với mình. Tôi quay lại và hỏi “Ai đó?”. Lúc đó, tôi thấy một người phụ nữ đứng tuổi. Bà ta nói với tôi rằng “Mày biết tao là ai mà, đâu cần hỏi”. Lúc đó, tôi biết chắc chắn bà ta là ai. Lúc đó tim tôi đập thình thịch, tôi quá sợ hãi”.

Lúc đó, cũng là lúc Marina biết chính xác người đàn bà ấy là ai, mặc dù chưa bao giờ gặp mặt. Người đàn bà ấy là Khoun Sophal, vợ của thứ trưởng Svay Sitha. Tuy nhiên, Marina chỉ có vài giây để nhận biết người đàn bà ấy, bởi liền sau đó là một trận đòn tới tấp của các vệ sĩ đi cùng bà Khoun Sophal:

“Tôi không nói được gì và cố giằng tay bà ta ra khỏi tóc. Tôi cố đẩy bà ta ra thì có một người đàn ông đi cùng với bà ta nhảy lên người tôi và đánh tới tấp. Lúc đó cháu của tôi sợ quá khóc thét lên. Tất cả những gì tôi có thể nhìn thấy lúc đó là các cánh tay và bàn chân đá túi bụi vào ngực tôi. Họ đánh cho đến khi tôi ngất đi”.

Một lúc sau, tôi tỉnh dậy và cảm thấy mặt mày và toàn thân bắt đầu nóng ran. Tôi cảm thấy như có chất gì đó chảy dài trên mặt mình. Tôi thấy nóng và nóng, như mình đang bị thiêu đốt vậy đó. Rồi tôi kêu cứu.

Tat Marina

Đó không phải chỉ đơn giản là một trận đòn. Nó đã cướp đi cái tài sản mà đối với Marina lúc ấy là quý báu nhất:

“Một lúc sau, tôi tỉnh dậy và cảm thấy mặt mày và toàn thân bắt đầu nóng ran. Tôi cảm thấy như có chất gì đó chảy dài trên mặt mình. Tôi thấy nóng và nóng, như mình đang bị thiêu đốt vậy đó. Rồi tôi kêu cứu”.

Theo báo chí trích thuật lời của những người chứng kiến thời đó, Marina đã bị bà Khoun Sophal đổ 5 lít axit xuống đầu và cơ thể. Tuy nhiên, phía cảnh sát điều tra cho báo giới biết, có khoảng 3 lít axit được sử dụng. Riêng bản thân Marina, cô cũng không biết mình bị bao nhiêu lít axit tạt vào, cô chỉ biết rằng, mình như đang ở trên một lò lửa, rằng các lớp thịt của cô bắt đầu rụng rớt xuống mặt đường, rằng mái tóc của cô bắt đầu đứt lìa khỏi da đầu của mình.

Hơn một giờ đồng hồ sau đó, Marina được đưa vào bệnh viện Kossamak. Tại đây, bác sĩ Eng Kim San cho biết Marina bị bỏng đến 43% cơ thể. Đó là sự may mắn vì nếu cô bị bỏng 50%, thì Marina không thể giữ được tính mạng của mình. Lúc ấy, toàn bộ phần trên cơ thể Marina như một vết thương lớn với mảng thịt không da, những thớ thịt vừa trắng vừa đỏ cứ như thể thi nhau phồng táy. Đôi mắt là nơi duy nhất không bị ảnh hưởng nhiều vì Marina đã che lại khi bị tạt axit. Nhưng bấy nhiêu đó thôi cũng đủ làm cô mù tạm thời, mất khả năng khứu giác và một phần khả năng tính giác.

Con kiến kiện củ khoai

Được sống sót là cái may mắn cho Marina, nhưng đó chỉ là cái may mắn duy nhất. Cái bất hạnh của Marina có lẽ là suy nghĩ cô quá lành lặn, lành lặn đến nỗi cô đau đớn khi biết rằng mình sống trong một xã hội nơi sắc đẹp không được định nghĩa bằng những khiếm khuyết.

marina-qc-250.jpg
Tat Marina trả lời phỏng vấn phóng viên Quỳnh Chi. RFA photo
Tat Marina trả lời phỏng vấn phóng viên Quỳnh Chi. RFA photo
Hai tháng sau khi tai nạn xảy ra, năm 2000, Marina được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn, nơi cô được ghép da và bị cắt mất hai lỗ tai để ngăn ngừa vi khuẩn ăn lên não:

“Sau khi xảy ra tai nạn, tại bệnh viện, lần đầu nhìn thấy mặt và thân thể mình trong gương, tôi đã hét lên. Bởi vì tôi nhìn như một con quái vật xấu xí”.

Quả thật, nhìn những tấm ảnh của Marina trong lúc cô nằm viện, khó ai cho rằng cô đã từng xinh đẹp. Sống với một hình ảnh không từng là của mình là một điều khó, nhưng khó khăn nhất là việc tìm công lý cho chính mình:

“Lúc đó, tôi sợ lắm. Tôi chắc rằng nếu tôi kiện gia đình ông ta, thì tôi cũng không thắng nổi. Tôi là một người nghèo, lại không thể làm được gì lúc ấy. Họ là những người có quyền, có thế, có sức mạnh, có quyền. Svay Sitha nói với tôi là nếu muốn yên thân thì không được thưa kiện mà cũng không được trả lời phỏng vấn. Ông ta cũng gặp gia đình tôi và nói như thế”.

Và cũng từ đó, câu chuyện của Marina với người tình quyền lực cũng bị trôi vào quên lãng. Cuối năm 2000, Marina được cấp qui chế tị nạn sang Hoa Kỳ. Tiếc rằng, y học tối tân nơi đây cũng chỉ có thể làm cho các vết sẹo cô lành lại, nhưng không lấy lại được vẻ đẹp tự nhiên, cũng như khả năng khứu giác và đôi tai của cô. Qua làn nước mắt, Marina cho biết cha cô vì quá đau buồn cũng mất đi cách đây vài năm. Sau đó, mẹ cô cũng ẩn thân tu tập tại một ngôi chùa ở Campuchia:

"Đã hơn 10 năm rồi, nhưng những gì xảy ra vẫn còn trong tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh tôi bị hành hạ. Tôi cũng muốn cố quên đi, nhưng quả là rất khó. Sống với vết sẹo này thật là khó khăn. Mỗi khi nhìn vào gương là tôi lại thấy sẹo trên mặt mình, và những chuyện cũ lại hiện về.”

Hiện tại, Marina sống cùng 2 đứa con tại Boston, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Phải mất một thời gian rất lâu, cô mới tìm được một người đàn ông không hốt hoảng khi nhìn thấy gương mặt cô và không xấu hổ khi nắm lấy bàn tay đầy sẹo của cô. Marina cho biết, cô kể về câu chuyện của mình, với hy vọng ngăn chặn những cô gái nhẹ dạ, và ngăn chặn những cuộc tấn công bằng axit:

Svay Sitha nói với tôi là nếu muốn yên thân thì không được thưa kiện mà cũng không được trả lời phỏng vấn. Ông ta cũng gặp gia đình tôi và nói như thế.

Tat Marina

“Hãy mạnh dạn và hãy nói về câu chuyện của mình. Nói vì con người, vì đất nước để ngăn chặn những cuộc tấn công bằng axit. Bởi là một nạn nhân, tôi hiểu rằng những nạn nhân của axit sống khổ như thế nào. Có người chết, có người mù, có người sống mãi với những vết sẹo lớn, có những người không thể làm gì cả”.

Hơn 10 sau khi sự việc xảy ra, cô gái này vẫn đi tìm công lý cho mình. Cách đây mấy tháng, cơ quan điều tra Campuchia cho biết bà Khoun Sophal, vợ của vị thứ trưởng kia, đã chịu hình phạt một năm tù và hồ sơ đã khép lại. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy tuyên bố ấy là thật. Đối với nhiều người, câu chuyện của Marina là một bài học về sự nhẹ dạ của những cô gái trẻ, chuyện vô đạo đức của mối tình ngoài hôn nhân, chuyện tình yêu có thể bị quyền lực mua chuộc như thế nào. Nhưng quan trọng hơn hết, đó là một mẫu chuyện điển hình của việc “Con kiến kiện củ khoai”, nơi mà công lý đứng sau quyền lực.

Mời quý vị đóng góp ý kiến tại QUYNHCHI@RFA.ORG

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.