Mong một lần được đứng lên

Nhịp sống hối hả đã làm người ta bước đi nhanh hơn. Thế nhưng đối với một số người, bước đi nhanh hơn không phải là một lựa chọn.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2012.07.10
h1-305.jpg Bà Trương Thị Kiểm, ảnh chụp tháng 6 năm 2012.
Photo courtesy of tinhthuong.vn

Mời quý vị theo dõi câu chuyện của bà Trương Thị Kiểm mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây.

Ước mơ nhỏ bé

Bà Trương Thị Kiểm đã ngoài 50, dáng người nhỏ thó và đen nhẻm. Có lẽ người ta chỉ nhìn bà ái ngại rồi bước đi nếu không nghe bà chia sẻ về cái ước mơ tưởng như quá nhỏ bé:

“Tôi bị tật từ nhỏ, phải đi bằng hai tay. Nhiều khi ước mơ được đứng lên một chút thôi cũng không được”.

Bà bắt đầu câu chuyện của mình như thế, như để trút hết nỗi khát khao được trải  nghiệm cảm giác dù chỉ một lần đứng trên đôi chân như bao người qua lại. Ước mơ ấy của bà có lẽ quá đơn giản đủ để một người bận rộn nhất dừng chân nghe hết câu chuyện về bà.


Tôi bị tật từ nhỏ, phải đi bằng hai tay. Nhiều khi ước mơ được đứng lên một chút thôi cũng không được.

Bà Trương Thị Kiểm

Bà Trương Thị Kiểm sinh năm 1957, trong một gia đình có 8 người con mà bà là con cả. Từ khi sinh ra, hai chân của bà đã teo tóp và chỉ dùng tay chống xuống đất, rướn người để đi chuyển. Lúc còn bé, khi các em trong nhà nô đùa tíu tít, là lúc bà ngồi đăm chiêu nghe con tim mình mang nỗi háo hức giấu vào lòng ngực. Ông Minh, em trai bà Kiểm tâm sự:

“Có mỗi chị ấy vì bị tàn tật từ nhỏ nên hoàn cảnh khó khăn nhất chứ còn mấy anh chị em khác thì có bàn chân bàn tay nên cũng bình thường”.

Năm 1984, khi vừa tròn 27 tuổi, bà Kiểm được cha mẹ cho ra ở riêng trong một ngôi nhà nhỏ làm bằng mái tranh, vách đất. Một mình trong ngôi nhà nhỏ, sự cô đơn không thể làm tan biến đi cái ước mơ được một lần làm phụ nữ của bà Kiểm. Giữa những năm 90, khi một người đàn ông tận Bắc Giang đến làng lập nghiệp, sợi dây duyên nợ đã gắn kết bà với người đàn ông này bằng một đứa con. Ông Minh cho biết:

“Cũng tình cờ có người đàn ông quan tâm đến chị và gởi gắm tình cảm. Lúc đó gia đình tôi rất lo lắng kể cả bà con và cha mẹ. Chị đi bằng hai tay nhưng lại mang thai, trông rất vất vả nên gia đình lo lắng lắm. Nhưng may mắn là từ lúc mang thai đến lúc mổ đẻ thì không có vấn đề gì”.

Bà Trương Thị Kiểm và con gái Trương Thị Luyến, ảnh chụp tháng 6 năm 2012. Photo courtesy of tinhthuong.vn
Bà Trương Thị Kiểm và con gái Trương Thị Luyến, ảnh chụp tháng 6 năm 2012. Photo courtesy of tinhthuong.vn
Tuy nhiên, sợi dây ràng buộc người đàn bà cô đơn với người đàn ông viễn xứ cũng chỉ có thế. Sau khi đứa bé chào đời, người đàn ông kia cũng dứt áo ra đi, bỏ lại bà bơ vơ và ngỡ ngàng trong vai trò bà mẹ đơn thân. Bà đặt con tên là Trương Thị Luyến, theo họ mẹ. Khi được hỏi tên Luyến có phải như một cách đánh dấu một thời lưu luyến, mặn nồng của mình, bà Kiểm chỉ im lặng nhìn lơ đãng, tránh trả lời câu hỏi:

“Tôi cũng ước mơ có được đứa con để sau này về già còn có người chăm sóc. Bố mẹ tôi thì già, em út thì còn có phần riêng của nó”.

Bà Kiểm giải thích cho sự tồn tại của đứa con bà một cách ngượng ngùng, thể như cô gái nghèo trót mơ một cái áo mới. Bà còn nhớ như in những ngày mang thai vất vả khi bà nặng nhọc chống tay xuống đất , rướn người di chuyển. Từ khi có con, sự cô đơn của bà như phần nào được vơi đi, nhưng những khó khăn trong cuộc sống thì chưa dừng lại. Bà chẳng những phải lo cho mình mà còn phải lo cho con.

Ngôi nhà không cửa

Trên con đường đất xóm Đình Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, ngôi nhà bà Kiểm nhỏ bé cũng chẳng kém gì sự nhỏ bé của bà. Ngôi nhà không cửa cứ há mồm toang hoác như hứng hết các đợt bụi đường này là nơi bà đặt một cái tủ nhỏ, bán ít quà bánh kiếm sống qua ngày. Trong chiếc tủ nhỏ, ngoài vài bao thuốc lá, vài ba gói kẹo và gia vị nêm thì cũng chẳng có thêm món gì đáng kể. Mỗi tháng, tiền kiếm được từ cái quán bé tẹo này chỉ vỏn vẹn 50 ngàn đồng. Thu nhập chính của bà Kiểm có lẽ là số tiền chưa được 200 ngàn đồng từ chương trình trợ cấp của Nhà nước.

“Ngoài ra tôi chẳng có nguồn thu nhập nào, tôi chỉ bán thêm gói kẹo gói thuốc để lấy tiền rau muối hằng ngày. Một tháng, thu nhập của tôi chừng khoảng 200 ngàn thôi, chẳng có gì hơn cả”.


Thỉnh thoảng tôi mua quả trứng về hoặc gà nhà tôi đẻ thì ăn thôi chứ tôi chẳng dám mua thịt đâu. Dăm bữa nửa tháng tôi mới dám mua tí mở về ăn.

Bà Trương Thị Kiểm

Với cơ thể chỉ bằng một nửa người bình thường nhưng bà Kiểm lại lao động gấp đôi người bình thường. Để hai mẹ con không bị chết đói, bà Kiểm phải lặn lội mua lá và dụng cụ về đan nón. Mỗi ngày đi ngang qua con đường đất nhà bà, người tay thấy bà Kiểm tỉ mỉ từng mủi kim khâu từ sáng sớm đến sụp tối. Do đã lớn tuổi, tay chân chậm chạp, lóng ngóng, bà Kiểm đan đến 3 bốn 4 ngày mới xong một cái nón lá, bán được 35 ngàn đồng thì đã tốn hết 25 ngàn tiền vật liệu. Do lớn tuổi, lại bị khuyết tật nhưng lại lao động vất vả, bà Kiểm hay bị chứng mệt mỏi và ốm vặt. Từ nhỏ, Luyến đã học đan nón giúp mẹ. Những khi bà Kiểm mệt mỏi, Luyến thường thay mẹ khâu nốt những mũi khâu còn lại mà không ngăn được  nước mắt. Em Luyến tâm sự:

“Em rất thương mẹ nhất là những lúc mẹ buồn, ốm hoặc mỏi. Mẹ không được khỏe lắm, thường xuyên ốm đau”.

Bé Luyến lớn lên trong sự thiếu thốn đến từng giọt sữa và thèm từng muỗng cháo loãng. Để đưa được con đến trường, bà phải chắt chiu từng xu lẻ. Bà Kiểm đặt  mục tiêu mỗi ngày, hai mẹ con chỉ xài 10 ngàn đồng, đói no gì cũng mặc. Vậy mà mỗi khi đến lúc phải đóng tiền học phí cho Luyến là ngoài việc mua gạo trắng để ăn, bà cũng chẳng dám tiêu xài gì. Bà nói:

“Nói thật với cô, có ngày có tiền thì tôi mua thức ăn. Nếu không có tiền thì tôi chẳng đi mua gì cả, chỉ ăn rau mắm vớ vẫn thế thôi. Mẹ con cũng phải ăn quen như thế”.

Trừ những lúc được mời đi ăn tiệc của hàng xóm, bà Kiểm và Luyến hiếm khi được ăn ngon. Món ăn sang trọng nhất mà bà từng mua là trứng gà, nhưng đôi lúc phải cách đến mấy tháng trời bà mới dám mua một quả:

“Thỉnh thoảng tôi mua quả trứng về hoặc gà nhà tôi đẻ thì ăn thôi chứ tôi chẳng dám mua thịt đâu. Dăm bữa nửa tháng tôi mới dám mua tí mở về ăn”.

Nhìn quanh quẩn trong nhà bà Kiểm, không thể tìm được vật gì quý giá hơn chiếc TV trắng đen nhỏ do một người em tặng lại. Trong căn ngoài chiếc giường ngủ của hai mẹ con, cũng chỉ có một băng ghế cây đã mòn. Đó là nơi bà hay ngồi đan nón, xem TV hoặc dùng để tiếp khách. Những khó khăn vất vả làm bà làm chai lỳ trước khó khăn và cũng vô cảm với hy vọng. Cả đời bà Kiểm chưa bao giờ dám ước mơ được thoát khỏi căn nhà tranh tạm bợ này. Khi được hỏi về việc đặt hy vọng cho bé Luyến, bà cũng chỉ biết nhìn bang quơ, như thể mọi hy vọng đối với bà là một cái gì đó xa tít như đám mây trên trời. Còn bé Luyến thì cho biết:

“Nói đến ước mơ thì em vẫn chưa xác định được nhưng vì hoàn cảnh nên em cũng muốn sau này đi làm giúp mẹ”.

Hiện tại, bé Luyến sắp vào học lớp 10. Chắc có lẽ rồi em cũng trưởng thành và thực hiện được cái ước mơ của mình dành cho mẹ. Tuy nhiên, có một ước mơ của bà Kiểm mà ai cũng biết, nhưng chưa ai có thể giúp biến nó thành sự thật. Ông Minh nói:

“Bây giờ, một vợ một chồng mà nuôi một đứa con đi học cấp ba còn vất vả huống chi là chị ấy đi bằng hai tay. Chị ấy có một giấc mơ là có thể đứng lên được thử dù chỉ một phút để biết cảm giác như thế nào nhưng mà không đứng được”.

Bà Trương Thị Kiểm cho biết nếu được đứng lên đi trên đôi chân của mình, bà sẽ là người hạnh phúc nhất thế gian và sẽ không ngừng lao động và không ngừng bước đi trên đôi chân ấy. Nhìn bà Kiểm thể hiện sự khát khao của mình mới thấy thông điệp mà bà Kiểm đưa ra có lẽ không chỉ là ước mơ của bà có thực hiện được hay không mà còn là có bao nhiêu người cho rằng bản thân mình may mắn chỉ với một cơ thể không khiếm khuyết?

Quý vị vừa đến với chương trình “Câu chuyện hàng tuần”. Mời quý vị đóng góp ý kiến và chia sẻ câu chuyện của mình với Quỳnh Chi tại email Quynhchi@rfa.org.  Hẹn gặp lại quý vị vào kỳ tới.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.