Cô gái chưa bao giờ biết đến từ “Tương lai”
2012.06.19
Trốn chạy sau 8 năm bị cô lập
Đã 1 tuần trôi qua sau cái ngày thực hiện cuộc trốn chạy lịch sử, đến với cuộc sống hiện đại nhưng Tâm, 25 tuổi, cũng chưa thể hòa nhập với cộng đồng. Những bữa ăn thịt cá, những dụng cụ tối tân, những chiếc xe phân khối lớn rú ga ồ ạt khiến cho cô gái đã nhút nhát càng thêm sợ sệt. Đã 8 năm nay cô gái này chưa nói chuyện với ai và cô cũng chẳng đi đâu ngoài một thung lũng vắng trên cánh rừng sâu.
Bất kể những ánh mắt tò mò, những lời hỏi han của người chung quanh, cô gái cứ lắc đầu nguầy nguậy, giấu ánh mắt xuống đất, hai tay ôm gọn đứa con nhỏ vào lòng như con thú hoang bảo vệ con mình. Bà Phạm Thị Tương Lai, phó GĐ Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Phú Yên, nhìn Tâm và giải thích:
“Lúc trước, khi còn sống biệt lập thì cô ấy rất sợ hãi, bản năng phòng vệ làn cô không bao giờ dám gặp người khác. Phần vì cha cô ta thường xuyên đe dọa không cho gặp ai nên cô cũng không tin những người xung quanh. Phản ứng và cảm xúc của cô chậm hơn người bình thường. Nhận thức cô rất hạn chế và nếu được hỏi câu gì mà cô không biết thì chỉ cười thôi”.
Hòa nhập với cộng đồng chỉ khoảng 1 tuần chưa đủ để Tâm gội rửa hết cái hoang sơ và khắc khổ của núi rừng, nơi cô sống cách ly đã 8 năm nay.
Bộ dạng khắc khổ, làng da sạm đen bong tróc vì nắng; tóc bết vào nhau rối nùi của Tâm đã làm người ta gọi cô gái là “người rừng” và trước đó không lâu, cũng chẳng ai biết đến sự tồn tại của cô gái trẻ. Tuy nhiên, những khắc khổ của người phụ nữ trẻ không phải là nguyên nhân khiến người ta lặng đi khi nghe câu chuyện của cô.
Tâm sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Từ nhỏ Tâm đã không được đến trường và chỉ biết lên nương đốn củi, chăn bò giúp cha mẹ kiếm sống. Năm 17 tuổi, Tâm được cha mẹ đưa vào sống trong một thung lũng vắng trong cánh rừng già Lỗ Vàng. Từ đó, rất ít khi Tâm được tiếp xúc người lạ và nói tiếng người; những người bạn duy nhất của cô là đàn bò 20 con mà cha cô bắt nuôi nấng. Nhưng cũng từ đó, bi kịch cuộc đời cô thực sự bắt đầu.
Năm lên 18 tuổi, Tâm bắt đầu trở thành thiếu nữ. Mặc dù sự quê mùa, kệch cỡm của Tâm không làm cô trở thành một đóa hoa ngát hương giữa rừng, nhưng sự phổng phao của một thiếu nữ mới lớn cũng đủ làm cô trở thành đóa hoa dại cho người ta chú ý. Và một trong những người muốn đưa tay ngắt đóa hoa rừng, lại được cô cho biết chính là cha ruột của cô:
“Cô kể là cô ở trong nhà (cô gọi là nhà), còn cha ở ngoài. Vào đêm tối thì cha cô vào hãm hiếp. Mặc dù cô có chống cự nhưng không được”.
Bị cha ruột cưỡng hiếp
Mặc dù bỏ con gái vào rừng sâu chăn bò nhưng những lúc bò lớn hoặc cần tiếp tế thức ăn, cha Tâm vẫn thỉnh thoảng ghé qua căn chòi nhỏ.
Chính nơi đây, cô gái trẻ nhiều lần thấy tủi nhục và ghê tởm chính bản thân mình. Mặc dù không được đi học và phải vào rừng sâu sống như con thú hoang, Tâm vẫn ngờ ngợ biết rằng những gì mà cha làm đối với cô là không đúng. Qua lời kể lời rạc, Tâm cho biết, kết quả của những đêm điên loạn ấy là đứa con tượng hình trong cô khi vừa tròn 22 tuổi. Bà Lai nói tiếp sau khi hỏi toàn bộ câu chuyện với cô gái:
“Cô nói khi đẻ em bé ra thì cha và mẹ cô đỡ đẻ. Sau đó mẹ ở với cô khoảng 1 tháng. Sau đó thì cha mẹ cô đi về làng, để cô một mình trên đó. Thỉnh thoảng họ có lên tiếp tế lương thực”.
Ngày đỡ đẻ cho con, cha mẹ Tâm cũng chẳng hỏi đứa con là của ai. Còn Tâm thì bế đứa con còn đỏ hỏn đầy máu me sau khi vượt cạn mà đau đớn không biết nên khóc hay cười. Nếu Tâm bị một kẻ nào đó hãm hiếp, có lẽ đứa con còn làm Tâm vui hơn khi nhìn thấy con.
Tâm đặt con mình tên Núi; chỉ một chữ “Núi”, chẳng họ chẳng tên; chẳng khai sinh như gợi đến sự cô độc của chính bản thân Tâm và như muốn chôn chặt đời hai mẹ con giữa ngọn đồi hui quạnh.
"Đó như là một vùng kinh tế mới, người ta chỉ đến sản xuất xong rồi về chứ không hình thành xóm làng như một địa phương có dân cư. Chỗ ở của cô ấy được cha dựng lên như một cái trại rộng 4 mét vuông, có một cửa duy nhất nhưng cũng không có cửa mà phải dùng miếng nhựa để đóng lại”.
Nhìn từ xa, căn chòi của Tâm như một chiếc hộp vuông nhỏ với một lỗ trống. Căn chòi rộng 4 mét vuông được xây tạm bợ lọt thỏm giữa cánh rừng hoang. Lối vào căn chòi duy nhất là một lỗ đủ lớn cho người ta gọi là cửa. Mỗi tối đi ngủ, trước khi tránh thú rừng, Tâm dùng một miếng nhựa đóng cái lỗ đó lại. Từ khi có con, Tâm mắc thêm chiếc võng giữa rừng, bên cạnh căn chòi nhỏ, nghêu ngao hát ru con. Con càng lớn, giọng hát Tâm như càng khắc khoải, giăng mắc vào không trung như trĩu nặng một nỗi buồn khó tả. Tâm hát, Tâm đau, Tâm khóc một mình đã nhiều lần nhưng chỉ có núi rừng thấu hiểu.
Không thể mang con lên núi chăn bò cùng mình, mỗi ngày, Tâm cột con vào chiếc giường gỗ trong căn chòi để con khỏi ngã xuống thung lũng. Còn mình, Tâm vẫn mỗi sáng lùa đàn bò lên rừng và trở về khi trời đã sụp tối. Có những ngày trở về nhà, Tâm thấy con đói quá nằm bất động như chết, nước mắt vằn vện cả khuôn mặt.
Tâm nuôi con theo bản năng của một con thú rừng như thế mà không khỏi so sánh mình với đàn bò mà cô nuôi nấng. Nhiều khi Tâm nghĩ, con bò còn may mắn hơn Tâm vì nó còn được ăn no. Còn mẹ con Tâm thì cứ sống nhờ vào lương thực tiếp tế của cha mẹ. Mỗi tháng, cha mẹ Tâm mang lên cho cô vài kg gạo. Thức ăn độc nhất của cô là rau rừng, muối hạt và nước mắm. Từ khi có con, Tâm phải tìm thêm rau rừng và trồng thêm đu đủ quanh nhà. Những lúc hết lương thực, Tâm chỉ còn biết ăn đu đủ chấm muối, kiếm sữa cho con bú.
“Nuôi con theo bản năng, cho con bú bằng sữa của mình. Cô nấu cháo với muối cho con ăn còn mình thì ăn cơm với nước mắm”.
Tám năm sống nơi hang núi, cách ly với thế giới bên ngoài, Tâm từ một thiếu nữ đã thành bà mẹ đơn thân với đứa con gần tròn hai tuổi. Cô cũng chưa một lần được về nhà vì cha Tâm luôn đe dọa và cách ly cô với cuộc sống chung quanh.
“Từ sau khi sinh em bé thì cô không còn bị xâm hại nữa nhưng cha cô vẫn cách ly cô với cộng đồng, ông xác định nơi đó là nhà của cô”.
Làm lại cuộc đời?
Có lẽ Tâm sẽ mãi sống trong “căn nhà” của mình, mãi chịu cảnh đơn độc và sẽ không ai biết câu chuyện của cô nếu không có người đi rừng phát hiện bà mẹ trẻ chăn bò với đứa con dại. Sau khi nghe câu chuyện của Tâm, họ đã động viên cô cứu lấy mình. Hôm 10 tháng 6, Tâm ôm con bỏ trốn và tố cáo người cha của mình với công an Huyện Đồng Xuân.
Bây giờ hỏi lại, Tâm cũng không hiểu vì sao mình thực hiện cuộc bỏ trốn này, càng không hiểu vì sao mình không bỏ trốn sớm hơn. Có lẽ đối với Tâm, cô cam phận với cuộc sống không vượt ra khỏi căn chòi 4 mét vuông và ngọn núi mà đàn bò nhà cô hay gặm cỏ.
Tâm có dáng người nhỏ bé, thô kệch, cười hở cả lợi răng. Cả thân hình chỉ có đôi tay là vạm vỡ và rắn chắc. Kết quả của những ngày dằn vặt và cuộc sống vất vả làm Tâm khô khốc như người đàn bà 40. Thoát khỏi cuộc sống bị cô lập, người mẹ trẻ bước vào cuộc sống mới với bap ngỡ ngàng. Hiện tại, Huyện bố trí hai nhân viên nữ của phòng lao động và hội phụ nữ theo cạnh giúp đỡ Tâm vì đã lâu cô không nói tiếng người và không giao tiếp. Bà Lai nói:
"Một cô là cán bộ phòng lao động và một cô bên hội phụ nữ được phân công thường xuyên đến giao tiếp với cô để cô làm quen với người xung quanh. Họ phải hướng dẫn cho họ cách sử dụng các thiết bị và tập cho cô ăn một ngày 3 bữa’”.
Tâm kể lại, lúc chăn bò trong hang núi cô chỉ ăn mỗi ngày một lần. Khi có em bé, cô phải cho con bú nên ăn hai lần mỗi ngày. Bây giờ cầm hộp sữa trên tay, Tâm ngây ngô không hiểu làm thế nào có thể tạo thành sữa cho con bú từ cái hộp thiết tròn như ống tầm vông. Thậm chí, vì đã quen ăn cơm với mắm và muối hạt mà Tâm không thể ăn thịt cá hay bất cứ loại thức ăn nào khác. Trao đổi với chúng tôi, chị Linh, người được phân công bên cạnh chăm sóc giúp đỡ Tâm cho biết cô gái này đã khá hơn, nhưng cũng chỉ ăn được một chút thịt cá:
“Hôm nay cũng nói chuyện được. Từ từ cũng khá lên”“Hôm nay cũng ăn được thịt cá nhưng rất ít”.
Khi được yêu cầu trao đổi với đài RFA qua điện thoại, Tâm rụt cổ lắc đầu nguầy nguậy, liên tiếp đẩy chiếc điện thoại ra xa. Chị Linh cho biết, Tâm rất sợ nói chuyện với người lạ và chỉ kể lại câu chuyện của mình cho những người cô quen biết. Tuy nhiên, dù có sợ người lạ đến đâu, Tâm vẫn không hề nghĩ mình sẽ trở về sống trong hang núi Lỗ Vàng. Bà Phạm Thị Tương Lai cho biết:
“Hỏi cô ở đây có thích không, cô trả lời “Thích”. Hỏi cô ấy muốn về chỗ cũ không thì cô bảo “Về làm chi”.
Trong vốn từ tiếng Việt của Tâm, rất nhiều từ ngữ không tồn tại, trong đó có hai từ “Tương lai”. Lý do vì sao thì cũng chẳng ai biết. Có lẽ “Tương lai” là hai từ quá sang trọng đối với một cô gái không viết nỗi tên mình; nhưng cũng có lẽ Tâm cũng chưa bao giờ nghĩ đến ngày mai cô và đứa con sẽ ra sao.
Khi bài viết này đến với thính giả, Tâm vẫn còn đang chờ đợi kết quả xét nghiệm DNA cho con gái mình, trước khi có biện pháp xử lý đối với người cha. Nhưng có lẽ cho dù kết quả có như thế nào, ai dám chắc là cuộc đời người phụ nữ này sẽ sang trang?
Liên lạc với tác giả tại Quynhchi@rfa.org.