Thành công và hoài bão của Tiến sĩ Nguyễn Thiện Hùng

Tháng Hai năm nay, tại San Diego bang California, hai người Mỹ gốc Việt là Tiến sĩ Nguyễn Cường - Hiệu Trưởng Khoa Kỹ Sư trường Đại Học Công Giáo Mỹ ở Washington DC và Tiến sĩ Nguyễn Thiện Hùng - Giám Đốc Trung Tâm Quốc Gia Công Nghệ Sinh Học Khảo Cứu Cây Đậu Nành tại Đại Học Missouri thuộc Bang Missouri - sẽ chính thức trở thành thành viên của Hội Nghiên Cứu Nâng Cao Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ. Đây là tổ chức khoa học danh dự hàng đầu của Mỹ, hàng năm tuyển chọn thành viên dựa trên quá trình nghiên cứu, sự cống hiến cũng như ứng dụng khảo cứu vào khoa học và đời sống.

0:00 / 0:00

Khảo cứu về kháng hạn

Kháng hạn là một đề tài chuyên môn của Tiến sĩ Nguyễn Thiện Hùng trong lãnh vực khảo cứu để ứng dụng vào kỹ thuật cải thiện cây trồng, chủ yếu là cây đậu nành, hầu nâng cao năng suất và phẩm chất dinh dưỡng.

Trước hết Tiến sĩ Nguyễn Thiện Hùng tự giới thiệu, “Tôi rời Việt Nam năm 1975 và định cư ở Tiểu Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Sau đó tôi đi học ở Pennsylvania State University. Tôi tốt nghiệp Cử Nhân và Thạc Sĩ ở trường đó.

Tiếp đó, tôi học Tiến Sĩ tại Đại Học Missouri, Tiểu Bang Missouri. Tôi ra Tiến Sĩ ở Đại học Missouri năm 1982. Tôi học về ngành Di Truyền Học (Genetic). Về ngành di truyền học, sau này những kỹ thuật công nghệ sinh học phát triển rất nhiều trong các thập niên 1980-1990 nên đa số những người học về di truyền học chuyển hướng qua làm về công nghệ sinh học. Trong thời gian đó tôi làm khảo cứu về những công nghệ sinh học của một số cây trồng trong ngành nông nghiệp.”

Thanh Trúc : Thưa TS Nguyễn Thiện Hùng, hiện tại ông là Giám Đốc của Trung Tâm Quốc Gia Công Nghệ Sinh Học Khảo Cứu Cây Đậu Nành ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Trung Tâm Quốc Gia Công Nghệ Sinh Học này được thành lập vào năm 2004. Đây cũng là sự ủng hộ cuả Hội Đoàn Đậu Nành ở Tiểu Bang Missouri và họ cũng rất tích cực để mà vận động cho Tiểu Bang Missouri và trường Đại Học Missouri để đặt Trung tâm Khảo Cứu Quốc Gia tại đây.

Tôi đã được bổ nhiệm làm Giám Đốc trung tâm này từ năm 2004. Lý do Trung Tâm Quốc Gia Công Nghệ Sinh Học khảo cứu cây đậu nành là vì đậu nành là một trong những cây trồng rất quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp của xứ Hoa Kỳ.

Kháng hạn là một đề tài chuyên môn trong lãnh vực khảo cứu để ứng dụng vào kỹ thuật cải thiện cây trồng, chủ yếu là cây đậu nành, hầu nâng cao năng suất và phẩm chất dinh dưỡng của Tiến sĩ Nguyễn Thiện Hùng.

Họ trồng đậu nành rất nhiều, xuất khẩu cũng rất nhiều, và tiêu dùng trong quốc gia cũng rất nhiều, thành ra đó là cây trồng trọng điểm quốc gia, họ phải nâng cấp khảo cứu lên để mà tiếp tục dẫn đầu thế giới về vấn đề khảo cứu sinh học của cây đậu nành.

Thanh Trúc : Những bước tiến nào hay là những thành quả nào về công cuộc khảo cứu cây đậu nành để mà được Hội Nghiên Cứu Nâng Cao Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ (AAAS) mời ông vào làm thành viên của Hội ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Thật ra sự công nhận trở thành một thành viên của Hội Nghiên Cứu Nâng Cao Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ là họ coi sự thành đạt trong cả sự nghiệp khảo cứu của mình từ trước tới giờ, đậu nành chỉ là một phần thôi.

Hồi trước tới bây giờ tôi khảo cứu vấn đề di truyền học cho tất cả các loại cây mà có thể chịu hạn được, để giữ năng suất được. Tôi cũng đã hơn 25 năm nay trong vấn đề đó, từ cây lúa cho tới cây bắp, và bây giờ là tới cây đậu nành. Thành ra vấn đề khảo cứu về kháng hạn là một điểm chánh mà tôi thành đạt được, và họ đã công nhận.

Mình tìm hiểu lý do tại sao một số cây lại chịu kháng hạn để từ đó mình mới cải thiện những cây đó trở thành kháng hạn, thì nếu mà cây kháng hạn được thì có thể nó vẫn giữ được năng suất.

Thanh Trúc : Tiến Sĩ có thể nói một cách rõ ràng và dễ hiểu hơn về vấn đề gọi là cây đậu nành mà ông nghiên cứu cái công dụng chống lại hạn hán, thiếu nước, thiếu mưa có phải không ạ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Đúng rồi.

Thanh Trúc : Khi mà ông nghiên cứu như vậy thì ông đưa ra được những luận cứ như thế nào để có thể thuyết phục những khoa học gia ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Thí dụ những cây như là cây lúa, cây bắp, cây đậu nành làm sao nó vẫn có thể tăng trưởng được trong điều kiện không thuận lợi là thiếu nước? Khảo cứu tất nhiên là mình tìm được nguyên nhân, một số lý do tại sao mà cây vẫn mọc được trong điều kiện không thuận lợi như vậy.

Tại vì vấn đề hạn hán xảy ra rất là thông thường trong canh tác, một số khảo cứu của mình có thể sẽ đem ứng dụng được để mà cải thiện những cây như đậu nành, cây lúa hay một số cây khác để mà vẫn giữ được năng suất cao trong điều kiện thiếu nước vì hạn hán như vậy.

Thanh Trúc : Một vùng canh tác bị hạn hán trầm trọng mà vùng đó đang trông cây lúa, cây đậu nành và một số cây khác, làm cách nào để biết rằng những cây đó có khả năng chống lại hạn hán đến bao nhiêu chục phần trăm và làm cách nào để mà giúp cho nó vẫn tăng trưởng được mà không bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thưa ông ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Một trong khả năng của cây có thể làm được là hệ thống rễ sẽ mọc sâu hơn hoặc là lớn hơn, thì từ những hệ thống rễ mà cây mới tìm được một số nước trong chiều sâu của đất để mà tiếp tục nó áp sát nước đó.

Những cây này đương nhiên nó cần có nước thì nó mới sống được, nhưng trong điều kiện bị hạn hán, khô cằn thì nếu một số cây có hệ thống rễ mọc sâu xuống được thì nó vẫn có thể tìm được một số nguồn nước để mà tiếp tục phát triển được. Đó là một khảo cứu, phát minh mà tôi đã làm trong bao nhiêu năm nay.

Thanh Trúc : Thế thì trong khảo cứu của ông, ông thấy cây lúa và đặc biệt cây đậu nành, bởi vì ông đang làm trong trung tâm khảo cứu về cây đậu nành, thì cái rễ nó mọc sâu xuống đất được bao nhiêu và nó thẩm thấu được nước bao nhiêu để nó có thể chống lại được hạn hán? Tự nó nó có thể làm được hay là con người phải giúp sức thêm ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Thì cái đó là từ do những khả năng của cây thôi, tất nhiên là mỗi loại cây có khả năng khác nhau. Tuy nhiên, trở lại vấn đề di truyền thì mỗi cây có một số gene khác nhau, một số có nguồn gene mà nó có thể làm cho hệ thống rễ mọc sâu hơn để mà hút nước được nhiều hơn.

Tất nhiên là tất cả những khảo cứu này đều trở về vấn đề tại sao một giống nào đó có thể kháng hạn được, tại vì nó có một số những gene riêng biệt thì từ đó mình mới tìm hiểu được những gene này nó đặc thù như thế nào để nó có thể tạo cho cây này có thể mọc được rễ sâu hơn, hút nước nhiều hơn.

Tìm hiểu được những gene đó như thế nào thì mình mới cải thiện được. Nói chung, cũng giống như khảo cứu về di truyền học của con người thì mình biết cái gene đó nó ảnh hưởng thí dụ như cái bệnh đó như thế nào thì mình từ đó mình mới cải thiện được.

Tự hào là người Việt Nam

Thanh Trúc : Thưa TS Nguyễn Thiện Hùng, là một nhà khảo cứu về những cây có thể cấy gene vào để cho nó có khả năng chống hạn, như là cây lúa, cây bắp, cây đậu, đó là những cây rất gần gũi với nền nông nghiệp của Việt Nam, thế thì kiến thức của ông có giúp đỡ gì được cho Việt Nam không?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Tôi cũng hy vọng đem một số hiểu biết và kiến thức của mình để mà giúp đỡ cho Việt Nam, thì tôi cũng có hoài bão là huấn luyện một số sinh viên Việt Nam và có liên đới một số trung tâm khảo cứu hoặc là trường đại học bên Việt Nam để mà làm khảo cứu trong một số vấn đề di truyền học ứng dụng vào những cây trồng, một cách tổng quát, để mà giúp đỡ cho nền nông nghiệp Việt Nam mình.

Thanh Trúc : Thưa, cụ thể thì ông đã làm việc với những truờng hoặc là những ngành nào ở bên Việt Nam ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Trong thời gian qua tại Đại Học Missouri cũng có một chương trình liên đới với Bộ Nông Nghiệp Việt Nam và một số trường đại học bên Việt Nam, tôi có làm việc với Bộ Nông Nghiệp Việt Nam.

Có một dự án đã được tài trợ từ Bộ Canh Nông của Hoa Kỳ để nghiên cứu về những gene chống bệnh rỉ sắt của cây đậu nành. Đó là một sự nghiên cứu. Sở trường của tôi là khảo cứu về vấn đề kháng hạn, nhưng từ khi tôi làm giám đốc trung tâm đậu nành thì cũng làm một số vấn đề khác về đậu nành, thí dụ những bệnh của cây đậu nành và một số chất dinh dưỡng của cây đậu nành.

Những năm gần đây, nhiều người Việt Nam thành đạt trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật và một số lãnh vực khác, làm tôi có niềm hãnh diện mình là người Việt Nam, mặc dầu mình qua đây thành công dân Mỹ đã lâu rồi.

TS. Nguyễn Thiện Hùng

Dự án đầu tiên đã được hợp tác với Bộ Nông Nghiệp Việt Nam là bệnh rỉ sắt ở cây đậu nành. Rồi trong thời gian gần đây tôi có làm việc với Trung Tâm Nông Nghiệp Khoa Học của Miền Nam, và gần đây nhứt có một chương trình hợp tác về công nghệ sinh học với Trường Đại Học Quốc Gia ở TP.HCM, tạo sự liên đới giữ Trường Đại Học Missouri với Trường Đại Học Quốc Gia TP.HCM để tạo một trung trung khảo cứu về công nghệ sinh học.

Thanh Trúc : Cảm tưởng của ông như thế nào khi ông được báo tin là ông được chấp nhận là thành viên của

Hội Nghiên Cứu Nâng Cao Tiến Bộ Khoa Học Hoa Kỳ (AAAS) ?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Rất là vui. Cũng suy nghĩ lại dòng đời của mình từ khi rời nước Việt Nam vào năm 1975, thành đạt được như vậy. Những năm gần đây, nhiều người Việt Nam thành đạt trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật và một số lãnh vực khác, làm tôi có niềm hãnh diện mình là người Việt Nam, mặc dầu mình qua đây thành công dân Mỹ đã lâu rồi.

Trong những giây phút đó, tôi cảm thấy mình cũng có sự tự hào, không phải là cá nhân tôi, mà vấn đề mình là người Việt Nam mà thành đạt được như vậy thì rõ ràng tốt cho cộng đồng Việt Nam ở xứ Hoa Kỳ này.

Thanh Trúc : Nếu có điều mơ ước nào mà có thể làm được gì thêm, làm hơn những công việc ông đã làm trong thời gian qua cho Việt Nam thì ông ao ước điều gì, thưa ông?

TS Nguyễn Thiện Hùng : Có lẽ điều tôi ao ước nhiều nhất là đất nước Việt Nam mình được cải thiện một số trung tâm khảo cứu, nhất là những trường đại học để mình có một chỗ đứng trên thế giới.

Gần đây có rất nhiều vấn đề bàn tán là Việt Nam mình chưa có một trung tâm khảo cứu, chưa có một trường đại học nào có tầm dáng quốc tế, ngay cả trong Đông Nam Á.

Thành ra hoài bão của tôi trong ngành công nghệ sinh học là hy vọng sau này mình sẽ kết hợp tất cả những Việt kiều, những sinh viên du học bên đây, tự mình đưa những trường đại học của mình vào trong một tầm dáng quốc tế, có lẽ đó là điều hoài bão nhứt của tôi.

Tôi nghĩ là người Việt Nam mình, khả năng thì đương nhiên là có lẽ không kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới, vấn đề còn lại là điều kiện, bởi sự tổ chức, cơ cấu của mình thôi. Tôi hy vọng là Việt Nam mình sẽ có một số trung tâm khảo cứu về công nghệ sinh học trong những trường đại học mà cũng có tầm dáng quốc tế.

Thanh Trúc : Thưa TS Nguyễn Thiện Hùng, xin cảm ơn tất cả những lời chia sẻ của ông đến với chúng tôi. Và cũng trong dịp đầu năm 2010 xin cầu chúc cho những mong ước của ông được thành tựu.

TS Nguyễn Thiện Hùng : Cảm ơn Thanh Trúc rất nhiều.