Thực hành nhà thuốc tiêu chuẩn cao tại Việt Nam

Lề thói mua thuốc không qua chẩn bệnh, kê toa từ bác sĩ và kiểm tra lỏng lẻo trong kinh doanh dược phẩm có phương hướng cải tổ trước năm 2011.

0:00 / 0:00

Tại cuộc hội thảo gấn đây về việc thực hiện “Thực hành Nhà thuốc Tốt” GPP tức Good Pharmacy Practices, ở Hà Nội, thứ trưởng Bộ Y Tế, ông Cao Minh Quang đã tuyên bố rằng từ nay cho đến ngày 31-12 -2010, tất cả nhà thuốc tây ở Việt Nam phải kinh doanh theo tiêu chuẩn chất lượng cao, nếu không muốn bị đóng cửa hoặc chỉ được bán thuốc thông thường, không cần theo toa bác sĩ.

tiemThuoc_vtc.vn_250
Người mua thuốc không nhất thiết được dược sĩ hay dược tá giúp chọn thuốc hoặc theo toa bác sĩ. (Hình từ vtc.vn)

Theo báo Tuổi Trẻ Online, số ra ngày 19-6 vừa qua, thì trên thực tế, trong gần 10000 nhà thuốc, gần 30000 quầy thuốc, hiệu thuốc thì hiện mới chỉ có 83 nhà thuốc ở Hà Nội và TPHCM là đạt tiêu chuẩn GPP. Với thời gian hạn định chỉ còn vỏn vẹn gần một năm rưỡi nữa , vậy chủ trương này có thực thi được không? Phương Anh thu nhận ý kiến việc thực hiện “Thực hành Nhà thuốc Tốt” của một số người dân và giới chuyên môn về y tế trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này.

Các mặt hàng thuốc không theo tiêu chuẩn, tràn lan

Quá phức tạp, giá cả, nguồn thuốc, không quản lý được. Những thuốc bán theo đơn vẫn bán bừa bãi. Có những thuốc không chỉ ở nhà thuốc, phòng thuốc mà còn ngay ở chợ, những người bán tạp hoá. Họ bán tràn lan, có nhiều người không có giấy phép mà vẫn bán ngay giữa chợ, giống như một túi kẹo hay một món hàng ăn.<br/> <i> dược sĩ Trọng Kha,TPHCM</i>

Anh Hùng, cư ngụ ở Bình Chánh, trước đây đã từng làm việc trong ngành dược cho biết về thông tin mà anh được biết qua báo chí trong nước:

“Một số nào đó thôi, coi như làm thí điểm thôi, những nhà thuốc có toa bác sĩ thì mới bán, thành phố chỉ có mấy chục cái GPP gì đó, phải đạt tiêu chuẩn, phải bán có toa thuốc, chứ không bán linh tinh được. Từ trước đến giờ, nếu bịnh, chỉ cần ra nhà thuốc nói rằng bán cho tôi thuốc gì đó thì người ta vẫn bán cho chị. Còn bây giờ thì phải có toa bác sĩ, nhưng chỉ có một số nào đó thôi, số còn lại vẫn bán như xưa.”

Theo lời dược sĩ Trọng Kha, hiện đang làm cho một nhà thuốc tây đạt tiêu chuẩn GPP ở TPHCM, tình trạng thuốc nhập tràn lan, giá cả lên xuống bất thường là điều mà nhà nước không thể nào quản lý nổi. Có loại thuốc tuy được qui định là phải có toa bác sĩ mới được bán nhưng vẫn tràn lan và chẳng hề cần đến mẩu giấy đơn thuốc. Đó là chưa kể người bán hàng chạp phô ở phố chợ vẫn có thể bán thuốc, anh cho biết:

“Quá phức tạp, giá cả, nguồn thuốc, không quản lý được. Những thuốc bán theo đơn vẫn bán bừa bãi. Có những thuốc không chỉ ở nhà thuốc, phòng thuốc mà còn ngay ở chợ, những người bán tạp hoá. Họ bán tràn lan, có nhiều người không có giấy phép mà vẫn bán ngay giữa chợ, giống như một túi kẹo hay một món hàng ăn. Người ta chỉ cần đến nói bán cho một liều thuốc ho, cảm. Họ đã phân liều sẵn, cứ lấy một bì đã cột, và bán, không cần biết thuốc gì trong đó, bán thuốc như bán cá ở chợ vậy! Bây giờ Bộ Y Tế yêu cầu phải có nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Nhưng mới chỉ áp dụng ở TPHCM và Hà Nội thôi.”

Khi được hỏi về chủ trương thực hiện nhà thuốc tốt, đạt đúng tiêu chuẩn mà Bộ Y Tế đề ra, anh phát biểu:

“Cũng rất khó làm vì thứ nhất là người dân ngại, thứ hai là tâm lý, thứ ba là thu nhập. Nếu mình muốn thực hiện thì phải có hướng tuyên truyền như thế nào đó trước, chứ bây giờ ngang nhiên làm thì rất khó. Một người dược sĩ, người ta cho mướn cái bằng đó, mở một nhà thuốc, rồi khi đi kiểm tra, thì kiểm tra trong ngành. Ví dụ ngay ở TPHCM, khi đi kiểm tra, ngay cả những người làm cấp lớn, vẫn có nhà thuốc tư nhân ở ngoài, thì ai đi kiểm tra họ?”

Riêng anh Hùng thì cho rằng việc chủ trương nhà nước thực hiện nhà thuốc đạt tiêu chuẩn cũng chỉ là một trong những biện pháp để hạn chế và kiểm tra việc bán thuốc tây tràn lan mà thôi. Nhưng điều này thì khó mà áp dụng, nhất là nơi các phòng mạch bác sĩ, anh nói:

“Nếu mở phòng mạch thì có bác sĩ, dược sĩ đứng tên, bác sĩ khám bệnh, cầm toa đó đưa cho dựơc sĩ, thì cũng hợp pháp rồi. Theo đúng tiêu chuẩn thì một quầy dược phải có dược sĩ đứng tại quầy thuốc đó. Nhưng đa số bây giờ thì không có, lâu lâu có kiểm tra đột xuất thì cũng phạt, nhưng cũng không sao.”

Kiểm tra dược phẩm lỏng lẻo

Bây giờ điều cần sắp xếp là tất cả phải đi vào quĩ đạo. Phòng mạch mà không bán thuốc thì nhà thuốc tây đừng "khám bệnh"! Dược sĩ lúc nào cũng phải có mặt. Nhà thuốc bán thuốc theo toa thì có ý tưởng hay nhưng việc thực hiện thì khó! Lâu lâu đi kiểm tra nhưng theo đợt thôi. Vả lại, mấy ông kiểm tra thì tham nhũng, kiểm tra nhà thuốc hời hợt lắm.<br/> <i> bác sĩ Cao Minh, TPHCM</i>

Nhân nói đến chuyện bán thuốc tại phòng mạch bác sĩ và vấn đề kiểm tra, dược sĩ Kha cho hay:

“Vì kiểm tra không được nên bác sĩ nào cũng có thuốc, và họ kê toa rồi bán thuốc. Thậm chí, họ bóc hết cả vỏ, những bệnh nhân đem ra ngoài nhà thuốc, đưa cho nhân viên coi viên thuốc đó thì nhân viên cũng bó tay. Thậm chí, còn bẻ ra, chia ba, chia tư, còn giã ra, ví dụ như thuốc trẻ em, giã thành bột. Em đã thấy rồi!”

Theo lời bác sĩ Cao Minh, hiện đang làm toàn thời gian tại một bệnh viện công ở TPHCM, nhưng cũng có mở phòng mạch ngay tại nhà ở Bà Chiểu, Bình Thạnh, thì điều cần thiết nhất là phải có sự đồng bộ, không thể chỉ tập trung vào việc nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP mà thôi, ông nói:

“Bây giờ điều cần sắp xếp là tất cả phải đi vào quĩ đạo. Phòng mạch mà không bán thuốc thì nhà thuốc tây đừng “khám bệnh”! Dược sĩ lúc nào cũng phải có mặt. Nhà thuốc bán thuốc theo toa thì có ý tưởng hay nhưng việc thực hiện thì khó!

Lâu lâu đi kiểm tra nhưng theo đợt thôi. Vả lại, mấy ông kiểm tra thì tham nhũng, kiểm tra nhà thuốc hời hợt lắm. Cho nên, tất cả phải đồng bộ, nhà thuốc bán theo toa, thì phải có toa lưu để biết được có bán đúng theo toa không? Thứ hai, phải ghi rõ là thuốc này bao nhiêu viên, ngày xài bao nhiêu lần, bác sĩ nào cho toa, lúc đó, mới đồng bộ mà kiểm tra được.”

Trong khi đó, dược sĩ Kha lại cho hay rằng, một bộ phận mà nhà nước cũng cần lưu ý tới là trình dược viên của các công ty dược. Cho nên, không thể đổ lỗi cho các nhà thuốc, hiệu thuốc được. Anh nói:

“Trình dược viên của công ty dược là những người đi quảng cáo thuốc cho một công ty kinh doanh nào đó thì chia làm hai mảng: một là của nhà thuốc và một là của bác sĩ hay bệnh viện. Công ty nào vừa nhập về một mặt hàng nào đó thì có một nhóm trình dược viên sẽ trích bao nhiêu phần trăm cho bác sĩ. Họ bán được càng nhiều thì họ càng trích cho bác sĩ đó càng nhiều hoa hồng như 30% , thậm chí tặng quà cho bác sĩ. Nhà nước mình không quản lý được.”

Trở lại chuyện “thực hành tốt nhà thuốc” theo tiêu chuẩn GPP của nhà nước, anh Hùng có ý kiến rằng đa số người dân lao động đều hạn chế việc đi bác sĩ. Chính vì thế, nếu nhà thuốc nào chỉ bán theo toa bác sĩ thì sẽ mất khách. Vậy liệu những nhà thuốc tiêu chuẩn GPP tư nhân ấy có đủ đứng vững không? Anh nói:

“Phải có bệnh viện hay phòng khám bao tiêu chứ nếu để một mình người ta đứng thì chắc không tồn tại vì nhà nước mình không có biện pháp can thiệp.”

Thay đổi lề thói cũ

Còn về chuyện bán theo toa bác sĩ thì chị Trâm, nhà ở Tân Bình cho biết rằng việc khai bệnh và mua thuốc ở các hiệu thuốc, nhà thuốc thì đã có từ lâu. Vì thế, nếu nhà nước chủ trương sửa đổi, e rằng còn nẩy sinh nhiều vấn đề tệ hại hơn:

“Em nghĩ cái này từ xưa đến bây giờ rồi, nên cấm cản cũng không có…Nếu nhà nước mà cấm thì người ta sẽ bán lậu, còn tệ hơn, thà danh chính ngôn thuận, may ra còn kiểm soát được. Dân mình quen rồi, ít đi bác sĩ lắm, nhất là dân lao động, tiền đâu mà đi bác sĩ, tốn tiền quá, thì đi ra nhà thuốc tây, nói với người bán thuốc rằng bị cảm, ho, sổ mũi thì người ta bán đại. Cái đó rẻ hơn là đi bác sĩ.”

Bộ Y Tế Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến việc xây dựng nhà thuốc và thậm chí còn có ưu đãi với những nhà thuốc đạt tiêu chuẩn này. Thế nhưng, việc thực hiện và kết quả đạt được với tỉ lệ rất thấp. Và điều này theo như bác sĩ Cao Minh nhận xét:

“Thuốc nhập tràn lan hết, ai cũng có thể nhập thuốc được. Coi như vấn đề này làm chỉ là bề mặt nổi thôi chứ còn chiều sâu thì không hề có.”

Yêu cầu cho nhà thuốc đạt tiêu chuẩn “Good Pharmacy Practice” GPP, gồm các điểm chính: chủ nhà thuốc phải có chứng chỉ hành nghề và phải có mặt trong thời gian hoạt động, nhân viên phải có bằng chuyên môn, thuốc phải bảo quản đúng tiêu chuẩn, biết rõ nguồn thuốc, phải có nhân viên tư vấn và bảo đảm hiệu quả điều trị.