Ông bố nát rượu và cô bé đảm đang
2012.05.21
Đôi lúc cái khổ rất khó gọi tên. Họ biết rằng đời họ khổ nhưng không hiểu vì sao, cuối cùng họ đành loay hoay đánh vật với cuộc đời. Đó là câu chuyện về hai cha con ông Yên mà Quỳnh Chi chia sẻ sau đây.
Một người bố nát rượu
Trong căn nhà nhỏ vách cây nằm mộc mạc giữa làng Hlũ, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, ông Đinh Minh Yên nằm trằn trọc đưa võng cót két. Một chân của ông hững hờ chạm đất để mặc cho muỗi bâu vào gót chân nứt nẻ như cao nguyên mùa hạn. Mắt ông nhìn chằm chằm lên trần nhà mái tôn hoen rỉ, chốc chốc, ông lại với tay cầm chai rượu dưới đất nốc một hơi dài ừng ực. Ông đang nhớ đứa con gái duy nhất của mình:
“Coi như là tôi đưa con bé đi đã 3 tuần nay rồi”.
Ông Yên chính là ông bố “nát rượu” mà cách đây chưa đầy một tháng, đã tự mang con mới sáu tuổi đầu của mình, bé Diện, đến gởi tại một ngôi chùa trong Tỉnh theo lời đề nghị của một số người. Vừa lẩm bẩm, ông Yên cho biết không nhớ chính xác ngày mang Diện đi nhưng nhớ ngày đó là những ngày đầu tháng. Vậy là Diện đã chính thức nương nhờ tại chùa Bửu Châu gần một tháng, đủ để cho nỗi nhớ thấm dần và nỗi sầu lắng xuống để ông tâm sự về cuộc đời của hai cha con ông.
Dù có uống say đến mấy, người đàn ông được cho là “nát rượu” này có lẽ không thể nào quên được cái ngày vợ ông bỏ ra đi, để lại đứa con gái còn đỏ hỏn chưa giáp thôi nôi. Ngày đó, người đàn ông cả đời chỉ biết cuốc xẻng trở nên lóng ngóng nhìn đứa con gái há miệng khóc ngao ngao đòi sữa.
“Lúc bà xã tôi bỏ đi là mang hết tất cả đồ đạc trong nhà đi, đến cái xoong trong nhà cũng không có”.ông Đinh Minh Yên
“Lúc bà xã tôi bỏ đi là mang hết tất cả đồ đạc trong nhà đi, đến cái xoong trong nhà cũng không có”.
Khi người vợ ông bỏ đi sau khi không chịu nổi tính khí say xỉn của chồng, ông Yên sau một thời gian chạy quanh quẩn tìm vợ, đành bế con tui nghỉu trở về nhà trở thành một người mẹ bất đắc dĩ. Từ đó, một tay ông thay tả, địu con. Thấy con khóc, ông xé vải quần áo cũ lau sạch cho Diện. Sợ con đói, ông dùng vải cột con trên lưng mang đi ra đồng cùng mình. Có lúc giữa trời trưa nắng chang chang, người ta thấy ông Yên thoăn thoắt làm rẫy cà phê còn bé Diện thì toàn thân lắc lư trên lưng cha theo từng nhác cuốc. Chưa được một tuổi đầu, bé Diện đã phải theo cha lên rừng phát gỗ. Ông Yên thường đặt con ở xà láng, còn mình thì cứ thế mà lao động:
“Tôi cũng thường mang nó đi rừng cùng tôi. Lúc tôi làm việc thì để con bé ngồi xà láng. Đến trưa thì cho nó ăn. Nhưng sau này tôi thấy nó cực quá vì cháu còn quá nhỏ nên để con bé ở nhà”.
Bắt đầu từ năm Diện 2 tuổi, ông Yên không mang con theo đi làm nữa vì sợ con dải nắng dầm sương. Mỗi ngày đi làm, ông chỉ biết đóng cửa nhốt Diện trong nhà, phó mặc cho trời đất. Có nhiều hôm ông đi làm về muộn, Diện đói quá nằm lăn lóc khóc khản cả cổ trên nền nhà.
Thật ra tính tình ông Yên không quá tệ như khi ông say xỉn. Khi cơn say nổi lên, mắt ông đỏ hoe lồng lên đầy giận dữ. Ông có thể trở thành Chí Phèo chửi rủa khắp làng và mạt sát cái số phận “khốn nạn” của ông. Nhưng khi tỉnh lại, ông ngồi im lặng khù khờ như con gà trống ủ rũ trú mưa. Những lúc đó ông lại âu yếm Diện, chơi đùa cùng Diện mà tưởng như tiếng cười của hai cha con có thể xé toạt cái oi bức của cao nguyên. Sư cô Thích nữ Minh Nguyên, người trực tiếp nhận nuôi bé Diện tại chùa Bửu Châu cho biết:
“Ông ta là nông dân nên nhìn không lanh lợi cho lắm. Chỉ cái tội hay rượu chè, lúc rượu vào là hay nói nhảm thôi chứ ông ta cũng hiền”.
Từ khi vợ bỏ đi, ông càng nghiện rượu, càng say xỉn và càng chửi. Ông chửi vì đã phải mượn nhà nước 10 triệu đồng lo ăn uống và trị bệnh cho con mà cho đến bây giờ vẫn chưa biết làm cách nào để trả. Vợ bỏ đi, ông vẫn lao động, vẫn kiếm ăn nhưng rượu thì không bỏ được. Sáu năm nay, bé Diện lớn bên chiếc võng dù màu rêu cũ kỹ, cùng hai chú tắc kè làm bạn và với tiếng chửi hận đời của cha. Diện đã quen như thế và đón nhận một cách tự nhiên đầy dửng dung. Dửng dưng đến nỗi Diện hái rau, nấu nước, nấu cơm, giặt đồ từ khi hơn bốn tuổi và em làm thành thục như một người lớn – xem như Diện không có lựa chọn nào ngoài sự vất vả. Cách đây 2 năm, thấy bạn bè cùng xóm đến trường, Diện cũng bỏ vở vào bọc ni long, đi bộ đến ngôi trường mần non cách đó vài cây số. Có lúc Diện đi bộ chậm quá, khi đến trường thì lại tiêu nghỉu trở vì vì cô giáo và các bạn đã về hết. Nhiều khi không ăn uống, Diện đói lã nằm ngủ bên đường, khi nào tỉnh dậy lại đi tiếp về nhà:
Tôi cũng thường mang nó đi rừng cùng tôi. Lúc tôi làm việc thì để con bé ngồi xà láng. Đến trưa thì cho nó ăn. Nhưng sau này tôi thấy nó cực quá vì cháu còn quá nhỏ nên để con bé ở nhà.ông Đinh Minh Yên
“Mỗi khi như thế, đến mười một giờ mà không thấy cháu về là tôi cũng phải chống gậy đi kiếm. Có lúc tôi tìm thấy cháu ngồi dọc đường. Tôi hỏi “Sao con không về?”. Nó nói là “Con mỏi chân quá”. Biết thế nhưng cũng phải chiụ chứ biết làm sao?”
Một cô bé đảm đang
Nói chuyện với ông Yên, mới thấy dường như ông không quá khù khờ đến nỗi không biết mang đến cái tốt cho con mình. Tuy nhiên, cuộc sống vất vả, sự hận đời và những cơn say đã không thể làm ông thương con một cách khác hơn được. Cũng chính vì không kiềm chế nỗi mình trong những cơn say mà ông hay làm mất lòng hàng xóm. Năm ngoái, ông Yên bị một người xông vào nhà đánh gãy tay, phải điều trị 6 tháng. Từ đó, ngoài chuyện quán xuyến gia đình, cô bé Diện lúc đó mới 5 tuổi đã gánh luôn phần kiếm ăn cho cả hai cha con. Hằng ngày, ngoài việc đi học, Diện đi xin đồ ăn cho hai cha con. Nếu không xin được thức ăn, Diện ra đồi hái rau, bắt sâu ăn qua bữa. Món ăn quen thuộc của hai cha con là rau xào sâu muồng, khoai môn luộc và cà kho. Ông Yên cho biết:
“Công việc nhà như nấu cơm khi nào tôi làm không được thì cháu làm. Phải làm để mà ăn chứ”.
Hai cha con ông Yên gầy gò và nhỏ thó chẳng khác nào củi khô. Mái tóc Diện mỏng manh, lúc nào cũng đỏ hoe và khét nắng. Nhìn Diện đội nón lá hái rau giữa rừng cà phê chẳng khác nào một cây nấm biết đi. Hôm trước, một nhóm phóng viên đến nhà Diện tìm hiểu sự tình, tận mắt chứng kiến thấy bé Diện giặt đồ, nấu cơm và cầm gầu lấy nước giếng lên, đã không khỏi xót xa và thuyết phục ông Yên cho bé Diện đi ở tại chùa Bửu Châu, tại thành phố Pleiku. Sư cô Minh Nguyên cho biết:
“Cháu nó đang ở với bố nhưng thấy cực quá thì mấy anh phóng viên mới đến thuyết phục đưa cháu ra chùa ở. Ơ ̉ đây tôi cũng nuôi một số trẻ mồ côi. Họ muốn đưa bé ra ngoài này để bé tiện việc học hành, chứ ở với hố thì sáng xỉn chiều say”.
Vậy là hơn hai tuần nay ngôi nhà đã vắng bước chân Diện. Nhà đã vắng, nay Diện đi lại càng hiu quạnh hơn. Ông Yên vẫn chưa bỏ được tật uống rượu, chỉ khác là ông vừa uống vừa ngẫm nghĩ. Có lẽ ông đang tìm ra nguyên nhân đẩy ông đến hoàn cảnh này. Diện đi rồi, ông Yên buồn lắm, dù sao hùm dữ còn không nở ăn thịt con, huống hồ chi ông chăm cho Diện từ khi còn đỏ hỏn. Những ngày mưa trơn nắng gắt trên cao nguyên, hai cha con vẫn ấp ủ cho nhau giữa rẫy cà phê bạt ngàn.
Một nỗi nhớ cồn cào
Vừa uống rượu, ông Yên vừa nhìn lên vách nhà với chi chít ngoằn nghèo chữ viết. Lúc còn ở đây, không có sách sở tập viết chữ, Diện dùng que viết xuống đất và quanh vách nhà. Càng nhìn những chữ cái nguệch ngoạc trên vách của Diện, ông Yên càng thấm cái nỗi buồn tủi và cô đơn. Hai con tắc kè mà cha con ông Yên thường xem là thú tiêu khiền, vẫn liu ríu với nhau trên vách, càng làm ông nhớ Diện da diết:
“Nhất là mỗi khi nhìn quần áo của con là tôi nhớ. Tắc kè càng kêu thì càng nhớ con vì mỗi khi tắc kè kêu thì ba nói “Tác kè kêu ba ơi”.ông Đinh Minh Yên
“Nhất là mỗi khi nhìn quần áo của con là tôi nhớ”.
“Tắc kè càng kêu thì càng nhớ con vì mỗi khi tắc kè kêu thì ba nói “Tác kè kêu ba ơi”.
Chùa Bửu Châu cách nhà ông Yên khoảng 40 cây số. So với một nơi rừng núi hoang sơ và một người đàn ông nghèo “nát rượu” như ông Yên, đó là một đoạn đường không quá ngắn. Từ khi Diện đi rồi, ông Yên chưa thể thăm viếng một lần, chỉ có thể gọi điện hỏi thăm:
“Cứ hai ba ngày tôi gọi hỏi thăm sư cô một lần, tôi cũng không dám chạy xuống thăm con vì sợ khi về thì con tôi lại chạy theo”.
Có lẽ vì lớn cùng với mùi mồ hôi và mùi rượu của cha, nên Diện cũng thương cha mình vô cùng. Lúc chúng tôi gọi cho sư cô Minh Nguyên, Diện lẫn trốn và không dám nói chuyện. Khi Sư cô nói đùa là có ba Yên gọi điện thì Diện hớn hở trả lời. Nhưng khi nghe không phải giọng cha mình, Diện lại tiu nghỉu trốn mất. Đem câu chuyện này kể vơi ông Yên, ông nói “thương con đứt ruột”:
“Tôi cũng chỉ nói với nó là ở tạm tại chùa, ba đi rừng. Khi tôi gọi hỏi thăm thì nó nói là Ba đi rừng lâu quá, không về chơi với con”.
Khi say xỉn, tiềm thức người cha vẫn trỗi dậy lòng và ông Diện lại càng nhớ con. Càng nhớ ông càng lẩm bẩm như vừa chửi rủa vừa trách móc:
“Cha con có gì thì ăn ấy chứ có sao đâu, sợ là sợ đau ốm thôi, chứ không sợ chết đói đâu.”
“Tôi đi làm thuê cũng đủ nuôi con mà”.
Nhưng khi tỉnh lại, ông nói chuyện có vẻ “tình người” hơn, nhỏ nhẹ chia sẻ ước mơ của mình:
“Tôi thấy nhớ con lắm nhưng đành chấp nhận. Tôi đang cố kiếm việc làm, làm xong sau này sẽ đón con về nuôi”.
“Ước mơ của cha con tôi là cha con lại được cùng sống trong một gia đình. Có việc làm để nuôi con học nên người”.
Ước mơ của ông Yên là lại được cùng con gái của mình dắt tay nhau lên nương, vào rừng, băng suối. Ông vừa nói mà như vừa nghẹn, nghe cũng xót lòng. Không có Diện, người đàn ông sống quá hai phần ba đời người bỗng trở nên bơ vơ như con chim xa tổ. Nhìn người đàn ông già nua hơn cái tuổi 50 của mình thắt thẻo nằm đưa võng một mình mỗi tối, chốc chốc lạc hớp rượu và lẩm bẩm, chẳng hiểu sao lại gợi lên sự thương tâm. Sư cô Minh Nguyên nói rằng ở đây thì diện học hành tốt hơn nhưng cha con xa nhau cũng tội. Chính vì thế mà sư cô cho biết sẽ cho ông Yên nhận lại bé Diện nếu sau này. Đó xem là một kết thúc có hậu cho cha con ông Yên. Tuy nhiên, trước khi đến được cái kết cục đó, người đàn ông này vẫn nhớ con và chửi đổng. Và cũng giống như Chí Phèo của làng Vũ Đại, ông Yên chửi mà không biết ai là đưa mình đến nơi thấp nhất của xã hội này.
Mời quý thính giả liên lạc với Quỳnh Chi tại email: Quynhchi@rfa.org. Xin kính chào và hẹn gặp lại vào tuần tới.