Lời chúc tốt đẹp nhất dành cho năm 2009.
2009.01.02
Mười một năm qua RFA đón nhận nhiều cộng tác viên, thông tín viên, mỗi người mỗi vẻ, mỗi người một sở trường.
Nhân ngày đầu 2009 , mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi mời quí vị đi một vòng thế giới, ghé thăm những người đang cộng tác với đài, nghe qua tâm tình của những người đang vui với cái vui của RFA và buồn với nỗi sầu xa nhà của Ban Việt Ngữ.
Vào ngày 6 tháng Hai năm 1997, chương trình đầu tiên của Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do vang đi từ thủ đô Washington của nước Mỹ.
California: Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa
Từ California, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa , phụ trách mục Diễn Đàn Kinh Tế của RFA dể gần mười năm nay:
Từ thế kỷ 19 rồi, người ta đã gọi kinh tế học là "khoa học u ám" vì con người thường chỉ quan tâm đến kinh tế khi có vấn đề! Phụ trách tiết mục u ám ấy trên một đài phát thanh, chúng tôi còn gặp vài chuyện khó.
Thí dụ như phải
đáp ứng yêu cầu thông tin, chủ yếu tại thị trường Á Châu và Việt Nam theo tôn
chỉ của đài; thứ hai, trình bày thế nào cho người nghe là hiểu liền và nếu có
phải dùng thuật ngữ chuyên môn thì phải giải thích nội dung ngay trong mạch
văn; thứ ba, nếu có thể thì đưa ra phê phán hay dự đoán để phần nào giúp thính
giả, nhất là tại Việt Nam, và thứ tư là thu gọn chương trình trong thời
lượng quy định.
Từ hơn mười năm nay, tuần nào cũng thấy nhức tim và nếu đáp ứng được một phần của mấy đòi hỏi ấy thì lấy làm mừng. Nỗi lo sợ nhất là không bắt kịp thời sự kinh tế trong một năm đầy biến động trái ngược như năm nay. Thông tin đích thực là phải có khả năng mở rộng sự chọn lựa cho con người, và may ra thông tin kinh tế khách quan chính xác sẽ tránh được nhiều hậu quả u ám.
Houston: Hiền Vy
Một khuôn mặt khá mới đến cùng RFA, Hiền Vy, thường có những bài phỏng vấn người trẻ trong nước, tâm sự trong ngày đầu của Tết Dương Lịch là chị tìm thấy nơi những người trẻ Việt Nam:
Dù các em sống trong môi trường nào thì cái tinh thần dân tộc yêu tổ quốc của các em rất là cao. Thật ra làm được cái công việc mà mình yêu thích là hạnh phúc lớn, phải không? Mà cái công việc đó lại mang tin tức trung thực đến với người Việt khắp nơi thì trong những năm vừa qua Hiền Vy đã rất là hạnh phúc và năm 2009 đó thì Hiền Vy cũng mong là sẽ làm nhiều tin tức hơn để mà phục vụ cho người Việt khắp nơi.
Việt Hùng từ Cộng Hoà Tiệp, Tôn Vân Anh từ Ba Lan
Ngoài Hoa Kỳ, RFA còn có nhiều đặc phái viên khắp năm châu , như Việt Hùng từ Cộng Hoà Tiệp, Tôn Vân Anh từ Ba Lan. Đến với RFA năm 2007, từ địa vị thính giả bước sang vai trò đặc phái viên, Tôn Vân Anh kể:
RFA đối với mình không chỉ là cơ quan truyền thông mà còn là nơi hội tụ nhiều niềm vui khác. Vân Anh có cảm giác là đang ở trong cái tập thể đông đảo, không hạn chế về số lượng cũng không hạn chế về không gian thời gian. Mong muốn của Vân Anh là được gặp gỡ trực tiếp với các anh chị của Ban Việt Ngữ, mà nếu được gặp tại Ba Lan thì càng tuyệt. Riêng trong công việc làm thông tín viên cho RFA thì mỗi bài báo là một công trình mà mình mang nhiều tâm sức vào đó. Khi gửi bài đi rồi thì mong bài được phát sớm và mong mỏi hơn cả đó là nhận được phản hồi từ thính giả.
Vân Anh muốn chúc cho mình và cho tất cả thính giả của đài Á Châu Tự Do sự tự tin và phấn khởi nhìn vào tương lai. Ngẫm lại lịch sử con người thì chúng ta có thể vượt qua mọi thử thách dầu khốc liệt tới đâu khi bạn đồng hành của con người là tình yêu. Chúc mọi người có tình yêu để ban phát cho người chung quanh chúng ta.
Pháp: Luật sư Trần Thanh Hiệp
Rời Đông Âu sang Tây Âu, đến Pháp, luật sư Trần Thanh Hiệp , đến cùng RFA từ những ngày đầu, nói về Ban Việt Ngữ mà ông biết:
Trong mười năm cộng tác với chương trình này tôi rất mến các nhân viên trong đài. Mỗi người một vẻ riêng nhưng rất gần gũi nhau vì ai cũng ước muốn tìm cách thực hiện tự do cho đất nước. Tôi ở Paris , mỗi khi có dịp từ Pháp sang Mỹ ghé thăm Đài thì vui như Tết.
Đối
với tôi, Đài Á Châu Tự Do là một nơi gặp gỡ quốc tế. Nếu
được phép đặt tên thì tôi sẽ gọi nó là Quảng Trường Thời Đại. Tôi
là người bỏ nước ra đi đã gần 40 năm chưa có dịp nhìn lại Quảng
trường Ba Đình hay Bùng Binh Saigon. Nhưng may mắn nhờ Đài Á
Châu Tự Do, tôi đã gặp được rất nhiều người ở Châu Âu cũng như ở
Châu Mỹ, thậm chí cả ở trong nước.
Chúng tôi gặp nhau trên làn sóng của Đài thôi. Những cuộc gặp gỡ như thế dễ gì có được nếu không nhờ Đài ACTD. Nhưng tôi muốn nói thêm rằng chẳng những đối với riêng tôi mà cả với mọi người Việt Nam, Đài Á Châu Tự Do là cửa ngõ đi vào thời đại đang mở ra cho Việt Nam. Tức là đi khắp địa cầu để từ xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội thông tin toàn cầu. Đài Á Châu Tự Do đang âm thầm góp công xây dựng xã hội mới này cho người Việt Nam.
San José: Đằng Phong
Bạn trẻ Đằng Phong, thường có những bài tường trình về sinh hoạt của cộng đồng Mỹ gốc Việt ở Hoa Kỳ:
“Cái thú được làm cộng tác viên cho ban Việt Ngữ của
đài Á Châu Tự Do là không bị ràng buộc bởi những thời hạn mà các anh chị
em toàn thời phải gặp hàng ngày, không cần chạy theo những tin nóng bỏng để
hoàn tất chương trình cho kịp phát mỗi ngày.
Vì thế, Đằng Phong có
thể thảnh thơi đào sâu hơn một chút
vể những đề tài mà chúng tôi quan tâm một cách đam mê. Nhưng mặc dù không bị ràng buộc bởi những thời hạn của một phóng
viên toàn thời, trong năm vừa qua Đằng Phong lại bị ràng buộc bởi những trách
nhiệm khác trong cuộc sống cá nhân.
Cho nên dù năm 2008 là một năm đầy sự việc đáng chú ý, Đằng Phong đã phải bỏ mất biết bao nhiêu cơ hội làm phóng sự vì hứng có nhưng thời giờ không có. Trong năm 2009, chắc chắn sẽ phải tranh thủ thời giờ để gởi thêm phóng sự đến quý thính giả, để không bị mọi người quên mất!
Kampuchia: Nguyễn Bình
Trên đất Chùa Tháp, đặc phái viên Nguyễn Bình , với giọng nói chân chất cố hữu miền Nam:
Qua ba năm cộng tác với đài Á Châu Tự Do, nói chung công việc của một phóng viên trong một đất nước đang phát triển như Kampuchia thì cũng có những khó khăn. Nhưng khi nhìn cuộc sống của người dân bản xứ cũng như người Việt tại đây thì rất dể quên đi những khó khăn của riêng mình. Mặc dù cộng đồng người Việt đã hình thành tại Kampuchia từ lâu đời, nhưng vấn để hội nhập vẫn là một bài toán chưa có giải đáp. Hy vọng trong năm 2009 tôi vẫn có điều kiện tiếp tục góp phần vào việc phản ánh tâm tư nguyện vọng của cộng đồng này cũng như diễn biến về bang giao giữa hai nước Việt Nam và Kampuchia.
Paris: Ỷ Lan
Và có lẽ mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay không trọn vẹn nếu thiếu đi tiếng nói của người đến với RFA đã lâu, thông tín viên Ỷ Lan, và người mãi sau này mới vào RFA mang theo làn điệu cải lương quyến luyến ràng buộc người xa xứ, soạn giả Nguyễn Phương.
Đôi lời tâm tình của Ỷ Lan từ Paris :
Cò lẽ tôi là trường hợp đặc biệt của đài bởi vì tôi không phải là người Việt mà là người Anh chính gốc, tóc vàng mắt xanh. Tôi hay đùa rằng tôi là người Hồng Mao, đi lạc vào xứ Việt nên trở thánh dân Lạc Hồng luôn. Tôi thì chưa bao giờ hân hạng đặt chân đến Việt Nam nhưng tôi nói tiếng Việt và thường xuyên làm những cuộc phỏng vấn các nhân vật quốc tế cũng như người Việt cho đài Á Châu Tự Do. Tôi nhớ khi tôi học tiếng Việt thì trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư hồi xưa có một bài dạy rằng :
Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Đầu đội nón mê như lọng che,
Tay cầm cành tre như roi ngựa
Thì bài này rất là hợp đối với tôi nếu mà đổi đi vài chữ như sau:
Ai bảo làm đài là khổ,
Làm đài sướng lắm chứ
Ngồi nghe thiên hạ trăm nghìn tiếng
Phát lại trên đài rất tự do
Các anh chị trong đài mỗi người mỗi giọng nhưng hoà hợp vớ nhau như một đại gia đình Bắc Trung Nam đầm ấm. Cách xa ngàn vạn dặm nhưng làn sóng phát thanh làm cho lòng người xích lại gần nhau. Ỷ Lan ước rằng vào dịp đầu 2009 này thì nhân loại không phải khổ như trâu, cái giấc mơ về thăm Việt Nam ôm ấp mấy mươi năm qua trong Ỷ Lan được thực hiện, lúc đó Ỷ Lan sẽ đi không ngừng Sài Gòn ra Trung Hà Nội vô Nam như lời một bài hát , để được tự do làm phóng sự gởi về đài Á Châu Tự Do.
Canada: Nguyễn Phương
Và như vở tuồng cải lương trên sân khấu , khi tấm màn nhung buông xuống, người nhắc nhở câu chuyện trong hậu trường sân khấu về đêm, soạn giả Nguyễn Phương:
Thưa quý thính giả, Nguyễn Phương kể từ 2006, đã giới thiệu tiểu sử và hoạt động nghệ thuật của 160 nghệ sĩ cải lương gồm bốn thế hệ, từ thệ hệ các nghệ sĩ tiền phong Phùng Há Năm Châu đến thế hệ những nghệ sĩ thứ tư Thanh Ngân Vũ Luân.
Thông
qua các tiểu sử nghệ sĩ cải lương, Nguyễn Phương nhắc đến cuộc sống rày đây mai
đó, với một tương lai bất định, người nghệ sĩ cải lương được mọi tầng lớp khán
giả thương yêu và giúp đỡ. Các nghệ sĩ thương yêu nhau chân thật, biết
tôn sư trọng đạo.
Họ tìm vui trong câu ca điệu hát. Cái đẹp của văn chương, cái quyến rũ của làn điệu cổ nhạc dân tộc, các câu chuyện tình, vẹn thủy toàn chung của các vở tuồng đã nâng cao tâm hồn người nghệ sĩ để họ chấp nhận những lao khổ nhọc nhằn về phần mình mà được đi khắp mọi miền đất nước để gieo rắc những tư tưởng đẹp, những câu hát, điệu hò, thắm đượm tình tự dân tộc.
Đó là một thời vàng son của sân khấu và nghệ sĩ cải lương, Nguyễn Phương muốn thông qua chương trình cổ nhạc để quý thính giả, những bạn già nhớ lại chuyện xưa, để thính giả trẻ ở trong nước và những bạn trẻ sanh ra ở hải ngoại biết được rằng ngày xưa ở đất nước Việt Nam có những người nghệ sĩ và một nền nghệ thuật sân khấu cải lương rất đáng hãnh diện.
Quí thính giả vừa nghe những lời phát biểu đầu năm 2009 của các cộng tác viên, thông tín viên và đặc phái viên đài Á Châu Tự Do, lần đầu tiên lên tiếng trong mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi.
Thay mặt toàn Ban Việt Ngữ, Thanh Trúc mạn phép một lần nữa kính gởi đến quí vị ba trăm sáu mưới lăm ngày vui đẹp.
Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quý vị tối thứ Năm tuần tới.