Cơm không bình dân cho người bình dân
2012.09.24
Từ cái chết của một cụ già ...
Quán cơm di động của chàng trai trẻ Nguyễn Thành Trung ở các bệnh viện Hà Nội lúc nào cũng đắt khách và tràn ngập nụ cười cùng niềm hạnh phúc. Hình ảnh chàng trai nhỏ nhắn nhiệt tình lăng xăng vừa vào bếp vừa tận tay phát từng hộp cơm chất lượng với giá 5 ngàn đồng cho các bệnh nhân nghèo đã làm người ta không khỏi tò mò. Trung cho biết:
Em thì không phải là giỏi giang gì. Việc mình làm cũng không đáng được ca thán như thế. Chuyện em làm là để góp chút sức lực cho người nghèo, làm họ vơi đi phần nào sự vất vả trong thời gian nằm viện.
Ấn tượng đầu tiên Trung để lại trong lòng người đối diện ngoài tính tự tin còn là sự lễ phép, khiêm nhường. Trung cho biết mình ảnh hưởng rất nhiều từ ba mẹ, những người theo đạo Phật. Hình ảnh mẹ điềm đạm trán nhễ nhại mồ hôi nấu từng bữa cơm chay cho các ngôi chùa và thiền viện in đậm trong lòng chàng trai Quảng Ninh. Tuy nhiên, đó chưa phải là động lực lớn nhất khiến Trung nảy ra ý định mở quán cơm với giá bình dân cho các bệnh nhân nghèo. Trung nói về lý do ấy như sau:
Có những lý do riêng và những lý do khác. Cách đây khoảng 6 tháng, em tình cờ lên mạng và gặp một bài báo viết về một cụ già chết đói trên cầu Thanh Trì (Hà Nội). Tình người với nhau đã làm em không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. Lúc đó em suy nghĩ tại sao mình lại không làm một điều gì đó để những người như thế đỡ khổ? Trong khi mình thì lại ăn uống thừa mứa; thậm chí chỉ cần cái thừa của mình thôi thì cũng đã nuôi sống được họ rồi.
Nửa năm là thời gian mà Trung đọc bài báo về ông cụ nghèo khổ gục chết vì đói trên cầu Thanh Trì và 5 tháng 3 tuần là thời gian mà Trung thực hiện chương trình bán cơm với giá 5 ngàn đồng cho các bệnh nhân nghèo. Trung bắt đầu việc này tại bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) và giải thích rằng vì đây là nơi người ta cất tiếng khóc chào đời nên hy vọng suất cơm của Trung sẽ làm các bệnh nhân tăng thêm niềm hạnh phúc.
Năm ngàn là một cái giá khá bình dân cho một bữa ăn trong điều kiện sinh hoạt đắt đỏ hiện nay nhưng nhìn những món ăn trong mỗi suất ăn thì khó có thể gọi đây là một bữa ăn bình dân. Lúc nào trong một khẩu phần ăn cũng có khoảng 7 món trở lên và thực đơn này thay đổi mỗi tuần. Liếc sơ qua thực đơn tuần vừa rồi, mỗi khẩu phần ăn Trung bán với giá 5 ngàn bao gồm thịt gà, thịt heo, lạc, đậu, hai món rau (xào và luộc) và một món canh.
Năm ngàn đồng là con số tượng trưng. Em muốn mọi người cảm thấy là mình bỏ tiền ra mua chứ không phải được bố thí nhưng mà số tiền phải bỏ ra thì nhiều hơn con số đó, Trung vừa cười vừa chia sẻ.
Mỗi thứ Bảy, quán cơm di động của Trung lại xuất hiện ở bệnh viện Thanh Nhàn và viện Nhi Trung ương. Và cứ hai tuần thì người ta lại thấy quán cơm này xuất hiện ở bệnh viện K. Vừa ra trường và giúp bố mẹ trong công việc kinh doanh, Trung có một lịch làm việc khá bận rộn. Tuy nhiên, đối với Trung khó khăn nhất vẫn là lúc mới bắt đầu công việc này:
Cách đây khoảng 6 tháng, em tình cờ lên mạng và gặp một bài báo viết về một cụ già chết đói trên cầu Thanh Trì (Hà Nội). Tình người với nhau đã làm em không thể kiềm chế được cảm xúc của mình.
Nguyễn Thành Trung
Lúc đó em có được 20 triệu. Sau khi mua đồ, dụng cụ thì em chỉ còn 2 triệu cho bữa ăn đầu tiên hôm đó. Bữa ăn đầu tiên em làm được 67 suất cơm. Sau đó thì tôi nhờ ba mẹ, gia đình giúp đỡ thì việc tôi làm mới tồn tại đến ngày hôm nay.
Ngày đầu tiên bắt tay vào chương trình, Trung được sự hỗ trợ của hai bạn khác. Từ việc chọn mua bếp nấu, dụng cụ, thức ăn cho đến vào bếp… Trung đều trực tiếp làm hết. Ngày đầu tiên trở thành “bếp chính” cho gần 70 người, Trung lăng xăng quạt bếp than quên cả mồ hôi đang thấm hết lưng áo. Vậy mà lòng chàng trai trẻ này lại vô cùng hân hoan và hạnh phúc, cảm giác mang đến nụ cười cho người khác đối với Trung thật khó nói nên lời:
Thực sự cảm giác lúc ấy, nhìn thấy mọi người rất vui cho nên em cũng không kiềm chế được niềm vui của mình. Niềm vui ấy cộng với cảm xúc lúc ấy có thể nói là không thể tả được. Đến bây giờ nhắc đến thì không thể nào quên được ngày đầu tiên làm công việc này. Khi mình mang cơm đến, mọi người hưởng ứng và cảm giác như mình làm được một việc có ích cho họ.
... thay đổi cách sống một con người
Xuất thân từ một gia đình được cho là “có điều kiện”, từng được đi du học, Trung là một “thiếu gia” trong mắt nhiều người”. Nhưng nhìn hình ảnh một chàng trai hạnh phúc bỏ cả dép để đưa từng hộp cơm cho người nghèo, người ta không khỏi tò mò cậu bỏ đi cái mác “thiếu gia” như thế nào. Và đây là giải thích của Trung:
Nếu mà mình vượt qua cái tôi trong lần đầu tiên là cầm các hộp cơm đứng trước cửa bệnh viện thì mình sẽ không bao giờ biết ngại là gì mà chỉ thấy là mình đã mang đến niềm vui cho mọi người.
Thời kỳ đầu khi có ý định làm chương trình, Trung đã cất công đi tìm hiểu mô hình cơm bình dân ở Sài Gòn nhưng đều buồn bã trở về vì không đủ vốn để làm như thế. Có lần Trung không được cho bán cơm ở bệnh viện Nhi Trung ương nữa vì cơm 5 ngàn đồng của Trung làm căng tin bệnh viện không bán được hàng. Lúc đó, cậu sinh viên năm cuối chỉ biết ấm ức tưởng chừng như có thể khóc thành tiếng. Bây giờ hỏi lại, Trung cũng không nhớ mình đã đối phó với cảm xúc lúc đó như thế nào nhưng cậu nhớ rõ vì sao lại có động lực để tiếp tục bước qua những khó khăn như thế:
Nhóm em đầu tiên chỉ có 3 người thôi. Khi mang cơm ra thì mọi người đến ăn rất đông. Khi đó có một cậu bé người dân tộc không biết nói tiếng Kinh đến và tưởng là cơm miễn phí nên đưa phiếu cho em. Thì mình cũng đưa cơm cho họ thôi và thấy họ rất vui. Lúc đó em nhìn mặt họ cười rất tươi. Mình làm việc như thế này thì nụ cười của mọi người chính là niềm vui của mình.
Trước mỗi lần mang cơm ra bán, Trung nhờ một số bạn đến bệnh viện tìm hiểu và phát phiếu cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Trung tin rằng cách làm này giúp cho hộp cơm của Trung đến được tay của người cần nó nhất. Quán cơm di động của Trung luôn đông đảo không chỉ giá vì của mỗi suất cơm quá mềm mà còn vì các món ăn luôn được chọn lựa, nghiên cứu kỹ càng sao cho mang đến sức khỏe của người bệnh. Trung tâm sự:
Em phải nghiên cứu. Ví dụ em bán cơm ở bệnh viện Thanh Nhàn chẳng hạn thì nếu mọi người không ăn được những thứ có hại cho sức khỏe thì em không mua về nấu. Ví dụ thịt thì em kho tiêu thì người bệnh vẫn ăn được.
Nghiên cứu làm thế nào để mang đến sự phục vụ tốt nhất có thể cho người nghèo đã chiếm gần hết thời gian rảnh rỗi của Nguyễn Thành Trung. Lúc trước, sở thích của chàng thanh niên này là mua sắm và du lịch. Đã có những lúc Trung không ngần ngại chi bộn tiền cho một món hàng mình thích. Tuy nhiên, sau 6 tháng tự tay giúp đỡ người nghèo, người ta dần nhận ra điểm khác biệt trong chàng trai trẻ:
Bản thân em thấy tính tình của mình điềm đạm hơn nhưng mọi người nói rằng em rất khác. Tuy nhiên, em vẫn thấy là mình chưa phải là một người hoàn thiện được.
Quỳnh Chi: Chưa hoàn thiện, nhưng hình như bạn đang dùng tất cả những đồng tiền kiếm được để làm giúp đỡ người khác. Trung cảm thấy nơi nào thì hộp cơm của mình có ý nghĩa nhất?
Nguyễn Thành Trung: Viện Nhi là viện em làm chương trình này lần đầu tiên. Ngay buổi đầu tiên làm thì em đã nói là khi có điều kiện thì em sẽ làm ở viện K. Vì viện Nhi là viện là nơi đầu tiên các em bé cất tiếng khóc chào đời và viện K là nơi mà người ung thư sắp đối diện với cái chết.
Em mong là có thêm nhiều người sẽ làm như em và mong là nhưng người nghèo sẽ không còn phải khổ nữa.
Nguyễn Thành Trung
Quỳnh Chi: Dự định trong tương lai cho chương trình này?
Nguyễn Thành Trung: Bây giờ thì mình chỉ ao ước được 3 buổi thôi, cũng không dám ao ước nhiều. Em muốn mở ra một cái quán thì mỗi tuần 3 buổi em bán cơm cho người nghèo với giá 5 ngàn đồng. Riêng thứ Bảy và Chủ nhật thì em đến cá bệnh viện phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo.
Quỳnh Chi: Thông điệp bạn muốn gởi đến mọi người là gì?
Nguyễn Thành Trung: Làm chương trình này em chỉ muốn gởi lời nhắn là em muốn góp một phần công sức của em vào xã hội này thêm tươi đẹp và giúp cho những người nghèo. Em mong là có thêm nhiều người sẽ làm như em và mong là nhưng người nghèo sẽ không còn phải khổ nữa.
Phần tài chính thì em xin không chia sẻ. Thứ nhất, em rất sợ bị cho là muốn được nhiều người biết đến. Thứ hai là em sợ mọi nghĩ là em kêu gọi lòng tốt của mọi người.
Khát khao lớn nhất của Trung là mong muốn thấy lòng tốt được nhân lên để sự khổ đau giảm đi trong xã hội. Trung nói và rất tự tin về suy nghĩ của mình. Lúc chương trình mới bắt đầu, cả nhóm Trung chỉ có 3 người. Sau nửa năm, con số ấy đã tăng lên 30. Phải chăng đó là một bằng chứng cho thấy mong muốn của Trung sẽ thành hiện thực? Đó là một điều còn quá sớm để trả lời. Thế nhưng có một điều đây là một chàng trai ấn tượng. Ấn tượng với sự thay đổi của Trung - ấn tượng với ước mơ của một người trẻ; và ấn tượng về một người làm “chân thiện” bởi lẽ “Làm điều thiện mà không cần cho người khác biết mới là chân thiện”.
Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org
Theo dòng thời sự:
- Chuyện của một người gác nghĩa trang
- Tựu trường không phải chỉ có tiếng cười
- “Mẹ không cần hoa hồng”
- “Mấy đời bánh đúc có xương”
- Chuyện về đội mai táng đặc biệt
- Khi đau đớn không thể sớt chia
- Sư cô Minh Nguyên với từ, bi, hỷ, xả
- Đau xót khi tự tay “cầm tù” con mình
- Mong một lần được đứng lên
- Ông lão và những đứa con không bao giờ lớn
- Nhường cho chị sống